Phục Sinh – Tuần V – Năm C

0
532

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc 1 : Cv 14,20b-26

Bài đọc 2 : Kh 21,1-5a

Tin Mừng : Ga 13,31-33a.34-35

Khi Giuđa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người DoThái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

TÌNH YÊU MANG THƯƠNG TÍCH

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu mến nhau” (Ga 13,35). Đây là giới luật yêu thương, là di chúc của Thầy Giêsu cho các môn đệ thân thương của mình, và cũng là di chúc cho hậu thế là những người Kitô hữu.

Tình yêu Giêsu mời gọi người môn đệ “yêu như Thầy yêu”. Yêu thật sự không dừng lại ở chót lưỡi đầu môi, nhưng là một tình yêu mang đầy thương tích. Tình thương của Thầy mời gọi chấp nhận sự phản bội của môn đệ; tình thương của Thầy mời gọi chấp nhận sự phỉ báng,

khinh ghét của người đời; tình thương của Thầy mời gọi sự bắt bớ, đánh đập và giết chết. Tình thương của Thầy mời gọi tha thứ tất cả; tình thương của Thầy mời gọi hãy từ bỏ tất cả và mang lấy tất cả thương tích vào mình để “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31).

Trái lại, giới luật yêu thương của Thầy đôi khi lại là chướng ngại cho chúng ta. Yêu như Thầy yêu chẳng dễ chút nào. Với bản tính mỏng giòn yếu đuối, chúng ta muốn chiếm đoạt hơn là hy dâng; mỗi lúc chúng ta hy sinh hay phục vụ cho một ai đó cũng đều mong được đáp đền xứng đáng. Chúng ta mong những tình cảm vun đắp cho bản thân hơn là phải chịu thiệt thòi.

Biết bao lần chúng ta muốn yêu nhưng sợ hy sinh, thiệt thòi? Biết bao lần chúng ta muốn trao nhưng lại sợ mất mát? Biết bao lần chúng ta muốn yêu nhưng lại sợ thương tích?

Lạy Thầy Giêsu Chí Thánh, đứng trước lời mời gọi yêu thương, tự sức bản thân con không dám dấn bước, nhưng xin Ngài luôn đồng hành để con vững tin rằng nhờ ơn Ngài, mỗi ngày con biết yêu hơn, không phải yêu theo kiểu nhân loại, nhưng “yêu như Ngài yêu”.

Phó tế Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Bernarđinô Siêna, linh mục (Tr).

Bài đọc : Cv 14,5-18

Tin Mừng : Ga 14,21-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

GIỮ LUẬT TRONG TÌNH YÊU

Khi yêu và biết dành tình yêu cho nhau, con người dễ chấp nhận nhau, và nhất là luôn nhìn về nhau, luôn nghĩ đến nhau với thái độ thiện cảm. Lúc ấy, dù có phải thực hiện một lời hứa khó khăn hay làm bất cứ điều gì cho nhau, con người cũng cảm thấy hạnh phúc, bởi với họ, tình yêu là trên hết.

Đức Giêsu, trong Tin Mừng hôm nay, cũng dùng cách thế thể hiện tình yêu của con người để nói đến mối quan hệ tình yêu của con người với Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Như vậy, việc tuân giữ lời của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là “giữ” vì luật dạy, nhưng tuân giữ vì tình yêu. Bởi vì chỉ khi giữ luật vì tình yêu với Đức Kitô, người môn đệ mới gắn bó thân mật với Người. Và cũng chỉ khi ấy, họ mới có thể đón nhận được những mặc khải của Người. Việc “giữ lời Thầy” nhiều hay ít không phải tùy thuộc vào mức độ tuân giữ luật ra sao nhưng tùy thuộc vào mức độ “yêu mến” như thế nào.

Thật thế, hằng ngày chúng ta phải “giữ” biết bao nhiêu luật. Nào là đọc kinh, đi lễ, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích đến việc phải thực hành cụ thể đời sống đạo bằng việc lành phúc đức như bố thí, giúp đỡ người nghèo… Những điều đó sẽ là ân phúc nếu chúng ta làm với tất cả tình yêu và vì tình yêu, với Thiên Chúa và tha nhân; nhưng nó có thể là gánh nặng nếu chúng ta chỉ làm để chỉ vì chu toàn luật dạy.

Rõ ràng, lời dạy của Đức Giê su trong Tin Mừng hôm nay không chỉ có giá trị thời các Tông đồ, song, nó luôn là bài học cho con người bao đời (x.Ga 14,3).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa trong mọi sự, nhất là luôn giữ Lời Ngài với tình yêu thuần khiết.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục, và các bạn, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Cv 14,19-28

Tin Mừng : Ga 14,27-31a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

BÌNH AN CHO ANH EM

Người ta có thể làm di chúc để trao lại cho người thân những gì mình sở hữu. Người được di chúc có thể thừa kế tài sản, quyền lực, địa vị. Tuy nhiên, không ai có khả năng di chúc cho người khác sự bình an của tâm hồn. Điều người đời không làm được thì chính Đức Giêsu đã làm khi ban bình an của Ngài cho môn đệ.

Bình an là thứ con người luôn khao khát tìm kiếm nhưng không dễ gì đạt được. Người ta tìm đủ liệu pháp như tập thiền, yoga, hầu có được bình an. Tuy nhiên, tình trạng bất an, quẫn bách vẫn thường xảy ra khiến nhiều người chọn cái chết như là giải pháp để chấm dứt…

Tự sức con người không thể mang lại bình an đích thực cho mình nên Chúa Giêsu đã trao ban bình an của Ngài cho các môn đệ và những người tin. Món quà bình an ấy là vô giá; nó không như cách mà người đời trao cho nhau. Bình an của Đức Kitô không phải là thứ áo giáp bảo vệ để miễn nhiễm mọi lo toan của cuộc đời, nhưng là sức mạnh để dám đón nhận và vượt thắng vì niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

Niềm tin này có cơ sở chắc chắn vì Đức Kitô đã đi trước, đã chiến thắng để dọn đường cho những ai biết tín thác vào Ngài. Người môn đệ của Đức Kitô chỉ dám dấn thân vì Thầy khi có được bình an đích thức trong tâm hồn. Chính vì thế, Đức Kitô đã chọn những thời khắc đặc biệt để trao ban bình an cho các môn đệ là trước tử nạn và sau phục sinh. Nhờ có được bình an mà môn đệ không bỏ cuộc, nhưng biết đứng lên sau những vấp ngã để tiếp tục theo Thầy.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con luôn đối diện với muôn thách đố, xin cho chúng con được bình an và vững tin vì chính Chúa đã thắng thế gian.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Rita Cascia, nữ tu (Tr).

Bài đọc : Cv 15,1-6

Tin Mừng : Ga 15,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

HIỆP NHẤT TRONG CHÚA

“Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh, là anh em sinh nhiều hoa trái”. Cành nho chỉ có thể sinh hoa trái khi còn gắn kết với cây nho. Cũng vậy, con người chỉ có thể sinh hoa trái khi được liên kết với Thiên Chúa.

Đức Giêsu mời gọi tôi sống trong Người, tức là sống trong mối liên kết với Người, như cành nho gắn với thân cây nho, nơi đó ẩn chứa sức sống. Được gắn với thân nho, tôi cũng được mời gọi khám phá ra tình liên đới với những người khác tin nhận Thiên Chúa là Cha.

Tôi được mời gọi gắn kết liên lỉ với Thân Nho, gắn bó để được đón nhận nguồn dưỡng chất bảo đảm cho sự sống của tôi. Tôi cũng được mời gọi gắn kết với anh em tôi như là những cành khác trên cùng một thân cây, một cộng đoàn. Tất cả gắn bó, trợ lực cho nhau để cùng sinh hoa kết trái, để sinh nhiều trái hơn. Đó là điều đẹp ý Chúa, vì hoa trái chỉ có thể phát xuất từ nguồn ân sủng của Người.

Khi tôi biết gắn bó với anh chị em tôi xung quanh cây nho là chính Đức Giêsu để sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, tôi đang tôn vinh Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình. Đó là điều đẹp ý Cha.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống gắn bó với Chúa để có thể được sống dồi dào; xin cho con biết tôn trọng những khác biệt nơi anh em để có thể tạo nên sức mạnh cộng đoàn, và để chúng con luôn được hiệp nhất trong ơn Chúa.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc : Cv 15,7-21

Tin Mừng : Ga 15,9-11

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ biệt ly. Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta những tâm sự rất thân tình và gần gũi của Chúa Giêsu với các môn đệ. Ngài tha thiết mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Ngài.

Trước lời mời gọi tha thiết của Đức Giêsu có lẽ ai trong chúng ta cũng mong muốn đáp lại. Bởi lẽ được ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu thì còn gì hơn nữa. Và việc ở lại ấy được cụ thể hóa qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đối với người Kitô hữu còn gì đẹp hơn, có gì hạnh phúc hơn là được ở trong Chúa và được Chúa ở trong ta. Thế nhưng trong cuộc sống, việc tuân giữ các lệnh truyền của Đức Giêsu lắm khi cũng chẳng dễ dàng. Bởi lẽ lệnh truyền của Đức Giêsu là lệnh truyền yêu thương mọi người, yêu thương cả kẻ thù của mình; lệnh truyền của Đức Giêsu là lệnh truyền từ bỏ chính mình vác thập giá mà theo Ngài. Từ bỏ đòi hỏi sự hy sinh; vác thập giá đòi hỏi cố gắng, nhưng mọi hy sinh và cố gắng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì tình yêu là động lực và là sức mạnh diệu kỳ.

Hơn nữa, những hy sinh và cố gắng ấy sẽ được đáp lại bằng tình yêu vô biên của Chúa, đáp lại bằng việc được ở trong tình yêu của Chúa. Chỉ trong Chúa chúng ta mới có được một tình yêu, một sự bình an đích thực. Trong Chúa lòng chúng ta tràn ngập niềm vui và niềm vui ấy là niềm vui trọn vẹn, viên mãn vì được lấp đầy bởi tình yêu trao ban cách vô điều kiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ở lại trong tình yêu của Ngài qua việc sống luật yêu thương, để cuộc sống của chúng con hôm nay luôn đầy ắp niềm vui trọn vẹn.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Bài đọc : Cv 15,22-31

Tin Mừng : ` Ga 15, 12-17

Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

YÊU NHƯ THẦY

Khi nói về tình yêu, người ta hay nhấn mạnh đến thái độ tự nguyện, vì tình yêu là do sự thôi thúc của con tim chứ không phải là sự tính toán hay ép buộc. Chính Thiên Chúa cũng không ép buộc con người mà chỉ mời gọi con người đi vào trong tương quan tình yêu một cách tự do và tự nguyện. Ấy vậy mà, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại truyền cho các môn đệ một giới răn về tình yêu trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh. Vậy Đức Giêsu dựa trên cơ sở nào để đưa ra lệnh truyền đó?

Lệnh truyền đó là “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em”. Ở đây, tác giả Gioan không nói: “Anh em hãy yêu mến Thầy như Thầy đã yêu mến anh em” nhưng ông viết: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em”. Thật vậy, chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới khơi nguồn cho tình yêu giữa chúng ta với nhau. Vì thế, nếu Gioan viết: “Anh em hãy yêu mến Thầy như Thầy đã yêu mến anh em”, thì loại tình yêu đó tự khép kín, tự quy chiếu về mình và chẳng bao lâu sẽ trở nên khô cằn, chết yểu và bị lãng quên.

Như vậy, tình yêu giữa các môn đệ, giữa các Kitô hữu, là tình yêu khởi nguồn từ Chúa Giêsu trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; đó là tình yêu trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu đó luôn sống động, phong phú vì luôn hướng ra ngoài chứ không tự đóng kín mình. Chính tình yêu mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ, mới là cơ sở để các ông yêu mến nhau, và đây mới chính là lệnh truyền.

Lạy Chúa, lệnh truyền của Ngài khi xưa dạy chúng con phải yêu thương nhau như Chúa yêu. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thi hành lệnh truyền đó trong tình yêu mến.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN V

Thánh Grêgôriô VII, giáo hoàng (Tr).

Bài đọc : Cv 16,1-10

Tin Mừng : Ga 15,18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

THẾ GIAN GHÉT ANH EM

Sống trên đời mà được người khác yêu mến là một trong những điều hạnh phúc nhất. Khi được người khác thương mến, cuộc sống sẽ trở nên tươi vui và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Trái lại, khi bị ghét bỏ, đời sống mới căng thẳng làm sao!

Có một điều tưởng như là nghịch lý trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh “thế gian ghét anh em” làm thước đo mức độ các môn đệ thuộc về Chúa. Thật vậy, thánh Gioan thường hay dùng thuật ngữ “thế gian” với những nghĩa khác nhau. Có khi thế gian được hiểu theo nghĩa tích cực: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người để ai tin vào người con ấy thì sẽ được sống” (Ga 3,16). Chỗ khác thì thuật ngữ “thế gian” lại được nói tới như là đại diện của Xatan và thế lực tội lỗi, như trong bài Tin Mừng hôm nay. “Thế gian ghét anh em”, nói cách khác là Xatan ghét anh em. Thật vậy, một khi thế gian, ma quỷ càng ghét người môn đệ thì đó là dấu chỉ cho thấy họ không thuộc về chúng, không đứng về phe chúng, không sống theo những tiêu chuẩn của chúng mà đang thuộc về Chúa, thuộc về những giá trị của Nước Trời.

Khi suy niệm về những điều này, ta thấy Giáo Hội ngày hôm nay tại nhiều nơi đang bị người đời công kích. Họ công kích vì Giáo Hội dám đứng ra bảo vệ cho những người yếu thế, hoặc bảo vệ những giá trị nền tảng cốt lõi của con người. Cũng vậy, khi làm như thế, những người theo Chúa cũng sẽ bị công kích và chống đối. Trái lại, nếu như người môn đệ đồng tình với thế gian, đồng tình với thế lực của Xatan, thì họ đã chẳng bị đả kích như vậy.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa, dù cho sự chọn lựa này khiến con phải từ bỏ đi những gì thuộc về thế gian. Xin Chúa tha thứ cho những lần con đã bỏ Chúa mà chọn thế gian.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoThỉnh viện Ngôi Lời với Ngày Hội Ơn Gọi Giáo phận Nha Trang – Năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.