Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII TN B (Mc 10,17-30)

0
490

CÁI KHÓ CỦA NGƯỜI GIÀU

Chú giải Tin Mừng CN XXVIII TN B (Mc 10,17-30)

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
17 Καὶ ἐκπορευομένου αὐτοῦ εἰς ὁδὸν προσδραμὼν εἷς καὶ γονυπετήσας αὐτὸν ἐπηρώτα αὐτόν· διδάσκαλε ἀγαθέ, τί ποιήσω ἵνα ζωὴν αἰώνιον κληρονομήσω;

18 ὁ δὲ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῷ· τί με λέγεις ἀγαθόν; οὐδεὶς ἀγαθὸς εἰ μὴ εἷς ὁ θεός.

19 τὰς ἐντολὰς οἶδας· μὴ φονεύσῃς, μὴ μοιχεύσῃς, μὴ κλέψῃς, μὴ ψευδομαρτυρήσῃς, μὴ ἀποστερήσῃς, τίμα τὸν πατέρα σου καὶ τὴν μητέρα.

20 ὁ δὲ ἔφη αὐτῷ· διδάσκαλε, ταῦτα πάντα ἐφυλαξάμην ἐκ νεότητός μου.

21 Ὁ δὲ Ἰησοῦς ἐμβλέψας αὐτῷ ἠγάπησεν αὐτὸν καὶ εἶπεν αὐτῷ· ἕν σε ὑστερεῖ· ὕπαγε, ὅσα ἔχεις πώλησον καὶ δὸς [τοῖς] πτωχοῖς, καὶ ἕξεις θησαυρὸν ἐν οὐρανῷ, καὶ δεῦρο ἀκολούθει μοι.

22 ὁ δὲ στυγνάσας ἐπὶ τῷ λόγῳ ἀπῆλθεν λυπούμενος· ἦν γὰρ ἔχων κτήματα πολλά.

23 Καὶ περιβλεψάμενος ὁ Ἰησοῦς λέγει τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· πῶς δυσκόλως οἱ τὰ χρήματα ἔχοντες εἰς τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ εἰσελεύσονται.

24 Οἱ δὲ μαθηταὶ ἐθαμβοῦντο ἐπὶ τοῖς λόγοις αὐτοῦ. ὁ δὲ Ἰησοῦς πάλιν ἀποκριθεὶς λέγει αὐτοῖς· τέκνα, πῶς δύσκολόν ἐστιν εἰς τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ εἰσελθεῖν·

25 εὐκοπώτερόν ἐστιν κάμηλον διὰ [τῆς] τρυμαλιᾶς [τῆς] ῥαφίδος διελθεῖν ἢ πλούσιον εἰς τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ εἰσελθεῖν.

26 οἱ δὲ περισσῶς ἐξεπλήσσοντο λέγοντες πρὸς ἑαυτούς· καὶ τίς δύναται σωθῆναι;

27 ἐμβλέψας αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς λέγει· παρὰ ἀνθρώποις ἀδύνατον, ἀλλ᾽ οὐ παρὰ θεῷ· πάντα γὰρ δυνατὰ παρὰ τῷ θεῷ.

28 Ἤρξατο λέγειν ὁ Πέτρος αὐτῷ· ἰδοὺ ἡμεῖς ἀφήκαμεν πάντα καὶ ἠκολουθήκαμέν σοι.

29 ἔφη ὁ Ἰησοῦς· ἀμὴν λέγω ὑμῖν, οὐδείς ἐστιν ὃς ἀφῆκεν οἰκίαν ἢ ἀδελφοὺς ἢ ἀδελφὰς ἢ μητέρα ἢ πατέρα ἢ τέκνα ἢ ἀγροὺς ἕνεκεν ἐμοῦ καὶ ἕνεκεν τοῦ εὐαγγελίου,

30 ἐὰν μὴ λάβῃ ἑκατονταπλασίονα νῦν ἐν τῷ καιρῷ τούτῳ οἰκίας καὶ ἀδελφοὺς καὶ ἀδελφὰς καὶ μητέρας καὶ τέκνα καὶ ἀγροὺς μετὰ διωγμῶν, καὶ ἐν τῷ αἰῶνι τῷ ἐρχομένῳ ζωὴν αἰώνιον.

(Mk. 10:17-30 BGT)

17 khi Đức Giê-su đi ra trên đường, một người chạy đến và sau khi quỳ xuống, anh ta cứ hỏi Người rằng: Thưa Thầy tốt lành! Tôi cần làm gì để mà tôi có thể thừa hưởng[1] sự sống đời đời?

18 Đức Giê-su nói cùng anh ta: Tại sao anh lại nói tôi là người tốt lành? Không có ai là người tốt lành ngoại trừ Thiên Chúa.

19 Anh đã biết những điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp; chớ là chứng gian; chớ lừa gạt; tôn kính cha mẹ.

20 Người ấy trả lời cùng Người: Thưa Thầy! Tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ từ lúc còn trẻ.

21 và khi nhìn anh ta, Đức Giê-su yêu mến anh ta và nói cùng anh ta:  Có một điều anh thiếu nữa: Hãy đi, hãy bán những gì anh có và hãy cho những người nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời và hãy đến đây, hãy theo Ta.

22 Nhưng vì anh ta bị sốc vì lời này, nên anh ra đi với sự buồn rầu vì có nhiều của cải.

23 Và sau khi nhình quanh, Đức Giê-su nói cùng các môn đệ của mình: “Thật là khó làm sao để những người có của đi vào nước Thiên Chúa.”

24 Các môn đệ kinh ngạc vì những lời của Người. Đức Giê-su lại đáp trả và nói cùng họ: “Các con ơi, đi vào Nước Thiên Chúa thì khó biết bao!

25 Con lạc đà chui qua lỗ kim thì còn dễ hơn Người giàu đi vào nước Thiên Chúa.

26 Họ [các môn đệ] cứ cực kỳ kinh ngạc nói với nhau: Vậy thì ai có thể được cứu?

27 Sau khi nhìn họ, Đức Giê-su nói: Đối với con người thì không thể, nhưng không phải đối với Thiên Chúa vì đối với Thiên Chúa tất cả đều có thể.

28 Ông Phê-rô bắt đầu nói cùng Đức Giê-su: Thầy xem, chúng con đã bỏ mọi sự và đã đi theo Thầy.

29 Đức Giê-su đáp trả: Thật, Thầy bảo thật anh, không ai là những người đã bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hoặc ruồng vườn vì Thầy và vì Tin Mừng

30 trừ khi người ấy có thể nhận được gấp trăm lần bây giờ và trong thời điểm ấy: nhà cửa hay anh em, hay chị em hay mẹ hay con cái hay ruộng vườn cùng với sự bách hại và đi vào sự sống vĩnh cửu trong ngày ấy.

Bối Cảnh

Đoạn Tin Mừng Mc 10,17-30 nằm trong chương 10 của Tin Mừng Mác-cô. Xét về không gian hoạt động của Đức Giê-su, đây là những bài giảng Đức Giê-su giảng trên đường lên Giê-ru-sa-lem (Mc 10,1-52). Trong không gian rộng hơn, đây là một trình thuật trong nửa sau (8,31 – 16,8) của hành trình mạc khải về Đấng Ki-tô trong toàn bộ Tin Mừng Mác-cô. Nửa sau này bắt đầu từ sau lời tuyên xưng của Tông Đồ Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8,29). Đức Giê-su đang tiếp tục dạy dân chúng và các môn đệ về sứ vụ và vai trò của Đấng Ki-tô theo hai khía cạnh. Một mặt, Người tiếp tục củng cố hiểu biết của các môn đệ về một Đấng Ki-tô vinh quang làm phép lạ, nhưng mặt khác Người chú tâm hơn vào việc giúp cho các môn đệ hiểu về một Đấng Ki-tô tự hạ, chịu thương khó và chịu chết. Xét về chủ đề, trong bối cảnh chương 10, Đức Giê-su đang giảng dạy về 3 chủ đề. Có thể gọi ba chủ đề này là: Tình (ly dị: 10,1-12), tiền (giàu có: 10,17-27) và tài (quyền chức: 10,35-40).[2] Những chủ đề này đều tương quan với “sự sống đời đời”. Trong bối cảnh trực tiếp đoạn văn này nằm ngay sau đoạn văn nói về việc ly hôn và làm thế nào để vào Nước Thiên Chúa. Mô hình quen thuộc: Từ một sự việc khởi đầu từ người ngoài, Đức Giê-su dạy các môn đệ của mình: Từ sự kiện, một người giàu có tham vấn về cách thức để có sự sống đời đời, Đức Giê-su dạy các môn đệ về sự giàu có cản trở hành trình vào Nước Trời, và phần thưởng cho những người bỏ mọi sự. Mẫu hình này tương tự như trình thuật trước đó: Từ thảo luận về việc ly hôn khởi đầu từ nhóm Pha-ri-sêu, Đức Giê-su dạy các môn đệ về tội ngoại tình; Từ sự việc người ta đem trẻ nhỏ đến với Đức Giê-su, trước phản ứng của các môn đệ, Đức Giê-su dạy họ về cách thức để vào Nước Thiên Chúa. Ngược với những trẻ em, hay những người như trẻ em, là những người phụ thuộc, phó thác hoàn toàn vào Chúa là Cha, người giàu có sở hữu quá nhiều thứ khiến họ rời ra khỏi bàn tay Chúa. Trong đoạn văn này, chủ đề Nước Thiên Chúa và sự sống đời đời cũng được nhấn mạnh. Sự sống đời đời là thuật ngữ đóng khung trình thuật này. Nó mở đầu đoạn văn (Mc 10,17) và kết thúc đoạn văn (Mc 10,30). Còn thuật ngữ Nước Thiên Chúa được lặp lại cách dày đặc, 3 lần trong ba câu (Mc 10,23.24.25). Một chủ đề khác cũng được nhấn mạnh không kém. Đó là sự từ bỏ. Chúng ta đã nghe nói đến chủ đề từ bỏ mình, vác thập giá của mình hằng ngày nếu muốn theo Đức Đức Giê-su (Mc 8,34). Sự “từ bỏ tất” cả cũng gợi nhớ đến lời dạy của Đức Giê-su về mối phúc “tinh thần khó nghèo”, với phần thưởng Nước Trời (Mt 5,3); “đừng lo lắng cho thân thể ăn gì, uống gì, cho thân thể mặc gì” (Mt 6,25). Chủ đề bách hại cũng giúp độc giả liên tưởng đến hoàn cảnh của các ki-tô hữu sơ khai, và nhất là cuộc khổ nạn Đức Giê-su đã và đang đề cập 3 lần liên tục (chương 8,9, và 10). Đức Giê-su sẽ nói cụ thể về những bách hại sẽ xảy ra cho những người môn đệ. “Người ta sẽ nộp anh em cho hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ biết” (Mc 13,9; Cf. Mt 10,18; Lc 21,12). Khẳng định của Đức Giê-su: “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” đã được thể hiện trong câu chuyện của Gia-kêu (Lc 19,1-10). Hình ảnh người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa được minh họa bằng dụ ngôn người phú hộ giàu có và anh La-da-rô nghèo nàn (Lc 16,19-31) và dĩ nhiên, hình ảnh “anh ta sốc, nên bỏ đi cách buồn bã vì anh có nhiều của cải” là ví dụ chắc nịch cho lý luận của Đức Giê-su. Danh từ số nhiều “các điều răn” dĩ nhiên là nhắc nhớ đến Thập Điều trong Xh 20,12-16 và Đnl 12,16-20.

Cấu trúc

Bản văn Mc 10,17-30 có hai loại cấu trúc: (1) Cấu trúc tổng thể (A-B-A’); (2) Cấu trúc chi tiết từng phần (A, B, C). Cấu trúc tổng thể là một cấu trúc quy tâm, gồm có ba phần tương đương với ba đoạn văn: (A) Người giàu có – rút lui // (A’) Các môn đệ từ bỏ – đi theo; Phần (B) phần trung tâm: Người giàu khó vào Nước Thiên Chúa. Cấu trúc chi tiết gồm ba phần chính (A, B, C). Phần A: Cuộc thảo luận giữa Đức Giê-su và một người ao ước thừa hưởng sự sống đời đời. Phần này là một cấu trúc song song, trong đó (a) Thầy tốt lành // (a’) Thiên Chúa tốt lành; (b) Câu hỏi “làm sao để thừa hưởng sự sống đời đời”// (b’) Những hành động để thừa hưởng sự sống đời đời. Phần B: Lời dạy của Đức Giê-su dành cho các môn đệ xoay quanh sự giàu có và Nước Thiên Chúa. Phần này có cấu trúc quy tâm. (a) Ngưởi giàu vào Nước Thiên Chúa thì rất khó// (a’) Đối với Thiên Chúa thì có thể được; (b) Sự kinh ngạc của các môn đệ // (b’) Sự kinh ngạc cực kỳ của các môn đệ. Phần trung tâm của cấu trúc này là sự minh họa sự khó khăn của việc người giàu có vào Nước Thiên Chúa: Khó hơn việc con lạc đà chui qua lỗ kim. Phần C: Người nghèo “các môn đệ” và phần thưởng. Phần này có cấu trúc song song. (a) Những gì các môn đệ từ bỏ // (a’) những gì các môn đệ nhận lại.

 

Tổng Quát

 

(A) Người giàu có – buồn bã rút lui (10,17-22)

(B) Người giàu khó vào Nước Thiên Chúa (10,24-27)

(A’) Các môn để – bỏ tất cả và theo (10,28-30)

 

 

 

 

 

 

 

Chi tiết

A. Đức Giê-su và người muốn có sự sống đời đời

Mở đầu – bối cảnh: Không gian và nhân vật (10,17a)

(a) Thưa Thầy tốt lành! (10,17b)

(b) Tôi cần làm gì để mà tôi có thể thừa hưởng sự sống đời đời? (10,17c)

(a’) Một mình Thiên Chúa tốt lành (10,18)

(b’) Giữ những điều răn, đi, bán hết, cho, đến và theo (10,19-22)

Kết thúc – kết quả: Sốc – bỏ đi vì có nhiều của cải (10,22)

B. Người giàu khó vào Nước Thiên Chúa:

(a) Rất khó cho người giàu có đi vào Nước Thiên Chúa (10,23)

(b) Các môn đệ kinh ngạc (10,24a)

(c) Đi vào Nước Thiên Chúa thì khó biết bao (10,24b-25)

            Người giàu vào NTC khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (10,25)

(b) Các môn đệ cực kỳ kinh ngạc: Ai có thể được cứu? (10,26)

(a) Đối với Thiên Chúa thì mọi sự có thể được (10,27)

C. Người nghèo “các môn đệ” và sự sống vĩnh cửu

(a)   Bỏ tất cả và đi theo Thầy (10,28-29)

Nhà cửa, anh-chị-em-cha-mẹ-con cái, ruộng vườn

(a) Nhận được gấp trăm: Nhà cửa, anh-chị-em-mẹ-con cái, ruộng vườn

cùng với sự bách hại và sự sống vĩnh cửu (10,30).

 

Một số điểm chú giải

  1. Đi ra trên đường: Cụm từ “trên đường” (nghĩa đen vào trong đường) có thể mang nghĩa là trên hành trình rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ (x. Mc 6,8). Tuy nhiên, hành trình của Đức Giê-su trong bối cảnh này là hành trình trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Trong Tin Mừng Luca độc giả có thế thấy rõ hơn nhờ lối diễn tả cụ thể, lặp lại của tác giả: “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 13,22; 17,11). Đây là hành trình Người sẽ đi về cõi chết và sẽ phục sinh. Trong Tin Mừng Mác-cô, ngay sau trình thuật này, độc giả cũng gặp thấy cách nói tương tự: “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem” (Mc 10,32; xem thêm cách diễn tả hành trình trong 8,27; 9,2.9.14.30.33; 10,1). Trong bối cảnh ấy, câu hỏi về sự sống đời đời của một người đang chạy theo Người là hợp lý. Trên hành trình ấy, Người còn gặp và mở mắt cho người mù Giê-ri-khô (10,46-52) với kết quả là anh ta nhìn thấy và bước theo Người trên hành trình của Người.
  2. Chạy…quỳ xuống…cứ hỏi: Nhân vật này là ai? Trong cùng một trình thuật, Mát-thêu cho biết nhân vật này là một thanh niên (Mt 19,22), trong khi đó, theo Luca, nhân vật này là một thủ lãnh cấp cao (Lc 18,18). Mác-cô không mô tả địa vị và tuổi tác của người này, ông chỉ nói rằng “có một người”, mà người này được diễn tả là “đang chạy”. Những chi tiết rất năng động và tích cực của người này chỉ tìm thấy trong bản văn của Mác-cô: Chạy, quỳ, cứ hỏi (Mt: nói cùng; Lc: đã hỏi). Hành động chạy diễn tả một điều cấp thiết, phải làm nhanh nhất có thể.[3] Thái độ và cử chỉ của người này thật là nghiêm túc và chân thành. Hành động quỳ xuống trước một thầy dạy cung cách lạ thường, không phải là thói quen của người Do Thái. Cách gọi của anh ta dành cho Đức Giê-su (thưa Thầy tốt lành: διδάσκαλε ἀγαθέ) cho thấy sự tôn trọng lẫn sự tin tưởng và ngưỡng mộ. Danh xưng “Thầy” rất phù hợp trong bối cảnh Đức Giê-su đang dạy các môn đệ và dân chúng về Nước Trời, nhất là, Người đang dạy các môn đệ mầu nhiệm khổ-tử nạn – phục sinh (Mc 8,31; 9,31). Rất nhiều người gọi Đức Giê-su là (Thầy: διδάσκαλε-didaskale) (x. Mc 4,38; 9,17.38; 10,17.20.35), nhưng chỉ có người này, trong bối cảnh này, mới gọi Đức Giê-su là “tốt lành” (ἀγαθέ-agathe). Đây là cách gọi khá lạ lẫm, vì người ta không tìm ra một ví dụ tương tự trong các tác phẩm thế kỷ thứ nhất hay sớm hơn. Phải đến giữa thế kỷ thứ tư, người ta mới thấy một cách gọi tương tự trong Talmud (Bộ diễn giải của các Rabbi Do Thái), trong đó Rabbi Eleazar được viết cho rằng: “Lời chào tốt lành cho thầy tốt lành từ Đức Chúa, Đấng phân phát rộng rãi tốt lành cho dân Người”.[4] Điều này đã làm cho Đức Giê-su chú ý. Người khẳng định rằng “chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành”. Thiên Chúa là nguồn thiện hảo duy nhất. Bản văn St 1,1 – 2,3 cho thấy Thiên Chúa làm mọi sự đều rất tốt đẹp. Câu trả lời của Đức Giê-su, nếu đọc trong bối cảnh của cộng đoàn các tín hữu sau Phục Sinh, có thể hiểu rằng Đức Giê-su ám chỉ Người là Thiên Chúa (Thiên Chúa = Đấng tốt lành). Trong bối cảnh trực tiếp, có thể hiểu là Đức Giê-su dường như không muốn dành vinh quang cho mình[5], hoặc là Người không muốn người này nhìn nhận một sự tốt lành tuyệt đối nơi một con người, xét vì anh ta chỉ biết Đức Giê-su như một “thầy dạy” mà thôi. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vượt trội hơn loài người vì Người là Cha trên trời, Đấng luôn ban những điều tốt lành cho những kẻ kêu xin (Mt 7,11); Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su tự giới thiệu Người là “mục tử tốt lành” (Ga 10,11.14), với ý nghĩa rằng, Người hy sinh tính mạng cho đàn chiên, và Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người. Tuy nhiên, tính từ tốt lành ở trong Tin Mừng thứ tư là tính từ “kalos” chứ không phải “agathos”. Tính từ này bao hàm cả sự đẹp đẽ từ bề ngoài lẫn bên trong con người.
  3. Sự sống đời đời… Nước Thiên Chúa … được cứu: Ngữ danh từ “sự sống đời đời” là một trong những đề tài chủ yếu nói về thời cánh chung trong truyền thống Tân Ước. Trong bối cảnh này, nó là một mục tiêu quan trọng của nhân vật không tên trong câu chuyện này. Anh ta “chạy” với tinh thần hớn hở; anh ta “quỳ xuống”, với lòng kính trọng và thành tâm; anh ta “cứ hỏi”, với sự tha thiết mong mỏi một lời giải đáp. Ngữ danh từ này chính là thuật ngữ mở đầu kết thúc toàn bộ trình thuật từ 10,17 đến 10,31. Thuật ngữ Nước Thiên Chúa được lặp lại ba lần như một điệp khúc trong đoạn văn này (10,23.24.25) và là một lối diễn giải cho thuật ngữ “sự sống đời đời”. Theo mạch văn, sau khi người giàu có bỏ đi, Đức Giê-su liền nói đến chủ đề “sự khó khăn cho người giàu có muốn vào Nước Thiên Chúa”. Người ấy xin Người chỉ cách để có sự sống đời đời, Đức Giê-su nói là “rất khó để cho người như anh ta (người giàu) đi vào Nước Thiên Chúa. Như vậy, thừa hưởng sự sống đời đời đồng nghĩa với “đi vào Nước Thiên Chúa”. Kiểu đồng hóa này không phải là mới trong Tin Mừng Mác-cô. Trong trình thuật nói về những cớ vấp ngã (9,42-50), độc giả cũng thấy sự đồng hóa giữa “đi vào cõi sống” (9,44.45) và “đi vào Nước Thiên Chúa” (9,47). Hơn nữa, trong mạch văn của đoạn này, độc giả lại nhận thấy “đi vào Nước Thiên Chúa” được các môn đệ đồng hóa với việc “được cứu”: “Vậy thì ai có thể được cứu?”. Động từ “cứu” có liên hệ mật thiết với sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su, Đấng đến “để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Như vậy, “người giàu có” nói về “sự sống đời đời”, Đức Giê-su nói về việc “đi vào Nước Thiên Chúa”, các môn đệ lại nói về việc “được cứu”, cuối cùng Đức Giê-su công bố phần thưởng “sự sống đời đời” cho các môn đệ (10,30).
  4. Những điều răn: Những điều răn Đức Giê-su trích dẫn có nguồn gốc từ sách Xuất Hành (Xh 20,12-16) và Đệ Nhị Luật (5,16-20). Thật ra, Đức Giê-su chỉ trích ra năm điều răn trong Thập Điều (chớ giết Người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy tôn kính cha mẹ). Điều răn “chớ lừa gạt” (CGKPV: “Chớ làm hại ai”; NTT: “Chớ quịt ai”) không có cả trong bản Thập Điều của Xuất Hành lẫn Đệ Nhị Luật. Có tác giả giải thích rằng có lẽ người giàu có đôi khi “lừa gạt” những người nghèo, hay giảm lương của công nhân, nên Đức Giê-su thêm điều này.[6] Những điều răn như: “Chớ tạc tượng và thờ tà thần”; “Chớ dùng danh Đức Chúa cách vô ích”; “Giữ ngày Sa-bát”; “Chớ muốn nhà cửa của người thân cận, ruộng vườn, tôi trai, tớ gái, bò lừa, bất cứ, các loại gia cầm hay bất cứ cái gì của nó”; “Chớ muốn vợ của người thân cận”. Đức Giê-su của Mát-thêu còn thêm một điều răn rất quan trọng “anh phải yêu đồng loại như chính mình”, ngay sau điều răn “hãy tôn kính cha mẹ” (Mt 19,19; x. Lv 19,18). Tuy nhiên, cả trong Mát-thêu và Luca không có điều răn “chớ lừa gạt” như của Mác-cô. Có lẽ cả vì hai tác giả này thấy điều răn này không có trong Thập Điều của Xh 20 và Đnl 5, nên họ cố ý bỏ đi. Tất cả những điều này là chuyện nhỏ đối với “người giàu có” này. Anh ta không những biết mà còn tuân giữ. Anh không những mới tuân giữ, mà còn tuân giữ “từ thuở nhỏ”. Người này quả là một mẫu hình tuyệt hảo cho sự vâng phục đối với Torah. Sự nhắc nhớ của Đức Giê-su về các điều răn cho thấy Người coi trong giá trị của Torah (Luật) và xem việc giữ thực hành Torah như là một phần quan trọng để có sự sống đời đời.[7] Tuy nhiên, đó chưa bao gồm tất cả các điều phải làm, để có thể thừa hưởng sự sống đời đời. Có những điều quan trọng hơn mà Đức Giê-su sẽ giới thiệu sau đó. Để hiểu quan điểm của Đức Giê-su về các điều răn cần phải đọc thêm giải thích theo kiểu phản đề ở Mt 5,21-26, trong đó Đức Giê-su mở rộng ra tất cả các điểu khoản phải giữ. Ví dụ, điều răn “chớ giết người” được mở rộng ra “chớ giận ghét anh chị em mình”; “chớ ngoại tình” được mở rộng thành “đừng nhìn người phụ nữ với sự thèm muốn” …
  5. Yêu mến: Đây là lần hiếm hoi trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su được diễn tả “yêu mến” một cá nhân nào đó. Những điều người này đã làm quả là ấn tượng và đáng yêu. Khao khát sự sống đời đời, chạy đến, quỳ gối trước Đức Giê-su để hỏi và đã đi được một chặng đường dài: giữ nhiều điều răn từ nhỏ. Những tố chất tích cực của anh ta không phải ai cũng có được. Tình thương của Đức Giê-su có thể là cảm tình, cảm mến trước một người chuẩn mực như thế.[8] Tuy nhiên, tình thương ấy cũng có thể là tình thương biểu lộ một sự tiếc nuối cho người này, bởi lẽ Đức Giê-su sớm biết rằng người này khó có thể đi đến bước cuối cùng, vì anh ta còn nặng lòng với của cải. Trước khi “thương anh”, Đức Giê-su đã “nhìn” anh cách cẩn thận. Đây có thể là cái nhìn trìu mến, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cái nhìn thương cảm, tiếc nuối cho những điều anh ta còn thiếu.
  6. Hãy đi, hãy bán, hãy cho, hãy đến, hãy theo: Tuy Đức Giê-su nói rằng, “anh chỉ thiếu một điều”, nhưng thực chất đó lại là một tiến trình dài để có thể trở thành người môn đệ. Đó là một hành trình khác dài với một loạt năm hành động khó khăn: “Đi”- “Bán hết” tài sản – “Cho” (người nghèo) – “Đến” – “Theo” Đức Giê-su. Nghĩa là, anh ta không những bỏ hết tài sản, mà còn bỏ cả cuộc đời mình nữa. Giê-su của Mát-thêu gọi loạt hành động này là điều kiện để “nên hoàn thiện, hay hoàn hảo” (Mt 19,21). Kiểu nói này gợi nhớ đến lời mời gọi của Đức Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi (chỉ có trong Mát-thêu): “Anh em phải nên hoản hảo, như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5,48). Những hành động này gợi nhớ phần nào ơn gọi của các môn đệ. Tuy họ đã không bán hết của cải để cho người nghèo, nhưng họ đã từ bỏ hết tất cả để theo Đức Giê-su, như Phê-rô đã nhìn nhận thay cho tất cả sau đó (10,28). Những hành động này cũng gợi nhớ đến câu chuyện về sự hoán cải của Gia-kêu: “Đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Đức Giê-su không mời gọi Gia-kêu cách trực tiếp, nhưng sự viếng thăm của Người đã cảm hóa Gia-kêu cách hoàn toàn. Có thể nói rằng “giữ các điều răn” theo kiểu không vi phạm mà thôi, thì thiếu đi chiều hướng tích cực, năng động. Điều năng động mà anh ta làm được duy nhất là “tôn kính cha mẹ”. Tuy nhiên, dám bỏ đi tất cả để cho người nghèo vừa giúp anh ta thanh thoát với của cải, vừa giúp anh ta mở lòng ra với những người đau khổ chung quanh mình. Hơn nữa, việc đi theo Đức Giê-su giúp anh ta bỏ đi chính mình, thay đổi những hoạch định của đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Đó là những hành động cần thiết của thành viên Nước Thiên Chúa. Người mù Giê-ri-khô, sau khi được Đức Giê-su chữa lành đôi mắt đã “bước theo Người trên con đường Người đi” (Mc 11,52).
  7. Bị sốc … ra đi … buồn rầu: Phản ứng, cảm xúc của “người giàu có” lúc này ngược lại hẳn với cảm xúc và hành vi lúc ban đầu. Lúc đầu anh ta chạy, giờ anh ta đi. Lúc đầu anh ta năng động “cứ hỏi” Đức Giê-su, giờ anh im lặng, “buồn rầu”. Lúc đầu anh ta đầy hy vọng, tự tin cho đến sau câu hỏi của Đức Giê-su về các điều răn, giờ đây anh lại bị sốc, và “đứng hình”. Tất cả những thay đổi trái ngược này đều đến từ một nguyên nhân sâu xa. Đó là vì “anh ta có nhiều của cải”. Giàu có không phải là một cái tội, nhưng “nặng lòng”, “dính bén” với của cải chính là một cản trở quá lớn đối với người môn đệ. Thế mới có câu “đồng tiền” liền với khúc ruột. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Mamonas)” (Mt 6,24; Lc16,13). Muốn theo Đức Giê-su thì không thể yêu mến của cải được.
  8. Người có nhiều của cải … người giàu: Có hai cách dùng để diễn tả người này: Người có nhiều tài sản và người giàu. Nhóm từ chỉ người giàu được lặp lại 3 lần (10,22.23.25) cùng với tính từ “khó” (10,23.24) được lặp lại hai lần tương ứng. Có một lần tính từ “dễ” được dùng với hình thức so sánh lạ lùng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu có đi vào Nước Thiên Chúa”. Điều này ngụ ý rằng, việc người giàu có vào Nước Thiên Chúa là cực kỳ khó. Theo Đức Giê-su giàu có, đồng nghĩa với “khó”, thậm chí “cực kỳ khó” vào Nước Thiên Chúa.
  9. Kinh ngạc …cực kỳ kinh ngạc: Phản ứng của các môn đệ được mô tả tăng dần sau những câu nói của Đức Giê-su: Từ “kinh ngạc” (10,24) đến “cực kỳ kinh ngạc” (10,26), ứng với sự tăng dần mức độ khó của việc người giàu vào Nước Thiên Chúa: Từ “khó” (2 lần) đến “cực khó” (khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim). Các môn đệ dù đã bỏ mọi sự để theo Chúa. Tuy thế, các ông vẫn không nghĩ rằng tiền của sẽ là một sự cản trở lớn đến như kiểu Đức Giê-su nói. Thực tế, trong các ông, vẫn còn những người rất ham mề quyền lực thế gian. Trước đó ít lâu, họ đã tranh dành nhau xem ai là người quyền lực nhất trong nhóm (Mc 9,34). Ngay sau đoạn này, hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã xin Đức Giê-su đặc cách cho hai vị trí tốt nhất (ngồi bên tả và bên hữu) Người (10,36). Khi nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối (10,41). Sở dĩ người ta muốn quyền, vì nó đem lại tiền bạc và lợi tức. Hơn nữa, Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, được diễn tả như là người tham tiền (Ga 12,6). Các môn đệ kinh ngạc, có lẽ vì họ nghĩ rằng, người giàu có sung túc về của cải mà không được vào Nước Thiên Chúa thì người nào mới được. Họ cũng chưa nghĩ ra Nước Thiên Chúa là phần phúc của họ, hay thậm chí không biết họ có được gì hay không. Chúng ta nhận thấy điều nay trong câu hỏi của Phê-rô: “Chúng con bỏ mọi sự để theo Thầy. Vậy, chúng con được gì?” (Mt 19,27). Hơn nữa, theo quan điểm chung của người Do Thái, một phần hy vọng cho Vương Quốc mới nằm ở chỗ xóa bỏ sự nghèo đói, bệnh tật, thiếu thốn, và đảm bảo sự sung túc về vật chất, khỏe mạnh và bình an. Các truyền thống Đệ Nhị Luật và Khôn Ngoan đều cho rằng, những người tuân giữ điều răn của Chúa thì được tặng thưởng sự giàu có sung túc (Đnl 28,1-8; Cn 10,22; Hc 11,17).[9] Như vậy, quan điểm cho rằng sự giàu có là một cản trở lớn cho việc đi vào Nước Thiên Chúa quả là rất buồn cười.[10]
  10. Con lạc đà chui qua lỗ kim: Đây là hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia chú giải. Con lạc đà to cao thế nào thì ai cũng biết rồi, vấn đề khó hiểu là “lỗ kim”. Trong tiếng Hy Lạp ngữ giới từ “διὰ [τῆς] τρυμαλιᾶς [τῆς] ῥαφίδος ”, theo nghĩa đen là “xuyên qua con mắt (hay lỗ) của cây kim”. Đây là cách nói “ngoa dụ”. Hình ảnh càng tương phản thì càng diễn tả được sự khó khăn, mà Đức Giê-su ám chỉ. Có thể hiểu hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim theo nghĩa đen, nhằm diễn tả thực tế rõ ràng không thể xảy ra, bởi con lạc đà thì quá to mà lỗ kim thì quá nhỏ.[11] Kiểu như câu thành ngữ “mò kim dưới đáy biển”. Đã có những lối giải thích như muốn giảm nhỏ kích thước con lạc đà hoặc tăng kích cỡ của lỗ kim. Có khuynh hướng kinh sư cho rằng con lạc đà (camelos: κάμηλος) thực chất là sợi dây thừng (camilos: κάμιλος). Câu này sẽ trở thành: “Sợi dây thường đi xuyên qua lỗ kim”. Có một khuynh hướng khác cho rằng “con mắt của cây kim” là cách gọi một cái cổng nhỏ trên tường thành Giê-ru-sa-lem, mà con lạc đà có thể chui qua được (cách hiểu này được gán cho Anselmo).[12] Tuy nhiên, không cần thiết phải đi ra khỏi ý nghĩa đơn giản của bản văn (có thể là một thành ngữ). Lý do: (i) Đoạn văn đơn giản tiếp tục nói về điều gì đó không thể. Như thánh Giê-rô-ni-mô đã nói “một điều không thể so sánh với một điều không thể khác”; (ii) Các truyền thống giáo phụ hiểu câu này theo nghĩa đen (Cle-men-tê, Ô-ri-gen, Gioan Kim Khẩu, Giê-rô-ni-mô, Au-gus-ti-nô; (iii) Con lạc đà, con vật nội địa lớn nhất ở Pa-les-tin, đã là biểu tượng cho cái gì vĩ đại, còn lỗ của kim may là ví dụ nổi tiếng của một lỗ rất nhỏ; (iv) Việc đặt cạnh nhau những điều nghịch lý là phong cách của Đức Giê-su: “Các người lọc con muỗi, mà lại nuốt con lạc đà” (Mt 23,24).[13]
  11. Đối với Thiên Chúa tất cả đều có thể: Khẳng định này càng có giá trị khi hiểu hình ảnh “con lạc đà chui qua lỗ kim” theo nghĩa đen. Nghĩa là, đó là một điều không thể xảy ra. Các môn đệ cảm nhận được mức độ khó của việc vào Nước Thiên Chúa, sau câu thành ngữ của Đức Giê-su. Câu nói của Đức Giê-su gợi nhớ đến câu nói của sứ thần Gáp-re-el, trong buổi truyền tin cho Đức Maria. Sau khi minh chứng cho Đức Maria thấy rằng người chị họ của cô tuy già, hiếm muộn mà nay đã có thai được sáu tháng, sứ thần kết luận: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Trong lời cầu nguyện của Đức Giê-su trên thập giá, độc giả cũng có thể gặp thấy chân lý này: “Lạy Cha! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14,36). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp thấy ý tưởng này. Khi bà Sara, vợ của Áp-ra-ham không tin vào lời hứa của ba vị khách quý rằng bà sẽ có một con trai vào năm sau, ba vị khách đã nói: “Có điều gì không thể đối với Đức Chúa?” (St 18,14). Ông Gióp cũng nhìn nhận rằng: “Con biết Ngài có thể làm tất cả mọi sự, và không có mục đích nào của Ngài bị cản trở” (G 42,2). Thiên Chúa là Đấng biến điều không thể thành có thể. Ơn cứu độ được ban cho nhà Gia-kêu là một ví dụ cụ thể. Gia-kêu giàu và có quyền thế. Theo lý thì rất khó để được ơn cứu độ. Vậy mà, Đức Giê-su đã viếng thăm nhà ông và biến đổi ông hoàn toàn và công bố ơn cứu độ cho nhà ông (x. Lc 19,1-10).
  12. Bỏ mọi sự và đã đi theo Thầy: Nhìn vào cấu trúc tổng quát, độc giả dễ nhận thấy, đối lại với hình ảnh người giàu có không dám bán của cải, cho người nghèo, đến và đi theo Đức Giê-su. Phê-rô và các môn đệ, đã bỏ thuyền, bỏ nghề, bỏ quê, bỏ cha mẹ, vợ con để đi theo Đức Giê-su trên mọi nẻo đường của sứ vụ. Động từ “bắt đầu” được đặt trước động từ “nói, thưa” của Phê-rô có thể ngụ ý rằng dù theo Đức Giê-su bấy lâu nay, các ông chưa từng đặt vấn đề mình sẽ được lợi ích gì đây. Đề tài nổi lên giữa các ông kể từ khi Đức Giê-su bắt đầu hành trình lên Giê-ru-sa-lem là quyền chức, vị trí lớn nhỏ (x. 9,34; 10,35-40). Có thể, đó là thứ lợi lộc mà họ đã và đang nuôi. Có một điều khá ngạc nhiên là trong bối cảnh này họ lại quan tâm đến chuyện “ai có thể được cứu” (Mc 10,26). Họ có đang nghĩ như Đức Giê-su và “người giàu có” kia nghĩ: Sự sống đời đời = vào Nước Thiên Chúa? Hay là họ vẫn còn nghĩ vào Nước Thiên Chúa là một vương quốc trần thế, do Đức Giê-su thiết lập tại Giê-ru-sa-lem? Thật khó để tin rằng họ đang nghĩ về ơn cứu độ và sự sống đời sau, vì họ vẫn nuôi mộng quyền chức và thống trị. Các ngôn sứ Cựu Ước đã từng nói đến “sự cứu thoát”: “Nhưng Ta sẽ có lòng thương xót với nhà Giu-đa và Ta sẽ cứu họ” (Os 1,7); “Rồi những gọi đến danh Đức Chúa sẽ được cứu” (Ge 2,32); “Ít-ra-el được Đức Chúa cứu bằng ơn cứu độ vĩnh cửu” (Is 45,17). Tuy nhiên, sự cứu thoát này có lẽ nặng về chính trị xã hội, trong bối cảnh dân tộc Ít-ra-el đang chịu cảnh nô lệ. Cách hiểu của các môn đệ cũng ở trong dòng tư tưởng ấy.
  13. Nhận được gấp trăm … đi vào sự sống vĩnh cửu trong ngày ấy: Lời hứa của Đức Giê-su rõ ràng mang nghĩa tinh thần nhiều hơn. Những nhà cửa, ruộng vườn, cha mẹ, con cái có thể chỉ là những giá trị tinh thần.[14] Họ gia nhập vào cộng đoàn môn đệ và trở thành anh chị em của nhau. Những người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,35; Mt 13,50; Lc 8,21) là anh em, chị em, là mẹ của Đức Giê-su và có mối tương quan gia đình với nhau. Họ sẵn sàng chia sẻ với nhau tất cả những gì mình có.[15] Thánh Phao-lô còn dạy rằng mọi tín hữu là một phần thân thể nhiệm mầu của Đức Giê-su (1 Cr 12,12-30). Điều quan trọng là “sự sống vĩnh cửu”. “Sự sống vĩnh cữu” là điều mà “người giàu có” đã ao ước, nhưng đã không vươn tới được, vì anh không muốn từ bỏ tất cả tài sản của mình để theo Đức Giê-su. Các môn đệ đã bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su nên sẽ có “sự sống đời đời” trong ngày ấy.
  14. Sự bách hại:[16] Sự bách hại trong bối cảnh trực tiếp có liên hệ đến cuộc khổ nạn-chết-phục sinh, mà Đức Giê-su đang tiền báo và sẽ trải qua ở Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Đức Giê-su sẽ nói về cuộc bách hại dành cho các môn đệ cách cụ thể. Họ sẽ bị nộp cho các hội đồng và các hội đường, bị đánh đòn, ra trước mặt vua chúa quan quyền (Mc 13,9-10). Họ sẽ bị mọi người thù ghét vì danh Đức Giê-su (Mc 10,13). Cuộc bách hại trở nên khốc liệt khi nó được gây ra bởi các thành viên trong một gia đình: “Anh em nộp nhau cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết (10,12). Sự bách hại là hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn ki-tô hữu sơ khai.[17] Các Tông Đồ, ngoại trừ Gioan, đều chịu tử đạo. Phê-rô và Phao-lô đều chết dưới tay của hoàng đế Rô-ma. Các ki-tô hữu thời sơ khai phải chịu bách hại mãi đến 313, với sắc chỉ Milan của hoàng đế Con-stan-tin, cho phép tự do thực hành tôn giáo, sự bách hại mới chấm dứt.

Bình luận tổng quát

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em thì sẽ chẳng được vào trong đó” (10,16). Đề tài “đi vào Nước Thiên Chúa”; “Có sự sống đời đời” đang là đề tài nóng bỏng trong đoạn văn này. Ngay sau khi Đức Giê-su tuyên bố, Nước Thiên Chúa dành cho những ai giống như những đứa trẻ, là những người bé mọn, không sở hữu, không quyền lực, tín thác, tùy thuộc vào Chúa và đón nhận Nước Chúa như một món quà, một người giàu có đã xuất hiện và bày tỏ ao ước sở hữu một sự sống đời đời. Ngược với một một đứa trẻ, người giàu có sở hữu rất nhiều thứ, khiến cho họ khó tín thác và phụ thuộc vào Chúa, nhất là, anh khó có thể từ bỏ những gì mình có, mà theo Đức Giê-su. Hình ảnh người giàu có được đặt giữa hình ảnh “những trẻ em” và “các môn đệ”, cho thấy một sự trái ngược không thể được dung hòa. Người giàu có này có một số “vốn” rất khá để đầu tư cho “sự sống đời đời”. Anh rất háo hức, ao ước đủ thể hiện qua hành động chạy vội vã. Lòng chân thành, kính trọng của anh được thể hiện qua hành động quỳ gối. Sự tin tưởng của anh được bộc lộ qua cách gọi “Thầy tốt lành” dành cho Đức Giê-su. Thầy tốt lành thì sẽ có những chỉ dạy tốt lành, con đường đúng cho anh đi đến sự sống đời đời. Chưa hết, anh ta còn giữ những “điều răn” từ thuở nhỏ. Đó là một khởi đầu không thể tốt hơn. Đức Giê-su đã nhìn anh với ánh mắt trìu mến, Người đã thương mến anh. Người thương mến anh, vì anh là người đáng quý, chân chính trong sự khao khát sự sống đời đời và có sự chuẩn bị đàng hoàng, bằng cách giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Tuy vậy, Người cũng thương cảm cho anh, vì anh có một sự cản trở quá lớn không thể vượt qua được. Đó là sự giàu có. Những cảm xúc hồ hởi, phấn khởi, tự tin, hy vọng của anh từ lúc đầu, bỗng chốc tan biến vào nỗi buồn bã, thất vọng thê thảm, khi Đức Giê-su mời gọi một loạt hành động: “Hãy đi”, “hãy bán”, “hãy cho”, “hãy đến”, và “hãy theo”. Đó là một đòi hỏi cần thiết để cho anh tích trữ một kho tàng trên trời, nơi mối mọt không thể làm hư hại; là một cánh cửa để anh có thể mở lòng ra với người nghèo, thay vì chỉ giữ điều răn một cách thụ động; là con đường, lộ trình để anh có thể trở nên người môn đệ của Đức Giê-su, sứ giả của Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả đều quá khó đối với anh. Nốt thắt “tiền của” đã buộc chặt lòng anh lại vì “đồng tiền dính liền với khúc ruột”. chắc anh tự nhủ lòng: Thôi! Xem như anh chưa nói gì với Đức Giê-su, xem như anh không có duyên với “sự sống đời đời”. Phản ứng của “người giàu” này là một bối cảnh cụ thể, để Đức Giê-su dạy các môn đệ về sự khó khăn trăm bề của việc người giàu có đi vào Nước Thiên Chúa. “Sự sống đời đời” được Đức Giê-su chuyển thành “đi vào Nước Thiên Chúa”. Đức Giê-su đã làm cho các môn đệ lên đến đỉnh điểm của sự kinh ngạc, khi Người lần lượt nói “thật khó biết bao cho người giàu vào Nước Thiên Chúa”, rồi “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có đi vào Nước Thiên Chúa”. Con lạc đà không bao giờ có thể chui qua lỗ kim, vậy mà còn dễ hơn người giàu đi vào Nước Thiên Chúa sao? Khó như vậy thì ai có thể được cứu? Các môn đệ kinh ngạc và hết hy vọng, bởi lẽ trong suy nghĩ của họ cũng như bao người Do Thái. Sự giàu có chính là một sự chúc phúc của Chúa, dành cho những ai sống đẹp lòng Chúa, giữ mệnh lệnh của Người. Nước Thiên Chúa là một vương quốc lý tưởng, mà trong đó không còn sự nghèo đói, bệnh tật, đau khổ và bất công. Vậy mà người giàu lại khó vào đến thế thì còn ai có thể được vào. Tuy nhiên, hy vọng lại trỗi dậy cho các môn đệ, khi Đức Giê-su khẳng định: “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Người đã cho Đức Maria, một trinh nữ mang thai; đã cho bà Ê-li-sa-bét cũng như bà Sara, những bà lão hiếm muộn mang thai; Người đã cho Gia-kêu, người giàu có kếch xù được hưởng ơn cứu độ. Tuy nhiên, lợi thế của việc đi vào Nước Thiên Chúa, vẫn nghiêng về những người dám từ bỏ mọi sự mà theo Chúa. Đó chính là hoàn cảnh của các môn đệ. Họ đã bỏ cha, mẹ, anh, chị, em, con cái, nhà cửa, vườn tược để theo Đức Giê-su bấy lâu, trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Phê-rô và đồng bạn có lý, để hỏi về một phần thưởng cho sự từ bỏ mọi sự này. Đức Giê-su đã khẳng định họ sẽ được nhận gấp trăm đời này, tất cả những gì họ đã từ bỏ và sự sống vĩnh cửu đời sau nữa. Điều mà người giàu có ao ước ngay từ đầu của trình thuật này, đã được trao bao cho các môn đệ. Tuy nhiên, Đức Giê-su không quên kèm theo “sự bách hại” như một món hàng “khuyến mãi” cho phần thưởng của các môn đệ. Đó là thân phận của người môn đệ Đức Giê-su. Đức Giê-su cũng bị bách hại, bị giết chết vì sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ cũng sẽ chia sẻ chung một sứ vụ và một số phận với Thầy của mình, trước khi họ được đi vào Nước Thiên Chúa, được hưởng sự sống đời đời.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Động từ “κληρο-νομήσω” diễn tả sự thừa kế, thừa hưởng như là thừa hưởng đất hứa, thừa kế tài sản.

[2] Th.Ng.H. Cầu. Tìm Hiểu Các Sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ. Ki-tô hữu đọc Sách Thánh (Đồng Nai 2019), 65.

[3] X. J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 725.

[4] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 95.

[5] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 477.

[6] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 96; the Markan Jesus may mean to suggest that the man himself is guilty of such oppression (J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 727).

[7] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 95.

[8] Jesus’ looking intently at him and loving him indicate that he recognizes that the man has great potential as a disciple [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 479].

[9] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 735.

[10] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 101.

[11] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 481.

[12] J. Marcus, Mark 8–16, 731; Không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy điều này. Đây chỉ là một cách thức để giảm nhẹ sự cường điệu hóa [x. J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 304].

[13] W.D. Davies – D.C., Jr. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) III, 52.

[14] but they promise that Christians will discover a new family in the church, as well as new “houses” (or “households”) and “fields (J. Marcus, Mark 8–16, 738).

[15] “Although this picture is idealized, there is no doubt that early Christians were famous for their mutual support of each other, which was sometimes regarded as excessive by outsiders” (Ibid.)

[16] “This phrase has two implications. One is that the follower of Jesus will necessarily experience rejection, estrangement, and other forms of persecution, even death, as he did. The other is that the estrangement caused by leaving one’s family of origin for the new family in Christ often leads to persecution” [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark].

[17] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 308.

Bài trước“Nhập viện” tích cực (Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD viết từ Bệnh viện hồi sức COVID-19)
Bài tiếp theoKHAO KHÁT SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (10/10, Chúa Nhật XXVIII TN-B)