Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh (Lễ chính ngày) – Năm C

0
838

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

Lm. Giuse Nguyễn Văn Kha, SVD

Chuyện kể rằng: có một cô thôn nữ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng quê nghèo. Đến tuổi cập kê, cô được rất nhiều người con trai ngỏ lời yêu thương. Có anh chàng từ thành phố giàu sang ngỏ lời yêu thương kèm theo những món quà tặng. Lại có anh chàng đẹp trai, nói những lời có cánh, ngọt ngào dễ làm xao xuyến. Lại cũng có anh chàng nghèo gần nhà, không đẹp trai, cũng chẳng có quà tặng cô trong những dịp quan trọng. Thế nhưng, những lúc gia đình cô thôn nữ có sự kiện vui buồn, có biến cố gì, hay những khi đau ốm… anh chàng nghèo này đều có mặt để động viên, giúp đỡ và cùng gánh vác. Rồi một ngày nọ cô quyết định chọn anh chàng nghèo làm chồng. Nhiều người thắc mắc sao cô lại lấy người nghèo thế? Cô trả lời: con tim có lý lẽ riêng của nó. Đúng thật, con tim của cô đã có lý khi chọn người bạn đời của mình. Hiện diện trong mọi biến cố mới là điều quan trọng hơn hết.

Trên trần gian này chỉ có một người duy nhất hội đủ tất cả những tiêu chuẩn của một người có những lời yêu thương, một người giàu sang nhưng biết đến với những kẻ nghèo khó; một người sẵn sàng trao ban những món quà quý giá và là một người biết quan tâm, hằng hiện diện trong những vui buồn của con người; đó chính là Đức Giêsu.

Trong giai đoạn đi rao giảng, Ngài có rất nhiều lời hay ý đẹp làm khuôn vàng thước ngọc cho đời. Và những lời đó đã được đồng hương “thán phục các lời về ân sủng xuất bởi miệng Ngài” (Lc 4,22). Hay ở một đoạn khác, Tin Mừng Máccô ghi lại:“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? (Mc 6,2).

Những món quà đặc biệt mà họ nhận được đó là các phép lạ. Ngài ban rất nhiều hồng ân cho con người, đặc biệt là người nghèo và đau khổ. Nhưng đỉnh cao hơn cả, tình thương được diễn tả trong cuộc khổ nạn. Quả vậy, tình thương được diễn tả qua lời nói chưa đủ. Tình yêu được diễn tả qua quà tặng, cũng chưa đủ. Trọn vẹn nhất, là trao tặng bản thân của mình cho người mình yêu. Như có lần chính Chúa Giê-su nói: “không tình thương nào cao cả  hơn tình thương của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Lời của Chúa Giêsu không phải là một lời nói suông, không phải chỉ là một bài học luân lý ở trong cuốn sách nào đó. Nhưng Ngài nói và đã sống điều đó một cách cụ thể. Ngài “là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em” (Ga 13,14). Ngài lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban thịt máu của Ngài. Hơn hết, Ngài sống lời dạy cách cụ thể nhất trong cuộc khổ nạn, trong cái chết của Ngài. Đó là tình yêu lớn! Ngày xưa, với tình yêu lớn, Chúa Giêsu tặng cho người nghèo, người đau khổ tình yêu của Ngài, thì bây giờ chúng ta vẫn nhận được tình thương đó qua việc chúng ta cử hành những Mầu Nhiệm Thánh.

Hơn nữa, nếu Đức Giêsu chết rồi hết, nếu Ngài yêu thương rồi hết, thì việc chúng ta họp nhau nơi đây để học lại bài học yêu thương đó thì cũng chỉ là một bài học luân lý, một chứng tích lịch sử mà thôi. Trái lại, Đức Kitô sống lại đã làm thay đổi mọi sự, như lời xác quyết của thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi và đức tin của anh em hoàn toàn trống rỗng … và chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trong tất cả mọi người” (1 Cr 15,14-19).

Quả vậy, chúng ta họp nhau đây không phải để học bài học lịch sử, nhưng chúng ta cử hành Mầu Nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu. Tin Mừng ngày hôm nay ghi lại rất chi tiết cho thấy việc Chúa Giêsu sống lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga 20,1). Tảng đá đã lăn khỏi mộ? Ai lăn ra? Tin Mừng không nói. Nhưng qua vài cách lý luận, chúng ta có thể cách nào đó biết được ai đã lật tảng đá ấy ra. Chúng ta biết rằng văn hóa Do Thái rất ngại gọi đích danh tên Thiên Chúa, họ sợ phạm húy. Do đó, thường những hành động nào mà trong đó Thiên Chúa làm chủ ngữ thì câu văn đó thường được viết ở dạng bị động. Ví dụ: “Tội của con đã được tha; con đã được chữa lành.” Từ lý luận này, chúng ta có thể hiểu là Đức Giêsu đã tự lật tảng đá ra khỏi cửa mộ ấy. Tảng đá đã được lấy đi, Đức Giêsu đã sống lại. Ngài đã chiến thắng ác thần, chiến được tội lỗi và sự chết.

Việc Chúa Giê-su sống lại là một tất yếu. Theo Kinh Thánh: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga 20,9). Hoặc những lời Người đã tiên báo hồi còn ở Galile là: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Chúng ta xác tín một cách mạnh mẽ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta tin Chúa Giêsu sống lại là một Chúa Giêsu sống lại với tất cả những chứng tích của cuộc khổ nạn đau thương. Chúa Giêsu sống lại để sống với con người ngày hôm nay của thế kỷ 21 này như là một bảo chứng, một Đấng sẵn lòng đồng lao cộng khổ với chúng ta tới cùng. Ngài sống lại để hiện diện và chấp nhận liên lụy với chúng ta, như ngày xưa Ngài đã liên đới tới cùng với dân Israel vào thời của Ngài.

Như vậy, chúng ta ngày hôm nay mừng lễ Phục Sinh, là mừng một Đức Giê-su đang sống. Nhưng không chỉ là một Đức Giê-su đang sống trong vinh quang mà thôi; Ngài cũng không phải một Đấng Phục Sinh đang sống ở trên trời, mà là một Đấng đã chết ngày xưa vẫn đang sống ngày hôm nay với tất cả chứng tích của tình thương, để khẳng định với mỗi người là Ngài dám liên lụy và dám chết cho chúng ta một lần nữa và từng lần nữa. Hay nói cách khác, qua mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh, chúng ta cảm nhận được một tình yêu trọn vẹn của Đức Giêsu dành cho chúng ta. Một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu, và tình yêu đó không bao giờ đi vào dĩ vãng, không nằm dưới nấm mồ, nhưng là một tình yêu đang được thể hiện mà chúng ta đang cử hành trong tất cả nghi thức thánh thiện của cả mùa Phục Sinh.

Tảng sáng ngày Phục Sinh, khi hiện ra với bà Maria Mácđala, Chúa đã truyền cho bà đi báo cho các môn đệ biết Ngài đã sống lại. Ngày hôm nay, Chúa cũng truyền cho mỗi người chúng ta làm chứng cho các anh chị em Tin Mừng Chúa đã sống lại. Tuy vậy, chúng ta cần ý thức được điều này: làm chứng về Mầu nhiệm Phục sinh không phải chỉ chăm chú vào việc tìm những lý lẽ sắc bén để chứng minh rằng Chúa đã sống lại, nhưng điều cần hơn là phải làm chứng cho bằng được rằng Đấng Phục sinh, một mặt đang sống trong vinh quang, mặt khác cũng đang ở với chúng ta. Ngài hiện diện với chúng ta mỗi ngày, trong mọi biến cố vui buồn của kiếp người. Để làm chứng một cách thuyết phục, chúng ta phải biết là người thời nay rất thích “chứng từ đời sống”. Đúng vậy, vì đó là hình thức đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn các thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn giáo lý,  tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết.” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 42).

Xin cho Lời Chúa ngày hôm nay thấm vào trong tầm hồn ta, để hy vọng rằng Lời của Chúa sẽ chi phối suy nghĩ, lời nói và cả những hành động của chúng ta. Hầu nhờ đó, chúng ta có được đời sống chứng nhân. Và qua phong cách sống của chúng ta, người khác nhìn vào và cảm nhận được một Đức Giêsu đã phục sinh và đang hiện diện một cách cụ thể với chúng ta và với họ.

 

Bài trước“Trở về với Chúa” – chủ đề Tĩnh Tâm Cộng Đoàn Triết Học SVD – VIE
Bài tiếp theoTuần Bát Nhật PS – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.