Đồng cảm và chia sẻ – từ một góc nhìn

0
629

Tinh thần tương thân tương ái ở xã hội nào cũng có. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời đại có những cách thể hiện khác nhau nhưng chung qui đều thể hiện sự nâng đỡ, chia sẻ, đồng cảm với nhau giữa những con người trong xã hội. Với xã hội ta ngày nay, sự đồng cảm và chia sẻ không những mất đi nhưng lại được thể hiện một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc hơn. Vậy đồng cảm và chia sẻ là gì và nó được thể hiện trong xã hội ta ngày nay như thế nào?

“Đồng cảm” là thông cảm với những con người cùng khổ, nghèo đói, bệnh tật, mất mát… đặt mình vào vị trí của những người gặp cảnh ngặt nghèo, để cảm nhận được những khó khăn, nỗi vất vả, sự đau buồn mà người khác gặp phải. “Chia se” là thể hiện bằng hành động, cử chỉ, lời nói… giúp đỡ những người khốn cùng vượt qua những thăng trầm họ vấp phải.

Trong xã hội xưa, tinh thần đồng cảm và chia sẻ cũng đã được thể hiện. Ở xã hội Trung Quốc không thiếu những tấm lòng nghĩa hiệp của những anh hùng cứu đời. Những vị vua anh minh luôn lo lắng cho dân như Nghêu, Thuấn; những anh hùng xả thân vì nước như Kỷ Tín, Do Vu; những vần thơ cảm thông cho thân phận bé nhỏ của con người như Lý Bạch, Đỗ Phủ… Ở xã hội Việt Nam, tinh thần đó cũng được thể hiện cách cụ thể. Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… đứng lên chống giặc ngoại xâm vì thấy nỗi thống khổ của nhân dân dưới bàn tay tàn ác của kẻ thù. Một Nguyễn Trãi với những vần thơ bất hủ cảm thương cho số phận những con người bị áp bức bạo tàn; một Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… đi vào nỗi đau của bao lớp người thấp cổ bé họng bằng những áng văn mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Tiếp nối truyền thống cha anh, những con người như Phan Bội châu, Phan Chu Trinh… dám hy sinh cuộc đời của mình để cứu nước, cứu dân, cứu đời… Hay hình ảnh quen thuộc nhất, sống động nhất cho tấm lòng nhân ái đó chính là Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta. Tất cả những con người ấy, bằng những hành động cụ thể của mình đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những con người bất hạnh.

Trong xã hội ta ngày nay, tinh thần đồng cảm và chia sẻ lại được thể hiện cách sâu sắc hơn, chú ý đến từng nhu cầu cụ thể hơn của từng con người trong xã hội. Từ những em bé sẵn sàng dắt người già qua đường đến những tấm gương quên mình cứu người. Từ những con người sẵn sàng quyên góp ủng hộ người nghèo, người neo đơn, xây nhà tình nghĩa đến những con người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời của mình trong những trại phong, chăm sóc người nhiễm HIV, người cô đơn, trẻ mồ côi. Từ những con người luôn ra tay làm việc thiện đến những con người sẵn sàng bỏ của cải của mình, đi khắp nơi để giúp đỡ bao cảnh đời cơ nhỡ, đau khổ. Chỉ cần lướt qua báo chí, truyền hình để ghi chép lại những tấm lòng vàng chắc rằng cả cuốn sách cũng không chép ra cho hết bao tấm lòng ấy. Không nhữmg cá nhân mà cả những tập thể, tổ chức cũng luôn luôn thể hiện những việc làm thể hiện tinh thần tương trợ… Như thế tấm lòng đồng cảm và chia sẻ trong xã hội ta ngày nay không hề thua kém thời xưa nhưng lại phong phú và cụ thể hơn, đi sát với những đau khổ, những mất mát  của những con người chung quanh ta.

Vậy vì sao chúng ta phải đồng cảm và chia sẻ với mọi người? Vì rằng đó là anh em, đồng bào của ta, những người luôn ở quanh ta. Họ cũng là con người nhưng gặp phải hoàn cảnh không được tốt đẹp. Song họ vẫn là con người và cần được sống như những con người. Do đó ta phải có trách nhiệm chia sẻ với những thiếu thốn của họ, đồng cảm với những khó khăn của họ. Chẳng lẽ chúng ta lại sung sướng khi một người nào đó gặp hoạn nạn. Loài vật còn biết bảo vệ nhau lúc gặp khốn khó, san sẻ với nhau những miếng mồi, vạt cỏ… huống hồ là con người lại không biết san sẻ và giúp đỡ lẫn nhau hay sao. Chúng ta được gì khi người dân của ta, anh em của ta gặp đau khổ khốn cùng; và chúng ta sẽ được gì khi anh em của ta được hạnh phúc? Thiết nghĩ câu hỏi đó không cần trả lời vì tự nó đã nói lên tất cả.

Khi chúng ta đồng cảm và chia sẻ với mọi người chúng ta sẽ được gì? Đó chính là được những anh em của ta, được những tiếng cười, được niềm hạnh phúc, lương tâm thanh thản, tâm hồn thảnh thơi. Vì rằng một người nghèo đói giờ đây đã có ăn, có mặc. Một người cô đơn giờ đây được đùm bọc chia sẻ. Một người bệnh tật giờ đây được khoẻ mạnh. Một người bị áp bức giờ đây được trả lại tự do… Và rồi xã hội sẽ yên bình, ấm no, hạnh phúc, sống chan hoà.

Có người lại nói: Làm sao tôi đồng cảm và chia sẻ được trong khi tôi chẳng có gì? Nói như vậy là thoái thác. Bởi không ai là không thể đồng cảm và chia sẻ dược với người khác. Một nụ cười với một người khổ đau cũng là đồng cảm và chia sẻ. Và không chỉ người giàu mới san sẻ được cho người nghèo mà người nghèo vẫn có thể san sẻ được cho người giàu qua ánh mắt, nụ cười, lời cảm ơn, cách sống tốt. Ai đã xem bộ phim Người giàu cũng khóc mới thấy hết được giá trị của việc chia sẻ, đồng cảm cho nhau, cho mọi đối tượng.

Ngày nay ta thường quan niệm rằng giúp đỡ những người đau khổ, nghèo túng, mất mát mới là chia sẻ. Phải, nhưng chưa đủ. Những con người ấy cần được đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn vì rằng số phận của họ gặp phải bất hạnh; còn những người bị nhiễm HIV, những người phạm tội, những kẻ chuyên làm hại người khác… là những con người cũng cần được đồng cảm và chia sẻ. Bởi dó cũng là những con người đáng thương nên cần có sự quan tâm của xã hội để họ cảm thấy bớt lẻ loi hơn, đồng thời biết cải tà qui chính mà trở về với xã hội nhanh hơn…

Tuy nhiên, một tệ đoan trong sự đồng cảm và chia sẻ là sự biến tướng của việc làm hữu ích này. Đó là những con người, tổ chức lợi dụng chiêu bài đồng cảm và chia sẻ để làm việc xấu. Chẳng hạn lợi dụng việc ủng hộ giúp đỡ người nghèo để rồi quảng bá hình ảnh của mình để làm điều bất chính. Những việc làm này không những không được hoan nghênh mà còn phải lên án vì nó làm mất đi hình ảnh đẹp của những tấm lòng vàng.

Cần thấy rằng những con người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, bị áp bức… ở xã hội nào cũng có, vì thế sự đồng cảm và chia sẻ với những cảnh đời ấy ở xã hội nào cũng cần phải thực hiện. Vì có như thế xã hội mới yên bình và hạnh phúc hơn. Với xã hội ta ngày nay, dù đã độc lập, tự do nhưng còn biết bao nhiêu người phải sống trong cảnh nghèo đói, cô đơn, bị nhũng nhiễu. Thế nên ta cần có thái độ và hành động để giúp đỡ những con người ấy vì một xã hội văn minh, công bằng và tự do đích thực chứ không phải là khẩu hiệu tuyên truyền…

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Công Lai,SVD

Bài trướcVideo Hội nghị thường niên Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam 2016
Bài tiếp theoNhững cơ cấu để tham gia trong các Tu hội đời sống thánh hiến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.