NGÀY THỨ 7: THÁNH GIUSE: VỊ THÁNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE

0
393

Lm. Antôn. P Nguyễn Thanh Hà, SVD

  1. Dẫn Nhập

Trong cuộc sống, người ta có câu ngạn ngữ: “cha nào con nấy”. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Và vì là con người giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, thì chắc hẳn Chúa Giêsu cũng chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ thánh Giuse, người cha nuôi của Người. Do đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một Đấng đầy lòng thương xót đối với con người thế nào, thì chúng ta tin chắc rằng thánh Giuse cũng là một vị thánh có lòng xót thương đối với tha nhân như vậy. Mặc dù Kinh Thánh không ghi lại bất cứ lời nói hay giáo huấn nào của thánh nhân về lòng thương xót, nhưng chúng ta thấy rất rõ điều đó qua những chứng từ Kinh Thánh có liên quan đến ngài.

  1. Thánh Giuse- Người Biết Đồng Cảm Với Tha Nhân

2.1 Đối Với Đức Maria

Theo tường thuật của thánh Mátthêu, Đức Maria đã thành hôn với thánh Giuse, nhưng trước khi hai người về chung sống, thì Đức Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse đã định tâm bỏ Đức Maria cách kín đáo, vì không muốn tố giác Đức Maria (x. Mt 1,18-19). Ở đây, chúng ta không biết chính xác rằng Đức Maria có nói cho thánh Giuse biết việc mình thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần hay không. Nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là thánh nhân có quyền tố giác Đức Maria về việc có thai trước khi về chung sống với nhau. Và khi tố giác như thế, thánh nhân cũng biết chắc là Đức Maria sẽ đối diện với bản án tử hình bằng cách ném đá cho đến chết một cách nhục nhã (x. Đnl 22,23-27). Nhưng trong thực tế, thánh nhân đã không tố giác, đã không đặt Đức Maria trong tình trạng bi đát nhất của cuộc đời.

Chúng ta không biết thánh Giuse suy nghĩ gì khi đưa ra quyết định rời bỏ Đức Maria cách kín đáo. Nhưng nếu thánh Giuse bỏ Đức Maria trong tình trạng có thai mà không chồng, thì hậu quả mà Đức Maria phải gánh chịu chắc cũng không mấy là tốt lành. Dù là vậy đi chăng nữa, chúng ta có thể nói rằng thánh Giuse đã không nỡ và đã không muốn chính tay mình đẩy Đức Maria vào bản án tử hình bằng cách ném đá cho đến chết cách nhục nhã hay vào một kết cục bi thảm nào khác.

Nếu là một người đàn ông ích kỷ, hẳn người đó đã hoài nghi về lòng chung thủy của người vợ của mình, dù cho người vợ có thanh minh rằng bào thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, anh ta sẽ tố giác và đẩy người vợ đang mang thai vào hoàn cảnh tồi tệ nhất. Nhưng thánh Giuse đã không làm như thế, cho dù có lẽ ngài có trăm ngàn suy nghĩ trong đầu. Từ đó, chúng ta có thể nói rằng thánh Giuse là một con người có lòng xót thương, đặc biệt là đối với Đức Maria. Nếu thánh nhân không phải là người có tâm hồn và lối sống thấm đẫm lòng thương xót, thì có lẽ ngài đã hành xử như những người đàn ông ích kỷ mà không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với Đức Maria.

2.2. Đối Với Chúa Giêsu

Hơn ai hết, thánh Giuse biết rằng Chúa Giêsu không phải là con ruột của mình. Nhưng cho dù là cha nuôi của Chúa Giêsu, thánh nhân vẫn yêu thương Chúa Giêsu như con đẻ của mình. Dựa vào đâu mà chúng ta nói như vậy? Khi chúng ta đọc trình thuật “thánh Giuse và Đức Maria bị lạc mất Đức Giêsu” (x. Lc 2,41-50), chúng ta thấy rất rõ tình thương và sự tha thứ của thánh Giuse dành cho Chúa Giêsu. Thánh Luca mô tả rằng, sau ba ngày, thánh Giuse và Đức Maria mới tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy. Hai ông bà sửng sốt và Đức Maria đã thốt lên rằng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Qua câu nói của Mẹ Maria, chúng ta cảm nhận được nỗi lòng lo lắng của thánh Giuse và Mẹ Maria. Dù Mẹ Maria đã bức xúc đến mức trách Chúa Giêsu như vậy, nhưng thánh Giuse thì không hề nói gì và cũng không hề có hành động gì. Đứng trước một tình huống như vậy, một người đàn ông bình thường và không có lòng thương xót thì chắc không khỏi có những lời nói trách mắng, chửi bới, la rầy,… đối với đứa con của mình. Trong thực tế cuộc sống, không ít người đàn ông đã có những ứng xử thiếu lòng thương xót đối với những đứa con mà họ biết rằng không phải là con ruột của họ.

Trước lời trách móc của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã đáp lại rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,50). Nếu chúng ta ở vào vị trí của thánh Giuse, thì lúc bấy giờ chắc chúng ta khó lòng kiềm chế, và có lẽ chúng ta sẽ có những hành động thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Nhưng thánh Giuse không hề có những hành động như vậy, mặc dù ngài không hề hiểu những lời mà Chúa Giêsu nói. Thánh nhân vẫn thinh lặng nhưng sự thinh lặng của ngài không phải là thinh lặng của người không quan tâm, nhưng là thinh lặng của người luôn quan tâm, lo lắng và yêu thương Chúa Giêsu như con ruột của mình, đồng thời cũng là thinh lặng của người luôn tôn trọng những suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu. Thánh nhân thinh lặng nhưng luôn gẫm suy trong lòng để hiểu Chúa Giêsu.

  1. Thánh Giuse – Người Quảng Đại Bảo Vệ Thánh Gia

Trong câu chuyện Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu (x. Lc 2,1-20), chúng ta thấy thánh Giuse đã phải là người vất vả lo lắng cho Đức Maria như thế nào. Trong tình cảnh không tìm được chỗ trọ và buộc phải lưu trú trong chuồng súc vật, chỉ có một mình thánh Giuse phải chạy đôn chạy đáo để lo cho Đức Maria sinh nở. Có lẽ chính thánh nhân chứ không phải ai khác là người đi lấy nước, nhóm lửa và nấu nước nóng để tắm cho Chúa Giêsu,… Dù vất vả và cực nhọc như thế, nhưng thánh nhân không hề ca thán, không một lời nặng nhẹ đối với Đức Maria.

Rồi sau khi các nhà chiêm tinh đến bái lạy Chúa Giêsu (x. Mt 2,1-12), thánh Giuse phải một phen hoảng hốt vì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng rằng vua Hêrôđê sắp tìm giết Chúa Giêsu Hài Đồng. Ngay sau khi nhận được tin báo ấy, thánh Giuse tức tốc thức dậy và đang đêm đã đưa Đức Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập mà không hề có một lời càm ràm nào cả (x. Mt 2,13-15). Dù cho hành trình từ Bêlem sang Ai Cập có muôn vàn khó khăn và thách đố, thánh nhân cũng không hề bỏ rơi hai mẹ con Đức Maria; ngài vẫn luôn giang rộng vòng tay để yêu thương và bảo vệ hai mẹ con.

Rồi khi sinh sống ở bên đất Ai Cập, thánh Giuse đã phải vất vả lao động bằng nghề thợ mộc nơi đất khách quê người để nuôi sống Thánh Gia. Khi đang yên đang lành bên đất Ai Cập, sứ thần Chúa lại báo mộng cho thánh nhân đem Đức Maria và Chúa Giêsu về đất Israel; ngài cũng đã mau mắng thực hiện mà không hề thắc mắc. Rồi khi về đến đất Israel và nghe biết Áckhêlao, một người không mấy tốt lành, lên kế vị vua cha là Hêrôđê để cai trị miền Giuđê, thánh Giuse lại đưa Thánh Gia đến nơi cư ngụ an toàn theo lời báo mộng của sứ thần Chúa (x. Mt 2,19-23). Trong tất cả hành trình đó, thánh nhân không một lời than vãn, trách móc đối với bất kỳ ai. Thánh nhân vẫn vậy, vẫn một mực thinh lặng trong yêu thương, quan tâm và lo lắng hết sức có thể để mưu cầu điều tốt nhất cho Đức Maria và Chúa Giêsu.

  1. Kết Luận

Với tất cả những gì trình bày ở trên, chúng ta có thể nói rằng thánh Giuse là một vị thánh của lòng thương xót. Chắc có lẽ vì thánh Giuse có một tâm hồn thương xót và quảng đại, nên Thiên Chúa đã chọn ngài làm cha nuôi của Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu độ nhân loại. Chắc có lẽ vì thánh Giuse có lòng thương xót, nên Thiên Chúa đã giao cho ngài bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu trước những sóng gió của cuộc đời. Chắc có lẽ vì thánh Giuse có lòng nhân từ, nên Thiên Chúa đã giao cho ngài trọng trách nuôi dạy Chúa Giêsu khi còn niên thiếu. Thiên Chúa đã trao phó Con của Người cho thánh Giuse, Mẹ Giáo Hội cũng nhận thánh Giuse là Đấng bảo trợ, vì thế chúng ta hãy trao phó cuộc đời chúng ta vào tay thánh Giuse, một vị thánh giàu lòng xót thương.

Bài trướcĐời Cha và đời con: Giới thiệu sách về Arnold Janssen
Bài tiếp theoNGÀY THỨ 8: GƯƠNG THÁNH GIUSE * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE