CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

0
419

Lm. Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20

HOÁN CẢI

Có một giai thoại của người Hồi Giáo kể lại rằng: “ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống mang về nào là máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo, nào là lòng biết ơn của con người đối với nhau, nào là sự hy sinh vì nhau. Đức Ala mỉm cười đón lấy những thứ ấy. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Ta nghĩ rằng còn có cái gì đó tốt đẹp hơn”. Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Sứ thần lại gần và hỏi tại sao ông khóc? Người đàn ông giải thích: “tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt và bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu”.

Sự thống hối là một trong những chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Giôna, nhân vật cùng tên đã được Thiên Chúa mời gọi đi làm ngôn sứ cho Người, nhằm mục đích kêu gọi dân thành Ninivê tỏ lòng sám hối để được ơn tha thứ; vì lẽ dân đã làm nhiều điều dữ trái mắt Đức Chúa. Đức Chúa đã muốn đánh phạt dân nhưng đã không làm, Người muốn cho họ có cơ hội thống hối lỗi lầm của mình để trở về giao hảo cùng Thiên Chúa. Bài Tin Mừng cũng là lời kêu mời ăn năn sám hối, nhưng lời mời gọi này lại được chính Đức Giêsu, người Con chí ái của Thiên Chúa trực tiếp kêu mời. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tin vào Tin Mừng cũng là tin vào Thiên Chúa, tin vào lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi xướng.

Thống hối có nghĩa là thay đổi và điều chỉnh những hành động của ta một cách phù hợp. Điều đó có nghĩa là thay đổi tâm hồn và thay đổi lối sống. Như thế, sự thống hối là từ bỏ những thói quen cũ và sống theo những điều mới mẽ và tích cực hơn cho mình và cho người thân cận. Cảm giác này chắc hẳn rất đau đớn và thậm chí là khó chịu. Đó là lý do tại sao nhiều người chậm đi theo sự thống hối, mà chỉ muốn được yên thân. Thật vậy, thống hối là thừa nhận rằng, tất cả mọi sự nơi bản thân đều chưa tốt đẹp.

Hoán cải là chấp nhận đau thương và từ bỏ bản thân, và đó cũng là điều mà không mấy ai muốn thực hiện. Nói đúng hơn, thống hối bắt buộc ta phải bước vào một hành trình gian khó trong đấu tranh, mà trong đó không phải ai cũng hoàn toàn đạt được chiến thắng. Không giống như sự ân hận, thống hối mở ra con đường tái sinh. Thống hối luôn mang lại cho chúng ta niềm vui, bởi đã được cởi bỏ nút thắt như đang xiết chặt các mạch sống trong con người chúng ta, đến nỗi làm cho chúng ta bị bức bối và mất bình an. Cách thống hối hay nhất là chúng ta biết lắng nghe, tin, và sống theo Tin Mừng.

Tin vào Tin Mừng và đi trong huấn lệnh của Thiên Chúa là điều bắt buộc đối với các tín hữu. Thế nhưng trong cuộc sống lòng trung tín này luôn gặp nhiều thử thách và lắm khi lung lay, thậm chí bị quên lãng. Chúng ta thấy trong lịch sử cứu độ, đã bao lần dân riêng Chúa chọn đã bỏ mặc Thiên Chúa của họ để đi theo các thần ngoại bang. Ngược lại, lòng trung tín của Thiên Chúa thì không thay đổi nên Người đã dùng nhiều cách nhằm lôi kéo con người hướng lòng luôn về Người, chứ đừng chạy theo các thần khác để chuốc lấy án phạt vào thân. Người muốn con người phải có lòng trung tín với Người mãi mãi, cho dẫu có phải trải qua bể dâu. Khi có thử thách trong đời mà con người vẫn một lòng làm theo lời dạy bảo của Thiên Chúa thì khi đó đức tin vào Người mới nên vững mạnh sắt son. Thiên Chúa cũng biết lòng của con người hay thay đổi và dễ rơi vào các cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng mà thất trung với lời đã giao ước cùng Thiên Chúa, Người dủ lòng thương xót nên đã tuyển chọn các ngôn sứ để thay Người nhắc nhớ cho con người biết sửa đổi để không xa lìa đường nẻo của Thiên Chúa, mà chạy theo những quyến rũ của tà thần.

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã tuyển chọn các môn đệ để cùng với Ngài loan báo Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho toàn dân. Ngài chọn họ và dạy dỗ họ để họ đi làm sứ vụ cho Ngài. Ngài gọi các ông: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Ta không biết những lời mời gọi kiểu này đã gây ấn tượng gì nơi các ngư phủ ấy. Họ theo Ngài không đắn đo suy nghĩ thiệt hơn. Với một thái độ dứt khoát và không kém phần khẩn trương, họ bỏ lại sau lưng kế sinh nhai là nghề đánh cá, người nhà là thân phụ ở trên thuyền và thói quen hằng ngày là lối sống tự do tự tại ở miền sông nước, để ra đi theo lời mời gọi của Đức Giêsu, Người mà họ chưa một lần gặp mặt. Từ bỏ một lối sống cũ để đi vào một cuộc sống mới chưa bao giờ là dễ dàng cho bất cứ ai qua mọi thời, và các môn đệ cũng vậy. Thế nhưng, lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy theo tôi” như một lực hấp dẫn đã cuốn hút ý hướng của các ông, đến nỗi các ông đã buông bỏ mọi sự mà theo Ngài. Theo Ngài không những để biết Ngài, nhưng để đến ở với Ngài, sống cùng Ngài và để được Ngài dạy dỗ. Từ đây cuộc đời của họ sẽ gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu, gắn liền với ân huệ làm môn đệ của Ngài. Họ sống mà không còn là họ sống, mà chính Đức Kitô sống trong họ (x. 2,20). Có lẽ, ai trong chúng ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy các môn đệ mau lẹ đáp lại lời Đức Giêsu kêu gọi mà chẳng có trao đổi gì cả. Chỉ mình Ngài nói, còn các ông thì thực hiện lời Ngài, mà không hề có một thắc mắc nào.

Ngày nay Đức Giêsu cũng kêu gọi chúng ta làm môn đệ và làm Tông Đồ của Người. Theo Đức Giêsu hôm nay chính là sống chứng nhân của niềm vui Tin Mừng giữa lòng thế giới. Theo Đức Kitô hôm nay cũng không buộc ta phải bỏ nghề nghiệp của mình, phải từ bỏ mọi của cải vật chất, từ bỏ tình cảm đối với gia đình ruột thịt…, nhưng đòi ta phải bỏ ý riêng, vác thập giá mình mà theo chân Chúa. Theo Đức Kitô hôm nay đòi ta phải dùng của cải như phương tiện để đạt được mục đích là làm sáng Danh Chúa, chia cơm sẻ áo cho người nghèo đang gặp thiên tai bão lụt, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tràn lan thì sự chia sẻ và dấn thân đến với những người đang cần lời ủi an là hết sức quan trọng. Công việc này đòi hỏi sự hy sinh và dấn thân nhất là nơi những người mục tử của Chúa. Theo Đức Kitô hôm nay cũng là tích cực phát triển con người, để họ không đánh mất nhân phẩm của mình, cũng như không ai có thể bắt họ phải đánh mất nhân phẩm của chính họ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra những sai lỗi của bản thân trong tương quan với Chúa và anh em, để chúng con biết thay đổi và hoán cải, ngõ hầu được Chúa thương tha thứ, xin cũng giúp chúng con cam đảm xưng thú những lỗi phạm để được Chúa thứ tha. Amen.

Bài trướcAI TÍN
Bài tiếp theoÂM VANG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO