Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên, năm C (Lc 10,38-42)

0
331

CHỌN LỰA PHẦN TỐT

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
38 Ἐν δὲ τῷ πορεύεσθαι αὐτοὺς αὐτὸς εἰσῆλθεν εἰς κώμην τινά· γυνὴ δέ τις ὀνόματι Μάρθα ὑπεδέξατο αὐτόν.

39 καὶ τῇδε ἦν ἀδελφὴ καλουμένη Μαριάμ, [ἣ] καὶ παρακαθεσθεῖσα πρὸς τοὺς πόδας τοῦ κυρίου ἤκουεν τὸν λόγον αὐτοῦ.

40 ἡ δὲ Μάρθα περιεσπᾶτο περὶ πολλὴν διακονίαν· ἐπιστᾶσα δὲ εἶπεν· κύριε, οὐ μέλει σοι ὅτι ἡ ἀδελφή μου μόνην με κατέλιπεν διακονεῖν; εἰπὲ οὖν αὐτῇ ἵνα μοι συναντιλάβηται.

41 ἀποκριθεὶς δὲ εἶπεν αὐτῇ ὁ κύριος· Μάρθα Μάρθα, μεριμνᾷς καὶ θορυβάζῃ περὶ πολλά,

42 ἑνὸς δέ ἐστιν χρεία· Μαριὰμ γὰρ τὴν ἀγαθὴν μερίδα ἐξελέξατο ἥτις οὐκ ἀφαιρεθήσεται αὐτῆς. (Lk. 10:38-42 BGT)

38 Khi họ [Đức Giêsu và các môn đệ] đang trên hành trình, Người đi vào một làng kia. Người phụ nữ nọ tên là Mártha đã đón chào Người.

39 Người này có người em gái gọi là Maria, cứ ngồi bên chân Chúa và cứ nghe lời của Người.

40 Cô Mártha cứ lo lắng về nhiều việc phục vụ, cô đến gần và thưa rằng: “Thưa Ngài! Ngài không quan tâm khi em gái con để con phục vụ một mình hay sao? Hãy bảo nó để nó có thể giúp con”.

41 Để trả lời, Chúa nói cùng cô ta: “Mártha, Mártha, chị lo lắng và phiền muộn về nhiều chuyện quá,

42 Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn lựa phần tốt và không ai có thể lấy nó đi.

 

Bối Cảnh

 Trong bối cảnh rộng, Lc 10,38-42 nằm trong số những trình thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu và các môn đệ (Lc 9,51 – 19,27). Thành ngữ “đang trên hành trình” là cách mà tác giả nhắc cho độc giả nhớ là Đức Giêsu đang trên hành trình ấy, hành trình sẽ dẫn đến cuộc khổ nạn, chết và Phục Sinh. Thành ngữ “đang trên hành trình” gợi nhớ đến nhiều lần khác, tác giả cố gắng nhắc đi nhắc lại về hành trình này: “Khi những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (9,51); “Tôi phải hành trình hôm nay và ngày mai vì môt ngôn sứ không thể chết ngoài thành Giêrusalem (13,33); “Trên đường lên Giêrusalem Người băng qua giữa Samari và Galilaia” (17,11). Câu chuyện chị em nhà Mártha liên kết với những câu chuyện khác liên quan đến gia đình này: Làm cho Ladarô sống lại (Ga 11,1-44); Xức dầu tại Bêtania (Ga 12,1-8). Chủ đề “lắng nghe lời Chúa” nối kết với mối phúc: “Phúc cho người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” Lc 11,28). Nó cũng gợi nhớ đến lời “shema” (hãy nghe) mà nhà thông luật đã nhắc lại trước đó, và được nói đến nhiều lần trong sách Luật (Lc 10,26; Đnl 6,4-5; 9,1; 20,3). Sự viếng thăm của Đức Giêsu gợi nhớ đến lời nói của dân chúng “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Lòng hiếu khách của những người phụ nữ tiếp nối sự tiếp đón và đồng hành của những người phụ nữ từ Galilaia (8,1-3).[1]

 

Cấu trúc

Bối cảnh: Nơi chốn và nhân vật (38)

(A) Maria chọn lựa ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người (39)

(B) Mártha lo lắng nhiều về việc phục vụ (40a)

(C) Mártha: Phàn nàn vì phải phục vụ một mình (40b)

(B’) Mártha lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ một chuyện cần (41).

(A’)  Maria đã chọn phần tốt và không bị ai lấy đi (42)

 

Một số điểm chú giải

  1. Đi vào một làng kia: Danh từ ngôi làng được đi kèm với một mạo từ bất định, ngụ ý một ngôi làng nào đó không tên (κώμην τινά). Tuy nhiên, sự xuất hiện của hai nhân vật Mártha và Maria cho độc giả biết ngôi làng đó có thể là Bêtania, vì gia đình Mártha ở trong ngôi làng này. Tác giả Gioan cho biết Bêtania là làng của hai chị em cô Mártha và Maria (Ga 11,1). Đó là một ngôi lành nằm trên triền núi Ôliu, cách Giêrusalem chừng gần ba cây số (Ga 11,18). Theo truyền thống của tác giả Mátthêu, Đức Giêsu được một người phụ nữ trong thành xức dầu khi Người đang dùng bữa tại nhà ông Simon, người cùi, làng Bêtania (Mt 26,6-16; Mc 14,3-9). Bêtania cũng là nơi Đức Giêsu qua đêm khi kết thúc ngày giảng ở Giêrusalem (Mt 21,17; cf. Mc 11,11-12). Tác giả Máccô ghi nhận đây là ngôi làng bên triền núi Ôliu, nơi mà Người sai hai môn đệ đi trước, tìm con lừa chưa ai cưỡi, dẫn nó về, để Đức Giêsu cưỡi mà vào thành Giêrusalem (Mc 11,1-11). Bêtania cũng là nơi Đức Giêsu được rước lên trời (Lc 24,50-53). Rõ ràng, Bêtania là một nơi rất quen thuộc và gắn bó với nhiều biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu. Bối cảnh của câu chuyện này là Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (Εν δὲ τῷ πορεύεσθαι), báo hiệu rằng đây không phải cuộc viếng thăm bình thường nhưng là một hoạt động cần thiết theo kế hoạch cứu độ của Người.
  2. Maria, Mártha: Mártha, Maria và Ladarô là những người bạn rất thân của Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết rằng Đức Giêsu gọi ông Ladarô là “người thương (ὁ φίλος ἡμῶν) của chúng ta” (Ga 11,12). Danh từ “ὁ φίλος” có thể hiểu là người bạn, hoặc người thương. Tuy vậy, theo lời nhắn của hai người chị của anh Ladarô với Đức Giêsu, chúng ta nên hiểu là danh từ này là “người thương”: “Thưa Thầy, người mà Thầy yêu đang đau nặng” (Ga 11,3). Cũng qua tác giả Gioan, độc giả biết được rằng, Đức Giêsu yêu mến cô Mártha, em gái của cô và anh Ladarô (Ga 11,5). Đức Giêsu thường ghé thăm gia đình này. Có ít nhất ba lần được các tác giả Tin Mừng ghi lại. Ngoài câu chuyện của tác giả Luca mà chúng ta đang tìm hiểu (Lc 10,38-42), còn hai trình thuật viếng thăm do tác giả Gioan ghi lại. Lần thứ nhất, Đức Giê-su đến để làm cho anh Ladarô sống lại (Ga 11,1-44); Lần thứ hai, Đức Giêsu được chính cô Maria xức dầu có ý “dành cho ngày mai táng của” Người (Ga 12,1-8). Rõ ràng, hai nhân vật này có mối liên hệ rất đặc biệt với Đức Giêsu không những trong mối tương quan bạn bè mà còn trong mối tương quan đức tin và ơn cứu độ. Cô Mártha đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết, nhưng con biết bây giờ Thầy xin bất cứ điều gì cùng Chúa Cha, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11,21-22); “Thưa Thầy, có, con vẫn tin rằng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Ga 11,27); còn cô Maria đã xức dầu thơm dành cho ngày mai táng của Đức Giêsu (Ga 12,7) và tuyên xưng cùng một niềm tin với người chị: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,32). Trong câu chuyện này, anh Ladarô không xuất hiện, nhưng theo tác giả Gioan, người ta cũng biết được rằng anh đã được Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, nhưng cũng đã bị các thượng tế đòi giết cùng với Đức Giêsu, bởi lẽ, vì anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu (Ga 12,10-11).
  3. Ngồi bên chân Chúa … cứ nghe lời Người… chọn phần tốt (tốt nhất)[2]: Tư thế, ngồi bên chân Chúa, rõ ràng là tư thế của người môn đệ.[3] Ông Phaolô đã mô tả mình như là học trò của thầy Gamaliel khi nói rằng: “Tôi là một người Do Thái, được sinh ra ở Tarsus tại Cilicia, nhưng được lớn lên trong thành phố này dưới chân ông Gamaliel” (Cv 22,3). Ngồi bên chân Chúa trong truyền thống Luca-Công Vụ là sự nhìn nhận uy quyền (8,35; 22,3). Tác giả Luca dùng danh xưng “κύριος” (Chúa, ông chủ, Ngài) để gọi Đức Giêsu. Rõ ràng, trong câu chuyện này tác giả muốn ngụ ý Đức Giêsu có vị thế gì đó hơn là một người bạn bình thường.[4] Chính cô Mártha cũng gọi Đức Giêsu là “Chúa, Ngài”. Động từ “nghe” được dùng ở thì chưa hoàn thành (ἤκουεν), diễn tả một hành động kéo dài liên tục, không ngắt quãng. Cô Maria cứ ngồi đó, chăm chú nghe, không một chút sao lãng. Trong Tin Mừng thứ ba, lắng nghe Lời là mấu chốt của tiến trình trở thành môn đệ, dù cho theo truyền thống Do Thái thì người phụ nữ thường làm công việc nội trợ hơn là học hành nghiên cứu.[5] Nội dung mà cô Maria nghe là “lời của Người”. “Lời của Người” ở đây không đơn giản là những câu chuyện thường ngày, hay những lời thăm hỏi qua loa. Lời của Đức Giêsu là những giáo huấn Tin Meng về Nước Thiên Chúa của Người, là thông điệp Người lãnh nhận từ Chúa Cha. Lời đó có thể mang lại cho người ta sự sống đời đời: “Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68; cf. Ga 5,24; 8,51). Tác giả L.T. Johnson cho rằng “nghe lời của Người” là đón nhận Người như là một vị ngôn sứ đang nói “Lời Chúa”, như trong dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,11).[6] Du ngôn “người gieo giống” nói về những cách thức đón nhận Lời Chúa và kết quả ứng với từng cách thức đón nhận ấy. Trong bối cảnh này “lời của Người” là toàn thể mầu nhiệm mà Người sắp trải qua tại Giêrusalem, bởi vì Người đang trên đường lên Giêrusalem. Có thể nói rằng Người ghé thăm gia đình này là để mặc khải cho những kẻ Người yêu mầu nhiệm thương khó – phục sinh, chứ không đơn giản chỉ là chuyện gặp gỡ, ăn uống và hàn huyên. Chính vì thế mà việc lắng nghe lời của Người trở thành việc cần kíp nhất lúc bấy giờ. Nhờ nghe chăm chú “lời của Người” mà cô Maria đã hiểu và tham gia vào mầu nhiệm tử nạn – phục sinh qua việc xức dầu để dành cho ngày mai táng Người (Ga 12,17). Nghe lời Chúa được đánh giá là chọn lựa vừa tốt lại vừa bền vững của cô Maria. Thực vậy, chọn lựa nghe và đón nhận mầu nhiệm thập giá và phục sinh là chọn lựa chính hành trình Chúa đi để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại và cũng chính là hành trình mà Chúa mời gọi những người theo Chúa bước theo để có thể đón nhận được ơn cứu độ. Ơn cứu độ là phần phúc vĩnh cửu, không ai có thể lấy đi được. Với ý nghĩa này, chọn lựa của cô Maria trở nên gần gũi với câu hỏi về “bí quyết để có sự sống đời đời” của nhà thông luật trong câu chuyện ngay trước đó.[7]
  4. Lo lắng về nhiều việc phục vụ… lo lắng và phiền muộn nhiều thứ… chỉ có một điều cần thiết. Đối lại với hình ảnh bình thản, yên vị, ngồi bên chân Chúa của cô Maria, là hình ảnh của người chị Mártha đang chuyển động liên hồi, đang phân tâm trong nhiều công việc phục vụ. Song song với hành động “nghe” kéo dài của cô Maria là hành động bận rộn liên tục của cô Mártha, cũng được diễn tả bằng một động từ chưa hoàn thành, diễn tả một hành động kéo dài (περιεσπᾶτο: cứ liên tục lo lắng). Động từ “περισπάω” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là “lo lắng” vừa có nghĩa là “phân tâm”. Sự lo lắng công việc phục vụ làm cho cô Mártha phân tâm trong việc lắng nghe câu chuyện của Chúa. Sự lo lắng phân tâm làm cho hạt giống “lời Chúa” không thể phát triển được là tình trạng của hạt giống rơi vào bụi gai trong dụ ngôn “người gieo giống” (Lc 8,14).[8] “Lo lắng” là thái độ ngăn cản sự tiến triển của một đức tin thật sự, như Đức Giêsu dạy: “Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… hãy lo tìm kiếm Nước của Người còn những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Lc 12,22.29.31).[9] Như thường lệ, cô Mártha là người đón rước Chúa vào nhà, như trong câu chuyện phục sinh anh Ladarô (Ga 11,20). Tuy nhiên, vì quá bận rộn với công việc phục vụ, cô Mártha rõ ràng không có đủ lắng đọng để nghe lời của Chúa.[10] Những điều ấy được Đức Giêsu gọi là “lo lắng, muộn phiền nhiều việc quá” (10,41). “Nhiều” đối lại với “một”. “Sự cần thiết” (χρεία) dĩ nhiên là đối lại với “sự vô ít”. Nghịch lý thay, Một điều nhưng lại cần thiết, nhiều điều mà lại vô ích. Hơn nữa, lời phàn nàn của cô Mártha đặt chính cô là trung tâm khi dùng đại từ tôi đến ba lần: (em tôi; để tôi; giúp tôi). Thêm vào đó, cô dùng động từ mệnh lệnh: “Hãy nói cùng cô ấy” để có ý khuyên bảo Đức Giêsu. Cách nào đó, người ta có thể thấy rằng cô Mártha muốn Đức Giêsu làm theo điều mình muốn, mà quên đi điều Đức Giêsu muốn. Trong chốc lát cô trở thành người chủ, mặc dù cô vẫn gọi Đức Giêsu là “Chúa, chủ, ngài”.[11] Một khi lấy mình làm trung tâm, người ta dễ đặt Chúa ra bên ngoài kế hoạch và ý muốn của Chúa.[12]
  5. Mártha, Mártha: “Lời gọi kép “Mártha, Mártha” cho thấy một sự thương cảm, tiếc nuối Đức Giêsu dành cho người chị Mártha. Đó cũng có thể hiểu là lời bảo ban, dỗ dành, và mời gọi cô Mártha thôi bận bịu những điều không cần thiết để tập trung vào một điều cần thiết.[13] Qua đó, cô cũng có thể tham gia vào câu chuyện sứ vụ của Đức Giêsu và cùng chia sẻ chọn lựa với em mình.
  6. Việc phục vụ (διακονίαν): Danh từ “διακονίαν” có nghĩa chuyên biệt là, việc mục vụ, sứ vụ phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa (Rm 12,7; Cv 1,17; 20,24; 1Cr 12,5; 2 Cr 5,18). Nó cũng có nghĩa khác là “sự giúp đỡ”, “sự hỗ trợ”, “sự phân phát” (Cv 6,1; 11,29). Trong bối cảnh này, có lẽ nghĩa phù hợp nhất là “công việc nội trợ”. Danh từ này có gốc với danh từ “διακονος” (người phó tế, trợ tế), để chỉ những ứng sinh chuẩn bị tiến chức linh mục. Cách gọi này có thể liên quan đến vai trò phục vụ bàn thờ trong các Thánh Lễ.
  7. Không quan tâm: “περισπάω”: Vì không nhận thấy một điều cần thiết, nên cô Mártha đã buông lời than thở. Lời than thở của cô Mártha ẩn chứa một chút trách móc, thậm chí là kết tội.[14] Thứ nhất, cô trách em mình để cho mình phải lo lắng phục vụ một mình. Thứ hai, cô trách Đức Giêsu là không bảo Maria giúp cô một tay. Đức Giêsu dĩ nhiên không phải là một người “vô tâm”, nhưng Người biết điều gì cần thiết. Cô Maria cũng không phải là người lười biếng, không muốn giúp chị, nhưng cô biết Đức Giêsu cần gì. Đức Giêsu đã giúp Mártha đảo ngược suy nghĩ của mình. Thay vì bảo cô Maria lo việc phục vụ với cô Mártha, Người lại bảo cô Mártha hãy ngồi nghe với cô Maria.

Bình luận tổng quát

Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi vào nhà của ba chị em Mártha, Maria và Ladarô. Câu chuyện tưởng chừng là một giáo huấn về lòng hiếu khách như nhiều tác giả xưa nay vẫn hiểu, nó lại ẩn chứa bên trong một thông điệp quan trọng liên quan đến mầu nhiệm cứu độ. Đức Giêsu thường xuyên lui tới với gia đình này. Tuy nhiên, mỗi lần viếng thăm gia đình này, Người đều mang đến một thông điệp đặc biệt, chứ không phải là cuộc viếng thăm thông thường. Người đã đến để mang Tin Mừng Phục Sinh đến với gia đình trong dịp người viếng thăm và làm cho anh Ladarô sống lại (Ga 11,1-44). Chỉ sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Người đến dùng bữa và đã được cô Maria xức dầu chuẩn bị cho ngày mai táng của Đức Giêsu (Ga 12,1-8). Trong trình thuật này, Người đến để mang thông điệp về cuộc xuất hành mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Trong bối cảnh này, rõ ràng việc lắng nghe, chia sẻ, và đón nhận thông điệp là cần thiết hơn cả. Cô Mártha đã đón tiếp Đức Giêsu vào nhà, và đã lo lắng nhiều về việc thết đãi, nhưng cô Maria mới là người thết đãi đức Giêsu “ẩm thực” ngon nhất. Đó là nghệ thuật lắng nghe. Nhận ra khách quý muốn gì quả là một nghệ thuật. Cần phải có một sự nhạy cảm về đức tin và sự tinh ý mới nhận ra được. Đức Giêsu là sứ giả Tin Mừng. Điều Người mong mỏi nhất là rao giảng Tin Mừng, như Người đã nhìn nhận: “Tôi phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi đã được sai đi cốt là để làm việc đó” (Lc 4,43). Hơn nữa, Người đang trên đường hoàn tất sự vụ cứu độ. Mối bận tâm duy nhất trong lòng Người là làm sao cho các môn đệ hiểu và đón nhận nó. Bằng chứng là đã Người tiền báo về khổ nạn-phục sinh đến ba lần.  Cô Mártha và cô Maria là những người Đức Giêsu thương mến. Chính vì thế mà không lạ gì khi Người mong ước họ cùng chia sẻ mầu nhiệm ấy với Người. Có thể thấy rằng, Đức Giêsu muốn chia sẻ thông điệp hơn là bất cứ một nhu cầu ăn uống nào. Cô Mártha tốt lành, tận tụy với công việc nội trợ, nhưng tiếc là cô lại đánh mất cơ hội để nghe lời của Đức Giêsu. Trước lời than thở của cô Mártha, Đức Giêsu khéo léo mời gọi cô dành thời gian để lắng nghe lời Người. Thay vì mời gọi cô Maria cộng tác với người chị trong việc phục vụ, Đức Giê-su lại mời gọi cô Mártha cộng tác với em mình trong việc lắng nghe. Đức Giêsu là vị khách lạ lùng, thay vì mong muốn người ta thết đãi nhiều món ngon, Người lại muốn đãi người ta bàn tiệc Lời Chúa. Người đến để trao tặng cho họ sự sống đời đời, hơn là để đón nhận những món ăn thường ngày từ họ.[15] “Maria chọn phần tốt” không phải vì cô đã làm vui lòng Chúa, cho bằng vì việc lắng nghe giáo huấn của Chúa là cần thiết nhất cho cuộc đời cô. Câu chuyện được khép lại với một kết thúc mở. Không ai biết là cô Mártha có nghe theo lời của Đức Giêsu, dừng lại mọi việc phục vụ để chỉ lắng nghe lời Người hay không. Mỗi độc giả phải tự mình viết tiếp phần kết thúc câu chuyện theo chọn lựa của riêng mình.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1]  “Judaism allowed and even required faith and religious obedience on the part of women. But did it permit them to study with the teachers of the law? This possibility, which is less unlikely than has been believed, must, however, have been the exception rather than the rule Jesus must have shocked his fellow Jews by the way he welcomed women into the inner circle of his disciples. In both the Gospel and Acts, Luke notes the presence of female believers” [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 70-71].

[2] “The positive degree of the adj. is often used in Hellenistic Greek for either the superlative or comparative, both of which were on the wane” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 894].

[3] “Moreover, Luke in this scene does not hesitate to depict a woman as a disciple sitting at Jesus’ feet” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 892);  F. Bovon, Luke 2, 70.

[4] “The pivotal importance of Jesus’ authority in this scene is signaled in his fourfold identification as “Lord”—explicitly by the narrator (vv 39, 41) and Martha (v 40), implicitly by the posture Mary assumes (v 39)” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 434].

[5] J.B. Green, The Gospel of Luke, 435.

[6] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Colleville 1997) 173.

[7] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 891.

[8] F. Bovon, Luke 2, 73.

[9] J.B. Green, The Gospel of Luke, 436.

[10] “Martha’s “doing,” on the other hand, is censured, rooted as it is in her anxiety as a host rather than in dispositions transformed by an encounter with the word” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 434).

[11] J.B. Green, The Gospel of Luke 437.

[12] “this passage speaks with precision about a danger in the Christian life: the things one worries about when one isolates oneself from Christ and the Christian community, as well as the thousand and one activities one gets involved in, in an effort to overcome these worries” (F. Bovon, Luke 2, 72).

[13] “At first look, this retort appears severe, but it was aimed at redirecting Martha to what was essential, to that part that was singular and had priority, the part that Mary had chosen all on her own” (F. Bovon, Luke 2, 72).

[14] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 174.

[15] “Jesus nicely turns the point from one of providing a service to receiving a gift: the other who comes into our space is a messenger of grace” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 175).

Bài trướcThông báo sa thải Lm. Martinô Mai Anh Tuấn
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 16 Thường Niên C)