“Abba , Cha ơi !”

0
633
Photo: aop.com

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
Học Viện Ngôi Lời

Trong phụng vụ Rôma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự mạnh dạn của người con hiếu thảo: “Chúng con dám tin tưởng nguyện rằng: Lạy Cha…” (GLHTCG số 2777). Quả thế, việc gọi Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” thật không dễ dàng khi biết rằng đối với người Do Thái, đó là một lời lẽ phạm thượng nặng nề. Vậy liệu lời thân thưa “Abba, Cha ơi” có dành cho chúng ta, những người mang thận phận yếu đuối và mỏng giòn hay chăng?

  1. Chúng ta được phép kêu lên cùng Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” hay chăng?

Đức Giêsu  đã thân thưa gọi Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” vì Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha và là chính Thiên Chúa (GLHTCG số 454). Trên môi miệng Đức Giêsu, việc gọi Thiên Chúa là Cha “Abba, Cha ơi” mang một giá trị hoàn toàn khác so với cách hiểu của người Do Thái.

Vào thời Đức Giêsu, ít ai dám dùng từ ngữ này để xưng hô với Thiên Chúa. Tuy danh xưng Thiên Chúa là Cha đã xuất hiện trong thời Cựu ước nhưng người Do Thái dùng danh xưng ấy với những ý nghĩa khác. Trong Cựu ước, “Thiên Chúa là Cha” được áp dụng cho nhiều thực tại: Cha theo nghĩa là Đấng dựng nên vũ trụ (Đnl 32,6; Is 64,7-8; Ml 2,10); Cha của dân tộc Israel (Xh 4,22-23); Cha của đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavit (2 Sam 7,14; 1Sb 17,13; Tv 2,7; 89,27-28)… Tuy nhiên, Cựu ước không có lời cầu khẩn lên Thiên Chúa như là cha, theo ý nghĩa mà Đức Giêsu đã sử dụng.[1] Đối với dân Do Thái, việc Đức Giêsu diễn tả tương quan với Thiên Chúa như là Cha quả là điều phạm thượng: “Làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng!” vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa ?”” (Ga 10,36).

Vậy chúng ta được phép kêu lên cùng Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” hay chăng?

Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là “Cha”, bởi vì Con của Ngài nhập thể mạc khải cho chúng ta… Điều con người không thể nhận biết và các cơ binh Thiên thần không thể nhìn ra về tương quan ngôi vị của Chúa Con với Chúa Cha, thì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta, những người tin vào Đức Giêsu và là những người được sinh ra bởi Thiên Chúa, được tham dự vào tương quan đó (GLHTCG số 2780).

Một cách cụ thể hơn, Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha của mọi người: “Cha của tôi và Cha của anh em” (Ga 20,17). Dĩ nhiên, Thiên Chúa là cha của mọi người không phải theo nghĩa sinh sản, nhưng theo nghĩa là chúng ta được tham dự vào tình nghĩa tử của Đức Giêsu: “…Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-5). Nhờ gắn bó với Đức Giêsu mà chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Chúng ta “biết” được Thiên Chúa là Cha  nhờ mạc khải của Đức Giêsu (Mt 11,25), và nhờ tác động của Thánh thần ngự trong ta[2] như trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô đã viết: “Để chứng thực anh em là con cái. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!”” (Gl 4,6).

  1. Hồng ân lớn lao

Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là cha và chính người đã trở nên cầu nối để chúng ta được mạnh dạn gọi Thiên Chúa như thế. Duy một mình Đức Giêsu, Đấng đã tẩy trừ tội lỗi (Dt 1,3), có thể dẫn chúng ta đến trước tôn nhan Chúa Cha: “Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con” (Hr 2,13). Đức Giêsu khai mở cho chúng ta hình bóng về một người Cha, Đấng đã vì yêu thương chúng ta mà không ngần ngại ban chính Con Một yêu dấu của Người, dẫu chúng ta tội lỗi.

Chúng ta cần nhớ rằng “danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào. Cả khi ông Môisê hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con” (GLHTCG số 2779). Quả thật, việc gọi Thiên Chúa là “Abba” vượt tất cả mọi khả năng và giới hạn của con người. Việc này chỉ có thể xảy ra trong một tương quan hoàn toàn mới mẻ giữa con người với Thiên Chúa, do chính Đức Giêsu Kitô thiết lập, nhờ tác động của Thánh Thần. Đó là đặc ân vượt trên đặc ân của dân Israel thời Cựu Ước và hồng ân này chỉ có thể ban cho những ai tin vào Danh Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.[3] Ngang qua lời mặc khải của Đức Giêsu, người Kitô hữu không còn xem Thiên Chúa như là một bạo chúa đáng sợ, không còn sợ hãi nữa nhưng cảm thấy trong tâm hồn mình nảy sinh sự tín thác nơi Người: chúng ta có thể gọi Đấng Tạo Hóa là Cha khi thưa chuyện với Người.[4]

Đó quả là hồng ân nhưng không mà chúng ta được lãnh nhận: “Con người mới, khi đã được tái sinh và được phục hồi cho Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ngài, thì trước hết sẽ thưa ‘Lạy Cha’, bởi vì người đó đã bắt đầu là con của Ngài” (GLHTCG số 2782). Dĩ nhiên, khi dám gọi Thiên Chúa là Abba, chúng ta phải nỗ lực sống xứng đáng với danh xưng người con. Chúng ta cần mang lấy hai tâm tình căn bản:

      –  Một là ước ao và quyết tâm muốn nên giống Ngài: “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa” (GLHTCG số 2784).

– Hai là lòng khiêm nhường và tin tưởng, nhờ đó chúng ta hối cải và trở nên như trẻ thơ (Mt 18,3) vì Chúa Cha mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25) (GLHTCG số 2785).

Dĩ nhiên, việc là con Thiên Chúa của chúng ta không có cùng một sự tràn đầy như của Đức Giêsu: chúng ta phải ngày càng trở thành “con Thiên Chúa” nhiều hơn, trong suốt con đường hành trình Kitô hữu của chúng ta, bằng cách lớn lên trong con đường theo Đức Kitô, trong sự hiệp thông với Người để ngày càng bước sâu một cách thân tình hơn vào trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa Cha, là Đấng nâng đỡ cuộc sống chúng ta. Thực tại nền tảng này được mở ra cho chúng ta, khi chúng ta rộng mở chính mình cho Chúa Thánh Thần, và Người khiến cho chúng ta hướng về Thiên Chúa bằng cách thưa với Người: “Abba, Cha ơi!”[5]

  1. Chúng ta hãy can đảm kêu lên cùng Thiên Chúa “Abba, Cha ơi”

Chữ “Abba” trên môi miệng Đức Giêsu chứa đựng một tâm tình phó thác trọn vẹn đối với Cha: “Abba ! Lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này xa Con, nhưng không, xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha” (Mc 14,36). “Abba” là tiếng gọi thân thiết, âu yếm của Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu cũng dạy chúng ta gọi Thiên Chúa như thế. Ngài muốn chia sẻ và muốn dẫn chúng ta vào tương quan thân thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha. Đáp lại với tâm tình đó, chúng ta hãy can đảm kêu lên cùng Thiên Chúa “Abba , Cha ơi” nhất là trong những lúc gặp khó khăn trên hành trình đức tin.

Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã khẳng định: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15). Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày 23.5.2012 đã khẳng định: “‘Abba, Cha ơi’ đó là điều Đức Giêsu đã làm ngay trong lúc thê thảm nhất trong cuộc sống dương thế. Đức Giêsu đã không bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha và đã luôn khẩn nài với sự thân tình của Con yêu dấu. Trong vườn Giêtsêmani, khi cảm thấy nỗi âu lo của cái chết, lời cầu của Người là “Abba, Cha ơi!” (Mc 14,36)”. Đức cố Giáo Hoàng diễn giải tiếp rằng có lẽ con người ngày nay không nhận thức ra vẻ đẹp, sự cao cả và niềm an ủi sâu xa chứa đựng trong từ “cha” mà chúng ta dùng để thưa lên với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, bởi vì gương mặt người cha ngày nay thường không hiện diện đủ, và thường không tích cực trong cuộc sống thường ngày. Vì thế khó mà hiểu được trong sự sâu thẳm của nó Thiên Chúa là Cha có nghĩa là gì đối với chúng ta. Nhưng nhờ Đức Giêsu, chúng ta có thể hiểu được đâu là bản chất đích thực của Thiên Chúa Cha.[6]

Dĩ nhiên, lắm lúc, thật không dễ dàng để chúng ta thân thưa được như vậy. Có thể do bởi chúng ta đang đi trên con đường xa cách Thiên Chúa, như đã xảy ra với đứa con hoang đàng; hoặc là trong sự cô đơn, chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới; hay là chúng ta sai lỗi và bị tê liệt trong cảm giác tội lỗi. Trong những lúc này, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sức mạnh để cầu nguyện bằng cách bắt đầu với từ “Abba”. Thiên Chúa không dấu mặt đối với chúng ta, Người sẽ không khép mình trong sự im lặng. Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung 16.01.2019 đã mời gọi các tín hữu: “Hãy gọi Cha như em bé tin tưởng cha mình”. Như trẻ thơ, tiếng gọi “Cha ơi” trở nên ý tưởng đầu tiên trong suy nghĩ về người có thể bảo vệ, trợ giúp và đỡ nâng trong mọi hoàn cảnh. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng Chúa Cha như người cha trong dụ ngôn người cha nhân lành, không bao giờ ngừng yêu thương con cái mình, ngay cả khi con cái lỗi phạm. Ngài mời gọi các tín hữu trong những thời điểm khó khăn, khi cảm thấy lạc xa Thiên Chúa, khi bị đè nặng trong cảm giác tội lỗi, khi cảm thấy bị bỏ rơi trong thế giới này, hãy tìm sức mạnh cầu nguyện với Chúa Cha, bằng tiếng gọi thân thương “Abba”, như một đứa trẻ gọi cha của mình với tất cả sự tin tưởng phó thác.[7]

Tóm lại

“Abba, Cha ơi” là lời của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu thân thưa cùng với Thiên Chúa, Cha của Người. Đức Giêsu đã trao ban lời thân thưa ấy cho chúng ta, những người môn đệ của Người. Chúng ta có thể đã từng “mường tượng” về một Thiên Chúa, Đấng như xa lạ với kiếp nhân sinh, Đấng ngự ở trên cao. Nhưng nhờ mặc khải của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra một vị Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng ấy là Cha của chúng ta, Đấng mà chúng ta có thể kêu lên “Abba, Cha ơi” như cách mà Đức Giêsu đã thân thưa. Đó là một hồng ân lớn lao dành cho mỗi người Kitô hữu.

Người môn đệ được mời gọi can đảm thân thưa “Abba, Cha ơi” cùng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Lời mời gọi đó dẫn lối chúng ta mở rộng tâm hồn theo mức độ tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Kitô: cầu nguyện với mọi người và cho mọi người chưa nhận biết Cha, để họ được quy tụ về một mối. Sự quan tâm đúng theo ý Chúa đối với mọi người và toàn thể tạo vật: sự quan tâm đó phải đưa lời cầu nguyện của chúng ta “Abba, Cha ơi” đến một tình yêu rộng mở, khi chúng ta dám nguyện rằng: “Lạy Cha chúng con…” (GLHTCG số 2793).

Chú thích:

[1] Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, (Học viện Đa Minh, 2012), tr. 136-140.

[2] Sđd, tr.141-142.

[3] Thiên Chúa Là Cha Đức Giêsu Kytô Và Là Cha Chúng Ta (simonhoadalat.com)

[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-01/dtc-phanxico-goi-chua-la-cha-nhu-em-be-tin-tuong-ba-minh.html

[5] https://www.simonhoadalat.com/giaohoi/nam2012/Thang5/29Abba.htm

[6] https://www.simonhoadalat.com/giaohoi/nam2012/Thang5/29Abba.htm

[7] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-01/dtc-phanxico-goi-chua-la-cha-nhu-em-be-tin-tuong-ba-minh.html

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 15 TN)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm A (Mt 13,24-43)