Bài đọc 1: Hc 44,1.10-15
Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại.
Bài trích sách Huấn ca.
1Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
10Các ngài là những vị đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
12Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Đáp ca: Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c.1)
Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
1Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.2Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
3Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái,
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
4Đó chính là phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.5aXin Chúa từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
5bƯớc chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,6được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.
Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
Bài đọc 2: Ep 6,1-4.18-23
Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
1 Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: 3 Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin mừng; 20 tôi là sứ giả của Tin mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. 22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.
Tin mừng: Mt 15,1-6
1 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?
4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.
5 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
Bài giảng hoặc chia sẻ chủ đề
CHỚ COI THƯỜNG ĐIỀU RĂN CHÚA DẠY (Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD)
Truyền thống tốt đẹp của các vị tiền nhân là một trong những nét đẹp cần gìn giữ và lưu truyền. Cũng thế, kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ vào ngày Mồng Hai Tết luôn là nét đẹp của người Công Giáo. Đây cũng là dịp để các tín hữu chúng ta xét lại việc thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, đặc biệt là cha mẹ sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Xét lại sự hiếu thảo của chúng ta đã được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với ông bà – cha mẹ. Những món quà đạo hiếu nào chúng ta đã dâng tặng để nói lên việc sống tròn chữ hiếu đối với các ngài. Vậy Chúa muốn chúng ta phải sống hiếu thảo như thế nào ngang qua các trình thuật Lời Chúa hôm nay.
Trước hết, bài Tin Mừng hôm nay kể về việc những người Pharisêu và Kinh Sư thắc mắc khi thấy các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Họ đã khó chịu và cho rằng các môn đệ đã vi phạm truyền thống của các tiền nhân. Thật vậy, tập tục “rửa tay trước khi ăn” hay “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”, là tập tục mang nặng tính hình thức và nhằm xét đoán người khác hơn là giữ luật. Đức Giêsu trách họ bởi vì họ giữ nghiêm ngặt những tập tục cha ông hơn việc tuân giữ điều răn của Thiên Chúa dạy. Trong điều răn thứ tư, Thiên Chúa dạy ta “phải thảo kính cha mẹ”. Họ cố tình giải thích sai lệch về điều răn này. Họ nghĩ rằng: “Dâng lễ phẩm cho Chúa thì thay thế sự hiếu kính cha mẹ”, nghĩa là không cần thờ cha kính mẹ nữa. Đức Giêsu đã quở trách và xem đây là những hành động của những kẻ coi thường điều răn Chúa dạy.
Đức Giêsu đã nhân cơ hội này để dạy cho những người Pharisêu và các Kinh Sư cũng như cả chúng ta bài học quan trọng về sự thanh sạch và lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chúa muốn chúng ta giữ thanh sạch trong tâm hồn hơn là chỉ sạch nơi đôi bàn tay. Dẫu rằng bàn tay cần rửa sạch nhưng giữ tâm hồn thanh sạch quan trọng hơn rất nhiều. Vì tâm hồn chúng ta chính là đền thờ của Thiên Chúa ngự. Chính vì thế, cần chú trọng sự thanh sạch bằng chính đời sống của mình. Đồng thời, Ngài cũng dạy ta phải có tấm lòng hiếu kính các đấng sinh thành. Lòng hiếu thảo ấy không cho phép ta dùng nghi lễ bề ngoài để thoái thác bổn phận căn bản là phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta đừng lấy quy ước của các tập tục phàm nhân đặt ra để xóa bỏ điều răn của Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Thứ đến, người công giáo Việt Nam chúng ta cũng có truyền thống dành riêng ngày Mùng Hai Tết để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên ông bà cha mẹ một cách đặc biệt. Chính hôm nay đây, quý ông bà anh chị em đến với Thánh Lễ đầu năm mới để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Điều đó như muốn nói lên đạo hiếu làm con cháu. Ngoài ra, hành động thắp nén hương, xin lễ cho ông bà tổ tiên; thăm viếng và mừng tuổi ông bà cha mẹ, là những việc làm thể hiện việc thờ cha kính mẹ như lời Chúa dạy. Người Việt chúng ta có truyền thống tốt đẹp là không chỉ nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong những ngày đầu xuân hay những ngày kỷ niệm khác, mà chúng ta còn “thảo kính cha mẹ” trong suốt cuộc đời làm con. Đó là lúc chúng ta thực thi luật Chúa dạy.
Luật Chúa trong Mười Điều Răn, điều răn thứ Tư day chúng ta rằng: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 2197 – 2200 cũng dạy chúng ta về điều răn thứ tư như sau: Thiên Chúa muốn, sau Ngài thì người phải được tôn kính đó là cha mẹ. Chính cha mẹ là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và đã có công lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết về Thiên Chúa. Điều răn thứ tư nhắm đến tương quan của con cái đối với cha mẹ. Đồng thời điều răn này cũng liên quan tới các quan hệ họ hàng giữa các thành viên trong gia tộc, đòi chúng ta tôn kính, yêu mến và biết ơn ông bà, tổ tiên. Một khi chúng ta chu toàn điều răn “thảo kính ông bà cha mẹ”, chúng ta sẽ có phần thưởng kèm theo như trong sách Xuất Hành đã nói: “Người hãy thờ kính cha mẹ để được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của người, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Chính thánh Phaolô cũng đã khuyên chúng ta trong việc thực thi lòng thảo kính với cha mẹ như sau: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Cuối cùng, hành vi thảo kính được thể hiện như thế nào? Đối với người Kitô hữu hành vi để thể hiện sự thảo kính ông bà cha mẹ không chi bằng là mỗi ngày tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho các ngài dù các ngài đang sống hay đã khuất. Ngoài ra, chúng ta không thể nói thương cha, thương mẹ mà không có hành động quan tâm chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật,… Chúng ta hãy nhớ rằng, thảo kính cha mẹ là điều răn Chúa đòi buộc chúng ta bằng không hãy coi chừng, chúng ta sẽ bị khiển trách như Đức Giêsu đã quở trách những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay là “những kẻ đạo đức giả.” Qua đó, Đức Giêsu muốn ta thi hành những điều răn của Thiên Chúa bằng cả tâm hồn chứ không phải chỉ là hình thức. Điều Chúa cần nơi ta là tấm lòng chân thành, trong sáng và đời sống thực hành yêu thương thông qua việc thảo kính cha mẹ.
Lời Chúa trong ngày Mùng Hai Tết như muốn nhắc nhớ với mỗi người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về điều răn Chúa dạy “thảo kính cha mẹ.” Đây cũng là dịp thuận tiện nhắc nhớ chúng ta về bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính không nằm trên đầu môi chót lưỡi nhưng nằm nơi những hành động bảo hiếu cụ thể. Hành động ấy không chỉ là một ít lễ vật, là lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần hơn hết là tấm lòng hiểu thảo kéo dài trong suốt cuộc đời của phận làm con. Lòng thảo hiếu thể hiện qua cách chúng ta tôn trọng các đấng sinh thành và biết ơn các ngài, chăm nom ông bà, cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già nua tuổi tác, bệnh tật và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu thương và tôn kính các đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Xin cho chúng con biết sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ vì đó chính là của lễ chúng con dâng lên Chúa đẹp nhất. Xin giúp chúng con trong năm mới này và suốt cả cuộc đời, luôn khắc cốt ghi tâm công đức sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Xin cho chúng ta biết sống tròn đạo hiếu và biết bày tỏ lòng tôn kính đối với các ngài theo luật Chúa mà bổn phận làm con phải chu toàn. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng đừng vì quá chú trọng hình thức bên ngoài mà quên đi cái chính yếu đó là giữ tâm lòng trong sạch và thực hành hiếu thảo với cha mẹ. Vì khi chúng con làm được như thế chính là lúc chúng con thi hành điều răn của Chúa dạy. Amen!
♦ THẢO HIẾU VỚI CHA MẸ (Lm. Giu-se Trần Minh Kiểm, SVD)
Lời mở đầu bài hát “đầu xuân cầu cho gia đình”, nhạc sĩ Phan-xi-cô viết: “Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với người yêu mến, dâng đến lòng mẹ cha bông hoa là lòng biết ơn…” Vâng, ngày xuân luôn có một ý nghĩa gia đình rất sâu đậm đối với người Việt. Dù có đi đâu, dù xa hay gần, người ta vẫn cố gắng về quê hương. Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, hay là chùm khế ngọt; mà quê hương còn là nơi thánh thiêng, bởi đó là nơi mà cha mẹ, ông bà và người thân của chúng ta đang sống hay đã an nghỉ. Chính trong ý nghĩa cao đẹp đó, Giáo Hội mời gọi chúng ta, ngày Mồng Hai Tết phải kính nhớ và hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Đạo hiếu theo Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội
Truyền thống tốt đẹp này đã được cha ông của chúng ta dùng những câu thơ tiếng hát, để nhắc nhở cho hậu thế, cho con cháu về nguồn gốc và công ơn sinh thành, dưỡng nuôi của tổ tiên như sau:
Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta có gốc từ đâu,
Có cha có mẹ, rồi sau có mình.
Hơn nữa, Giáo hội Công Giáo còn muốn chúng ta hiểu rằng, việc hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ có giá trị rất lớn, vì đó là điều răn Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha”. Điều răn này được đặt ngay sau ba điều răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Trong Tông Huấn Familiaris Consortio (FC, số 36), để nhấn mạnh tầm quan trọng của giới răn này, đức thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Sau Thiên Chúa, các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Cha mẹ là người đại diện của Chúa, Cha mẹ đã cho con cái điều mà không ai có thể cho được, đó là sinh thành và đưa ta vào cõi nhân linh. Là giới răn thì bắt buộc tất cả mọi người dù muốn hay không cũng phải thực hiện, cho dù các ngài có những lầm lỗi, nhưng các ngài vẫn có công sinh thành dưỡng dục chúng ta. Điều đó đủ, để cho ta thấy tính cách quan trọng của việc hiếu kính.”
Sách Giảng Viên cũng nói: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”. Và sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta “Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28 ). Còn Sách Châm Ngôn thì nhấn mạnh đến Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự khôn ngoan và vâng phục chân thành: “Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy” (Cn 13, 1).
Bài đọc hai được trích trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phao-lô đã kêu gọi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo: “Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. Như thế, ai thực hiện giới răn này thì Thiên Chúa sẽ ban thưởng không chỉ ở đời này mà còn cả phần thưởng đời sau như Sách Huấn Ca đã nói: “Ai thảo kính cha mình thì bù tội lỗi, Ai thảo kính mẹ mình thì như người tích trữ kho báu” (Hc 3,3).
Còn Bài Tin Mừng, chính Đức Giê-su đã nhắc lại điều răn Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”, để cho thấy những lời dạy bảo sai lầm của những nhà lãnh đạo Do Thái: “Ai nói với cha mẹ rằng, những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ kính cha mẹ nữa”. Đức Giê-su đã cảnh báo những người Do Thái xưa cũng như chúng ta hôm nay về nguy cơ sống đạo hình thức, mà hủy bỏ Lời Chúa, và quên đi điều răn cốt lõi “mến Chúa và yêu người”.
Sống đẹp Chữ Hiếu
Chữ Hiếu lúc nào cũng được người Việt Nam đặt ở hàng đầu. Người đời có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu”. Người con hiếu thảo là người con biết nhớ đến cội nguồn của mình là những bậc sinh thành và là nguồn gốc của sự giàu sang, phú quý. Khi ông bà, cha mẹ còn sống, chữ Hiếu được diễn tả bằng vâng phục, phụng dưỡng, biết ơn. Nhưng khi các ngài mất đi thì những ngày giỗ, ngày tết, những biến cố của gia đình là dịp để nhắc nhở công ơn sinh thành. Và người Việt Nam không những chỉ biết ơn gia đình, dòng họ, mà còn biết ơn đối với tiền nhân, đối với các bậc đi trước trong làng, xã, thôn xóm được thể hiện qua sự tưởng nhớ, ghi công trên bia, trên mộ. Đây là nét đặc biệt trong nền văn hóa nước ta. Với lòng hiếu kính đang trào dâng trong ngày Mồng Hai Tết, có lẽ ai trong chúng ta cũng thầm mong ước cho cha mẹ mãi mãi ở cùng chúng ta: “Ngày đêm khấn nguyện cầu Trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Cầu cho cha mẹ sống được sống lâu, đó là tâm nguyện của tất cả những người con. Bởi lẽ, tình yêu cha mẹ dành cho con cái luôn sâu đậm, gắn bó, chân thành và không có gì để so sánh, cũng như thay thế được. Linh mục Nguyễn Duy đã lột tả trong bài ca Cầu Cho Cha Mẹ: “Này chúng con sinh vào đời nhờ có tay của mẹ cha. Là Thái Sơn cao xa cao xa, là Biển Đông bao la bao la, như một rừng hoa ngát hương cả bốn mùa. Ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa. Đời chúng con yên vui hân hoan, nhờ mẹ cha gian nan lo toan, trong giọt mồ hôi có chung cả máu hồng, luôn dạy lòng con biết câu mặn nồng. Rồi lớn lên, con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương. Dù có ai hy sinh cho con. Dù được ai cho mâm cơm ngon, đi gần về xa, thấy đâu một mái nhà, như nhà mẹ cha thiết tha từ ấy. Rồi lớn lên, con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao. Khi về nhà xưa với cha và với mẹ, vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào”.
Vâng, lời ca như muốn mời gọi chúng ta hãy sống trọn tình con thảo ngay từ hôm nay. Hãy sống ngoan hiền bên cha mẹ để hưởng nếm giây phút ngọt ngào mà ai đó nói rằng: là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày.
Việc thực hành đạo hiếu là một việc rất khó, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, bệnh tật, lẩm cẩm, thay đổi tính khí. Bởi thế, ngày nay có rất nhiều người con bất hiếu đã đẩy cha mẹ của mình ra đường bán vé số, thậm chí đi ăn xin khi con cái của họ có đủ điều kiện để chăm sóc. Hoặc con cái đùn đẩy nhau để thoái thác trách nhiệm để cho cha mẹ của mình phải sống trong đau khổ, tủi nhục, thật đó là: “một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ.”
Lắng nghe Lời Chúa trong ngày đầu năm, ước gì mỗi người một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình qua ông bà cha mẹ, để hết lòng tri ân và cảm tạ các ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện để ta duyệt xét lại lòng thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc thảo kính này, không chỉ là dâng một ít quà hay một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng lòng thảo hiếu này, cần được kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi người. Xin Chúa cho mỗi người có được lòng mến yêu, có được một tinh thần thảo hiếu, để chúng ta có thể luôn biết thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Amen.
♦ ĐẠO HIẾU “ẢO” (Lm. Antôn Nguyễn Huy Quyền, SVD)
“Sống ảo” là một trào lưu hay một hiện tượng xã hội nhằm phô bày những gì không thuộc về mình. Nói cách khác, “sống ảo” là cách sống không thật với chính bản thân mình. Kể từ khi mạng Internet và các trang mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam, từ “sống ảo” trở nên quen thuộc không chỉ với người trẻ mà kể cả với người lớn tuổi. Theo các nhà tâm lý học và xã hội học, hiện tượng “sống ảo” đang làm cho con người ngày nay định hình sai lệch về các giá trị của cuộc sống. Sự sai lệch này đang đưa việc “sống ảo” len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống: gia đình, xã hội, tôn giáo…
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết, Hội Thánh Việt Nam cho chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, những người đã cùng với Thiên Chúa làm nên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đây là một truyền thống thiêng liêng và cao quí của người Công Giáo Việt Nam, vì nó diễn tả được nét đẹp của giá trị Tin Mừng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của đời sống ngày hôm nay, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ đang trở thành một vấn nạn đáng buồn. Nói đúng hơn, lòng hiếu thảo dường như đang trở thành một thứ “trò chơi”, vì rất nhiều người chỉ thích phô diễn ra bên ngoài bằng những lời ngọt ngào, còn trong lòng thì không có một chút tình yêu thương nào đối với các bậc sinh thành. Thậm chí, họ sử dụng mạng xã hội như một phương tiện để phô diễn “lòng hiếu thảo giả tạo” của mình với người khác, còn thực tế thì họ không thực hành những gì họ nói ra. Tôi gọi hiện tượng này là “đạo hiếu ảo.”
Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu một cách tường tận, thì vấn đề “sống ảo” không phải chỉ mới xuất hiện, nhưng nó đã có từ xa xưa. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một dẫn chứng cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Thánh Mátthêu kể rằng, khi Đức Giêsu và các môn đệ đang giảng dạy tại Galilê, có mấy người Pharisêu và kinh sư từ Giêrusalem đến thắc mắc với Ngài: “Sao môn đệ của ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không rửa tay trước khi dùng bữa.” (Mt 15,2). Có lẽ, những người này đã theo dõi lối sống và cách sinh hoạt của Thầy-trò Đức Giêsu từ lâu rồi và họ thấy dường như các môn đệ của Đức Giêsu không giữ tập tục và truyền thống của tiền nhân. Nếu đúng như thế thì họ có lý do để thắc mắc với Đức Giêsu về điều này, vì họ không thể chấp nhận những môn đệ của một Rabbi (Thầy) nổi tiếng đạo đức và mẫu mực như Thầy Giêsu mà lại “không rửa tay trước khi dùng bữa.” Một tín đồ Do Thái bình thường cũng không được phép sống buông thả và tự do như thế, chứ đừng nói môn đệ của một Rabbi thì lại càng không được. Bởi vì, theo quan niệm của người Do Thái, những ai vi phạm truyền thống của tiền nhân thì không chỉ bất hiếu với tổ tiên, mà còn phạm tội với Đức Chúa. Đây là điều không bao giờ được phép xảy ra đối với một tín đồ Do Thái.
Trước những thắc mắc và chỉ trích của các Pharisêu và kinh sư nhắm vào các môn đệ của mình, Đức Giêsu không chỉ giải thích cho họ lý do tại sao các môn đệ của Ngài hành động như thế, nhưng Ngài còn phân tích cho họ thấy rằng, những hình thức giữ luật khắt khe của họ không phải là một hành động phụng thờ Đức Chúa và tôn kính tổ tiên đúng nghĩa. Đức Giêsu muốn cho họ thấy rằng, “[Đức Chúa] muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 9,13). Cho nên, họ đang bị trệch hướng trong cách tôn thờ Thiên Chúa và tuân giữ truyền thống của tổ tiên. Nói cách khác, họ đang “sống ảo” với Thiên Chúa và với tổ tiên.
Đức Giêsu đã chỉ cho họ hai sự trệch hướng ở đây: Thứ nhất là việc rửa tay trước khi ăn. Hành động này chỉ là một tập tục hay một phép lịch sự buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh mà thôi. Nó không liên quan gì tới Luật (Tôra) cả. Tuy nhiên, các Pharisêu đã giải thích và trầm trọng hoá vấn đề để biến nó trở thành một điều luật và một nghi thức tôn giáo. Họ dựa vào đó để đánh giá một người trong sạch hay dơ bẩn bên trong tâm hồn. Sự trệch hướng thứ hai là người Pharisêu đã đặt ra những luật lệ để lấp liếm điều răn thảo hiếu do Thiên Chúa ban truyền. Họ viện cớ đã dâng lễ phẩm vào Đền Thờ, tức là đã dâng cho Chúa, là đủ rồi nên không phải phụng dưỡng cha mẹ nữa. Cho nên, Đức Giêsu đã tố cáo họ dựa vào truyền thuyết của con người để bãi bỏ điều răn đứng đầu “yêu người” là “thảo kính cha mẹ” (Xh 20,12). Như thế, họ đã “huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. Chưa dừng lại ở đấy, Đức Giêsu còn mượn lời của tiên tri Isaia như là lời của Thiên Chúa nói về họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta.” (Is 29,13). Như vậy, khi chỉ ra hai sự trệch hướng này, Đức Giêsu muốn cho các người Pharisêu thấy rằng, họ đang sống một thứ “đạo hiếu ảo” với Thiên Chúa và với tổ tiên.
Câu chuyện của những người Pharisêu cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Có lẽ, chúng ta cũng đang thể hiện một lối “sống ảo” với Thiên Chúa và với tổ tiên. Điều này có nghĩa là chúng ta đang sống một cách máy móc và hình thức trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày. Chúng ta chưa thật sự sống tinh thần của một người con thảo đối với Thiên Chúa và đối với các bậc sinh thành. Tất cả những gì chúng ta làm cho các ngài chỉ để phô diễn hoặc vì bắt buộc.
Đối với Thiên Chúa, rất nhiều người hôm nay sống đạo theo lối giữ luật và trọng hình thức bên ngoài hơn là chú ý vào chiều sâu nội tâm. Khi bàn về lối sống đạo của người tín hữu Việt Nam ngày nay, linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, đã có những nhận xét rất thẳng thắn như sau:
“Trong đời sống đạo, người tín hữu không được giành cho một khoảng tự do nào để có thể nhận định bằng suy tư của mình, để sáng tạo thái độ trung tín của mình với Chúa, để sống với Chúa bằng chính cá tính và hoàn cảnh riêng của mình: từ chuyện kiêng thịt, ăn chay cho đến câu kinh lời nguyện trong sinh hoạt phượng tự, lễ bái; từ thái độ ứng xử của niềm tin trong cuộc sống hằng ngày cho đến cung cách thể hiện trong nhà thờ. Mọi sự đều được qui định sít sao. Không lạ gì khi người tín hữu Việt Nam chỉ biết đọc kinh mà không biết cầu nguyện, không sống nổi những giây phút thinh lặng vắn vỏi và phải lấp đầy bằng một sinh hoạt nào đó. Những điều ấy làm cho người Kitô hữu sống đạo dúm dó như một kẻ nô lệ, đành phải tính toán chi li tội phúc, đành chọn thái độ nhắm mắt chu toàn lề luật để bảo đảm an toàn…”[1].
Đối với cha mẹ – ông bà – tổ tiên, ngày nay rất nhiều người cũng có thái độ đối xử với các bậc sinh thành theo kiểu tính toán chi ly. Bề ngoài họ tỏ vẻ hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nhưng bên trong thì chỉ làm vì bổn phận. Thậm chí, nhiều người chăm sóc ông bà cha mẹ chỉ cốt để cho người khác thấy mình là người có hiếu. Họ dùng mạng xã hội để phô bày những công việc họ làm cho cha mẹ và tổ tiên. Nhiều người thỉnh thoảng cho cha mẹ ăn, tắm rửa, giặt giũ cho các ngài cũng chụp hình hoặc livestream để cho mọi người biết. Nhưng, nhiều khi cha mẹ ông bà nằm chơ vơ đói khát ngày này đến tháng khác họ chẳng thèm quan tâm dòm ngó. Kẻ ở xa cha mẹ thì lâu lâu mới gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm, khi nào cũng lấy lý do bận công việc không thể về thăm các ngài. Đối với những người đã khuất, nhiều khi họ chẳng bao giờ nhớ đến ngày giỗ để đọc cho các ngài một lời kinh hay xin cho các ngài một thánh lễ. Nhưng, họ thường xuyên kể lễ hoặc nói những lời ngọt ngào tỏ vẻ mình là người con có hiếu. Rất nhiều câu chuyện “đạo hiếu ảo” đang diễn ra thường ngày chung quanh chúng ta.
Vì thế, ngày Mồng Hai Tết như một cơ hội để chúng ta suy xét lại lối sống của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tổ tiên. Nếu chúng ta đang đối xử với Thiên Chúa và với tổ tiên theo kiểu của những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay, thì quả thực, lời của ngôn sứ Isaia đang ứng nghiệm với chúng ta: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta”. Nói cách khác, chúng ta đang thể hiện một thứ “đạo hiếu ảo” trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày.
_____________
[1] Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP., “Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin: ‘Đạo’ Hiếu Kính” (http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/nhung-can-benh-tram-kha-trong-doi-song-duc-tin-dao-hieu-kinh-6798.html, truy cập ngày 16/08/2021).