CHẠNH LÒNG THƯƠNG

0
299

Thầy Giuse Thái Viết Mậu – Học Viện Ngôi Lời

 “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36)                                                                                                          

Có thể nói cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu và các môn đệ là một bản tình ca rất đẹp của Tin Mừng. Bản tình ca ấy, bao gồm những nốt thăng của sự hăng say, nhiệt thành truyền giáo, nhưng cũng có những nốt trầm của sự phản bội, bỏ rơi Thầy mình. Tuy nhiên, bản tình ca ấy vẫn đẹp vì nơi đó có những cuộc gặp gỡ, những sự biến đổi và cả những kinh nghiệm sống mà Đức Giêsu để lại cho học trò của mình. Một trong những kinh nghiệm mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài đó là: Chạnh lòng thương đối với tha nhân.

Quả vậy, Đức Giêsu được ví von như một nhà cách mạng. Ngài để lại cho nhân loại gia sản quý giá là “tình yêu”. Ngài dành hết cuộc đời để đấu tranh cho quyền được tôn trọng của những kẻ “thấp cổ bé miệng”. Ngài “trưng cầu dân ý” bằng cách đi đến, cúi xuống và chữa lành những người đau khổ, bệnh tật, tội lỗi. Người làm nổi bật “thương hiệu” của mình bằng cách lạ thường “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 5, 32) Ngài làm nổi bật Vương Quốc của Ngài bằng con đường “sự thật” và chỉ có “sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 31). Và ẩn sâu dưới những hành động cao quý của Đức Giêsu, có một điều chúng ta có thể dễ dàng nhận ra,  là nơi Ngài có một trái tim luôn luôn biết chạnh lòng trước nỗi thống khổ của con người. Hình ảnh người Thầy chí thánh Giêsu được khắc họa tuyệt mỹ và rạng ngời như thế, còn chúng ta, những môn đệ của Ngài cần phải xây dựng đời mình như thế nào trước gia sản yêu thương mà Ngài để lại?

Người môn đệ của Đức Giêsu phải biết “chạnh lòng thương” trước nỗi đau của người khác

Là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài. Và như thế, chúng ta phải tập cho mình khả năng biết chạnh lòng trước nỗi đau của người khác. Thật vậy, chạnh lòng thương không chỉ là bày tỏ lòng thương xót, hay thương hại vì thấy hoàn cảnh của họ khó khăn; nhưng trên hết, là đồng hóa mình với họ để thấy được những khó khăn, đau khổ… từ đó chúng ta dễ dàng yêu thương, chia sẻ và thấu cảm. Vậy, đối tượng mà người môn đệ Đức Giêsu hướng tới là ai? Xin thưa: Đó là những người nghèo, không chỉ nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần, nhưng còn nghèo về đức tin. Bởi lẽ, họ là một phần của chúng ta, một phần của xã hội và hơn hết “tài sản của Giáo Hội là nơi người nghèo, chứ không phải nơi các Thánh Đường”[1]

Người môn đệ Đức Giêsu đừng “đóng kín” lòng mình

Tôi rất thích câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.[2] Câu nói này của Đức Thánh Cha ngụ ý là đừng đóng kín, nhưng hãy đi ra. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy, có rất nhiều môn đệ Chúa đang đóng kín chính mình. Họ đóng kín vì họ sợ bị liên lụy khi giúp người này hay giúp người kia. Họ đóng kín vì đứng trước những khắt khe của cuộc sống họ luôn tìm mọi cách để toan tính thiệt hơn. Họ đóng kín chính mình vì họ chỉ mong một cuộc sống “an phận thủ thường”. Và, nhiều khi họ cũng đóng kín lòng họ với Thiên Chúa, nghĩa là không cho Ngài đến với họ dù chỉ là một “kẽ hở”. Tuy nhiên, một con tim truyền giáo “Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn.”[3]

Người môn đệ Đức Giêsu hãy “chạnh lòng thương” với những anh em trong cộng đoàn mình

Đời sống cộng đoàn là một nét đặc thù của các dòng tu. Nơi đây, có muôn vàn niềm vui nhưng cũng không ít những nỗi buồn. Niềm vui thì chúng ta dễ dàng nhập cuộc, nhưng nỗi phiền muộn thì mấy ai hiểu thấu và san sẻ cho nhau. Thực tế cho thấy, nơi cộng đoàn cũng luôn phảng phất hình bóng của sự chia rẽ, bất đồng quan điểm… thậm chí đôi lúc là xung đột về tính cách hay vùng miền. Tuy nhiên, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải cố gắng để trở nên giống Ngài, nghĩa là chạnh lòng thương đối với anh em, việc này đòi hỏi chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của anh em, tính cách của anh em, lứa tuổi của anh em… để cảm thông, chia sẻ, tha thứ, chứ không phải là trách móc, hạ bệ hay lên án. Đồng thời, trong môi trường này, chúng ta hãy tập cho con tim mình biết rung lên trước nỗi đau của anh em, giống như “người Samari nhân hậu”, đừng để tâm hồn của chúng ta bị trói buộc trong những lý lẽ và luật lệ thiếu tình yêu như “thầy Lêvi hay Tư tế”. Có như vậy, cộng đoàn nơi chúng ta sống mới thực sự trở nên môi trường lý tưởng để “lan tỏa” tình yêu của Thiên Chúa và biến tình yêu ấy trở nên vũ khí lợi hại bao bọc, giữ gìn cộng đoàn của chúng ta.

Cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Giêsu đã đến, Ngài nhìn thấy chúng ta, chạnh lòng với chúng ta và cứu độ chúng ta. Giờ đây, đến lượt chúng ta, những môn đệ của Ngài, hãy đến với mọi người để nhìn vào cuộc đời của họ, để chạnh lòng,  thấu cảm, tha thứ và chữa lành họ. Đừng bao giờ để con tim chúng ta “đóng băng” trước nỗi thống khổ của tha nhân, nhưng hãy mở rộng tâm hồn  để đón nhận và trao ban lòng thương xót. Đồng thời, hãy dùng niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai đã, đang và sẽ gặp gỡ chúng ta.

[1] http://phanxico.vn/2016/11/14/duc-phanxico-tai-san-cua-giao-hoi-la-noi-nguoi-ngheo-khong-phai-noi-cac-thanh-duong, truy cập ngày 27.10.2020.

[2] Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm vui của Tin Mừng, Lm. Dominique Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ (2013), 43

[3] Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm vui của Tin Mừng, Lm. Dominique Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ (2013), 41.

Bài trướcMột câu chuyện buồn của “những Tamar”
Bài tiếp theoTIẾNG THỞ DÀI QUA “RỪNG ĐAM MÊ”(Dành cho những ai sắp và đã bước qua tuổi ba mươi)