Từ Giuse… đến Giuse…

0
485

  Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học viện Ngôi Lời

Sự dữ là một vấn nạn mà con người từ cổ chí kim đã cố công đi tìm lời giải đáp. Các triết thuyết, các truyền thống khôn ngoan của nhân loại và các tôn giáo, trong dòng lịch sử, đã thử trả lời, nhưng không có lời giải đáp nào có thể làm thoả mãn tâm trí mọi con người, nó vẫn cứ mãi là một bí ẩn.[1] Sách GLHTCG đã nhìn nhận sự thật này: “Trước câu hỏi vừa khẩn thiết vừa không thể tránh được, vừa bi thảm vừa bí nhiệm này, không câu trả lời vội vàng nào là đầy đủ được…”[2].

Một sự thật không thể phủ nhận là sự dữ thực sự hiện diện trong kiếp nhân sinh, khiến nhiều người cảm tưởng như đó là một phần của công trình tạo dựng. Đến độ, triết gia Gottfried W. Leibnitz[3] đã nhận định rằng sự hiện diện của sự dữ như một lẽ đương nhiên, ngay từ thuở tạo dựng. Ông lý luận rằng sự dữ phải có trong thế giới, bằng không, Thiên Chúa sẽ tự mâu thuẫn, vì tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo chẳng khác nào biến thế giới ấy thành một Thiên Chúa khác, như thế là vô lý vì không thể đồng thời có hai sự hoàn hảo tuyệt đối, hay nói cách khác, không thể đồng thời có hai Thiên Chúa[4].

Kinh Thánh tuy không đưa ra lời giải đáp cho vấn đề này nhưng đã cung cấp cho chúng ta câu trả lời về sự xuất hiện của nó. Sự dữ không đến từ Thiên Chúa vì chưng, Thiên Chúa không thể làm điều nghịch lại bản tính của Ngài (Tt 1,2; Gc 1,13). Đứng trước bao đau khổ và cả sự tuyệt vọng mà sự dữ gây nên trong cuộc đời con người, chúng ta sẽ đối diện với vấn nạn muôn thuở này ra sao? Chúng ta có quyền đi tìm lời giải cuối cùng cho câu hỏi “Tại sao lại có sự dữ?”, một câu hỏi mà gần như không có câu trả lời thoả đáng. Thế nhưng, đức tin mở ra cho chúng ta một hướng đi mới. Thay vào đó, chúng ta đặt lại vấn đề: “Tôi nên làm gì trước sự dữ?”.

“Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (x. Mc 10,27). Đây là lời mở ra cho chúng ta niềm tin tưởng vô tận vào tình thương của Thiên Chúa là Cha. Tin tưởng vào Thiên Chúa không miễn trừ cho người Kitô hữu khỏi những điều dữ, nhưng mở ra cho người tin một thái độ đón nhận. Vì chưng, Thiên Chúa có thể rút ra điều lành từ trong những điều dữ. Cuộc đời của tổ phụ Giuse, của thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria và đỉnh cao, Đức Giêsu Kitô là những minh chứng sống động.

  1. Từ Giuse… (Cựu Ước)

Nhắc đến Giuse (St 37,2-50,26), chúng ta hình dung về một trong những tổ phụ vĩ đại của dân Israel nói riêng và một mẫu gương đức tin đối với người Kitô hữu nói chung. Tổ phụ Giuse có chỗ đứng quan trọng trong lịch sử dân Chúa, như một vị cứu tinh. Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với một cuộc đời chỉ toàn những điều may lành. Nhìn về hành trình cuộc đời, tổ phụ Giuse cũng không tránh khỏi những sự dữ xảy đến. Khởi đầu là việc bị anh em bán làm nô lệ sang Ai Cập (St 37,1-36). Đó là một điều dữ thực sự, một tai hoạ ập xuống trên đầu Giuse. Ắt hẳn, với ý hướng của các anh, tương lai của Giuse gần như đã được xác định: sống kiếp nô lệ nơi đất khách quê người, sẽ chẳng không còn ai nhớ đến. Những điều dữ không dừng lại ở đó. Nơi Ai Cập, tai hoạ còn tiếp tục giáng xuống Giuse do sự vu oan của bà chủ, tức là phu nhân ông Pôtipha, thái giám của Pharaô, khiến Giuse phải sa cảnh tù ngục (St 39,1-23). Quả thật, một người nô lệ ngồi tù với tội danh như vậy, liệu còn ánh sáng nơi cuối con đường?

Thế nhưng, Thiên Chúa đã ra tay xoay chuyển tình thế. Ngài biến tất cả những điều dữ mà Giuse gặp phải thành duyên cơ để nảy sinh những điều lành. Dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Giuse đã trở thành tể tướng Ai Cập (41,1-57), nhờ đó, ông đã cứu gia đình lẫn cả toàn dân Israel khỏi trận đói khủng kiếp: “Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa” (St 45,7-8). Thật vậy, trong thánh ý của Thiên Chúa, những điều dữ mà tổ phụ Giuse gặp phải đã được hoá giải. Thiên Chúa đã ra tay cứu dân Người thoát khỏi cảnh diệt vong. Giuse trở thành con người đầy uy quyền nơi Ai cập, được Thiên Chúa chúc lành và trở thành một tổ phụ đáng kính của dân Israel. Chính tổ phụ Giuse cũng đã xác tín: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50,20).

  1. … đến Giuse (Tân Ước)

Kinh Thánh không nói nhiều về thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, một trong những điểm nổi bật mà Kinh Thánh trình bày về thánh Giuse là một người công chính (x. Mt 1,19). Cuộc đời còn đẹp như mơ khi Giuse đính hôn với Maria, một người phụ nữ tốt lành (xc.18). Vậy mà, điều bất ngờ xảy đến, vợ ông mang thai và cái thai ấy chẳng phải của Giuse (xc.18). Nếu dừng lại ở mặt sự kiện, việc Đức Maria mang thai như vậy đồng nghĩa với một sự phản bội. Đối với Giuse, đó chẳng khác nào một điều dữ xảy đến cho ông. Đã vậy, theo lệnh truyền của Thiên Chúa qua sứ thần, Giuse lại còn phải đón nhận người vợ đó về nhà mình (xc.20) và trở thành cha của người con mà Đức Maria đang cưu mang. Không dừng lại ở đó, khi người con được hạ sinh, đứa trẻ lại trở thành “mục tiêu” của vua Hêrôđê (x. Mt 2,16). Thật vậy, không ít những điều dữ xảy đến với cuộc đời của thánh nhân.

Thế nhưng, qua thánh ý Thiên Chúa, điều dữ đó đã được Thiên Chúa dùng để Lời Chúa phán qua miệng các ngôn sứ được ứng nghiệm: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” (Mt 1,23), nghĩa là Đức Maria vẫn đồng trinh và Đức Giêsu được hạ sinh đúng bởi quyền năng Thánh Thần chứ không phải do ước muốn của người nam và người nữ… Con Thiên Chúa được ban cho nhân loại cách trọn vẹn và được toàn vẹn trong cả nhân tính lẫn thần tính[5]. Điều dữ xảy đến với Giuse, trong thánh ý của Thiên Chúa, đã trở thành điều lành: Những Lời của Thiên Chúa trong Thánh Kinh qua miệng các ngôn sứ được ứng nghiệm và trên hết, Con Thiên Chúa được ban cho nhân loại.

  1. … đỉnh cao là Đức Giêsu

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa” (x. Pl 2,6) nhưng đã phải mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53, 2-4). Không những vậy, Ngài còn phải chịu chết trên cây thập tự. Đức Giêsu, Đấng vô tội mà đã phải nhận một bản án bất công và thảm khốc: chịu đóng đinh vào thập giá, “điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (x.1Cr 1,23). Hơn nữa, đối với người Do thái, nơi đó còn hàm chứa lời chúc dữ của Thiên Chúa, bởi Kinh Thánh nói:“Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (x. Gl 3,13)[6]. Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà phải nhận lấy những điều ấy, đó chẳng khác nào là một điều dữ tột cùng.

Thế nhưng, nơi đó, Thiên Chúa đã rút ra một điều lành tuyệt hảo. Đó là ơn cứu độ. Chính nhờ Đấng bị treo trên thập giá mà con người được ơn cứu độ. Đức Giêsu đã củng cố niềm tin đó của chúng ta: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Quả vậy, nơi sự dữ mà người Do thái xem là ô nhục và bị nguyền rủa, Thiên Chúa đã dùng để con người nhờ nhìn lên và tin vào Đấng đang chịu treo trên thập giá mà được cứu độ.

Kết luận

Quả thật, Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể rút ra điều lành từ những sự dữ. Điều đó đã được minh chứng sống động nơi cuộc đời của tổ phụ Giuse, của thánh Giuse và đỉnh cao là nơi Đức Giêsu Kitô. Điều đó mở ra cho con người những suy nghĩ.

Trước tiên, một sự thật không thể phủ nhận là sự hiện hữu của sự dữ trong cuộc đời mỗi con người, không một ngoại lệ. Con người có quyền than trách, thoái lui hay tuyệt vọng, nhưng cũng có thể chọn tin tưởng, phó thác và đón nhận bằng cái nhìn của đức tin.

Kế đến, chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, cũng đã đón nhận những điều dữ xảy đến nơi mình. Đức Hồng y Cantalamessa đã diễn tả rất hay: “Phải làm gì để đảm bảo cho ai đó là đồ uống này không có thuốc độc? Chúng ta hãy cứ uống trước mặt người đó. Đây là điều Thiên Chúa đã làm với con người. Người đã uống chén đắng cuộc khổ nạn. Thế nên, đau khổ (sự dữ) của con người không thể chỉ là tiêu cực, mất mát, phi lý nếu chính Thiên Chúa đã chọn uống nó”[7]. Đó chẳng khác nào một bảo chứng cho Lời Thiên Chúa đã phán: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng” (x. Ga 16,33).

Sau cùng, về phần mình, đứng trước những sự dữ trong cuộc đời, liệu con người có chọn đứng về phía Thiên Chúa, chọn tin tưởng, phó thác vào thánh ý Ngài hay chăng? Có lẽ, chúng ta cũng chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài Thiên Chúa, “nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa…những bí ẩn về sự dữ, đau khổ vẫn không giải đáp được, như thế, con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng”.[8]

Đứng trước vấn nạn của sự dữ, lời của triết gia Jaspers thật đáng quý: “Chả lẽ đau khổ, sự dữ bởi tình cờ hoặc bởi một ác quỷ? Hay là đau khổ không có ý nghĩa gì hết? Nói đau khổ không có ý nghĩa gì hết là nói một điều vô lý nhất trên đời và thực ra đó chỉ là không dám nhìn thẳng vào đau khổ, điều dữ xảy đến”[9]. Và Jaspers kết luận: “Trong những giờ phút đó, chúng ta không thể không tự đặt vấn đề: Thiên Chúa hay hư vô? [10]

Chú thích:

[1] Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh, Nhân học Kitô giáo, Tập Hai: Tội nguyên tổ và ân sủng, Nxb Đồng Nai (2018), tr.131.

[2] GLHTCG số 309.

[3] Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) là một nhà bác học người Đức với các tác phẩm chủ yếu viết bằng tiếng Latin và tiếng Pháp. Ông được giáo dục về luật và triết học. Trong triết học, ông được nhớ đến nhiều nhất với chủ nghĩa lạc quan… kết luận của ông: vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ tốt nhất mà Thiên Chúa có thể tạo ra.

[4] Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh, Nhân học Kitô giáo, Tập Một: Tạo dựng, Nxb Đồng Nai (2018), tr. 71.

[5] Công thức đức tin tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là perfectus homo, perfectus Deus. Ở nơi Đức Giêsu Kitô không thiếu bất cứ điều gì thuộc về bản tính Thiên Chúa, cũng như không thiếu bất cứ điều gì thuộc về bản tính con người.

[6] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr.198-199.

[7] Sđd, trích trong trang bìa sau.

[8] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Gaudium et Spes, số 21.

[9] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr.124.

[10] Sđd, tr.125.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật 1, Mùa Chay – C)
Bài tiếp theoNGÀY THỨ 1: GIUSE – MẪU GƯƠNG TRONG ƠN GỌI THÁNH HIẾN VÀ HÔN NHÂN * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE