Những cơ cấu để tham gia trong các Tu hội đời sống thánh hiến

0
16384

[Strutture di partecipazione negli Istituti di vita consacrata]

(RECCHI S. [Silvia Recchi], Quaderni di diritto ecclesiale 1988, Fascicolo. 1, 52-59)

  1. Sự tham gia trong một Tu hội đời sống thánh hiến

Khi chúng ta nói về những cơ cấu để tham gia vào nội bộ của một Tu hội đời sống thánh hiến, chúng ta ám chỉ đến toàn bộ mạng lưới cơ cấu và các mối quan hệ trợ giúp khả năng cho các thành viên của Tu hội có một chức năng tích cực đối với đời sống và sự điều hành của Tu hội. Sự tham gia này có một nghĩa rất rộng và được cụ thể hóa thành nhiều biểu hiện: bằng việc thể hiện ý kiến riêng trong cuộc họp, bằng việc tham gia vào các công việc của một Ủy ban, bằng việc bầu chọn các thành viên của Tu nghị, bằng việc gởi các kiến nghị và gợi ý cho Tu nghị, ecc.

Bên trong mạng lưới các quan hệ trợ giúp sự tham gia tích cực của tất cả thành viên vào đời sống của Tu hội này, một vài cơ cấu có một ý nghĩa rất riêng và đặc thù. Chẳng hạn đó là trường hợp của các ‘Hội đồng’ mà các thành viên của nó được mời gọi cộng tác trực tiếp hơn với các vị Bề trên và những người hữu trách ở những cấp độ khác nhau. Hay một cách rất đặc biệt, chúng ta nói đến những Tu nghị và nhất là Tổng tu nghị, vốn là cơ quan quyền lực tối cao trong một Hội dòng. Trong trường hợp này, chúng ta đối diện với một thực tại mang tính hiệp đoàn, vốn thể hiện ở mức cao nhất sự tham gia của các thành viên vào đời sống của Tu hội. Tuy nhiên, phải làm rõ rằng ‘sự tham gia’ không đồng nhất với tính hiệp đoàn (collegialità), vốn có một ý nghĩa riêng trên bình diện pháp lý. Sự tham gia, như chúng ta đã nói, có một nghĩa rất rộng và bao quát.

Để hiểu nền tảng và ý nghĩa thật sự về việc tham gia của các thành viên vào nội bộ của một Tu hội đời sống thánh hiến, cần tính đến trước hết thực tại sâu xa của Tu hội này và sự hiện hữu của nó.

Tu hội đời sống thánh hiến là một cơ cấu được kết cấu xung quanh một sự kiện mà Chúa Thánh Thần đã gợi lên, sự kiện này là nền tảng cho việc thành lập Tu hội. Điều này gây nên những hậu quả và đặt ra những đòi hỏi, vốn phân biệt Tu hội đời sống thánh hiến với bất cứ một nhóm người nào khác được tổ chức cách hữu cơ trên cơ sở ý chí của mỗi thành viên. Những cơ cấu mà nhờ đó Tu hội được thể hiện phải tương ứng với thực tại sâu xa của nó, vốn được đặt nền trên một đoàn sủng, trên một ơn ban, trên một tinh thần, trên kinh nghiệm thiêng liêng. Kinh nghiệm thiêng liêng ấy đã biểu thị đặc tính cho đời sống của đấng sáng lập và còn tiếp tục biểu thị đặc tính cho đời sống của những người đồ đệ ngài. Tất nhiên, ý nghĩa thật sự và sâu xa của sự tham gia nằm ở việc sống cách trung thành những đòi hỏi của đoàn sủng sáng lập.

Mỗi đoàn sủng chắc chắn bao hàm một tình thần, nhưng cũng bao hàm những cơ cấu thể hiện tinh thần ấy trong lịch sử. Những cơ cấu này làm cho kế hoạch Tin mừng trở nên có hiệu quả trong lịch sử ấy, kế hoạch mà nhờ đó đấng sáng lập đã tạo nên sự lôi cuốn và sự hiệp thông được nẩy sinh xung quanh kế hoạch ấy.

Những cấu trúc này phải thể hiện cách cơ bản thực tại của đoàn sủng. Thực tại đoàn sủng này vừa hàm ý chiều kích ‘hàng dọc’, vốn biểu lộ sáng kiến của Chúa Thánh Thần, Đấng gợi lên kế hoạch này, và vốn được diễn tả trên bình diện quyền bính; và vừa hàm ý chiều kích ‘hàng ngang’, vốn cho thấy sự hiệp thông của các thành viên được hiệp nhất bởi cùng một biến cố và vốn trở nên sự tham gia, sự đồng trách nhiệm. Mỗi Tu hội đời sống thánh hiến chứa đựng hai năng động nền tảng này với những màu sắc khác nhau theo nét đặc thù của đoàn sủng.

Phải xuất phát từ thực tại để làm rõ ý nghĩa của thuật ngữ ‘sự tham gia’ trong một Tu hội đời sống thánh hiến.

Trong Tu hội, các cơ cấu tham gia (strutture di partecipazione) làm sự đồng trách nhiệm chung của các thành viên trở nên hữu hình; quả thật, sự hiệp thông cũng như sự tham gia là điều gì đó vượt quá những thỏa thuận, những hiệp ước hay hợp đồng đơn thuần giữa con người với nhau: trước hết, chúng được hình thành trong tâm hồn và trong tinh thần và chúng tìm thấy nền tảng trong việc được liên kết xung quanh cùng một biến cố đoàn sủng.

Chính công đồng đã nhấn mạnh rằng một sự canh tân hiệu quả và một sự cập nhật thích hợp về đời sống thánh hiến không thể đạt được nếu không với sự cộng tác của tất cả các thành viên của Tu hội. Vì thế công đồng đã khuyến khích các vị Bề trên lắng nghe cách thích đáng ý kiến của tất cả các thành viên, vì điều đó có thể liên quan đến lợi ích chung (PC 4). Do đó, sự tham gia này trở nên điều kiện thiết yếu cho sức sống và sự phong nhiêu của Tu hội.

  1. Những cấu trúc để tham gia trong một Tu hội đời sống thánh hiến

Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái trọn hảo) luôn khuyên rằng “các tu nghị và các hội đồng phải trung thành chu toàn bổn phận quản trị đã được ủy thác đồng thời thể hiện sự tham gia và lo âu của mọi tu sĩ mỗi người theo cách thức riêng đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn” (PC 14).

Trong đoạn văn được trích dẫn, sắc lệnh về canh tân đời sống tu trì nói đến hai cơ quan, vốn là những cơ quan trong nội bộ các Tu hội có trách nhiệm thể hiện cách cụ thể sự quan tâm và sự tham gia vào việc quản trị và đời sống của Tu hội. Bộ giáo luật đưa giáo huấn này vào trong bộ quy tắc của mình mà bây giờ chúng ta sẽ xem xét. Bộ quy tắc này tính đến cách cụ thể các Dòng tu (Istituti religiosi). Về các Dòng tu, Bộ giáo luật nói cách đặc biệt đến các Hội đồng, các Tu nghị và những cơ cấu tham gia khác.

  1. Các Hội đồng

Điều 627 §1 quy định nghĩa vụ có một Hội đồng riêng đối với các vị Bề trên ở các cấp khác nhau, nhờ đó công việc và sự cộng tác sinh hoa kết quả: “Chiếu theo quy tắc của hiến pháp, các bề trên phải có Hội Đồng riêng và phải nhờ đến Hội Đồng ấy khi thi hành nhiệm vụ (PC 14).” Như điều luật quy định, Hội đồng được cơ cấu trên cơ sở luật riêng, chẳng hạn trong điều liên quan đến con số các thành viên của Hội đồng (ngoại trừ trường hợp được điều 699 quy định) hay một vài thủ tục về sự hoạt động của nó.

Thêm vào những trường hợp đã được Bộ giáo luật quy định, luật riêng luôn dự kiến rằng để hành động cách có hiệu lực vị Bề trên phải xin sự đồng thuận hay ý kiến của Hội đồng, nghĩa là Hội đồng được mời gọi để đưa ra sự biểu quyết ‘thảo luận’ (deliberativo) hay sự biểu quyết ‘tư vấn’ (consultivo). Trong trường hợp thứ nhất, vị Bề trên không thể hành động cách có hiệu lực chống lại sự biểu quyết của đa số thành viên Hội đồng; trong trường hợp thứ hai, vị Bề trên có thể hành động cách có hiệu lực chống lại sự biểu quyết của số đông thành viên Hội đồng. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp này, vị Bề trên không bị buộc phải hành động theo sự chỉ dẫn mà Hội đồng đưa ra.

Luật chung quy định một vài tình huống mà việc Hội đồng đưa ra ý kiến riêng cho vị Bề trên là cần thiết, chẳng hạn như đối với việc không cho một thành viên khấn tiếp (đ. 689 §1), hay đối với việc bắt đầu thủ tục sa thải (đ. 697). Bộ giáo luật cũng quy định một vài trường hợp mà Hội đồng bị buộc phải đưa ra sự đồng ý riêng (proprio consenso): trong trường hợp chuyển nhượng tài sản (đ. 638 §3); đối với việc thành lập nhà tập, đối với việc hủy bỏ nhà tập hay việc chuyển nhà tập sang một giáo phận khác (đ. 647 §1); để một ứng viên có thể thực hiện tập kỳ của mình trong một nhà của Tu hội khác với căn nhà được dự kiến cho tập kỳ (đ. 647 §2); trong trường hợp đặc ân vắng nhà (665 §1), đối với đặc ân ngoại vi được ban hay bị áp đặt (đ. 686 §§1.3 và đ. 743 đối với đặc ân xuất khỏi Tu đoàn đời sống tông đồ); đối với việc chuyển sang một Tu hội hay Tu đoàn khác của một thành viên khấn trọn (đ. 684 §1 và đ. 744); đối với việc ban đặc ân rời bỏ Tu hội trong thời gian khấn tạm (đ. 688 §2); đối với việc nhận lại một thành viên vào Tu hội (đ. 690 §1); đối việc xem xét tính không thể sửa đổi được trong tiến trình sa thải (đ. 697, 30); đối với việc trục xuất một thành viên trong trường hợp khẩn cấp (đ. 703).

Ngoài ra Bộ giáo luật cũng nói đến việc biểu quyết của Hội đồng đối với việc nhận cho khấn tạm (đ. 656, 30), tuy nhiên không chỉ rõ kiểu can thiệp, điều này phải được xác định bởi luật riêng. Việc quy định những trường hợp khác có thể xảy ra sự can thiệp của Hội đồng luôn thuộc về luật riêng, chúng phải phù hợp với những quy định của điều 127.

Trong thực tại bình thường của mình, Hội đồng là một cơ quan tư vấn. Về mặt pháp lý nó là một thực thể khác với thực thể được vị Bề trên đại diện. Vị Bề trên không phải là một thành viên của Hội đồng, mặc dù ngài điều khiển nó. Hội đồng không phải là một cơ quan có quyền quản trị. Những hành vi pháp lý mà Hội đồng góp phần tạo ra bằng sự đồng ý hay ý kiến của mình luôn là những hành vi cá nhân của vị Bề trên, Hội đồng không chịu trách nhiệm đối với những hành vi ấy.

Tuy nhiên, Bộ giáo luật dự kiến một trường hợp mà trong đó vị Bề trên và Hội đồng tạo nên một ‘hiệp đoàn’ thật sự, một cơ quan có tính trách nhiệm hiệp đoàn. Trong trường hợp này, vị Bề trên đơn giản là một thành viên của Hội đồng, ngài được mời gọi giải quyết vấn đề theo những ý kiến của đa số (vốn được tính bằng những hình thức mà điều 119 quy định). Trường hợp được nói đến là trường hợp mà điều 699 §1 miêu tả, và nó liên quan đến việc sa thải một thành viên Tu hội bằng nghị định (decreto). Trong tình huống này, Bộ giáo luật cũng quy định con số thành viên của Hội đồng không được dưới bốn.

Luật riêng có thể quy định những tình huống khác đòi hỏi sự biểu quyết mang tính hiệp đoàn; tuy nhiên, sự biểu quyết mang tính hiệp đoàn này không được xem như là cách thức hoạt động bình thường của Hội đồng theo kiểu của sự biểu quyết tư vấn hay thảo luận.

Như đã nói ở trên, nó không chỉ nói đến Hội đồng tổng quyền, nhưng còn nói đến các Hội đồng, vốn cũng có thể hoạt động ở cấp độ tỉnh dòng và địa phương. Các Hội đồng ‘khuyên bảo’ và không quản trị cách trực tiếp, và trong cách thức đặc biệt này các Hội đồng cộng tác vào việc quản trị. Chúng thể hiện một sự giúp đỡ quý báu và một sự bảo đảm giá trị cho sự thận trọng và công bằng, cho sự hổ trợ và tham gia vào việc quản trị. Trong vấn đề này, công đồng Vatican II khen ngợi các Hội đồng. Tuy nhiên, không được bao giờ quên những gì chúng ta đã đề cập lúc ban đầu: chính đoàn sủng sáng lập và những đòi hỏi của nó phải có sự trổi vượt, và vì thế chúng phải định hướng cơ cấu và hoạt động của các Hội đồng ở bên trong từng Tu hội.

  1. Các Tu nghị

Tổng tu nghị là một cơ quan mang tính hiệp đoàn. Nó có quyền lực cao nhất trong Tu hội. Nó được hình thành từ nhiều người hoạt động trên cấp độ ngang nhau. Họ phải đại diện cho toàn Tu hội và phải là dấu chỉ hiệp nhất của Tu hội trong tình bác ái.

Tổng tu nghị là một thực thể hữu hình mang tính đại diện cho toàn Tu hội. Tính đại diện này là bắt buộc.

Dựa theo cấp độ mà Tu nghị hoạt động, nó có thể là Tổng tu nghị, tu nghị tỉnh dòng hay tu nghị địa phương. Bộ giáo luật nói đến Tổng tu nghị tại điều 631 và nói đến các Tu nghị khác tại điều 632.

Tổng tu nghị không phải là một cơ quan quản trị thường trực và thông thường nó hoạt động trên cấp Bề trên tổng quyền: nó hoạt động có thời hạn trên cơ sở luật riêng, nhưng khi nó hoạt động thì quyền lực của nó được nới rộng trên cả các vị Bề trên, nhưng luôn trong phạm vi Hiến pháp.

Tổng tu nghị có quyền làm những luật, những nghị định (decreti), những quy chế (statuti) cho toàn Tu hội mà sự phê chuẩn của nhà chức trách giáo hội có thẩm quyền là không cần thiết, ngoại trừ những gì liên quan đến Hiến pháp.

Những hành động của Tu nghị là những hành động có tính hiệp đoàn (theo điều 119). Điều đó có nghĩa là vị trí pháp lý của vị Bề trên đối với những thành viên khác của Tu hội là vị trí ‘primus inter pares’: sự biểu quyết của vị Bề trên có giá trị như là sự biểu quyết của bất kỳ một tu nghị viên nào. Thành phần của Tu nghị và phạm vi quyền lực của nó tùy thuộc vào Hiến pháp và đặc tính của mỗi Tu hội.

Tu nghị thể hiện sự tham gia tích cực vào việc quản trị từ phía các thành viên của Tu hội, vốn được chọn để thể hiện trách nhiệm chung trong sự điều hành Tu hội. Tuy các tu nghị viên đại diện và báo cáo sự suy nghĩ và những ước muốn của các người khác, họ không phải là ‘những sứ giả’ đơn thuần, nhưng họ dấn thân cách cá nhân vào việc cổ võ điều gì là tốt cho Tu hội theo lương tâm của họ. Không cần tái xác nhận sự khác biệt cơ bản giữa bản chất pháp lý của các Tu nghị và bản chất pháp lý của các Hội đồng: như đã thấy, sự khác biệt này mang đến một sự tham gia khác vào đời sống của Tu hội.

Những thẩm quyền đặc biệt cơ bản của Tổng tu nghị được Bộ giáo luật giải thích cách rõ ràng (x. đ. 631 §1). Chúng liên quan đến:

1) bảo vệ di sản thiêng liêng của Tu hội theo nghĩa căn tính, đoàn sủng và sứ mạng của Tu hội trong Giáo hội. Tu nghị phải bảo vệ sự trung thành của Tu hội, một sự trung thành năng động và có khả năng cổ vũ một sự canh tân liên tục;

2) bầu chọn vị Điều hành tối cao;

3) nhiệm vụ giải quyết những công việc lớn, vốn có thể liên quan đến toàn Tu hội;

4) ban hành những quy tắc pháp lý bắt buộc đối với tất cả các thành viên của Tu hội, những thành viên này có thể gửi đến Tu nghị những gợi ý và đề nghị.

Điều 632 nói đến những Tu nghị khác, vốn có thể là Tu nghị tỉnh dòng và Tu nghị địa phương trong một Tu hội. Trước hết, Tu nghị địa phương có một tầm quan trọng đặc biệt trong các nhà ‘sui iuris’ (tự trị), nơi mà có một quyền bính nào đó.

Tu nghị tỉnh dòng được cơ cấu theo kiểu của Tổng tu nghị trong việc tôn trọng những tỉ lệ thích đáng. Chắc chắn, mặc dù nó có một quyền bính riêng, quyền bính này không thể được xác định là tối cao, mà cũng không như thế trong Tỉnh dòng.

Chắc chắn, tất cả công việc canh tân gần đây trong các Tu hội đã góp phần đưa đến cho các Tu nghị một sự nhận thức sâu xa về vai trò riêng, vốn được xem như là biểu hiện quan trọng về sự tham gia và trách nhiệm chung đối với lợi ích của Tu hội.

  1. Những cơ quan tham gia

Điều 633 nói đến những cơ quan tham gia. Điều luật này mới mẻ và không có những điều luật tương ứng trong Bộ giáo luật cũ. Thật thế, trước hết những cơ quan này đã trở thành hiện thực trong thập niên vừa qua: đặc điểm của chúng có thể là rất khác: có thể đó là các đại hội, các hội nghị; Hội đồng mở rộng, vốn được hình thành từ Vị hữu trách tổng quyền, các thành viên của Hội đồng tổng quyền và các vị Bề trên giám tỉnh có vẻ có tầm quan trọng đặc biệt. Những hình thức cơ cấu tham gia khác có thể bao gồm nhiều vị hữu trách địa phương khác nhau: họ có thể ở trong các hội đồng chuyên viên để giải quyết những vấn đề đặc biệt, khi giúp đỡ cho các vị hữu trách trong các quyết định theo cách thức này; hay họ còn có thể ở trong các ủy ban hay các nhóm làm việc về các vấn đề và về các việc đào sâu liên quan đến linh đạo của Tu hội, liên quan đến sứ mạng của Tu hội, ecc.

Tất cả những cơ quan tham gia này không được xác định bởi luật chung, vốn bị giới hạn trong việc dự kiến những cơ quan này. Tên gọi của chúng cũng như thành phần và chức năng của chúng, được để lại cho những quy định của luật riêng. Chắc chắn, bản chất của chúng là bản chất của những cơ quan tư vấn và không phải quản trị, để cổ vũ sự lo lắng và tham gia của tất cả mọi thành viên đối với Tu hội và đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn như điều luật nói.

Điều luật cũng khuyên các cơ quan này thực hiện chức năng của mình cách trung thành. Những vị hữu trách phải tôn trọng và khuyến khích hoạt động mang tính cơ cấu mà luật đã ám chỉ đến những cơ quan này. Những cơ quan này phải luôn hoạt động trong phạm vi các quy tắc của luật chung và luật riêng.

Điều 633 §2 mời gọi một sự thận trọng nào đó trong việc thành lập và sử dụng các cơ quan này. Điều này không phải làm kết thúc với một tầm nhìn hữu hạn đối với họ; hơn nữa điều này phải được xem là một lời mời gọi một sự thận trọng, vốn được hướng dẫn bởi sự lo lắng làm sao cách hoạt động và làm việc của những cơ quan nói trên phù hợp với đặc tính và sứ mạng chuyên biệt của Tu hội.

  1. Những cơ quan tham gia trong các Tu hội đời

Tất cả những gì được nói ở trên đối với các cơ quan tham gia liên quan đến thực tại đời sống thánh hiến. Đối với các Tu hội đời, Bộ giáo luật không đưa ra một bộ quy tắc pháp lý chuyên biệt như thế, khi xem xét đặc tính khác biệt của những Tu hội này với những Dòng tu. Tuy nhiên, tinh thần mà nhờ đó nhà lập pháp mời gọi khuyến khích và cổ vũ sự tham gia của các thành viên trong chính các Tu hội đời vẫn không thay đổi. Điều đó nổi bệt cách rõ ràng trong điều 716 §1, và còn trong điều 717 §3. Trong điều 716 §1, các thành viên của mỗi Tu hội đời được mời gọi tham gia cách tích cực vào đời sống của chính Tu hội. Trong điều 717 §3, các vị hữu trách được mời gọi cổ vũ sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên. Sự tham gia này, cùng với sự bảo vệ tính thống nhất tinh thần và tình huynh đệ xác thực giữa các thành viên, được nhấn mạnh như là một sự bận tâm đầu tiên.

Các cách thức tham gia của những thành viên trong một Tu hội đời vào đời sống của Tu hội được xác định bởi luật riêng; do đó Hiến pháp phải xác định cách thức quản trị trong Tu hội, và còn vai trò của các tổng hội (assemblee generali), quyền bính của các tổng hội, chức năng của những người hữu trách, ecc. Việc tham gia tích cực của các thành viên có thể được cổ vũ thông qua các cuộc họp, tĩnh tâm, đại hội, những đóng góp khác nhau cho đời sống của Tu hội.

Kết luận

Sự tham gia, luôn mang tính ý thức và trách nhiệm, về phía của những người thánh hiến vào đời sống và việc quản trị của Tu hội mình đáp trả lại cách chắc chắn những mong đợi và tinh thần của công đồng Vatican II. Chính công đồng đã tạo thuận lợi cho nhiều hình thức tham gia khác nhau và sự phân quyền trong phạm vi Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương với mục đích gợi lên tinh thần trách nhiệm chung.

Tuy nhiên, điều nên ghi nhớ là sự cố gắng chính yếu phải được thực hiện trong nổ lực hiểu những nền tảng tín lý làm cơ sở cho nhiều cơ cấu tham gia: đó là điều đặc biệt quan trọng đối với đời sống thánh hiến, vốn đòi hỏi một tiến trình đào sâu về các quan điểm giáo hội học.

Không thể đơn giản chỉ quy chiếu đến chỉ thị của công đồng và áp dụng nó mà không có một sự hiểu biết sâu xa mang tính thiêng liêng về căn tín của từng Tu hội và không xem xét đâu là nền tảng thực sự mà nó có trong đoàn sủng sáng lập, vì đoàn sủng sáng lập phải hướng dẫn tất cả mọi năng động trong Tu hội cũng như những năng động liên quan đến việc tham gia của các thành viên.

Lm. Antôn P. Nguyễn Thanh Hà,SVD chuyển ngữ

Thư mục

Andres D.J., Il diritto dei Religiosi (Luật của các tu sĩ), Roma 1984, tr. 135-150.

Beyer J., “Primo bilancio dei capitoli di rinnovamento” (Bản tổng kết đầu tiên của các chương canh tân), trong  Vita Consacrata, 8, 1972, tr. 161-190.

Beyer J., “Strutture di governo ed esigenze di partecipazione” (Những cơ cấu quản trị và những nhu cầu tham gia), trong  Vita Consacrata, 8, 1972, tr. 257-285.

Dortel-Claudot M., “Le strutture di governo e di partecipazione delle Congregazioni religiose” (Những cơ cấu quản trị và tham gia của Dòng tu), trong Quaderni di vita consacrata n.10.

Gambari E., La vita religiosa oggi (Đời sống tu trì hôm nay), Roma 1983, 549-582.

Bài trướcĐồng cảm và chia sẻ – từ một góc nhìn
Bài tiếp theoThông Điệp Giáng Sinh 2016 Của Cha Tổng Quyền Heinz Kulüke, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây