Một câu chuyện buồn của “những Tamar”

0
573

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Tôi xin kể cho quý vị một câu chuyện đời xưa, một chuyện thật buồn.

Và buồn hơn nữa, vì chuyện đó vẫn xảy ra hôm nay: trong gia đình, nơi học đường, nơi làm việc, trong bệnh viện, tu viện, nhà xứ, nội trú, mái ấm và trong các nơi có xung đột chiến tranh, cũng như ở những nơi mà các tương quan cá nhân đứng trong sự căng thẳng, bất ổn.

Câu chuyện một cô gái muốn độn thổ vì xấu hổ, vì lòng đầy những nhục nhã ê chề. Một chuyện đời gây xúc động, bởi số phận oan nghiệt người thiếu nữ phải chịu. Cô là nạn nhân của bạo lực, của sự đòi hỏi tình dục không kiềm chế được của đàn ông. Rõ hơn: của một người anh trai.

Phải trở thành nạn nhân là điều giam hãm người thiếu nữ suốt đời trong tủi nhục và xấu hổ.

Chuyện được ghi lại trong sách 2 Samuen, chương 13, kể về một người con gái của vua Đavít, công chúa Tamar. Cô có một người anh ruột, là hoàng tử Absalom. Đavít có ít nhất là sáu hoàng tử; tất cả đều được ông yêu thương. Vua chúa xưa nay có lắm cung tần mỹ nữ ngoài vợ chính là hoàng hậu. Cho nên họ có lắm con cái từ các quan hệ khác nhau. Vua Đavít cũng không khác.

Một người anh cùng cha khác mẹ, là hoàng tử Amnon, đem lòng say mê Tamar. Vì thế, vị hoàng tử này bàn bạc với một người bạn và cũng là anh họ sáng trí và ranh mãnh, tên là Yônađab. Họ bày mưu lập kế để Amnon có thể gần em gái. Theo đó, Amnon giả làm bộ bệnh và xin cha mình là vua Đavít gửi Tamar tới để chăm sóc anh ta.

Khi Tamar đến nấu ăn cho người giả bệnh, Amnon đuổi các người hầu ra khỏi phòng và hãm hiếp em gái mình.

Trước đó, khi Tamar nhận ra ý đồ của người anh họ, cô ta đã van nài và giãi bày hết lời khôn lời dại. Cô nói: “Anh ơi! Ðừng thế! Ðừng hiếp em, vì trong Israel không có thói ấy; đừng làm điều càn dở ấy! Phần em, em phải vác cái nhục ấy đi đâu? Và anh, anh sẽ nên như đồ gàn dở trong Israel! Vậy bây giờ, xin anh nói với Ðức Vua, vì ngài sẽ không từ chối với anh đâu” (c. 12).

Vị công chúa trẻ đã tỉnh táo năn nỉ và cố cản ngăn anh mình đừng làm điều đồi bại ấy. Cô cảnh báo anh trước hệ quả cho cả hai, và chỉ cho một lối giải quyết, là trình bày với Đức vua để họ có thể chính thức cưới nhau. Tamar sợ hãi những gì sắp xảy đến và tương lai sau đó cho một trinh nữ bị hãm hiếp. Nàng công chúa trẻ ý thức được thân phận của mình trong bối cảnh văn hóa, nếu chuyện xảy ra: cô sẽ trở thành người bị khinh bỉ, bị loại trừ khỏi cộng đồng.

Công chúa Tamar từ chối đòi hỏi của Amnon vì muốn một tương quan, trong đó sự tôn trọng người đối diện được đề cao cũng như các luật lệ xã hội được tuân hành. Cô tìm cách đánh động lý trí của người anh mà vô ích. Các lời kêu gọi thống thiết không chạm đến cơn cuồng say của bản năng, bất chấp mọi lý lẽ, mọi giãi bày. Và như vậy, hậu quả nghiêm trọng đang chờ đợi cả hai: cho thủ phạm và cả nạn nhân.

Rồi dường như chưa đủ, sự đam mê cuồng nhiệt không kiểm soát biến thành sự căm ghét tột độ, sau khi Amon đã thỏa mãn dục vọng với em gái mình. Coi em mình như một vật mất hết giá trị, Amnon cho người hầu của mình đuổi cô đi: “Các anh đuổi con bé này ra ngoài cho tôi rồi khoá cửa lại đằng sau nó.” Nỗi nhục này tiếp theo sự sỉ nhục khác.

Những gì được kể lại thật là kinh khủng.

Từng bước một Tamar bị tước đi danh dự và cuộc đời bị phá hủy. Khó có thể nói đó là tình yêu, vì không có chút tôn trọng nào trong quan hệ đó. Chỉ là sự thỏa mãn đòi hỏi của bản năng và biểu dương quyền lực của đàn ông được chuẩn bị dàn dựng kỹ. Amnon muốn chiếm đoạt em gái, và qua đó vị hoàng tử này hạ giá em mình xuống mức hàng hóa. Tamar chỉ được cậu ta nhìn như là một đối tượng thỏa mãn nhục dục không kiềm hãm của mình.

Về phía mình, sau khi bị lạm dụng Tamar “lấy tro rắc đầy đầu và xé nát áo chùng tay thụng nàng mặc nơi mình; và để tay lên đầu, nàng vừa đi vừa la.” Đây là những dấu hiệu của sự buồn đau tủi nhục vô tận. Vị công chúa bị lạm dụng tình dục cảm thấy mình nhơ nhuốc, tổn thương, bất lực, đầy cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Có lúc cô muốn chìm xuống vực thẳm để kết thúc một lần mọi buồn đau …

Liên quan đến tương lai của cô Kinh Thánh chỉ nói: “Và Tamar đã ôm hận mà lưu lại trong nhà Absalôm, anh nàng.” Đời cô tàn, không còn tương lai. Đó là những gì Tamar đã nhìn thấy trước, mà không đủ sức để tránh né hay cản ngăn. Cho nên nỗi đau của nàng càng gấp bội.

Bi kịch này là một kinh nghiệm mà nhiều bà, nhiều cô, nhiều soeurs, nhiều thiếu nữ và cả em bé là nạn nhân, xưa và nay. Các Tamar thời nay quen những cảm giác kinh hoàng y như vậy. Và con số không ít: cứ 5 phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực thể lý trong đời. Họ xấu hổ và câm nín, dù họ là nạn nhân của bạo lực.

Đúng ra, các thủ phạm phải xấu hổ, phải là Amnon, bởi vì cậu đã vị phạm một điều được coi là cấm kỵ trong mọi xã hội, gây một tội ác dựa theo luật Môsê (và luật nước ngày nay). Vị hoàng tử này đã tước đi danh dự của một người khác, của em gái mình, gây tổn hại trầm trọng thể lý và tâm lý. Nhưng Amnon đã không cảm thấy xấu hổ, như hầu hết thủ phạm:[1] có tội nhưng không có cảm thức tội lỗi. Anh ta đẩy xa và phủi tay mọi sự, đánh trách là việc anh sai đuổi em gái mình sau khi hành sự. Đẩy xa mọi sự khỏi mình một cách lạnh lùng, vô cảm và vô sỉ.

Phản ứng của những người xung quanh 

Người hầu trai trở nên đồng phạm như người anh họ Yônađab, kẻ đã giúp Amnon lên chương trình hành động. Là anh ruột, Absalom đã nhận ra điều không lành mà thủ phạm gây cho em gái, nhưng anh đã chỉ biết khuyên: “Ðừng bận tâm gì về chuyện này.” Nghĩa là im miệng và đừng than van khóc lóc nữa, vì “nó là anh của em!” Vì thủ phạm thuộc về gia đình, là người nhà, nên tốt nhất là làm như không có chuyện gì xảy ra hết. Giữ thể diện và danh giá cho gia đình.

Ngày nay, nạn nhân và gia đình của họ cũng phải nín lặng vì những lý do như vậy. Có khi sự thinh lặng của nạn nhân được mua, bởi thủ phạm hay gia đình của y. Bởi không ai đời nào lại vạch áo cho người xem lưng cả. Cho rằng qua đó chỉ gây thêm xấu hổ cho mình và người thân, chỉ làm tăng thêm nỗi xấu hổ đã phải chịu mà thôi. Dẫu gì thì cũng là chuyện đã rồi. Đó là những lí lẽ quen thuộc. Chưa kể đến những hệ quả khác cho thân phận đàn bà con gái trong một xã hội phụ hệ, khi chuyện bị lộ ra. Chỉ toàn điều bất lợi cho mình mà thôi. Có những gia đình, cả các bà mẹ, vì vậy ngoảnh mặt làm ngơ, không muốn nhìn thấy và nín lặng.

Qua đó, nạn nhân bị lấy đi cơ hội đặt tên cho sự bất công phải chịu đựng, mất đi cơ hội để than vãn và tố cáo kẻ gây tổn hại cho mình. Thay vào đó, họ phải đóng kín cửa lòng theo lời khuyên: “đừng bận tâm về chuyện đó!” Quên rằng: với cách phản ứng này, nạn nhân phải chịu thêm những đau khổ mới vì phải chịu ấm ức, tủi nhục, câm nín. Nước mắt phải chảy vào trong làm cho hồn tái tê trống vắng. Những cảm xúc bị đè nén đó bẻ cong tâm hồn, điều tỏ hiện rõ nơi thân thể – như nơi người phụ nữ còng lưng trong Hội đường (Lc 10,13tt.). Người phụ nữ này có một “hồn ma làm cho bệnh”. Là “hồn ma câm lặng”, “hồn nhớ lại hành hạ nạn nhân”, “hồn ma hạ nhục”, “hồn đầy sợ hãi”.

Thời gian tự nó không giúp Tamar chữa lành. Vì “ma nhớ” cứ hiện về trong các hình ảnh của các ác mộng, trong các ý nghĩ gây nặng nề và khó chịu đựng được. Để có thể vượt qua những kinh nghiệm bạo lực và để cho các vết thương có thể lành, nạn nhân cần phải nói hết ra. Không chỉ một lần. Cần phải phá vỡ bức tường có tên “câm lặng”. Tất nhiên đây là một bức tường cao dày nhiều lớp khó vượt.

Tamar không thể làm việc đó, như hầu hết phụ nữ trong cùng hoàn cảnh, và như vậy phải chịu chôn mình vào trong cô đơn và tuyệt vọng; hồn trở nên hoang tàn và khô cằn. Tamar phải đóng kín sự tổn thương, buồn đau nhức nhối, sự xấu hổ, sự bất công mà người anh gây ra cho cô. Đó là thuốc độc giết dần giết mòn, làm cơ cứng tê liệt thân thể, làm còng lưng. Thân thể đóng kín, mất hết mọi cảm xúc, khi hồn không thể cởi mở. Một nỗi đau gây thêm nhiều nỗi đau khác.

(còn tiếp)

[1] Các thủ phạm không có mối thương cảm/lòng trắc ẩn/sự đồng cảm với các nạn nhân. Vì thế, họ không thể có các cảm giác tội lỗi sau đó.

Bài trướcHẠT GẠO NHÂN ÁI #6 – GX. ĐẬP ĐÁ, GP. QUY NHƠN
Bài tiếp theoCHẠNH LÒNG THƯƠNG