NÉT ĐẸP CHUNG YÊU QUÍ CỦA CHA ARNOLD JANSSEN (1837-1909) VÀ CHA JEAN SION (1890-1951)

0
482

Lm. G.B. Nguyễn Văn Huân, SVD (Ban Linh Đạo)

Trong các bản tuyên ngôn sứ vụ nhiệm kỳ 2023-2026, mục thứ nhất về Linh Đạo, Tu Nghị Tỉnh Dòng thứ V đã đưa ra quyết tâm như sau : “Học hỏi về Linh Đạo của Dòng Ngôi Lời (SVD) và Dòng Thánh Giuse (SJC) , đồng thời giữ gìn và phát huy gia bảo của Cha Sion…”. Dựa vào quyết tâm này, Ban Linh Đạo xin mạo muội nêu lên ba nét đẹp nổi bật có thể nhận thấy trong đời sống tâm linh của các ngài. Trong bài viết này, xin gọi tắt tên các ngài nhằm mang tính cách thân mật “cha-con” (Cha Arnold và Cha Sion).

  1. Khao khát tìm Thánh Ý Chúa

 Tuy hai con người sống vào những thời điểm khác nhau của lịch sử và của văn hóa dân tộc, nhưng có chung một thao thức tương đối trùng hợp về ơn gọi và sứ vụ như người ta thường nói: “Tư tưởng lớn thường gặp nhau”. Đây là nét nổi bật khi tìm hiểu để sát nhập hai Hội Dòng các vị tiền nhiệm đã nhận thấy.

Cha Thánh Arnold Janssen (1837-1909)

Muốn mọi người được cứu độ: Mục đích của Ngài là thành lập hội dòng để mở mang nước Chúa, loan báo Tin Mừng Tình Yêu cho mọi sắc tộc và muốn cho mọi người ngoại giáo trở lại để được cứu độ. Ngay từ lúc thiếu thời (14, 15 tuổi), Cha Sion đã có những ước muốn thao thức này trong các giờ cầu nguyện “Con thường xin Chúa ơn này: trở thành linh mục thừa sai và tử đạo ở xứ Jon-Kin” (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr.3). Câu châm ngôn của ngài khi còn là học sinh “Thiên Chúa và Các Linh Hồn”

Đặt tình yêu lên hàng đầu: Với Châm ngôn “Tình thương đi trước lời rao giảng theo sau” (Cha Sion) hay “Ta càng yêu mến Chúa thì càng làm cho nhiều người mến Chúa” và khẩu hiệu Giám mục của ngài cũng nói lên điều đó “Dilexi te” (Con yên mến Ngài) (Ger 31,3) hay “Bác ái là hoạt động, nghĩa là làm vui lòng Chúa”. Còn Cha Arnold “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất” và lời tự của hiến pháp SVD “Ngôi Lời nhập thể trong Đức Giêsu Nazareth để mạc khải Danh Cha và loan báo vương quốc tình yêu của Người” hay ngài nói : “Nhà truyền giáo là sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, họ phải làm tỏ lộ những công trình vĩ đại của Ngài và thiết lập vương quốc Tình Yêu Thánh” .

Ưu tiên chọn lựa người nghèo: Châm ngôn sống và phục vụ của Cha Sion “Bênh kẻ cô thân-nâng cao công lý”. Ngài nhận thấy dù sống trong thời đại nào, miền đất nào, xã hội nào, con người luôn luôn đối diện trước những áp bức, bóc lột và chống chọi mọi bất công nên đã miệt mài bênh vực và bảo vệ quyền lợi bất cứ ai bị áp bức, không phân biệt sắc tộc, tuổi tác hay học vị, địa vị hay tước vị. Ngài đích thân giải quyết những khó khăn, nâng đỡ đời sống tinh thần của họ (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr.7). Cũng vậy, khao khát của Cha Arnold là gởi các anh em tới các vùng ngoại biên nghèo đói về vật chất lẫn tình thương của Tin Mừng “Chúng ta tỏ ra ưu tiên lựa chọn những người nghèo và những người bị áp bức” (HP. 103).

  1. Tin tưởng phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa

 Hồng ân Chúa Thánh Thần: Nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, các ngài đã cảm nhận sâu sắc trong tim về tình yêu của Thiên Chúa. Ngay từ lúc thành lập hai hội dòng, các ngài đã nhận ra điều này và nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu Của Chúa đã giúp các ngài vượt qua những khó khăn, trở ngại và không chùn bước trước những khó khăn thách đố của bao sóng gió. Nhiều bạn đồng nghiệp đã hoài nghi và nhiều lời công kích làm cho các ngài phải khổ tâm, nhưng các ngài luôn cậy trông vào sự quan phòng của Chúa, đặc biệt vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đức Cha Jean Sion Khâm (1890-1951)

Kiên trì trong cầu nguyện : Đời sống và công việc trước tiên của cha Arnold trên hết là bộc lộ ý nghĩa nền tảng của việc cầu nguyện và tìm kiếm thánh ý Chúa và tận tâm tín thác vào Chúa. Ngài đã soạn và không ngừng đọc Lời Nguyện Mỗi Khắc Đồng Hồ (Quarterly-Hour Prayer) mỗi 15 phút cầu nguyện một lần và tận tâm lãnh đạo Hội Tông đồ Cầu nguyện. Ngài thường cầu nguyện suốt đêm. Cầu nguyện không mệt mỏi. Còn Cha Sion, nhiều lúc vào đêm khuya, Ngài còn gọi một vài tu sinh đi cầu nguyện và hãm mình với ngài. Ngài thường tổ chức những chiến dịch cầu nguyện vào mùa Chay, mùa Vọng và tuần cửu nhật (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr. 27). Có thể nói các ngài là những người chuyên viên cầu nguyện, luôn gắn kết mật thiết với Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Sống khổ chế, chay tịnh: Cha Arnold đã sống đời sống khổ chế thật sự, dùng bàn làm việc riêng của mình để làm giường ngủ và khuyên anh em trong dòng nên giữ chay tịnh hay có những thực hành khác để tỏ tình liên đới với những người chịu đói khát trên khắp thế giới. Đồng thời, việc chay tịnh cũng nâng đỡ lời cầu nguyện của chúng ta, ngõ hầu Thiên Chúa chúc phúc cho công cuộc truyền giáo của chúng ta. Số tiền tiết kiệm từ chay tịnh sẽ được dùng để giúp người nghèo. Chay tịnh là một hình thức khổ hạnh tạo thuận lợi cho việc cầu nguyện (x. HP. 412.3). Cha Sion đã sống khổ chế và luôn yêu mến Chúa (Dilexi te), tự đánh tội để hãm mình cùng với các anh em tu sĩ vào những đêm khuya thanh vắng nhằm thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đền tội. Ngài xem những đức tính khổ chế này như là tòa nhà để xây dựng hội dòng vậy. Tôi phải làm chủ thân xác tôi, dùng nó làm việc thiện và đem nhiều tội nhân trở lại với Chúa (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr.34).

– Sống khiêm nhường, giản dị : Cuộc sống của anh em Dòng Thánh Giuse đặt nền tảng trên đức tin, có cứu cánh trong đức mến, được thể hiện trong tâm tình đơn sơ khiêm nhu. Khiêm nhu là kim chỉ nam, nhờ đó anh em thực hiện đức bác ái thiêng liêng hằng ngày để anh em có thể quy tụ nhiều linh hồn cho Chúa Cha (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr.10). Đơn sơ vui tính, nhưng khi cần thì ngài cũng tỏ ra người lãnh đạo cương quyết, điều này được thể hiện rõ trong huy hiệu giám mục “REGULA”- lề luật chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu mà thôi. Ngài đã dạy: “Có hai điều để các con được người ta quý mến, một là giữ luật chu đáo, hai là sống thật đơn sơ khiêm nhường”. Cuộc sống khiêm nhường của cha Arnold được thể hiện qua những sinh hoạt hằng ngày của ngài. Ngài sống đơn sơ khiêm nhường với anh em trong dòng, tính cách mộc mạc và đôi lúc vụng về, nhưng cởi mở và đối thọai lắng nghe anh em. Về thể lý, người dân ở Bocholt gọi ngài là một “ Linh mục nhỏ bé”, khiêm nhường về chiều cao (1,65 m), không đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ, nhưng tinh thần thì “Ngài làm những điều bình thường bằng một cách phi thường” (Theo Đức hồng y Rossi ). Thế nên nhiều người đã nói rằng: cha Arnold đã sống một lối sống giản dị trong suốt những năm ở Bocholt.

  1. Lòng nhiệt huyết truyền giáo

 Lý tưởng truyền giáo là niềm thao thức của Cha Sion. Ước mơ thiếu thời thành sự khi được bề trên gởi qua Việt Nam (4/8/1920) (4 tháng lênh đênh giữa đại dương). Đường lối truyền giáo của ngài thời đó rất độc đáo, nhiều sáng kiến, lối giáo dục bằng tình thương và hiệu nghiệm phù hợp với văn hóa Việt Nam nên được các nhà cầm quyền ủng hộ. Cố gắng học tiếng “chú mọi” để có thể giảng được trong những dịp lễ với họ. Ngài lập Nội san “Echo de la Mission” để liên lạc và cổ võ cho việc truyền giáo trong giáo phận (x. Tiểu sử Đức Cha Jean Sion, tr.14).

Số liệu năm 2018

Cha Arnold đã thành lập Hội Dòng Ngôi Lời là để truyền giáo “công cuộc truyền giáo là lẽ sống và cứu cánh của Hội dòng chúng ta. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta, dù có nhiều hình thức khác nhau, cũng chỉ cốt để giúp Giáo hội hoàn thành trách vụ truyền giáo của mình” (Lời tựa HP. SVD). Ngài đã nhận ra thánh ý của Chúa qua những dấu chỉ của thời đại và mau mắn đáp trả, mặc dù ngài bị nhiều người chống đối về việc lập dòng tu với hai bàn tay trắng “không phải tôi, nhưng chính là Chúa”. Ngài không đi truyền giáo, nhưng với ước muốn và lời cầu nguyện thì ngài đã trở thành “Tông đồ ra đi”, như chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo. Cụ thể, sau bốn năm thành lập ngài đã gởi Cha Thánh Joseph Freinademetz và John B. Anzer đến Trung Hoa (1879). Ngài nói rằng: tôi muốn đánh thức và cổ võ tinh thần truyền giáo qua tờ “Sứ Giá Nhỏ của Thánh Tâm”.

Không cậy vào sức riêng của mình. Các ngài luôn cậy vào tình thương, sức mạnh của Chúa Ba Ngôi và nhờ sự trợ giúp của các thánh và lòng sùng kính đặc biệt với: Đức Trinh nữ Maria, Thánh Cả Giuse, thánh Phaolô, Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thánh Phanxicô Xaviê; và các ngài cổ võ việc lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá và sống khắc khổ.

 Tóm lại: Người ta thường nói “ôn cố để tri tân”, nghĩa là xem lại cái cũ để biết cái mới hay ôn lại quá khứ để tiên đoán tương lai và triết gia George Santayana (1863-1952) cũng nói một câu gây nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống: “Những kẻ mà không nhớ đến lịch sử, thì ắt sẽ lặp lại nó”. Vậy, đôi lúc suy gẫm lại và tôi tự hỏi mình rằng: Những điều các Đấng Sáng Lập đã thực hiện và dạy, tôi còn nhớ và thực hành nữa không hay là đã đi vào quên lãng thời ra khỏi nhà tập rồi? Khi có ai hỏi tôi thuộc dòng hay triều thì tôi rất hãnh diện trả lời: Tôi thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, vậy thì căn tính (lửa) của Ngôi Lời có chỗ trong tôi nhiều không và hằng ngày tôi thể hiện tu sĩ Ngôi Lời như thế nào?

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 4 MC)
Bài tiếp theoHãy để cho Thiên Chúa được tự do