Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 27 Thường Niên – Năm B

0
506

Bài Ðọc I: St 2, 18-24

“Cả hai nên một thân thể”.

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Ðáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. – Ðáp.

3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. – Ðáp.

4) Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11

“Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 2-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÔN NHÂN VÀ TÌNH YÊU ĐỐI TRẺ THƠ

Lm. G.B. Hoàng Đình Ưng, SVD

  1. Vấn đề hôn nhân

Khi những người Pharisêu đến chất vấn Chúa Giêsu, họ hỏi có được phép ly dị không, Chúa đã nhắc lại luật Môsê Môsê cho làm giấy ly dị” (Mc 10,4; x. Đnl 24,1); Phải hiểu đây là một sự miễn chuẩn, mà sự miễn chuẩn là một ngoại lệ không hủy bỏ được luật căn bản là sự trung thành một vợ một chồng. Sự miễn chuẩn của Môsê là vì lòng chai dạ đá của các ông (Mc 10,5), nghĩa là việc bất đắc dĩ mà thôi, chứ đó không phải là luật thông thường. Nhân đó Chúa Giêsu chính thức rút lại luật của Môsê, và ban bố một luật mới, luật Tân Ước; đó là luật nhất phu nhật phụ và bất khả phân ly của hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Giáo Hội vẫn luôn trung thành tuân giữ luật này cho đến hôm nay. Vì thế, ngày nay nhiều trường hợp Giáo Hội cho phép ly thân tạm thời hay vĩnh viễn cũng bất đắc dĩ mà thôi.

Đời sống hôn nhân và gia đình trong xã hội hôm nay, hơn bao giờ hết gặp rất nhiều khủng hoảng, dẫn đến mất hạnh phúc, ly dị. Nhiều người nhận xét rằng trong lịch sử loài người có lẽ chưa bao giờ nền tảng gia đình bị lung lay tận gốc như hôm nay. Điều này cũng không khỏi ảnh hưởng đến các gia đình Kitô hữu. Bởi thế, Giáo Hội hết sức lo lắng cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân và gia đình.

Có thể nói nạn ly dị trong xã hội hôm nay là một hiểm họa đáng báo động. Theo thống kê của nhiều nhà xã hội học mới đây cho thấy, tại những thành phố được gọi là văn minh, có đời sống hiện đại như New York, Paris, Tokyo, London … thì cứ 100 đôi vợ chồng trẻ cưới nhau thì có 75 đôi ly dị sau 1 đến 5 năm chung sống. Tình trạng này hiện nay không còn đóng khung nơi những nước giàu có văn minh mà đã lan nhanh đến những đất nước nghèo như đất nước chúng ta, với sự ảnh hưởng của Internet và các phương tiện truyền thông. Những thành phố lớn ở nước ta như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… qua thụ lý hồ sơ ở các tòa án cấp quận huyện, cho thấy hiện tượng ly hôn ngày càng gia tăng chưa có điểm dừng. Tình trạng xã hội hôm nay cho thấy lời Chúa Giêsu dạy hôm nay thật thời sự và cấp thiết.

Vấn đề ly dị là một vấn nạn lớn của thời đại chúng ta, một hiểm họa cho xã hội, nhưng nguyên nhân do đâu? Làm cách nào để có thể giảm thiểu vấn đề ly dị? Lý do dẫn đến ly dị có thể khởi đầu từ trăm ngàn lý do: khác biệt về tâm sinh thể lý, khó khăn trong đời sống vật chất… nhưng có lẽ lý do quan trọng vẫn là không được chuẩn bị tốt. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng lấy nhau dễ, thì bỏ nhau cũng dễ thế thôi.

Đối với hôn nhân Kitô giáo, Giáo Hội chuẩn bị rất chu đáo qua các lớp giáo lý hôn nhân. Vậy muốn có đời sống Hôn Nhân Công Giáo vững bền, mang lại hạnh phúc bền lâu các bạn trẻ trước khi bước vào đời sống hôn nhân, cần phải chuẩn bị thật chu đáo, chẳng những về mặt giáo lý, mà còn chuẩn bị về mặt tâm sinh lý, đạo đức trong thời kỳ chuẩn bị hôn nhân.

  1. Tình yêu trẻ thơ

Chúa Giêsu ôm các trẻ nhỏ vào lòng và chúc lành cho chúng (Mc 10,16). Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các em nhỏ hôm nay, cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ hôm nay, phải biết ân cần chăm lo giáo dục và nhất là phải nêu gương sáng cho con cái của mình.

Chúng ta đang từng ngày chứng kiến bao nhiêu là tệ nạn xã hội: trẻ em bụi đời lang thang hè phố, xì ke ma túy ngay trong học đường, băng đảng, cướp giật, ăn chơi thác loạn trong giới trẻ. Những hệ quả này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn xuất phát từ trong gia đình khi cha mẹ không còn là tấm gương cho con cái noi theo hay cha mẹ trở nên gương mù cho con cái. Vì thế, nguyên nhân chính vẫn là gia đình. Giáo dục gia đình vẫn là vấn đề quan trọng để con cái lớn lên thành người. Nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng việc làm ra của cải vất chất để con cái có tiền ăn học, có đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ; thật ra, đây là việc làm chính đáng. Thế nhưng, nếu không quan tâm đến đời sống tinh thần, đời sống đức tin, đạo đức, đời sống tình yêu của đứa con thì đứa con không sớm thì muộn cũng sinh ra hư đốn, vì không ai có thể thay thế cho cha mẹ trong việc giáo dục này. Cha mẹ phải đóng vai trò chính còn nhà trường, các thầy cô giáo cũng chỉ là những người phụ giúp phần nào thôi chứ không thể thay thế được.

Ước gì Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta là người Kitô hữu, những người trẻ biết chuẩn bị tốt cho ơn gọi của mình, người đi tu cũng như người sắp bước vào đời sống gia đình. Những người đang sống đời sống hôn nhân biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống yêu thương, chung thủy; đồng thời, những bậc làm cha làm mẹ hãy biết chăm lo giáo dục cho con cái, nhất là biết làm gương sáng cho con cái mình.

 

Bài trướcHuấn dụ của ĐGH mở đầu Thượng HĐGM về giới trẻ
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXVII – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.