ÂM VANG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

0
707

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Trong tâm tình những ngày mừng lễ Cha Thánh Arnold Janssen cũng như Cha Thánh Joseph Freinademetz, từ vài suy nghĩ khởi đi từ những trải nghiệm truyền giáo “gián tiếp” thông qua những điều được nghe kể từ những nhà truyền giáo của Tỉnh Dòng, và kết hợp với đôi chút trải nghiệm “Mục vụ ngày cuối tuần” trong môi trường Học viện, tôi muốn nói về một sứ vụ lớn lao đã được các thế hệ SVD cha anh xây dựng, sống và lưu truyền cho đến hôm nay. Tôi xin chia sẻ một vài góc nhìn khiêm tốn còn âm vang trong lòng.

Nói gì về Thiên Chúa?

Lời mời gọi “Hãy đến những vùng ngoại biên” trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) của Đức Phanxicô nhắm cách đặc biệt đến người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy đến với họ, tôi sẽ nói gì về Thiên Chúa?

Tôi sẽ trình bày về một Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, ai đến với Ngài sẽ chẳng còn đói khát nữa… trong khi họ còn không biết trưa nay mình sẽ ăn gì. Những người anh em của tôi đi mục vụ người nghèo có chia sẻ: “Mình đến nói chuyện với họ thì họ vui đó, nhưng trước khi ra về, nếu có, mà nhúi vào túi áo họ hai, ba trăm ngàn thì họ sẽ vui hơn”. Hay với những gia đình đang trải qua thời điểm khó khăn: mất đi những người thân yêu, bị phản bội, dối lừa hay tán gia bại sản… tôi sẽ an ủi họ bằng công thức hết sức quen thuộc: “Hãy cam chịu, đây là thử thách đời này, ngày sau sẽ được hưởng hạnh phúc” hay “điều xảy ra đó là điều tốt nhất Chúa có thể làm cho bạn trong lúc này”. Liệu họ có cần một cái lời hứa xa vời hay là một lời trấn an theo kiểu chủ nghĩa lạc quan thái quá của Leibniz[1] như vậy hay không?

Thế mới thấy việc diễn tả Thiên Chúa cho con người thật không dễ chút nào, nhất là trong những lúc bấp bênh của phận người. Trong bối cảnh vậy, thiết nghĩ hãy nói cho họ một Thiên Chúa mà chính mình đã cảm nếm ngang qua suy tư và kinh nghiệm cá nhân. Thiên Chúa đó có lẽ là khả tín và hữu lý hơn. Kitô giáo nói về Đấng Tối Cao, Đấng mà không thể được diễn tả cách hoàn toàn bằng ngôn ngữ nhưng được diễn tả ngang qua một cuộc “gặp gỡ” giữa “tôi và Ngài”. Một kinh nghiệm càng đặc thù càng phổ quát: càng đi sâu vào kinh nghiệm cá nhân thì càng đúng với nhiều người, sẽ dễ đánh động và nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Người ta có lẽ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với một Thiên Chúa cảm thông với những nỗi truân chuyên trong cuộc sống của họ, hơn là một Thiên Chúa bất biến, xa vời, chỉ để chiêm ngắm sự hoàn hảo mà thôi. Từ điểm đó, tôi có thể trình bày cho họ về một Thiên Chúa đã nhảy vào lịch sử, chung chia với phận người. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa của Kitô giáo đủ sức thỏa mãn lý tính con người và Thiên Chúa đó không im lặng, khô cứng.

Ngang qua Lời Chúa, chúng ta có phương tiện để truyền đạt vị Thiên Chúa ấy. Một Thiên Chúa vừa được trình bày nơi giáo lý phổ quát của Giáo Hội nhưng đồng thời cũng được khai mở qua những cảm nghiệm cá nhân. Ở đây, chúng ta bắt gặp giá trị của học tập và nghiên cứu song hành với việc say mê nghiền ngẫm Lời Chúa. Không học biết về Chúa và không đào sâu Lời của Ngài, liệu nhà truyền giáo lấy đâu ra cảm nghiệm “rất thực” về Đức Giêsu để chia sẻ?

Hơn hết mà có lẽ cũng hữu hiệu nhất là chính sự hiện diện của những nhà truyền giáo. Đó là bảo chứng sự hiện diện của Đức Giêsu, hay có thể nói cách khác, những nhà truyền giáo là chính Đức Giêsu hiện diện cách hữu hình cho những người bản địa.

Đối thoại … khám phá ra điểm nối kết

Đối với sứ vụ đem Tin Mừng đi vào cuộc sống của con người nơi những vùng miền xa lạ, văn hóa chính là lối vào. Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rằng: “Đức tin tự nó là văn hóa. Không có đức tin trần trụi và cũng không văn hóa thuần túy”[2] hay như Thánh Gioan Phaolô II nói: “Một đức tin chưa trở thành văn hóa là một đức tin chưa đón nhận đầy đủ, chưa được hoàn toàn suy nghĩ và chưa được sống chân thành”. Hội nhập văn hoá chính là con đường mang Kitô giáo đối thoại và bước vào nền văn hoá mới. Hay có thể nói, hạt giống Lời Chúa muốn thâm nhập vào một vùng miền hay một quốc gia thì hạt giống ấy phải khoác chiếc áo của nền văn hóa dân tộc đó. Thế nhưng, con đường ấy chưa bao giờ là dễ dàng cả nếu không nói là đã không ít lần công cuộc truyền giáo nói chung thất bại ngay chính tại ngưỡng cửa này. Bước qua ngưỡng cửa địa lý của một vùng đất đã khó, bước qua ngưỡng cửa văn hoá nơi đó lại càng khó biết bao.

Hành trình sứ vụ có thể nói là đi tìm điểm nối kết. Điểm nối kết có thể khởi đi từ bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng hẳn cần một điểm nối kết, vì lẽ, “Hai đường thẳng song song thì chẳng bao giờ có điểm chung”. Truyền giáo sẽ ra sao nếu đức tin và nền văn hoá cứ mãi là hai đường thẳng song song? Dĩ nhiên, điều không thể tránh khỏi là những xung đột. Do đó, thiết nghĩ sẽ không có con đường nào chông gai cho bằng con đường đối thoại, nhưng ngoài đối thoại, cũng khó lòng mà tìm ra được con đường nào thích hợp hơn cả cho sứ vụ đến với muôn dân.

Chúng ta tin tưởng rằng chân lý Thiên Chúa tỏ lộ xen lẫn vào lịch sử, tư tưởng và ngôn ngữ…của mọi nền văn hóa nhất. Niềm xác tín đó cho phép con người không gian để suy tư và cảm nghiệm. Đối thoại trở nên mảnh đất cho sự giao thoa giữa suy tư cá nhân, Tin Mừng và nền văn hoá bản địa, khai mở cho suy tư cá nhân khám phá ra điểm nối kết và nhờ chân lý soi sáng để thấy được lối đi của sự hội nhập. Liệu rằng, trên một mảnh đất khác không phải là “đối thoại”, nơi chỉ có những công thức đức tin đã được đóng khung sẵn, nền văn hoá có thể khoác lên mình tấm áo đức tin vừa vặn hay chăng?

Suy tư phản tỉnh

Thiết nghĩ, vắng bóng những suy tư phản tỉnh, sứ vụ truyền giáo dễ trở thành giáo điều và các giáo điểm sẽ trở thành những pháo đài kiên cố, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Quả vậy, vắng bóng những suy tư phản tỉnh, sứ vụ truyền giáo sẽ dễ rơi vào tự mãn vì những thành tựu hay chán nản khi gặp những xung đột. Sứ vụ cần có sự thay đổi trong suy tư của người làm sứ vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu của thời đại, của giáo điểm. Không đặt để dưới cái nhìn sâu lắng của Lời Chúa, của Thầy Giêsu, liệu chúng ta có đủ rộng mở đôi mắt và con tim để chân thành nhận niềm tin tôn giáo của người anh chị em bản địa hay không? Chính với sự kính trọng và thiện cảm mà chúng ta phải bàn về những giáo lý tôn giáo bản địa khác với giáo lý của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận khám phá ra nơi đó những kho tàng lạ lùng và chúng ta vui mừng vì sự khám phá này. Để sau hết, chúng ta nhận ra bóng dáng của Thiên Chúa, tức là Chân Lý đã xuất hiện ở nơi đó từ thuở nào.

Tóm lại

Giáo Hội vẫn không ngừng nỗ lực để sống bản chất của mình. Dòng Ngôi Lời cũng cảm thấy được sự ưu ái của Thiên Chúa khi Ngài đã mời gọi Cha thánh Arnold Janssen cộng tác vào sứ vụ ấy và để giờ đây cho con cái thánh nhân cũng được dự phần. Tạ ơn Chúa vì những thành quả mà sứ vụ truyền giáo đã nhận được. Xin cho lời cầu nguyện của Cha Thánh được vang vọng khắp nơi: “Nguyện xin ánh sáng Ngôi Lời và ân sủng của Chúa Thánh Thần xua tan bóng tối mây mù tội khiên và đêm trường ngờ vực nghi nan, cùng xin Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con và tất cả mọi người. Amen.”

[1] Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) là một nhà bác học người Đức với các tác phẩm chủ yếu viết bằng tiếng Latin và tiếng Pháp. Ông được giáo dục về luật và triết học. Trong triết học, ông được nhớ đến nhiều nhất với chủ nghĩa lạc quan… kết luận của ông là vũ trụ của chúng ta là, trong một nghĩa giới hạn, là một vũ trụ tốt nhất mà Thiên Chúa có thể tạo ra.

[2] X. J. Ratzinger, Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của các nền văn hoá, diễn đàn ở HĐGM Á Châu, ngày 3 – 5/3/1993.

Bài trướcCHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
Bài tiếp theoLỄ AN TÁNG TU SĨ MARTINO NGUYỄN TY, SVD