Tin mừng: Mt 12, 14-21
14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. 15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó.
16 Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 17 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.
18 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
19 Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. 20 Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.
21 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
Suy niệm
SỐNG YÊU THƯƠNG (Tu sĩ Antôn Hoàng Sỹ Khánh, SVD)
Danh nhân Mahatma Gandhi từng nói: “Tôn giáo của tôi dựa trên chân lý và bất bạo lực. Chân lý là Chúa của tôi. Bất bạo lực là cách để nhận thức Người”. Câu nói dẫn chúng ta đi vào trong ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay trong khung cảnh Chúa Giêsu đối diện với sự giận dữ của người Pharisêu.
Chúa Giêsu đã bị những người Pharisêu chỉ trích và bàn bạc để tìm mọi cách loại trừ. Thế nhưng, Người điềm tĩnh trước những kẻ hãm hại, không tranh cãi hay lớn tiếng thóa mạ đối phương. Người nhẫn nhịn chờ đợi sự hoán cải của những kẻ cứng lòng vì họ để những hình thức bề ngoài che lấp không thấy được những chân lý mà Chúa rao truyền. Chúa Giêsu cho thấy hình ảnh của Người Tôi Tớ hiền lành mà chính ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,19-20).
Bài học mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thái độ kiên nhẫn, nhân từ và ôn hòa trước những người đối nghịch, bởi vì đây chính là cách ta có thể tìm thấy sự khôn ngoan, hướng đi theo Thần Khí và theo những giá trị của Tin Mừng. Trong Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu đã dạy ta rằng: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Con đường mà Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta là con đường của bình an và hòa giải trong tình yêu. Con đường này cần được dệt nên bởi tình yêu không vụ lợi, không toan tính hại người… Không chỉ vậy, chúng ta còn phải đem tình yêu ấy trao cho mọi người, để từ đó, con người trở nên gần gũi và yêu thương nhau hơn. Để rồi một ngày không xa, toàn thể địa cầu đều trở nên một thân thể mà chính Chúa Giêsu là đầu.
Lạy Chúa, xin Chúa mở rộng trái tim chúng con, để chúng yêu thương nhiều hơn, biết nhẫn nại với lỗi lầm của anh em và giúp họ sửa đổi. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng con. Amen.
NGƯỜI TÔI TRUNG (Tu sĩ G. B. Trần Anh Tuấn, SVD)
Trước bối cảnh Đức Giêsu chữa lành người bại tay trong ngày Sabát, nhóm Pharisêu đã tìm cách để hạ sát Đức Giêsu. Tuy nhiên, khi biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã lánh khỏi nơi đó và tiếp tục chữa lành cho nhiều người, Người cũng cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Một cách nào đó, thánh Mátthêu đã khéo léo giới thiệu Đức Giêsu như người Tôi Trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo.
Vậy người Tôi Trung là người như thế nào? Trước hết, người Tôi Trung phải là người mang sứ mệnh loan báo công lý trước mặt muôn dân. Thứ đến, người Tôi Trung là người không cãi vã, la lối nhưng là người biết chạnh lòng thương những ai đau khổ, bất hạnh và tội lỗi. Cuối cùng, người Tôi Trung là người đưa công lý đến toàn thắng, để rồi nơi người ấy muôn dân đặt niềm hy vọng. Người Tôi Trung ấy không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để cứu độ nhân loại.
Bắt chước Đức Giêsu, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng có thể trở thành người Tôi Trung của Thiên Chúa: bằng cách, dấn thân rao giảng Tin Mừng cho mọi người; sống hiền lành, khiêm nhường và tỏ lòng trắc ẩn, xót thương trước những cuộc đời đau khổ; đồng thời, sẵn sàng bênh vực cho những người cô thế, cô thân, những người sống bên lề xã hội; và cuối cùng, luôn gương mẫu sống chứng tá Tin Mừng để nhờ đó mà người khác cũng được biết danh Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống yêu thương và nhân hậu với hết mọi người. Nhờ đó, chúng con trở nên người Tôi Trung được Chúa tuyển chọn như Đức Giêsu là người Tôi Trung của Chúa vậy. Amen.
NIỀM HY VỌNG (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)
Phật giáo có câu nói rằng: “Đời là bể khổ”. Và không ai trên đời này mong muốn đau khổ cả. Vì thế, trong cuộc sống con người hy vọng được thoát khổ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, nhiều người đã đi theo Chúa Giêsu để hy vọng được thoát khỏi đau khổ, cụ thể là đau khổ do bệnh tật thể lý đem đến. Chúa Giêsu hiểu niềm hy vọng đó của con người và Ngài đã chữa lành hết cho họ.
Khi thực hiện như thế, Chúa Giêsu đã làm cho lời của ngôn sứ Isaia về người Tôi Trung của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi chính bản thân Ngài. Danh Ngài đã trở thành nơi mà muôn dân đặt niềm hy vọng. Tuy nhiên, niềm hy vọng mà Ngài đem đến cho nhân loại không phải là niềm hy vọng về những gì thuộc về thế gian này. Ngài không đem đến cho con người niềm hy vọng về chức quyền, địa vị, danh vọng và lợi lộc trần thế. Qua những dấu lạ, điềm thiêng mà Ngài thực hiện, Ngài đem đến cho nhân loại niềm hy vọng về sự sống đời đời, về sự phục sinh vinh hiển cùng với Ngài.
Quả thật, một trong những đau khổ tột cùng của kiếp nhân sinh là cái chết. Đứng trước cái chết, con người không khỏi xao xuyến, bàng hoàng và sợ hãi. Bởi vì, một khi xuôi tay nằm xuống, ai cũng kinh nghiệm rằng mọi sự ở đời này đều trở nên vô nghĩa. Sắc đẹp ư, rồi cũng tiêu tan. Của cải ư, rồi cũng phải để lại cho người khác hưởng dùng. Bằng cấp ư, học hàm học vị ư, rồi cũng trở thành những tấm giấy lộn. Đứng trước cái chết thể lý, con người không khỏi tự hỏi bản thân mình rằng: bên kia sự chết có gì không? Chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta câu hỏi đó. Bên kia sự chết của thể xác, con người chúng ta sẽ có sự sống phục sinh với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết rằng ngày nào có đau khổ của ngày đó, và Ngài mời gọi chúng con vác thập giá hằng ngày mà tiến bước theo Ngài. Nhưng trong cuộc sống, lắm lúc chúng con cảm thấy kiệt sức và ngã quỵ trước những gánh nặng của cuộc đời. Những lúc ấy, xin Ngài ban ơn nâng đỡ chúng con, và xin cho chúng con luôn biết đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài.