Một câu chuyện buồn của những “Tamar” (tiếp theo)

0
956

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

<< Đọc phần trước >>

Thinh lặng là vàng?

Như chúng ta nghe công chúa Tamar nói chuyện với Amnon trước và sau khi bị cưỡng hiếp: Cô có khả năng ăn nói, có lý lẽ khôn ngoan. Nhưng rồi trong khi hồn rối bời tan nát, thì mọi tiếng nói, lời khuyên của người thân và áp lực truyền thống, xã hội và cả đạo đức (là không gây xấu hổ cho gia đình) buộc nạn nhân im tiếng. Bị hãm hiếp làm cho nạn nhân xấu hổ về mình, lấy đi niềm tự trọng. Sự bày tỏ các cảm xúc của nạn nhân bị ngăn chặn mọi nẻo. Thiếu nữ hoàng tộc này trở nên bất lực và không còn cảm giác an chắc. Một con người bị bẻ gãy trong lòng.

Việc Absalom cấm em gái mình nói còn có một mặt không ổn khác. Chính anh ta cũng không lên tiếng. Thật ra anh đã lợi dụng sự kiện này, như các đoạn Kinh Thánh kế tiếp cho thấy, để loại trừ Amnon ra khỏi cuộc đua tranh quyền lực trong nhà Đavít. Nhưng anh nín lặng hai năm, không nói chuyện với Amnon, và rồi cho giết chết người hãm hiếp em gái mình trong một dịp tiệc mừng. Việc báo thù muộn màng và với nhiều ý đồ đó không giúp được gì cho đời người em gái bị lạm dụng.

Cần phải bàn là thái độ của người cha, của vua Đavít, trong chuyện này: “Còn vua Ðavít, khi nghe biết các điều ấy, thì ông tức giận lắm; nhưng ông đã không muốn trách cứ phiền lòng Amnon con ông, vì ông thương chàng bởi chàng là trưởng nam của ông.” Thương con trai nên ông dù “tức giận lắm” cũng chỉ biết thinh lặng, và không quan tâm đến những gì con gái phải chịu đựng. Ông thiếu sự đồng cảm với nạn nhân. Cần phải nói rằng đó là một thái độ phổ biến trong văn hóa phụ hệ, nơi đàn bà con nít đứng thấp hạng hơn con trai trên bậc thang giá trị. Họ luôn là những người phải trả giá cho những điều kinh khủng mà phái mạnh gây ra.

Là cha, vua Đavít đã phải có chút hối hận, vì chính ông đã đồng ý với đề nghị của Amnon mà sai Tamar săn sóc anh trai, người giả đò bệnh. Chính ông đã bị con mình lừa. Nhưng Amnon là trưởng nam nên ông chỉ dừng lại ở cảm xúc tức giận, chứ không đi xa hơn (c. 21). Những trang của sách Samuel cho thấy cha nào con nấy: chính Đavít đã hành động trước đó không khác chi con mình, khi ăn nằm với vợ tướng quân Uria và sau đó đã đẩy ông chồng vào chỗ chết. Nghĩa là Đavít đã rơi vào một thế khó xử: một mặt vì mình cũng là tội nhân, mặt khác phải giữ danh tiếng gia đình, và vì Amnon là trưởng nam.

Lối suy của một xã hội, trong đó vua có nhiều thê thiếp là bình thường, cũng không thúc đẩy Đavít hành động gay gắt với Amnon. Nạn nhân và tình trạng tâm lý của họ không được quan tâm nhiều, vì họ không được coi trọng. Lắm khi, người ta còn đổ lỗi cho phụ nữ đã ăn mặc khiêu gợi hay vì đã tìm gần gũi đàn ông. Nghĩa là nạn nhân chịu trách nhiệm cho sự việc xảy ra.

Lối nhìn này cũng phổ biến nơi chúng ta và trong Giáo hội, khi nhận định sự kiện từ góc độ của thủ phạm – của đàn ông trong một văn hóa phụ quyền bất bình đẳng. Vì vậy, các đấng có trách nhiệm đã luôn tìm cách che đậy thủ phạm, đồng thời ủng hộ quan điểm cho rằng phụ nữ đã “cám dỗ các đấng”. Cần đến hai ngàn năm Giáo hội Công giáo mới chính thức có sự thay đổi quan điểm trong vấn đề này, là ghi nhận sự lạm dụng và hệ quả của nó từ góc độ của nạn nhân.

Quay lại câu chuyện buồn của công chúa Tamar, sự bất công không được đặt tên công khai; thủ phạm không bị kết án và không phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm; nạn nhân không được chú ý và giúp đỡ. Thực tế đó làm cho một triều đại mạnh mẽ như của thời Đavít cũng tàn lụi dần, vì chồng chất những lỗi phạm được che giấu. Công bằng tìm một tương quan đúng đắn và chân thật với con người và với Thiên Chúa.

Các cơ cấu với thái độ khinh thường và hạ nhục người phụ nữ được Kinh Thánh lột mặt và phơi bày thẳng thắn. Được trình bày một cách trung thực gây ngạc nhiên, và là điều cho thấy rằng: các tương quan được xây dựng trên bạo lực, bất công và câm lặng, làm cong quắn và cô lập con người. Các tội phạm như hãm hiếp, loạn luân, lạm dụng quyền lực trong mọi hình thức cần phải được đặt tên, được bày tỏ thẳng thắn không che đậy. Báo thù không giúp được nạn nhân, và câm lặng lại càng không. Cô đơn trong xấu hổ cũng không.

Trong các lối giúp chữa lành, thì việc đầu tiên Kinh Thánh thực hiện, là viết lại kể lại chuyện kinh khủng đã xảy ra. Chấm dứt sự thinh lặng chết người này là điều cần được nhận ra và cổ võ. Mà lại là chuyện trong gia đình “vua thánh Đavít” mới là chuyện đáng kể! Đó là câu chuyện hạ nhục cô con gái Tamar bởi một người anh cùng cha khác mẹ và những gì liên quan sau đó, và như thế phơi bày cơ chế lạm dụng quyền lực của nó.

Câu chuyện Kinh Thánh mô tả từng bước của sự nhục nhã người phụ nữ phải chịu, và thái độ cũng như cách ứng xử của những người liên quan,và của kẻ có thẩm quyền sau khi sự việc xảy ra. Người đọc và người nghe câu chuyện này đều được đánh động, được nhắc đến chuyện như đang xảy ra trong gia đình, trong họ hàng, hàng xóm, trong cộng đoàn và xã hội xung quanh mình.

Điều đó thách đố một phản ứng đúng đắn, đòi thay đổi cái nhìn về sự việc hãm hiếp, lợi dụng quyền hành, lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em. Câu chuyện đòi người nghe người đọc nhìn nhận việc công khai hóa như là lối giúp nạn nhân chữa lành, và giúp cả thủ phạm để không còn tiếp tục gây án, biến nhiều người khác thành nạn nhân nữa. Các kinh nghiệm và nhận thức trên thế giới về vấn đề này cần là động lực cho chúng ta thay đổi suy nghĩ vì sự công bằng, bình đẳng, danh dự người phụ nữ và nạn nhân.

Chúng ta cần công khai hóa bằng cách phương tiện truyền thông đại chúng, như phổ biến qua phim chẳng hạn. Đây là một lối giúp tạo ý thức và thay đổi nhanh, như các thí dụ phương tây cho thấy[1]. Mọi người cần giúp cho nạn nhân có tiếng nói công khai, thay vì phải chịu dồn ép vào chốn nín lặng. Tạo cơ hội cho công bằng công lý qua vấn đề đó. Đưa ra ánh sáng những bất công là việc câu chuyện Kinh Thánh thực hiện. Công khai hóa là bước đầu của việc chữa lành, giúp tìm lại sự tự trọng của nạn nhân.

Về phần mình, chúng ta sẽ trở nên những người có cái nhìn nhạy bén, những người không ngoảnh mặt làm ngơ, mà lắng nghe khi có một nạn nhân kể về chuyện đời mình. Chúng ta cần học để quan sát, ghi nhận những tiếng kêu cứu, có khi trong sự nín lặng, chú ý hơn đến những người chìm sâu vào sự cô đơn không đáy trước sự xấu hổ. Không để cho bạo lực, lạm dụng và câm lặng nắm tay trên và nói lời cuối, nhưng hãy giúp có một lối sống công bằng, chân thật với nhau, như Thiên Chúa muốn.

Thương nhau lắm cắn nhau đau?

Hoàng tử Amnon quả quyết yêu Tamar, em gái cùng cha khác mẹ. Chàng bị ray rứt và bị làm cho nhu nhược bởi tình yêu ngang trái này. Mô tả “tình yêu” của Amnon ngay từ đầu cho thấy ước muốn chiếm đoạt, nặng tính bạo lực và hoàn toàn vắng bóng nét lãng mạn nhẹ nhàng, được thấy nơi yêu đương của người trẻ. Phản ứng của Amnon sau cơn bạo hành còn tô đậm thêm chất thô bạo. Anh đuổi em mình, người anh thèm khát đến phát bệnh, đầy hậm hực như xua đuổi một kỵ nữ: “Dậy mà xéo đi!” Để tăng thêm sự hạ nhục, anh sai người hầu trai “đuổi con bé” ra ngoài và ra lệnh đóng cửa lại. Một phản ứng đối nghịch hoàn toàn với thái độ khao khát làm anh hao mòn trước khi chiếm đoạt em gái.

Thù hận theo sau quả quyết yêu thương. Hận và yêu ở đây như hai mặt của đồng tiền. Trước đó là thèm thuồng đến mức độ mất lý trí và nhu nhược, rồi sau đó là sự hắt hủi hạ nhục đến tận cùng. Trong tình yêu chiếm đoạt có mầm mống của thù hận, và ngược lại người ta thù ghét nhau vì chính những điều họ giống nhau, rất tiếc ở điểm tiêu cực. Tôi ghét người khác vì những phần trong tính nết của tôi bị chối bỏ. Thù hận như một sự phóng chiếu.

Amnon hành động ở đây làm như sự hiện diện của Tamar trên cuộc đời này tự nó đã là một sự sỉ nhục, xúc phạm đến anh. Những rào cản máu mủ và luật đạo mà anh biết làm cản trở cuộc tình trọn vẹn. Sự chối từ khôn ngoan trong suy nghĩ và lý lẽ đúng đắn của em gái tăng thêm nỗi uất hận nơi vị hoàng tử này, bởi trong thâm sâu anh biết mình đã hành động sai hoàn toàn. Mặc cảm thua kém và bị chối từ giải thích phản ứng khó hiểu sau khi chiếm đoạt và hại đời em gái.

Các phản ứng mang tính phá hoại của anh trước tình yêu phản ảnh tâm tính của một người mang tính “ái kỷ” (narcissistic) với khả năng chịu đựng thất vọng kém cỏi. Loại con cưng mang nặng tính quy ngã này muốn gì là phải được nấy. Ngã bệnh là một phản ứng ăn vạ của đứa con nít được cưng chiều đòi quà mà không được. Sự hắt hủi sau đó được hiểu như là hành vi báo thù (kiểu con nít) cho cái tôi bị xúc phạm do bị khước từ trước đó. Vị hoàng tử này xuất hiện như một con người yếu đuối mà có quyền lực, được nuông chiều và xấu tính xấu nết.

Chính vua Đavít đã nuông chiều đứa con này nên mới sai Tamar đến chăm con người giả bệnh. Về sau khi biết anh phạm tội thì ông đã tức giận, nhưng ông đã để anh yên thân và không lên tiếng. Đúng ra, theo luật Môsê thì như vậy: “Khi người đàn ông nào lấy chị em mình, dù là con gái của cha mình hay con gái của mẹ mình, và thấy chỗ kín của người chị em cũng như người này thấy chỗ kín của nó, thì đó là điều bỉ ổi; chúng sẽ bị khai trừ trước mắt những người thuộc về dân của chúng; nó đã lột trần chỗ kín của người chị em nó, thì nó sẽ phải mang lấy tội mình” (Lv 20,17). Sự thinh lặng của Đavít đã nhận chìm sự công bằng và sự thật.

Với một cái tôi yếu như vậy Amnon đúng là không có khả năng yêu thương. Người khác được coi là nguyên nhân cho tình trạng “đáng thương và thê thảm” của mình. Anh thiếu những kỹ năng để ứng xử cho phải phép trong hoàn cảnh bất lợi, để giữ cân bằng cảm xúc của mình. Tamar là hình ảnh trái ngược hoàn toàn: tỉnh táo và ăn nói ứng xử có tình có lý, suy nghĩ dài hạn. Sức mạnh của công chúa Tamar phơi bày những yếu kém, sự lệ thuộc và sự thiếu tự tin của hoàng tử Amnon.

Tình yêu chân thật dẫn đến một mối tương quan xây trên sự tin tưởng, bao dung chịu đựng và tôn trọng nhau. Lối thèm khát và rồi vắt chanh bỏ vỏ của Amnon không mang một dấu hiệu nào của tình yêu, vì anh không có sự trưởng thành và khả năng cần thiết. Thù ghét nơi vị hoàng tử này là một phản ứng tự vệ. Nhưng ai tấn công Amnon? Anh chống lại cảm giác ngộ nhận là bị nộp mạng và phóng chiếu nó vào Tamar, người thực sự bị nộp mạng. Đó là một cách đổ lỗi nạn nhân cho tội ác của mình. Anh hành động từ một cảm giác bất lực của một đứa con trai được nuông chiều.

[1] Mới đây, một phim tài liệu, được phổ biến nhanh qua kênh YouTube đã giúp nhiều người ý thức về vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội Balan.

Bài trướcQUÝ THẦY GIA NHẬP TẬP KỲ II NIÊN KHÓA 2020-2021
Bài tiếp theoHẠT GIỐNG ƠN GỌI CỦA MẸ MARIA