Tuần Bát Nhật PS – Năm C

0
406

Chúa Nhật – Ngày 21 – Tháng 4

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

Bài đọc 1 : Cv 10,34a.37-43

Bài đọc 2 : Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8

Tin Mừng : Ga 20,1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

 THẤY VÀ TIN

Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta tiến trình đức tin của tông đồ Gioan. Khởi đi từ ngôi mộ trống, khăn liệm và những dải băng, cùng việc nhớ lại  những lời Đức Giêsu đã báo trước về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, ông đã tin rằng Đức Giêsu đã sống lại thật. Đôi mắt thể lý giúp ông mở ra với đôi mắt tâm hồn, vì thế, “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

“Thấy” và “tin” cũng chính là hành trình đức tin của người tín hữu. Thiên Chúa hôm nay cũng đang đến gặp gỡ chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta không nhận ra Ngài. Chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em bệnh tật, tù đày, nghèo khổ (x. Mt 25). Thánh Mátthêu cho biết, trong ngày phán xét cuối cùng, có nhiều người hết sức ngỡ ngàng, vì họ vẫn gặp Chúa hằng ngày mà không nhận ra. Do đó, kinh nghiệm “thấy” và “tin” của tông đồ Gioan giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Đồng thời, chúng ta được mời gọi đáp lại lời mời gọi thi hành sứ mạng loan báo cho mọi người điều mình đã “thấy” và “tin”.

Một khi cảm nhận được sự ngọt ngào của đức tin, người tín hữu được mời gọi lên đường để loan báo những gì mình đã trải nghiệm. Người tín hữu không giữ đức tin cho riêng mình nhưng được mời gọi chia sẻ cho người khác nữa. Vâng, hạnh phúc là một điều rất kì diệu; chúng ta chỉ nhận được nó cách dồi dào khi đem nó trao cho người khác như sách Công Vụ Tông Đồ đã nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con “thấy” và “tin” qua những dấu chỉ mà Chúa vẫn gửi đến trong cuộc sống thường ngày để chúng con biết đón nhận và chia sẻ sự sống, niềm vui và bình an của Đấng Phục sinh ban tặng.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Thứ Hai – Ngày 22 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,14.22b-33

Tin Mừng : Mt 28,8-15

Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.

SỢ HÃI NHƯNG RẤT VUI MỪNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ tâm trạng khác thường của những người phụ nữ: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng rất đỗi vui mừng.” Theo tâm lý bình thường, khi chúng ta có cảm giác sợ hãi thì chúng ta thường tỏ ra lo lắng, căng thẳng. Vậy điều gì khiến các bà vừa sợ hãi lại vừa rất đỗi vui mừng? Đó chính là niềm tin vào Chúa Phục Sinh.

Thật vậy, tâm trạng của các bà phản ánh rất rõ đức tin của họ. Tảng sáng, họ ra viếng mộ với tâm trạng buồn rầu, thất vọng vì Thầy của họ đã chết. Rồi khi diễm phúc được gặp Chúa Phục Sinh, các bà vừa vui mừng vừa sợ hãi trước sự kiện trọng đại. Chúa của các bà vẫn sống và nhắn nhủ rằng: “Chị em đừng sợ”. Các bà xác tín mạnh mẽ điều đang thấy, và đức tin ấy làm các bà vui, dù lòng các bà còn run sợ trước một biến cố vượt quá sức tưởng tượng.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, chính Chúa Giêsu đã trao cho các bà một sứ vụ khác: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đã có kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh và sẵn sàng loan báo niềm xác tín ấy cho người khác cùng biết. Đó cũng chính là lý do thúc bách mỗi người chúng ta là môn đệ của Ngài: cảm nghiệm về Đức Kitô Phục Sinh và loan báo sứ điệp của Ngài cho người khác.

Sau nữa, rõ ràng việc Chúa sống lại đã mang lại sự thay đổi lạ lùng nơi các bà: các bà không còn sợ hãi nữa và sẵn sàng báo tin về Chúa Phục Sinh. Cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh cũng giúp chúng ta cản đảm làm chứng cho Ngài.

Lạy Chúa, xin đổ ngập niềm vui Chúa Phục Sinh nơi những tâm hồn nhỏ bé của chúng con. Xin cho chúng con cũng luôn biết mạnh dạn chia sẻ niềm xác tín ấy nơi mỗi người chúng con gặp gỡ.

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Thứ Ba – Ngày 23 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,36-41

Tin Mừng : Ga 20,11-18

Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’) […]

NHẬN RA

Khi Đức Giêsu chết, các môn đệ chạy tán loạn. Kẻ thì trốn, người về quê, chỉ còn một số ít can đảm ở lại. Một trong số đó là bà Maria Mácđala. Bà đã vượt qua nỗi sợ hãi để ở lại, để thăm Chúa sau cái chết của Người.

Sau cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ sợ hãi không dám rời khỏi phòng. Có lẽ bà Maria Mácđala cũng không tránh khỏi những sợ hãi, nhưng vì tình yêu dành cho Đức Kitô, bà đã bất chấp tất cả hiểm nguy để ra mộ viếng Chúa. Bà đi trong tâm trạng buồn sầu, thất vọng và khóc nức nở: “Bà vừa khóc vừa nhìn vào trong mộ” (Ga 20,11). Tuy nhiên, điều làm bà sợ hãi và hoang mang hơn là khi nhìn vào ngôi mộ mà không thấy xác Chúa đâu. Bà nghĩ rằng, xác của Thầy mình đã bị đánh cắp: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi” (Ga 20,12). Mặc dầu trước đây bà Maria đã từng chứng kiến nhiều dấu lạ Chúa đã làm như trừ quỷ, chữa lành bệnh, cho kẻ chết sống lại… Nhưng trong hoàn cảnh này, bà không có đủ điềm tĩnh để suy gẫm về những điều đó. Vì thế, bà đã không thể nhận ra là Thầy mình đã phục sinh.

Hơn nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh đã mang một dung mạo mới, thân xác Người trở nên vinh hiển nên ngay cả khi nói chuyện với Người, bà Maria không thể nhận ra Người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là Đấng yêu thương; Người không bao giờ để cho những kẻ theo Người phải sống trong tuyệt vọng. Vì thế, Người đã đến và gọi chính tên của bà Maria. Nhờ đó, bà đã nhận ra Người. Cũng vậy, hằng ngày Thiên Chúa vẫn đến và gọi tên mỗi người chúng ta. Nhưng liệu tâm hồn chúng ta có đủ tỉnh thức và con tim chúng ta có đủ nhạy bén để nhận ra tiếng Người hay không?

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trong sáng, nhạy bén và một tâm hồn biết lắng nghe để con luôn nhận ra và đáp lại lời Ngài gọi con mỗi ngày.

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Tư – Ngày 24 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,1-10

Tin Mừng : Lc 24,13-35

[…] Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH

Trong cuộc sống hằng ngày, bên cạnh những lúc hạnh phúc, an vui, cuộc sống của chúng ta không thiếu những giây phút ê chề, thất vọng. Trong đời sống đức tin cũng thế, nhiều lúc chúng ta cảm thấy như Chúa vắng bóng, cảm thấy mất bình an, hụt hẫng và chán nản. Đó cũng là tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmau trong bài Tin Mừng hôm nay.

Hy vọng khôi phục lại Israel của hai môn đệ đã tan biến sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Một chút niềm vui nơi những người phụ nữ ra viếng mộ đã gặp được Chúa Phục Sinh cũng không giúp được các ông ở lại. Các ông vẫn chưa hiểu được rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ, chịu chết như thế rồi mới đi vào vinh quang của Người. Vì thế, các ông thất vọng chán nản và về lại cuộc sống của các ông xưa kia.

Chúa Giêsu hiểu được tâm trạng thất vọng và mất phương hướng của các ông, nên Ngài đã hiện ra và đồng hành cùng các ông, giúp các ông hiểu rõ về Ngài qua việc giải thích Sách Thánh. Thế nhưng, một khi niềm tin đã chạm đáy, có lẽ các ông cần một cú hích mạnh hơn, đó chính là việc Ngài đồng bàn và bẻ bánh với họ. Đến lúc này, không chỉ lòng rạo rực lên, mà mắt đức tin của các ông mở ra, các ông nhận ra Ngài.

Trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta, cũng không thiếu những lúc chúng ta gặp khó khăn, thử thách, những lúc chúng ta như thấy Chúa đang vắng bóng. Những lúc đó, ta hãy nhớ: Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang bước đi bên cạnh ta, Ngài vẫn luôn soi lòng mở trí và mời gọi ta nhận ra Ngài trong từng biến cố và dấu chỉ trong cuộc sống, nhất là lắng nghe Lời Chúa trong Sách Thánh và tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, những lúc chúng con đau khổ, thất vọng, xin giúp chúng con nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời.

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Năm – Ngày 25 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,11-26

Tin Mừng : Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông […]

NỀN TẢNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Người ta vẫn quan niệm chết là hết. Vậy thì con người sống là để hướng tới cái chết hay sao? Theo đức tin Kitô Giáo, thì chết không phải là hết nhưng cái chết được ví như là cầu nối để ta bước vào sự sống đời đời.

Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện Đức Kitô Phục Sinh hiện ra và củng cố lòng tin cho các môn đệ: “Cứ nhìn vào chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà” (Lc 24, 39). Lời trấn an ấy đã xóa tan nỗi buồn, sự sợ hãi và mang đến niềm vui mừng, sự bình an và cả niềm hy vọng lớn lao là được phục sinh với Đức Kitô.

Chúa Kitô Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin Kitô Giáo và là niềm tự hào cho chúng ta là những kẻ mang trong mình một đức tin không bao giờ vô vọng. Ngài đã chiến thắng sự chết để chúng ta có sự sống muôn đời sau khi đã trải qua cái chết về thể xác. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đã hãnh diện về niềm tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh. Ngài tự hào vì chính Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với ngài và chính ngài đã hăng hái ra đi rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh trong suốt sứ vụ của ngài. Ngài xác quyết về niềm tin ấy khi nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (x.1Cr 15,15).

Đức Kitô Phục Sinh là nền tảng đức tin Kitô Giáo. Đức tin đó không thể chỉ đóng khung trong tín điều, sách vở mà phải được loan báo cho hết thảy mọi người. Đó là sứ mạng của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng con xác tín cách chắc chắn vào niềm hy vọng phục sinh và noi gương thánh Phaolô để ra đi làm chứng cho niềm tin phục sinh đó thông qua những việc chúng con làm, những lời chúng con nói để qua đó mọi người có thể nhận ra Đức Kitô vẫn đang sống.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Sáu – Ngày 26 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,1-12

Tin Mừng : Ga 21,1-14

[…] Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. […]

NIỀM TIN VÀO CHÚA

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta biết về một mẻ cá lạ lùng mà các môn đệ đã có được sau khi các ông tin tưởng và làm theo lời khuyên của Chúa.

Sau khi Chúa chết, các môn đệ đã không còn chỗ nương tựa. Mọi dự định và hoài bão giờ đây đã tan thành mây khói. Họ thất vọng và trở về quê hương, trở về với nghề nghiệp quen thuộc của mình: nghề đánh cá! Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm về nghề cá, các môn đệ vẫn phải chấp nhận một sự thật cay đắng “suốt đêm không bắt được con nào”. Thế nhưng, ngay lúc ấy, Chúa đã xuất hiện và bảo các ông: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.” Các ông đã không phân bua, không thắc mắc, mà vâng lời thả lưới. Chính nhờ sự tin tưởng, phó thác ấy mà Chúa đã cho các ông mẻ lưới đầy cá, không sao kéo lên nổi.

Từ kinh nghiệm của các môn đệ, chúng ta cùng suy ngẫm về những kinh nghiệm của bản thân. Trong cuộc sống, nhiều khi ta gặp phải rất nhiều thất bại. Đó có thể là một hợp đồng không được ký kết, kinh tế gặp nhiều khó khăn, vợ chồng xảy ra những bất đồng, con cái học hành sa sút…Những lúc đó, ta thường tìm đến với ai: Chúa hay một ai đó, một thế lực nào đó? Nếu đến với Chúa, ta có đặt niềm tin và sự phó thác vào Ngài, cầu xin Ngài trợ giúp, hay ta kể lể, than trách Chúa? Ta có sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trao dù là trái ý?

 Lạy Chúa, khi đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, thay vì đặt niềm tin vào Chúa, chúng con lại cậy vào những khả năng nơi người phàm và đặt Chúa ra ngoài cuộc sống của con. Chỉ khi nào cùng đường hay thất bại cay đắng, chúng con mới trở về với Chúa. Xin Chúa hãy thứ tha cho những lầm lỗi của chúng con và giúp chúng con tìm đến với Ngài như là đối tượng và cùng đích của đời chúng con.

Tu sĩ Antôn P. Trần Khắc Phúc, SVD

Thứ Bảy – Ngày 27 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,13-21

Tin Mừng : Mc 16,9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.  Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

TRUYỀN GIÁO LÀ SỨ VỤ CAO CẢ NHẤT

Thánh Arnold Janssen, đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời đã có câu nói thời danh, và ngài đã minh chứng bằng chính cả cuộc đời của mình: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Và truyền giáo đã trở thành một trong năm chiều kích căn bản của linh đạo Dòng Ngôi Lời.

Tuy nhiên, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ dành riêng cho các vị tông đồ, hay cho những người sống đời thánh hiến mà thôi, nhưng sứ vụ ấy còn là của mỗi người Kitô hữu. Vì chính Chúa Giêsu đã trao phó sứ mạng đó cho hết thảy mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Chúa trao cho sứ vụ cao cả là loan báo Tin Mừng cho hết mọi người. Chúng ta hãy thi hành sứ vụ ấy qua trách nhiệm mà mình đảm nhận trong môi trường sống của mình, không chỉ bằng những lời nói nhưng là bằng hành động với tình yêu, và với cả cuộc đời của mình. Để làm được điều đó, đời sống của chúng ta cần phải bén rễ sâu trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời biết thể hiện đức tin, biết chạnh lòng thương, cùng với sự hiền lành và khiêm nhường như Đức Kitô. Nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta mới có thể rao giảng Tin Mừng cho mọi người một cách thiết thực, cụ thể và sinh động.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được rằng sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một sứ vụ quan trọng và cao cả của hết thảy mọi người. Nhờ đó chúng con mới có thể sống và dấn thân để rao giảng Tin Mừng bằng chính tình yêu và cả cuộc đời của mình.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh (Lễ chính ngày) – Năm C
Bài tiếp theoMỪNG CHÚA PHỤC SINH – 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây