LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 15 TN)

0
392

Tin mừng: Mt 12, 1-8

1 Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn.

2 Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”.

3 Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao?

4 Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao?

5 Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?

6 Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. 7

Vì nếu các ông biết được điều này là, ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ’, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, 8 vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.


 

Suy niệm

CỐT TUỶ CỦA MỌI LỀ LUẬT (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Từ xưa tới nay, mọi thể chế chính trị hay tôn giáo đều có những lề luật hay luật lệ riêng. Những lề luật này giúp cho các thể chế chính trị hay tôn giáo hoạt động trong đường hướng mà giới lãnh đạo hay người sáng lập của họ mong muốn. Nhưng vấn đề đặt ra là: đâu là cốt tuỷ, là linh hồn của mọi lề luật?

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho biết: cốt tuỷ của mọi lề luật chính là ý muốn của Thiên Chúa. Mà ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn là yêu thương và nhân nghĩa với tha nhân: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7). Nếu thiếu tinh thần này thì mọi việc dù linh thánh nhất cũng trở nên vô nghĩa, và có thể là cái cớ đưa nhiệt tâm đến lỗi lầm, như trường hợp của những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Như vậy, lề luật là vì con người, là giúp con người hoàn thiện hơn, chứ không phải là đàn áp hoặc “kéo” con người xuống; lề luật chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những lề luật phi nhân hay đi ngược lại với tình yêu đều là những lề luật bất công và cần phải loại bỏ.

Thật ra trong câu chuyện mà bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, các môn đệ của Chúa không vi phạm luật ngày Sabát, nếu có thì chỉ lỗi một trong 39 điều mà các nhà chú giải Do Thái đã thêm vào luật này. Như thế, bài Tin Mừng còn hàm ý lên án nhóm Pharisêu, vì quá đặt nặng vào ý riêng, những tập tục, nên làm cho việc giữ luật trở thành gánh nặng, đè lên người dân, không sao mang nổi. Thực tế, nhiều luật lệ rất phi nhân và đi ngược lại với tình yêu nhưng vẫn tồn tại. Thử nhìn lại xem, chúng ta có áp dụng luật để trở nên gánh nặng cho bản thân và tha nhân không?

Lạy Chúa, xin ban ơn để chúng con biết sống theo lề luật của Chúa; xin soi sáng để chúng con biết kiện toàn các luật lệ ngõ hầu giúp mọi người sống trong yêu thương và nhân nghĩa với nhau. Amen.


 

LÀM CHỦ… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

LÒNG NHÂN (Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD)

Lề luật mà Thiên Chúa ban qua ông Môsê chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống của người Do Thái, giúp họ sống tương quan với Thiên Chúa. Bởi lẽ đó, họ luôn cố gắng tuân giữ một cách “không sai trật” mà lắm khi cứng nhắc và thái quá. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã lên tiếng điều chỉnh thái độ giữ luật của họ. Người mời gọi họ khi giữ luật đừng lãng quên chiều kích tình yêu, vì “Chúa muốn lòng nhân hơn là lễ tế” (Mt 12,7).

Những người Pharisêu đã nệ vào luật mà kết án những người môn đệ của Đức Giêsu bất chấp hoàn cảnh của các ông. Với họ, chỉ có điều được phép và không được phép làm mà thôi. Lòng nhân vắng bóng nơi cách hành xử của họ. Đức Giêsu muốn những người Pharisêu tái khám phá giá trị của lề luật. Thiên Chúa ban lề luật để cho con người được sống chứ không phải là gánh nặng hay bóp nghẹt con người. Lề luật được ban vì tình yêu, thế nên, khi giữ luật, chiều kích tình yêu là không thể nào thiếu vắng được.

Không ít lần trong cuộc sống, chúng ta đánh mất cơ hội mở lòng với người anh em, cơ hội đến với người xung quanh khi chỉ thấy bao quanh họ toàn là những lỗi phạm khi chiếu theo luật. Chúng ta quên mất một vị Thiên Chúa tình yêu đã không cứ theo luật mà xét xử nhưng đã lấy lòng nhân mà đối xử với chúng ta, dẫu chúng ta thân phận yếu đuối với bao sai lỗi. Khám phá ra điều đó mỗi người cũng được mời gọi hãy đối xử tốt với nhau như vậy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Có vậy, chúng ta mới có cái nhìn bao dung, cảm thông và yêu thương trước những lỗi phạm của người anh em. Đó cũng chính là lễ tế mà Đức Giêsu khao khát xiết bao.

Lạy Chúa, xin cho mọi lời nói, suy tưởng và hành xử của chúng con được thúc đẩy và dẫn lối bởi lòng nhân, để chúng con được ngày một nên giống Ngài hơn. Amen.

——————–

SỐNG ĐẠO (Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD)

Bất cứ một tổ chức nào muốn phát triển cách bền vững đều phải dựa trên những luật lệ xử sự chung. Lề luật định hướng cho cuộc sống con người. Ngoài ra, trong lĩnh vực tôn giáo, lề luật còn đưa ra các quy chuẩn đặc biệt trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Suy cho cùng, điều mà lề luật hướng đến chính là phục vụ cho sự sống con người.

Người Pharisêu nổi tiếng giữ luật cách nghiêm ngặt theo hình thức, nhưng họ lại bỏ qua nhân luật và luôn khó chịu khi thấy người khác không thực hiện giống họ. Đã bao nhiêu lần Đức Giêsu đã lên án thái độ giữ luật theo hình thức này của họ. Như trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã chỉ cho nhóm Pharisêu thấy những sai lầm của họ về luật giữ ngày Sabát. Người không bác bỏ những luật Môsê, nhưng kiện toàn nó bằng cách đưa vào trong các luật lệ một điều cốt lõi: luật lệ hướng đến con người chứ không phải hủy hoại con người. Tinh thần của luật là làm cho con người sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn.

Một thực tế đang diễn ra nơi những người tín hữu là chúng ta thường có thói quen giữ đạo hơn là sống đạo. Giữ đạo suy cho cùng thì đó là việc giữ các lề luật của Chúa mang tính hình thức. Tôi đi tham dự ngày Chúa Nhật chỉ vì tôi sợ bị phạm tội chứ không phải vì yêu mến Chúa nên tôi mới đi lễ. Việc giữ đạo theo hình thức sẽ dẫn đến một thái độ sống đạo khô khan, cằn cỗi. Có lẽ trong cuộc sống của mình, mỗi Kitô hữu tạo cho mình một lối sống đạo tích cực, nghĩa là tôi phải hiện thực hóa những lời dạy của Đức Giêsu trong chính cuộc sống thường nhật của tôi, trong mối tương quan của tôi với tha nhân và với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi  con mỗi ngày để con luôn sống theo Lời Ngài đã dạy. Amen

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 15 TN)
Bài tiếp theo“Abba , Cha ơi !”