NGÀY THỨ 8: GƯƠNG THÁNH GIUSE * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE

0
301

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

K hi nói về con người và cuộc đời của thánh Giuse, có lẽ chúng ta cảm thấy bối rối và gặp khó khăn vì chẳng biết dựa vào đâu để nói về ngài bởi ngay cả trong sử sách và Kinh Thánh đều nói rất ít về ngài. Tuy nhiên, khi chúng ta chiêm ngắm ngài ngang qua đời sống Thánh Gia, chúng ta sẽ ngỡ ngàng về những phẩm tính cao đẹp mà thánh nhân đã để lại cho hậu thế. Trong bài suy niệm này, chúng ta cùng nhau gẫm suy về một vài nhân đức tuyệt vời của thánh Giuse mà ngài đã sống.

  1. Thánh Giuse Là Một Người Quảng Đại Và Bao Dung

Trở về với biến cố truyền tin, chúng ta cảm nhận một cách thấu đáo về tấm lòng quảng đại, bao dung của thánh cả Giuse đối với Đức Maria. Trình thuật Tin Mừng Mt 1,18-25 cho chúng ta thấy rằng, Đức Maria chỉ mới đính hôn với thánh Giuse, chưa về nhà chồng mà đã mang thai. Đây là một biến cố thật khó khăn và bi đát đối với cả Đức Maria và thánh Giuse. Có thể nói thánh Giuse rơi vào một tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đứng trước hoàn cảnh như thế, thử hỏi thánh Giuse có đau khổ, buồn giận và tức tối không? Hẳn nhiên là có! Như chúng ta biết, nếu chiếu theo luật Do Thái thời bấy giờ, một thiếu nữ chỉ mới đính hôn chưa về nhà chồng mà đã có thai thì không thể chấp nhận được và nếu bị tố giác thì có thể bị ném đá cho đến chết (x. Đnl 22,23-27). Đứng trước tình cảnh “bỏ thì thương mà vương thì nặng”, thánh Giuse không đành lòng tố giác người bạn đời của mình và có lẽ ngài không muốn Đức Maria bị bêu xấu, bị lên án hay bị ném đá, bị xử tử trước mắt mình. Trình thuật Kinh Thánh ghi lại: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,19). Là một người công chính, chắc chắn thánh Giuse không muốn nhận những gì không thuộc về mình, và cũng không muốn làm hại hay làm tổn thương đến Đức Maria, người mà thánh nhân hết lòng yêu thương và quý mến. Âm thầm không lên tiếng tố giác, toan tính lặng lẽ bỏ đi là một thái độ của một người có tấm lòng quảng đại bao dung đối với Đức Maria. Ngài nén lại tất cả sự tức tối, giận hờn vì tình cảnh trớ trêu xảy ra ngoài ý muốn. Ngài chôn chặt nỗi đau trong sâu thẳm của lòng mình, không muốn làm lớn chuyện, không muốn tố giác người bạn đời của mình vì sợ Đức Maria lâm vào cảnh khốn cùng. Lối cư xử rộng tình và nhân ái đó cho thấy thánh nhân là một người có tấm lòng rộng lượng và bao dung. Một câu hỏi được đặt ra là, chúng ta đã thực sự sống bao dung và quảng đại trước những thiếu sót, lỗi lầm của người khác và của anh chị em mình chưa?

  1. Thánh Giuse Là Mẫu Gương Trung Tín

Giáo Hội vẫn so sánh thánh Giuse như một người tôi tớ trung tín. Và quả thật, ngài đã trung tín một cách trọn hảo trong mọi hoàn cảnh. Ngay khi thánh Giuse đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như thế, và đang toan tính âm thầm rút lui, thì được sứ thần Chúa hiện đến báo tin cho ngài qua giấc mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20). Nghe được tiếng Chúa mời gọi, thánh Giuse ngay lập tức bỏ ý định rút lui âm thầm và mau mắn thực thi điều Thiên Chúa muốn. Ngài đã trung tín với sứ vụ Chúa trao bằng một đời sống chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, một người cha và một người chủ gia đình hoàn hảo. Dẫu sứ vụ làm bạn đời của Đức Maria, làm cha nuôi của Chúa Giêsu, làm cột trụ cho mái ấm Thánh Gia phải trải qua biết bao sóng gió, thử thách: nào là phải đối diện với sự dèm pha, nghi kỵ của người đời; nào là cảnh lần mò trong đêm đông lạnh giá để tìm một nơi phù hợp cho Đức Maria sinh hạ; nào là cảnh trốn chạy khỏi sự truy đuổi của vua Hêrôđê đang tìm cách giết Hài Nhi Giêsu; nào là tâm trạng hoảng hốt khi lạc mất con trong đền thờ; nào là nhìn thấy con mình bị người đời lên án, chống đối, loại trừ, bắt bớ, đánh đòn thì ngài vẫn kiên trung…Quả thật, từ khi thánh Giuse đón nhận sứ mạng Chúa trao thì cũng gánh chịu biết bao biến cố thăng trầm trong đời sống. Hành trình đời sống của ngài đong đầy niềm vui, nhưng cũng chẳng thiếu vắng những nỗi buồn, gian khổ, khó khăn; dẫu vậy, thánh Giuse vẫn luôn trung tín với sứ vụ cao cả mà Thiên Chúa uỷ thác, không than thân trách phận, không nản chí sờn lòng, không chán chường thất vọng nhưng một niềm tín thác tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa. Liên tưởng đến đời sống của mỗi người, thử hỏi chúng ta đã thực sự sống trung tín với Chúa, với những gì chúng ta cam kết hay khấn hứa, với ơn gọi hay bậc sống riêng của mỗi người và với sứ vụ mà Chúa trao phó cho chúng ta chưa?

  1. Thánh Giuse Nói Ít Nhưng Làm Nhiều

Chúng ta chẳng thấy sử sách ghi lại lời nào của thánh Giuse, và cả trong Kinh Thánh cũng chẳng thấy một lời nào của ngài. Điều đó cho thấy ngài nói rất ít, và dường như không nói gì cả. Nói ít hay không nói không có nghĩa là không có gì để nói hay không biết nói gì. Ngài không nói thành lời, thành tiếng nhưng nói với chúng ta rất nhiều bằng chính đời sống của ngài. Nhiều lúc ngôn ngữ không lời lại là cách thế chuyển tải cho người khác nhiều điều tuyệt vời hơn ta tưởng. Sự thâm trầm, thầm lặng của thánh Giuse, dẫu không nói ra thành tiếng, không được ghi lại thành sách nhưng lại cho thấy ngài là một con người có đời sống nội tâm sâu sắc, một con người có lối sống hiền hoà và khiêm nhường; một con người âm thầm hy sinh không mệt mỏi cho gia đình, cho vợ và cho con; một con người của cầu nguyện và biết lắng nghe, lắng nghe tiếng Chúa thì thầm trong giấc mộng và lắng nghe lời mách bảo của con tim; một con người luôn biết gẫm suy những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa gửi đến trong cuộc đời mình. Người ta nói rằng: “nói là gieo và nghe là gặt”. Có lẽ phương châm sống của thánh nhân là thinh lặng; thinh lặng để lắng nghe, nghĩa là để gặt lấy những hoa thơm trái ngọn từ kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Biển Đức cũng dạy các con cái của ngài: “Chúng con hãy năng lắng nghe Lời Chúa, nhưng không phải nghe bằng đôi tai của thân xác, mà nghe với đôi tai của cõi lòng.” Cha ông chúng ta cũng dạy rằng: “đa ngôn, đa quá”, nghĩa là “nói lắm thì lắm điều sai”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã từng nói: “Người thời nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy…”, nghĩa là cần những con người nói ít, nhưng làm nhiều; cần những con người có chiều sâu nội tâm; cần những con người thâm trầm mà sâu sắc, không nói nhiều nhưng biết quan sát, có khả năng thấu hiểu và đầy cảm thông, sẵn sàng âm thầm hy sinh để phục vụ hơn là những con người nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy rằng biết bao đổ vỡ, xích mích, bất hoà, chiến tranh cũng phát xuất từ lời nói vô trách nhiệm, thiếu kiềm chế và thiếu tính xây dựng; biết bao lời nói làm hoen ố những tâm hồn trong sáng thơ ngây, làm vẩn đục môi trường đạo đức, làm băng hoại tình hiệp nhất yêu thương, làm lụt chí những con người nhiệt huyết và thành tâm thiện chí…Thử hỏi chúng ta đã thực sự yêu mến đời sống thinh lặng nội tâm hoặc là đã dành đủ thời gian cho việc thinh lặng để chiêm ngắm và cầu nguyện chưa? Chúng ta đã thực sự bớt lời và chịu làm chưa?

Tóm lại, khi nhìn vào đời sống thực tế của xã hội hôm nay, dường như con người thời nay đang thiếu đi những phẩm tính cao đẹp mà thánh Giuse đang có. Người ta thường đòi hỏi người khác phải bao dung, quảng đại với những thiếu sót, lỗi phạm của bản thân nhưng ngược lại chính mình chẳng màng chi tới nỗi đau và tâm trạng khốn khổ của người khác; chẳng mủi lòng và cũng chẳng quảng đại, bao dung tha thứ cho những thiếu sót và lỗi lầm của anh chị em mình. Người ta có thói quen đòi buộc người khác phải sống trung tín tuyệt đối, nhưng với bản thân lại bất trung, bất tín, bất nghĩa với Chúa và anh chị em mình. Người ta thích huyên thuyên đủ điều, nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu; thích chỉ tay năm ngón mà không buồn đụng ngón tay vào để lay thử. Người ta yêu thích chốn ồn ào, náo nhiệt hơn là tìm vào cõi thinh lặng nội tâm để lắng nghe, để nghỉ ngơi và gặp gỡ Chúa và gặp gỡ chính mình sau những ngày giờ làm việc vất vả. Nguyện xin thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp để mỗi người chúng ta biết soi vào gương sống, và đặc biệt là học lấy các nhân đức tuyệt vời của ngài để áp dụng vào trong đời sống hiện tại của chính mình.

Bài trướcNGÀY THỨ 7: THÁNH GIUSE: VỊ THÁNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE
Bài tiếp theoNGÀY THỨ 9 (ngày cuối): GIUSE HÈN MỌN NGÀY NAY * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE