THÁNH LỄ MÙNG 2 TẾT: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

0
1440

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15, 1-6

SỐNG TRÒN CHỮ HIẾU

Trong kho tàng truyện cổ Trung Hoa, có một giai thoại kể về gương sống thảo hiếu như sau: “Bạch Hiểu Lang là một vị quan lớn trong triều đình vào thời nhà Hán. Ngay lúc còn trẻ, Bạch Hiểu Lang xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng rất hiếu thảo với mẹ cha và là người con hiếu học. Với trí tuệ thông thái và khả năng học hành trời ban, Bạch Hiểu Lang chẳng mấy chóc đã thi đậu vào làm quan lớn trong triều đình. Nhưng chẳng may cái ngày anh ta được nhà vua triệu vào làm quan thì nhận được hung tin người mẹ đột ngột qua đời. Bạch Hiểu Lang đến trình báo nhà vua để được trở về lo hậu sự và chịu tang mẹ. Nhưng nhà vua đã đưa ra cho anh hai chọn lựa và chỉ được chọn một mà thôi: một là vào triều đình nhậm chức quan lớn, hai là trở về nhà lo hậu sự và chịu tang mẹ. Bạch Hiểu Lang không do dự thưa với nhà vua rằng, con xin chọn trở về lo hậu sự và chịu tang mẹ. Nhà vua nói với Bạch Hiểu Lang, thế ngươi không tiếc cái chức quan lớn mà bao lâu ngươi theo đuổi sao? Bạch Hiểu Lang trả lời với nhà vua rằng: những gì con có được hôm nay cũng do các ngài tần tảo hy sinh, dưỡng nuôi và giáo dục. Nếu con không về chịu tang mẹ thì dù con có làm quan lớn đến đâu thì con cũng chưa sống trọn đạo hiếu đối với cha mẹ và cũng không xứng với chức làm quan trong triều đình. Sau khi lo tang chế mẹ xong, Bạch Hiểu Lang được nhà vua vời vào triều đình và ân thưởng làm quan lớn vì lòng hiếu kính của anh đối với cha mẹ”. Như thế, kính nhớ tổ tiên thiết yếu vẫn là sống trọn đạo hiếu đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

  1. Kính Nhớ Tổ Tiên Là Sống Tròn Đạo Hiếu

Lời căn dặn của tiền nhân đối với người làm con là phải “Dĩ Hiếu Vi Tiên”, nghĩa là lấy Đạo Hiếu làm đầu. Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hóa Á Đông, đặc biệt là của người con dân Việt Nam chúng ta. Hiếu là gốc của đức. Người ta có một 100 cái nết nhưng đứng hàng đầu vẫn là đức hiếu. Theo truyền thống Nho Giáo, trong các tội phạm đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì tội bất hiếu là tội nặng nhất. Đối với người Công Giáo chúng ta, hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ không chỉ là bổn phận phải chu toàn mà là giới răn Thiên Chúa đòi buộc: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Dẫu là giới răn thứ tư đứng sau ba giới răn thờ kính Chúa nhưng là giới răn đứng đầu trong bảy giới răn dạy về đạo làm người. Sách Giảng Viên còn dạy: “thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.

Hiếu với Chúa thì phải sống tu thân tích đức để làm đẹp lòng Chúa, làm vinh danh Ngài và xứng danh là con cái của Chúa. Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì phải sống đạo làm con, giữ nếp gia phong lễ nghĩa, làm vẽ vang gia phong, gia đình và gia tộc. Người ta nói rằng: Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung, và cũng như chưa từng có người nào thảo hiếu lại bất nhân. Và một khi đặt chữ hiếu làm đầu cho đời sống thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ sống bất trung, bất hiếu và bất nghĩa đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ dẫu hoàn cảnh gia đình mình như thế nào, các ngài là ai, gia cảnh và tình trạng sức khoẻ của các ngài như thế nào. Bởi vậy, trong Hán ngữ có một câu viết: “bần gia tri hiếu tử, quốc loạn kiến trung thần”. Nghĩa là nhà nghèo thì mới biết được đứa con nào có hiếu đối với cha mẹ, đất nước có chiến tranh loạn lạc thì mới biết được thần dân nào là người trung thành với đất nước. Hơn thế, thảo hiếu với tổ tiên không phải chỉ đến lúc các ngài già nua tuổi tác hay khuất bống qui tiên mới sống thảo hiếu mà là suốt cả cuộc đời phải sống đúng bổn phận làm con cháu.

  1. Sống Hiếu Kính Là Biết Nhớ Về Nguồn Cội

Sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta không chỉ biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn phải tôn vinh các ngài qua các thời đại (x. Hc 44,1.10-15). Bởi các ngài đã đặt nền móng vững chắc cho chúng ta cả trong đời sống đức tin và hành trình đời người. Các ngài đã tằn tảo hy sinh gầy dựng cho chúng ta có được những gì như chúng ta đang có hôm nay. Dó đó, kính nhớ tổ tiên là biết nhớ về cội nguồn.

Nhớ về nguồn cội là động thái của người sống có nhân văn, là người biết ơn và là người có tấm lòng hiếu kính. Đạo hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn Tạo Hoá, biết ơn trời đất, biết ơn tổ tiên ông bà, cha mẹ. Biết ơn công cha nghĩa mẹ sinh thành. Cha mẹ cưu mang ta từ trong trứng nước; sinh ra ta, đỡ đần ta từ trong cung lòng; vỗ về, âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn; dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta; thấu hiểu tính tình của ta mà khuyên dạy và che chở ta mọi nơi mọi lúc. Ơn đức ấy lớn như trời biển làm sao đáp đền!

Công đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ số 48 dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong lúc tuổi già cô quạnh”.

Còn ca dao Việt Nam cũng có nhưng câu rất ý vị, dạy người làm con về lòng biết ơn đối với tổ tiên và chỉ khi sống biết ơn thì mới đem lại cho con người một tương lai sáng rạng và tốt đẹp hơn:

“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn,

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,

Người ta có gốc từ đâu,

Có cha có mẹ, sau mới có mình.”

Đức Chân Phước Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đề cao vai trò nền tảng gia đình và công lao các đấng bậc sinh thành như sau: “chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công Giáo. Không vị giám đốc tài ba hay chuyên môn nào nào có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội nhân lọai cũng rung rinh sụp đổ”. Còn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII viết thư cho cha mẹ của ngài nhân ngày ngài được tròn 50 tuổi như sau: “Thưa cha mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn ngay khi hồi con được ngồi trên đôi chân của ba mẹ”. Do đó, biết nhớ về cội nguồn, biết khắc cốt ghi tâm, bày tỏ lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ là sống kính nhớ tổ tiên. Thế nên, ca dao Việt Nam mới viết: “Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”.

  1. Sống Trọn Chữ Hiếu Là Sống Như Thế Nào?

Thánh Phaolô Tông Đồ nói với chúng ta qua thư gửi tín hữu Êphêxô rằng: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và sống trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). Trong Tin Mừng của thánh sử Mátthêu hôm nay, Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,3). Còn sách Xuất Hành mời gọi: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).

Luật Chúa đòi buộc phận làm con phải sống hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ một cách khắt khe như thế. Thế nhưng trong cuộc sống thực tế, chúng ta có rất nhiều thiếu sót, lỗi phạm đến các đấng bậc sinh thành cả trong lời nói, việc làm, cách hành xử và cả trong bổn phận chăm sóc, dưỡng nuôi các ngài lúc tuổi già xế bóng. Cha ông chúng ta thường nói: “Cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Một cha một mẹ có thể nuôi được 10 đứa con khôn lớn, nhưng 10 người con chưa hẳn đã nuôi được cha mẹ. Khi cha mẹ sinh con ra thì chọn nơi nào ấm nhất, phòng nào kín gió nhất, tốt nhất để ấp ủ, nuôi dưỡng và bảo vệ cho con. Nhưng khi cha mẹ đã già nua tuổi tác, chân tay run rẩy, … thì có những người con lại dành một chỗ trong gốc xó để tránh sự dòm ngó của người đời. Hoặc khi cha mẹ còn sống thì không thăm viếng chăm nom, đối xử không đủ điều, nhưng khi cha mẹ khuất bóng quy tiên thì xây mộ thật lớn, đặt bàn thờ thật cao, tiệc giỗ mân cao cổ đầy… Nhìn vào thời hiện đại, xem ra thế hệ trẻ chúng ta được học hành nhiều hơn thế hệ tiền nhân, có thể hiểu biết nhiều hơn về khoa học, công nghệ và cả kiến thức nhưng lối hành xử đối với các bậc tiền nhân thì thua kém xa, kinh nghiệm sống và nhân đức thì không thể sánh bằng.

Nguyện xin Chúa Xuân chúc phúc và giúp chúng ta trong Năm Mới này và suốt cả cuộc đời luôn khắc cốt ghi tâm công đức sinh thành, dưỡng dục của các đấng bậc tiền nhân để chúng ta biết sống tròn đạo hiếu và biết bảy tỏ lòng tôn kính đối với các ngài theo luật Chúa và phận làm con phải chu toàn. Amen.

Bài trướcSuy Niệm LC Thứ Năm tuần V TN B
Bài tiếp theoSuy Niệm LC Thứ Hai tuần VI TN B