Thường Niên – Tuần XXI – Năm C

0
699

Chúa Nhật – Ngày 25 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Bài đọc 1 : Is 66,18-21

Bài đọc 2 : Hr 12,5-7.11-13

Tin Mừng : Lc 13,22-30

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Vì tôi nói cho anh em biết: Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa mà nói: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp với anh em: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.” […]

HÃY CHIẾN ĐẤU!

Người ta làm gì để có thể chiến thắng trong một cuộc chiến? Thưa, chỉ có thể là chiến đấu. Hành trình đức tin cũng là một hành trình chiến đấu không ngừng nghỉ. Chúng ta đã, đang và sẽ là những chiến binh chiến đấu chống lại “ba thù: thế gian, ma quỷ, xác thịt”. Mục tiêu chiến đấu của ta là để vào được Nước Trời.

Trong cuộc chiến đấu này, kẻ thù của chúng ta rất hùng mạnh, luôn bủa vây ta trong mọi tình cảnh cuộc đời. Nó là những thất bại, gian khó, thất vọng trong đời sống mà ta gặp phải. Nó là những cơn cám dỗ ngọt ngào của ma quỷ, của thế gian và của xác thịt mà ta dễ sa vào. Nó là những cay đắng khi ta bị bạn bè, người thân bội phản. Nó là những mất mát, những thiệt thòi, những bất công trong cuộc sống hằng ngày của ta. Như vậy, với sức con người, ta không thể nào đánh bại được kẻ thù của mình. Nhưng, trông cậy vào Chúa là tướng lĩnh dẫn dắt và trao ban ân sủng, ta sẽ trở thành những binh lính tinh nhuệ, luôn sẵn sàng ra trận với những vũ khí sắc bén: “lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; cầm khiên mộc là đức tin, đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”( Ep 6,14-17), thì dù kẻ thù của ta là ai đi nữa, ta vẫn có thể đánh bại và lúc đó cánh cửa vào Nước Trời luôn mở cho ta.

Lạy Chúa là tướng lĩnh của đời con, xin luôn ở bên con và chiến đấu cùng con vì sức con không đủ. Xin cho con luôn biết trang bị những “vũ khí” cần thiết để có thể chiến đấu chống lại kẻ thù của cuộc đời con.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Thứ Hai – Ngày 26 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Bài đọc : 1 Tx 1,1-5.8b-10

Tin Mừng : Mt 23,13.15-22

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các kinh sư và những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người. Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?…

HAI MẶT SÁNG – TỐI

Không ai có thể đo được lòng dạ con người, nhất là khi người ta cố ý che dấu, như câu tục ngữ: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Tuy vậy, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng người, có thể đánh giá sự dối gian, hai mặt của lòng người.

Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu lột trần những khuôn mặt của những người Pharisêu và kinh sư. Người nói rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa nước trời không cho thiên hạ vào… Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ… Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng” (Mt 23, 13-16).

Hình dáng của các kinh sư và người Pharisêu có vẻ rất đạo mạo, thánh thiện: “cầu nguyện lâu giờ”, “đeo những hộp kinh thật lớn”, “mang những tua áo thật dài”, “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc”… Họ dùng vẻ hào nhoáng bên ngoài để che đậy những thứ ghê tởm bên trong.

Nhìn lại bản thân, đôi khi ta có thể là một người Pharisêu hay một kinh sư nào đó. Nhiều khi ta thật là thánh thiện đạo đức trong áo thầy tu, hay dưới cái mác là người Kitô hữu, ta sống bên ngoài thật là sinh động trong các mối tương quan, thể hiện ta là một con người có chuẩn mực đạo đức, nhưng đằng sau vỏ bọc ấy ta chẳng khác nào là một người Pharisêu hay kinh sư. Tự ta biến bản thân thành một kẻ sống “hai mặt” trong các mối tương quan.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống thật với chính con người của mình.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Ba – Ngày 27 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Thánh Mônica. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 1Tx 2,1-8

Tin Mừng : Mt 23,23-26

Khi ấy Đức Giêsu nói với các kinh sư và những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

BỆNH GIẢ HÌNH

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của các kinh sư và người Pharisêu, thích hình thức bên ngoài mà coi thường tấm lòng bên trong: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23).

Các kinh sư và người Pharisêu thể hiện bệnh giả hình của mình qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn để giúp việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều đó nhưng Ngài nói về thái độ của họ trong việc giữ luật. Họ giữ luật không phải vì muốn mình nên hoàn thiện, càng không phải vì yêu mến Đấng ban lề luật, nhưng họ giữ luật cốt để lấy cớ bắt lỗi người khác; họ dùng luật mà kết án người khác. Ngôn sứ Mikha nói: “Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý, mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.” (Mk 6, 8).

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn quở trách họ nặng nề, vì họ cho mình đặc quyền chất gánh nặng lên vai người khác bằng những lề luật tỉ mỉ do họ bày ra còn những điều quan trọng của luật Thiên Chúa như: Công lý và tình yêu thì họ lại lờ đi. Họ đã đánh mất đi mục đích chính của lề luật.

 Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ của sự giả hình. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng con, để chúng con can đảm sống theo sự thật và công lý, sống theo những điều mà Chúa đã dạy.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Thứ Tư – Ngày 28 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 1 Tx 2,9-13

Tin Mừng : Mt 23,27-32

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các kinh sư và những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

ĐỪNG SỐNG BỀ NGOÀI

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu trách các luật sĩ và biệt phái về lối sống giải hình: bề ngoài có vẻ thánh thiện nhưng bên trong thì đầy những thứ ô uế.

“Các ngươi giống như mồ mả tô vôi…” (Mt 23,27). Chúa có ý trách các biệt phái chỉ lo “tốt mã” bên ngoài, họ không biết rằng: hình thức đạo đức bên ngoài của họ không che giấu được những tính xấu bên trong như óc háo danh, tham lợi, bất công với tha nhân và bất tín với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đánh giá con người không phải dựa vào hình thức hay dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng dựa vào nội dung hay dựa vào tâm ý và hiệu quả công việc nữa. Ngài muốn  chúng ta đừng vội xét đoán và kết luận về giá trị của tha nhân theo hình thức bên ngoài, cũng như đừng hấp tấp, nhẹ dạ đánh giá việc làm người khác mà không dựa vào thời gian và hiệu quả của công việc để kiểm chứng hư thực thế nào. Chắc chắn rằng, Chúa sẽ trách khi chúng ta giả hình, khi chúng ta tỏ ra mình đạo đức và phê bình, công kích người khác, nhưng chính mình lại có những việc làm bất công, những lời nói gây chia rẽ hận thù cho tha nhân và những tâm ý hiểm độc gây tai hại cho những người chung quanh.

Lạy Chúa, đời sống chúng con bề ngoài đôi khi có vẻ đạo đức, thánh thiện qua việc tham dự Thánh Lễ, lãnh các bí tích, đọc kinh hằng ngày…, nhưng trong lòng thì lại đầy những khuyết điểm như ích kỷ, ghen ghét, tham lam, bất công, quanh co, gian dối… Xin Chúa cho chúng con biết tự kiểm điểm lại bản thân mình về sự giả hình, để kịp thời sửa sai, không gây gương mù, gương xấu cho người khác.

Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Thứ Năm – Ngày 29 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết – Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : Gr 1,17-19

Tin Mừng : Mc 6,17-29

[…] Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

CHẾT CHO SỰ THẬT

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta biết sự việc ông Gioan bị chém đầu. Ông bị chém đầu bởi đã can đảm nói lên tiếng nói của một ngôn sứ: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6,18).

Vì can đảm nói lên sự thật, ông Gioan Tẩy Giả đã bị bà Hêrôđia căm thù và muốn giết ông. Bà căm thù ông Gioan bởi ông đã can ngăn vua Hêrôđê lấy bà. Lòng căm thù của bà Hêrôđia và sự sĩ diện của vua Hêrôđê trước khách dự tiệc đã khiến cho ông Gioan phải chết. Mặc dầu Tin Mừng cho ta biết: Hêrôđê không muốn giết ông Gioan, nhưng vì đã trót thề với con gái và thề trước mặt khách dự tiệc nên ông đã cho thị vệ đi chặt đầu của ông Gioan.

Với ánh mắt người đời, ông Gioan đã chết và chết một cách oan uổng. Ngài đã thật sự thất bại. Cái chết của ngài là do không biết lượng sức mình. Tuy nhiên, với niềm tin của người Kitô hữu, đó là một cái chết cao quý. Ngài đã sẵn sàng chết để bảo vệ cho tình yêu và chân lý. Con tim của ngài đã thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Quả thật, ông Gioan Tẩy Giả đã sẵn sàng chết đi để cho hạt giống sự thật được nảy sinh và trổ nhiều bông hạt.

Lạy Chúa, đã bao lần chúng con nhát đảm không dám sống cho sự thật. Nhiều lần, chúng con đã phớt lờ để cho sự thật bị chà đạp. Xin Chúa thêm sức mạnh cho mỗi người chúng con để chúng con luôn dám sống và chết cho sự thật. 

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Sáu – Ngày 30 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Bài đọc : 1 Tx 4,1-8

Tin Mừng : Mt 25,1-13

[…] Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!’ Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với !’ Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

KHÔN NGOAN

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến chuyện “khôn – dại” trong cuộc sống qua dụ ngôn mười cô trinh nữ. Qua đó, Chúa muốn dạy các Kitô hữu sự khôn ngoan trong việc tìm kiếm Nước Trời.

Theo văn hóa Do Thái, hôn lễ được tổ chức vào ban đêm, có lẽ xuất phát từ việc tránh cái nắng nóng của sa mạc. Và vì không biết chính xác giờ phút chú rể đến, nên mọi người phải tỉnh thức và chờ đợi. Tin Mừng Mátthêu cho biết cả mười cô đều chờ đợi, nhưng chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng khi chuẩn bị cả đèn và dầu.

Dụ ngôn cho thấy ranh giới “khôn – dại” ở đời khá mong manh, dường như ranh giới này chỉ được phân biệt qua việc chuẩn bị “dầu thắp”. Nói cách khác, chỉ cần ta chuẩn bị sẵn chút dầu thì được gọi là người khôn, trong khi thiếu chút dầu thì sẽ trở thành người khờ dại. Cách diễn tả của dụ ngôn về sự khôn ngoan đơn giản chỉ là việc chuẩn bị dầu đèn, nhưng trong đời sống đạo, khôn ngoan không phải là chuyện đơn giản như thế. Qua dụ ngôn trên, Chúa muốn dạy chúng ta sự khôn ngoan của Nước Trời: đó là sự khôn ngoan của chọn lựa và tỉnh thức. Sự khôn ngoan này được hiểu như là việc luôn tỉnh thức, sẵn sàng và luôn chu toàn bổn phận của giây phút hiện tại trong cuộc sống. Chu toàn bổn phận với một lòng Tin – Cậy – Mến sắt son. Để ngọn đèn Tin – Cậy – Mến này luôn cháy sáng, chúng ta luôn phải chuẩn bị và đổ thêm dầu. Đó là những hy sinh âm thầm cho tha nhân, là những từ bỏ ích kỷ cá nhân để cho hình ảnh Chúa luôn sáng tỏ trong ta.

Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng con lơ là bổn phận, chúng con ngủ sâu giấc trong đam mê trần thế. Xin Chúa thức tỉnh chúng con để chúng con sẵn sàng chuẩn bị cho ngày Chúa đến viếng thăm. 

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Bảy – Ngày 31 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXI

Bài đọc : 1 Tx 4,9-11

Tin Mừng : Mt 25,14-30

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! […]

SINH LỜI

Trong thời đại hôm nay, nếu có một khoản tiền thì chắc một điều rằng người ta sẽ không đào lỗ để cất giữ, nhưng dùng để kinh doanh, buôn bán, hoặc gửi vào ngân hàng để lấy lời.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn nén bạc: ông chủ trao cho các đầy tớ những nén bạc tùy vào khả năng của mỗi người với điều kiện là hãy lo sinh lời. Bài Tin Mừng cũng đề cập đến việc có một đầy tớ đã đem chôn nén bạc của ông chủ trao để khi ông chủ đến thì đem trả lại. Có thể nói, việc chôn nén bạc là tính toán ăn chắc mà đầy tớ này đã lựa chọn. Thế nhưng, phương án chôn nén bạc không được khen ngợi mà ngược lại bị chê trách và bị lấy lại nén bạc đang có.

Mỗi người trong chúng ta đều được Chúa trao cho nén bạc cuộc đời; có người Chúa trao nhiều, có người được trao ít, nhưng mọi người đều có nhiệm vụ là sinh lời nó. Điều cốt yếu ở đây không phải là nhiều hay ít nhưng là sự trung tín với những gì mình đã lãnh nhận để làm cho nén bạc cuộc đời sinh hoa lợi. Đừng thấy mình thấp bé, đừng thấy mình bất hạnh hay ít khả năng để rồi đem chôn dấu những tháng ngày mình sống trong sự vô vọng. Dù là một nén nhưng hãy sinh lời nó trong chính những vai trò sống của mình. Ít hay nhiều khả năng không quan trọng, điều quan trọng là hãy phát huy hết mình với những khả năng Chúa đã trao để cuộc sống có ý nghĩa hơn, để nén bạc cuộc đời của mình không uổng phí.

Lạy Chúa, cuộc đời con chính là nén bạc Chúa trao. Xin cho con luôn biết ý thức để sống một cuộc sống có ích cho chính mình và người khác bằng cung cách sống đầy yêu thương với hết mọi người. Những lúc như thế là con đang sinh lời nén bạc cuộc đời con.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 21 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoCÁI TÔI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.