Thiên Chúa, Ngài là…?

0
620
Một ngôi thánh đường tại Madagascar (Châu Phi)
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
–Học Viện Ngôi Lời

 

Câu hỏi bất biến trong kinh nghiệm của con người dẫn chúng ta đến việc nói về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là bối cảnh của tất cả mọi thực tại và kinh nghiệm. Mầu nhiệm mà con người gọi là Thiên Chúa và cả như một từ ngữ, chúng ta không thể nào né tránh Thiên Chúa được. Thiên Chúa, Ngài là…?

  1. Một lối hiểu khởi đi từ việc đào sâu cụm từ “Thiên Chúa”

Thần học vẫn luôn trăn trở đi tìm lối hiểu về cụm từ “Thiên Chúa”. Nhưng vấn nạn mà nó đặt ra còn lớn hơn, vì trước hết, “Thiên Chúa” mà chúng ta vẫn gọi là một phạm trù thuộc lãnh vực ngôn ngữ. Ngôn ngữ cho chúng ta khái niệm và nhờ đó, chúng ta có thể tư duy, nhưng cũng chính ngôn ngữ đóng khung kinh nghiệm của chúng ta về sự vật. Thiên Chúa trổi vượt hơn “cụm từ Thiên Chúa”, nghĩa là chúng ta không thể nào đặt tên cho một mầu nhiệm mà chúng ta chẳng thể nào kinh nghiệm như một sự vật.

Thần học vẫn dùng lối loại suy để diễn tả, giúp hiểu về Thiên Chúa. Đó là cả một sự nỗ lực. Nhưng chung quy lại, thật khó lòng để tát cạn được yếu tính của Thiên Chúa chỉ qua một cụm từ! Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng: “Ngôn ngữ phàm nhân của chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa” (GLHTCG số 42). Không vì lẽ đó mà con người từ bỏ hành trình tìm kiếm “tri thức” về Thiên Chúa để yêu mến Ngài. Vấn nạn được đặt ra là làm sao hiểu được Thiên Chúa khi điều đó bị mắc kẹt trên bình diện ngôn ngữ?

May mắn thay, chúng ta được mời gọi khám phá Thiên Chúa theo con đường mà Đức Giêsu đã dẫn lối. Cụm từ Thiên Chúa thật khó để hiểu một cách rốt ráo bởi đơn giản đó là vấn đề về cách gọi tên, thuộc lãnh vực ngôn ngữ. Nhưng, điều đó sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta đặt Thiên Chúa trong bối cảnh tương quan. Và như vậy, cụm từ Thiên Chúa thật sống động trong hiện tại. Ý nghĩa của cụm từ “Thiên Chúa” là tất cả đều có tương quan với hay lệ thuộc vào Người hay phát xuất từ Người. Ý nghĩa của Người là “Thiên Chúa” phải có ý nghĩa cho tất cả, phải đem tất cả vào trong hiệp nhất[1]. Trong bình diện tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta, chúng ta phần nào khám phá ra chân dung của Thiên Chúa, đồng thời khám phá ra dung mạo đích thực của chính mình.

Một ngôi thánh đường tại Madagascar (Châu Phi)
  1. Một lối hiểu về Thiên Chúa khởi đi từ tương quan

Sự nhận biết và hiểu về Thiên Chúa không phải đơn thuần như đi tìm tri kiến về một sự vật, hiện tượng trong đời sống, nhưng là sống với một mầu nhiệm. Sự hiểu biết về Thiên Chúa được Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI giải thích như là sự trở nên một với Người, nghĩa là sự hiểu biết về Thiên Chúa là để đi đến yêu mến và nên đồng hình đồng dạng với Người.

Con người được dựng nên do bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, do đó, việc con người đi tìm một lối hiểu về Thiên Chúa không thể đặt ngoài phạm vi tương quan Thiên Chúa và con người. Hiểu biết về Thiên Chúa là ước mong ngàn đời của con người và dĩ nhiên, con người chẳng thể nào hiểu thấu được Đấng là Vĩnh Cửu. Nhưng, con người ước mong hiểu được phần nào về Đấng mà họ hằng yêu mến hầu sống tốt mối tương quan với Ngài.

a) Trong tương quan tạo dựng: Thiên Chúa là Đấng phải được tôn thờ

Thiên Chúa trong nhãn quan của người Do Thái là Đấng Siêu Việt, Đấng Tạo Dựng trời đất muôn loài. Những trang đầu Kinh Thánh cho thấy rất rõ về điều này. Quan niệm về một Thiên Chúa như thế không phải chỉ thuộc về mỗi dân tộc Do Thái. Đó cũng là ý niệm về Thiên Chúa trong thế giới Hy Lạp mà dễ dàng nhận thấy trong tư tưởng của các triết gia Hy Lạp “tiền Socrate”. Dưới lăng kính tạo dựng, chúng ta thấy được công trình sáng tạo thuở ban đầu, trong đó, con người lãnh nhận, ngang qua ân ban nhưng không của Thiên Chúa, một “vị thế” trổi vượt so với muôn loài. “Vị thế” ấy được Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo làm sáng tỏ như sau: “Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo. Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (GLHTCG số 355).

Trong tương quan tạo dựng, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng phải được tôn thờ. Và quả thật, Thiên Chúa là Đấng phải được con người tôn thờ. Đấng đã vì tình yêu mà tạo nên thế giới muôn vật. Thiên Chúa đã mạc khải cho con người về chính họ và ơn gọi của họ. Và cũng chính Thiên Chúa khi mạc khải vinh quang của Ngài cho dân Israel cũng đã mạc khải cho họ về chính Ngài: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài thôi” (Đnl 6, 13). Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ làm sáng tỏ về sự tôn thờ Thiên Chúa: “Chúng con ca ngợi Chúa. Chúng con chúc tụng Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con tôn vinh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”. Tôn thờ và cảm tạ không phải vì ơn lành nào đó Chúa ban cho chúng ta, nhưng “vì chính vinh quang cao cả Chúa”: đơn giản vì Ngài là Thiên Chúa, Đấng phải được con người tôn thờ.

Chúng ta cũng cần tái khám phá rằng thờ phượng Thiên Chúa không phải là một thái độ “lệ thuộc” tiêu cực. Trái lại, “…thờ phượng Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Người là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, là Chúa và Thầy của mọi loài, là Tình Yêu vô biên và giàu lòng thương xót” (GLHTCG số 2096). Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Mẹ Maria: ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kỳ công tuyệt vời của Chúa (x. Lc1,46-55) (GLHTCG số 2097).

Hơn nữa, con người là thụ tạo duy nhất được ban trí khôn để hiểu biết về Thiên Chúa và chỉ có con người mới biết và thờ phượng Thiên Chúa. Do đó, được thờ phượng Thiên Chúa không phải là một thái độ tiêu cực, nhưng là một đặc ân dành cho con người. “Cái nhìn này tạo ra lòng biết ơn hiếu thảo”, bởi lẽ, từ bụi đất, con người đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và được dự phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Khi đặt mình trong tương quan này, con người khám phá ra một Thiên Chúa đầy yêu thương, một Thiên Chúa đã quá ưu ái nhân loại. Hiểu được như vậy, lời Thánh vịnh 95 thật đẹp xiết bao: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Người là Đấng dựng nên ta” (Tv 95,6.)

b) Trong tương quan với Đức Giêsu: Thiên Chúa là Cha chúng ta

Đức Giêsu đã kéo con người vươn lên tới gần Thiên Chúa. Ngài khai mở cho chúng ta một vị Thiên Chúa cá vị và gần gũi, chứ không phải là một vị Thiên Chúa ở cõi xa xăm. Đức Giêsu bày tỏ cho dân thấy Thiên Chúa là Cha, khi dạy rằng: “Lạy Cha chúng con…”. Đối với dân Do thái, đó là điều không tưởng. Bởi lẽ, cả khi Môsê hỏi Thiên Chúa là ai, ông cũng chỉ được nghe một danh hiệu khác. “Thiên Chúa là Cha” được mạc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu, vì trước khi “Con” đến, chưa có danh hiệu “Cha” (GLHTCG số 2779). Người Cha ấy đã yêu thương con người đến nỗi trao ban chính Con Một yêu dấu.

Một vài tác giả đã dựa vào điểm này để phủ nhận Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng yêu thương và gán cho Thiên Chúa hình ảnh một người cha độc ác. Một số người chống đối Kitô giáo xem cái chết của Đức Giêsu là lý do để lên án rằng chính Thiên Chúa Cha phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Họ đã dựa vào lời Kinh Thánh, “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc” (Rm 8,32) để nói rằng chính Chúa Cha đã muốn Con Mình phải chịu chết. Việc Đức Giêsu chết trên thập giá không cho thấy tình yêu của Chúa Cha, nhưng đúng hơn là sự độc ác của Chúa Cha. Lập trường này được dựa trên nền tảng khoa tâm lý học hiện đại khi bàn về hình ảnh của người cha. Người ta cho rằng nơi tâm hồn mọi người con trai đều ẩn giấu một ước muốn âm thầm giết cha. Điều này áp dụng không chỉ với người cha dưới đất mà còn liên hệ tới người Cha trên trời. Như vậy, người ta đã đi tới tột đỉnh lầm lạc là đặt chính Đức Giêsu chống lại Cha Ngài và cái chết của Ngài là cái giá của sự chống đối.[2] Vấn nạn được làm sáng tỏ khi đọc lấy lời của Đức Giêsu: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh chính mình… Đó là mệnh lệnh Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). Một lời làm sáng tỏ sự tự do của Đức Giêsu và sự tự do ấy muốn đặt để dưới Thánh ý Thiên Chúa Cha.

Trong tương quan với Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta, “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Giáo hội cũng xác tín mối tương quan này, khi dạy chúng ta can đảm tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật, hữu hình và vô hình”.

Được mặc lấy tương quan Cha-con với Thiên Chúa là điều mà con người chẳng dám nghĩ đến. Danh hiệu Thiên Chúa là Cha được mặc khải cho chúng ta trong Chúa Con  và trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô mà chúng ta được thân thưa “Lạy Cha chúng con” (GLHTCG số 2779). Lạy Cha “chúng con”, tính từ “(của) chúng con” không nói lên sự sở hữu, nhưng nói lên một tương quan mới mẻ giữa chúng ta với Thiên Chúa. “Thiên Chúa là Cha” là cả một sự mới mẻ. Dĩ nhiên, mối tương quan Cha – con giữa con người (nghĩa tử) và Thiên Chúa không cùng một trật với tương quan giữa Đức Giêsu (Con Thiên Chúa) và Thiên Chúa. Thế nhưng, được gọi Thiên Chúa là Cha đã là một hồng ân lớn lao dành cho con người.

Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn trung tín và giàu lòng xót thương. Người Cha luôn yêu thương chúng ta trước. Khi thưa “Lạy Cha chúng con”, chúng ta nhìn nhận rằng mọi lời hứa yêu thương của Ngài, mà các tiên tri đã loan báo, nay được thực hiện nhờ giao ước vĩnh cửu trong Đức Giêsu: chúng ta trở thành dân “của Ngài” và từ nay ngài là Thiên Chúa “của chúng ta”. Tương quan mới này là một sự thuộc về nhau, do Thiên Chúa ban cách nhưng không (GLHTCG số 2787). Thiên Chúa là người cha đầy lòng xót thương đối với con cái của Ngài, dẫu rằng đoàn con còn nhiều yếu đuối và tội lỗi, bao phen phản bội nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đợi chờ và dang rộng cánh tay đón lấy “những người con hoang đàng”. Điều đó gợi lên trong chúng ta tâm tình con thảo.

Tóm lại

            Sự nhận biết và hiểu về Thiên Chúa không phải đơn thuần như đi tìm tri kiến về một sự vật, hiện tượng trong đời sống, nhưng là sống với một mầu nhiệm. Mầu nhiệm mà con người gọi tên là Thiên Chúa. Thật khó lòng tát cạn yếu tính của Thiên Chúa để hiểu về Ngài vì những giới hạn của lãnh vực ngôn ngữ.

            Việc hiểu biết về Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước vào phạm trù tương quan, nhờ đó, chúng ta hiểu được Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai. Trong tương quan tạo dựng, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng phải được tôn thờ. Đấng đã vì tình yêu dành cho các loài thọ tạo mà tạo nên thế giới muôn vật, trong đó, con người được trổi vượt hơn cả khi được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta còn khám phá ra Thiên Chúa là Cha chúng ta khi đặt mình trong tương quan với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã dạy chúng ta khi cầu nguyện anh em hãy can đảm thân thưa: “Lạy Cha chúng con…”. Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người bước lên một vị thế mới, vị thế của con Thiên Chúa. Thật hạnh phúc nhường bao!

            Sau cùng, mỗi người được mời gọi đi tìm cho mình một kinh nghiệm cá vị với một vị Thiên Chúa cá vị. Một kinh nghiệm giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa là ai đối với tôi. Bởi lẽ, suy cho cùng, tất cả các suy tư thần học và siêu hình cũng cần trở lại với kinh nghiệm cá vị. Câu hỏi nền tảng và cuối cùng vẫn là “tôi đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chăng?”.

Chú thích

[1] Karl Rahner, Thần học Karl Rahner, Dg: Lm. Phaolô Nguyễn Khoa Luật, OFM, Nxb Tôn giáo, tr.56-57.

[2] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr.158.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 5 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 5 TN)