NGÀY THỨ 1: GIUSE – MẪU GƯƠNG TRONG ƠN GỌI THÁNH HIẾN VÀ HÔN NHÂN * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE

0
434

♦ Lm. Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thông thường người ta dựa vào những lời khấn để phân biệt người sống đời thánh hiến với người giáo dân. Nhưng phải chăng chỉ có những người sống đời thánh hiến mới bị ràng buộc bởi ba lời khuyên Phúc Âm: Vâng Phục, Khó Nghèo và Khiết Tịnh? Nếu đó là những lời khuyên của Chúa Giêsu thì tại sao lại có luật trừ cho một số người? Phải chăng người tín hữu nói chung và những người sống trong ơn gọi hôn nhân nói riêng không cần sống theo ba lời khuyên Phúc Âm? Thiết nghĩ rằng, tuy những người sống trong ơn gọi hôn nhân không sống theo ba lời khuyên cách triệt để như các tu sĩ, nhưng sống theo ba lời khuyên Phúc Âm vẫn là điều cần thiết để có được cuộc sống hôn nhân viên mãn và hạnh phúc thực sự. Như vậy, ba lời khuyên Phúc Âm không chỉ dành riêng cho những người sống đời thánh hiến mà còn cần thiết cho cả những người sống trong ơn gọi hôn nhân nữa.

Chúng ta cùng chiêm ngắm mẫu gương thánh Giuse, là cha nuôi và bạn trăm năm của Đức Maria. Nơi thánh nhân, chúng ta thấy sáng lên mẫu gương sống theo ba lời khuyên Phúc Âm trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Nhìn vào đời sống của thánh cả chúng ta thấy được sự khả thi của việc sống theo ba lời khuyên trong ơn gọi hôn nhân. Và bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu những yếu tố làm nên sự khả thi đó.

  1. Thánh Giuse – Mẫu Gương Sống Vâng Phục

Trong Kinh Thánh, thánh Giuse đã không nói gì về mình, hay đúng hơn, các soạn giả Tin Mừng đã không cho ngài nói. Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải là một kiểu thinh lặng thụ động. Ngược lại, đó là thái độ thinh lặng của một người luôn sẵn sàng hành động, hành động theo đúng như lời mình đã được nghe. Những trình thuật Kinh Thánh kể lại rằng thánh Giuse không nói, nhưng ngài hành động. Cách hành động của ngài là “ngay lập tức”. Đó là nét đặc trưng của thánh Giuse. Hạn từ “vâng phục” trong tiếng Latin là Obedire có nghĩa là lắng nghe. Thánh Giuse thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Ngài không chỉ lắng nghe suông nhưng ngài đã hành động ngay lập tức để thực thi thánh ý Thiên Chúa. Trong cả hai lần báo mộng ban đêm, để diễn tả phản ứng của thánh Giuse, thánh Mátthêu hai lần dùng cùng một công thức như nhau: “Ông Giuse liền trỗi dậy.” (Mt 2,14;21). “Liền trỗi dậy” nghĩa là trỗi dậy ngay lập tức, không trì hoãn, không chần chừ, không ngần ngại. “Liền trỗi dậy” nghĩa là ngay lập tức biến điều mình đã được nghe thành hành động cụ thể. Sự vâng phục của thánh Giuse còn là vâng phục vô điều kiện. Ngài không đòi buộc Thiên Chúa phải giải thích, cũng không chờ đến khi mình thật sự hiểu thấu thì mới vâng phục và hành động. Ngài biết rằng mầu nhiệm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đôi khi là điều vượt quá sức hiểu của con người, có khi đi ngược lại với ý muốn và dự tính của con người. Để mầu nhiệm cứu độ được thực hiện, Thiên Chúa cần đến sự vâng phục cộng tác của con người. Sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa của thánh Giuse đã phần nào thấm nhập vào đời sống và lời rao giảng của Chúa Giêsu sau này. Chúa Giêsu đã học được sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa ngay trong những lúc nghịch cảnh, như nơi vườn Giếtsêmani: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,40).

Quả thực, thánh Giuse đã để lại cho chúng ta mẫu gương về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Từ việc vâng phục Thiên Chúa, ngài đã thể hiện qua lối sống của ngài với các thành viên trong gia đình qua lối sống âm thầm, phục vụ người khác một cách tận tình. Với vai trò là cha nuôi của Chúa Giêsu, ngài không hề phô trương hay huênh hoang tự đắc. Với thái độ thinh lặng quan tâm, ngài đã đưa gia đình của mình vượt qua mọi khó khăn, vất vả của cuộc sống. Thánh Giuse cũng làm chảy tràn tình yêu trên gia đình của mình. Trong vai trò là chủ gia đình, ngài tận tụy trong lao động để nuôi sống gia đình, làm cho Thánh Gia thành một tổ ấm. Nơi đây, Đức Giêsu được nuôi dưỡng và được lớn lên. Noi gương thánh nhân, mỗi người chúng ta dù trong bất kỳ ơn gọi nào cũng biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Như thế, chúng ta mới xây dựng được một gia đình hạnh phúc theo khuôn mẫu của Thánh Gia.

  1. Thánh Giuse – Mẫu Gương Sống Khó Nghèo

Chắc chắn không ai muốn sống cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, có những người biết từ khước đi những bám víu vào của cải trần gian để sống trọn thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã nêu gương sáng cho chúng ta về điểm này. Thánh nhân trọn đời sống đơn sơ, khó nghèo và đã để lại mẫu gương tuyệt vời cho Chúa Giêsu noi theo.

Có người cho rằng trong đời sống hôn nhân việc sống theo lời khuyên khó nghèo thật là ngược đời. Ai ai cũng phấn đấu làm việc để có được một cuộc sống giàu có, sung túc. Sống khó nghèo ở đây hiểu là biết từ khước đi những của cải, những hư danh trần gian, biết quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh đặc biệt là những người nghèo khổ. Nhìn vào gương thánh Giuse chúng ta thấy rõ điều đó. Thánh nhân đã sống cuộc sống đơn sơ, giản dị như bao người khác tại ngôi làng nhỏ bé Nadarét. Thánh Giuse làm nghề thợ mộc và nghề đó gắn liền với danh xưng của Chúa Giêsu sau này: “con bác thợ” (x. Mt 13,55). Ngài vất vả, tận tuỵ với nghề để có đủ lương thực nuôi sống gia đình. Ngài sống một cuộc đời vất vả, giản dị mà không hề ca thán. Qua gương sống, ngài đã giáo dục Đức Giêsu yêu sự khó nghèo, khiêm hạ để có thể hướng về người nghèo.

Thánh Giuse không những nêu gương sáng về sự khó nghèo về vật chất mà còn cả sự khó nghèo về tinh thần nữa. Giá trị sự nghèo khó của thánh Giuse giúp ngài không để của cải, hư danh làm rào cản mình vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Chính đời sống khó nghèo của thánh nhân đã ảnh hưởng đến những lời giáo huấn của Chúa Giêsu sau này: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3). Trong ơn gọi hôn nhân, lời khuyên sống khó nghèo không đòi buộc chúng ta phải chấp nhận sống thiếu thốn, nghèo đói. Cái nghèo của thánh Giuse dạy chúng ta thi hành không phải là cái nghèo xã hội. Tinh thần nghèo khó mà thánh Giuse muốn dạy chúng ta là thái độ không xem trọng vật chất, không bị cám dỗ bởi của cải thế gian, không đặt vàng bạc, danh vọng làm mục tiêu phấn đấu của đời mình. Tinh thần nghèo khó là biết tôn trọng phẩm giá của nhau hơn là những vật chất phù du bên ngoài. Noi gương thánh nhân, chúng ta biết từ khước những cám dỗ, biết tìm kiếm những giá trị chân thực của Tin Mừng trong ơn gọi của mình.

  1. Thánh Giuse – Mẫu Gương Sống Khiết Tịnh

Thánh Giuse là một con người của lòng tin. Ngài thinh lặng không phải ngài hờn dỗi hay ít nói. Ngài thinh lặng để lắng nghe tiếng Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Vì biết Thiên Chúa đã chọn ngài cộng tác nên khi nhận được thánh ý thì ngài mau mắn thi hành. Ngài chấp nhận trách nhiệm và gánh nặng là trụ cột của gia đình nhằm bảo vệ Trinh Nữ Maria và Hài Nhi Giêsu. Ngài chấp nhận sống khiết tịnh ngay trong ơn gọi hôn nhân để bảo vệ và chăm sóc Thánh Gia. Chúng ta biết rằng, khi nguyên tổ phạm tội thì con người đánh mất sự tinh tuyền, dễ bị dục vọng chi phối. Như thánh Phaolô đã khẳng định: “điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7,15). Nhưng thánh Giuse thì hoàn toàn khác. Ngài làm chủ được bản năng giới tính của mình. Ngài tự nguyện sống khiết tịnh để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Sự khiết tịnh của thánh nhân có thể được xem là sự khiết tịnh vì Nước Trời.

Tình yêu của thánh Giuse dành cho Đức Maria là một tình yêu trinh sạch, vẹn toàn và vượt trên mọi ham muốn phàm tục. Ngài đón vị hôn thê đã mang thai về chung sống, dù bào thai không phải do mình, vì ngài biết đó là kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Với một tình yêu vĩ đại, ngài đã khước từ những ham muốn nhục dục thân xác để toàn tâm, toàn ý chu toàn thánh ý Thiên Chúa.

Tại sao đời sống khiết tịnh của thánh nhân lại là mẫu mực cho tình yêu của những người sống đời hôn nhân. Trong ơn gọi hôn nhân mà phải sống khiết tịnh thì thật là nực cười! Khiết tịnh ở đây không phải hiểu theo nghĩa chặt như đời sống thánh hiến. Khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là biết làm chủ bản năng giới tính của mình, nhờ đó vợ chồng yêu thương nhau một cách tiết độ. Yêu thương nhau một cách tiết độ là tránh tìm kiếm khoái lạc nhục dục thái quá, biết sử dụng tính dục một cách đúng đắn. Sử dụng tính dục một cách đúng đắn là biết hướng dẫn bản năng tính dục theo những đòi hỏi của đức ái. Bởi lẽ, đức ái sẽ làm cho việc giữ đức khiết tịnh trở nên dịu dàng, êm ái và tràn đầy yêu thương. Sống khiết tịnh trong bậc sống vợ chồng chính là biết sử dụng tính dục để diễn đạt tình yêu lứa đôi, một tình yêu hy hiến, một tình yêu hướng đến sự sống và phục vụ sự sống, chứ không phải là tình yêu ích kỷ, chỉ hướng đến khoái lạc và thỏa mãn nhu cầu bản thân.

Tóm lại, thánh Giuse là mẫu gương sống theo ba lời khuyên Phúc Âm trong ơn gọi hôn nhân. Ngài là mẫu gương đã sống và tiên báo trước về một lối sống theo các giá trị Tin Mừng mà sau này Chúa Giêsu đã sống, đã rao giảng và đã mời gọi mọi người bước theo. Ơn gọi Kitô hữu mời gọi mọi người hoạ lại lối sống mà Chúa Giêsu đã thực hành trên trần gian này. Chúng ta được mời gọi nên thánh qua việc tuân giữ những giáo huấn của Chúa. Và như thế, mỗi người chúng ta, dù sống trong ơn gọi nào cũng đều được mời gọi để trở thành dấu chỉ Nước Trời, dấu chỉ tình yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay. Noi gương thánh Giuse, chúng ta luôn biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thi hành dù trong bất cứ cảnh huống nào. Xin thánh nhân chuyển cầu cho mỗi người chúng ta.

Bài trướcTừ Giuse… đến Giuse…
Bài tiếp theoGia đình Giuse: HÀNH HƯƠNG MÙA CHAY 2022