Tin Mừng: Lc 6,1-5
Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?”
Đức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”
Suy niệm
ĐỪNG CỨNG NHẮC, HÃY BAO DUNG (Tu sĩ Phêrô Trần Phúc Giáp, SVD)
Nhân danh lề luật để làm tổn thương, triệt hạ người khác không còn là chuyện mới mẻ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisêu nhân danh luật ngày Sabát mà kết tội các môn đệ của Chúa chỉ vì bứt lúa ăn.
Chúng ta không lạ lẫm gì về những lần tranh cãi nảy lửa giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu như: có ném đá người đàn bà ngoại tình hay không? Có được rẫy vợ hay không? Có nộp thuế cho Xêda hay không?. Những vấn đề đó có vẻ vĩ mô nên tranh cãi thì cũng hợp lý.
Thế nhưng, các môn đệ bứt lúa ăn vì đói mà họ to tiếng với Chúa Giêsu thì thật là “bới móc tìm chuyện”. Người Do Thái giữ rất nghiêm luật nghỉ ngày Sabát; đó là ngày nghỉ, không ai được phép lao động, vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi và thánh hoá ngày đó (x. St 2,2-3). Việc các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa rồi vò trong tay và ăn bị người Pharisêu xem như là đã “gặt lúa” và “xay lúa”, một việc bị cấm trong ngày Sabát.
Ở một câu chuyện khác cũng liên quan đến ngày Sabát, Đức Giêsu chữa một người mù, họ kéo đến và gây khó dễ với Ngài. Đức Giêsu mới đáp lại họ rằng: “Trong ngày Sabát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Và họ lặng thinh. Cái không đúng của người Biệt phái là họ hiểu sai từ nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi không phải là không được làm bất cứ việc gì bao gồm cả việc tốt, việc lành phúc đức. Nghỉ ngơi không phải là đói mà không ăn, khát mà không uống, hay không được cứu sống đồng loại. Luật được tạo ra vì con người và bảo vệ con người. Vì thế, con người phải hạnh phúc khi giữ luật.
Lạy Chúa Giêsu, quá chi li và cứng nhắc không phải là kỷ luật bản thân, mà đôi khi còn gây hại cho chính mình và người khác. Xin Chúa cho chúng con biết cái gì là phụ, cái gì là chính yếu để chúng con có lòng bao dung với người khác. Amen.
Ý NGHĨA CỦA LUẬT (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Diệm, SVD)
Sợi dây làm cho con diều bay cao thế nào, thì luật cũng nâng cao giá trị con người như vậy. Điều mà ta tưởng là dây kéo ghì con diều xuống, nhưng kỳ thực là nó đang giữ cho diều bay cao. Cuộc đời con người cũng cần có những điều luật để cuộc sống đi vào khuôn khổ. Bản chất và ý nghĩa của luật chính là tình yêu thương.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, nhóm Pharisêu lên án các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm Lề Luật, khi họ thấy các ngài đi qua cánh đồng và đã bứt vài bông lúa ăn cho đỡ đói trong ngày hưu lễ. “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” (Lc 6,2). Trước thái độ chất vấn của những người Pharisêu, Chúa Giêsu giải thích cho họ hiểu tinh thần của luật không phụ thuộc vào hành động bên ngoài, nhưng là ở trong tâm con người. Mục đích của luật ngày Sabát là đem lại sự tự do cho con người, hướng đến lòng yêu thương. Luật sẽ trở nên trọn hảo khi luật đó giúp đời sống con người thăng tiến. Luật sinh ra là để phục vụ con người. Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5).
Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ như những người Pharisêu. Khi thấy người khác sai phạm, chúng ta dễ dàng lên án mà không quan tâm đến lòng nhân và thương xót. Chúa Giêsu đã lấy dẫn chứng cụ thể trong Cựu Ước khi vua Đavít đã “vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi” (Lc 6,4). Như vậy, “luật vị nhân sinh”, luật giải thoát và làm cho con người được tự do. Ý nghĩa đích thực của luật là làm cho con người được gắn kết, biết chia sẻ và yêu thương. Giữ luật nhiệm nhặt, khắt khe làm cho con người phải đau khổ, chất thêm gánh nặng trên đôi vai của tha nhân, thì luật đó chẳng có ý nghĩa gì.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hết lòng tuân giữ luật Chúa: đó là luật mến Chúa và yêu người. Xin Chúa giúp chúng con thoát khỏi thói ghen ghét, ích kỷ để tự do tiến bước trong luật Chúa. Amen.
LUẬT YÊU THƯƠNG TRÊN HẾT (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
GIỮ LUẬT VÌ LÒNG BÁC ÁI (Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nói về tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Biệt phái về việc giữ luật ngày Sabát. Các người Biệt Phái giữ khắt khe luật ngày Sabát nên lên án các môn đệ vi phạm ngày hưu lễ khi họ bứt lúa để ăn khi đi đường vì đói bụng. Ngược lại, Chúa Giêsu nhìn vào tinh thần của luật nhằm về con người và bác ái hơn là hình thức giữ luật.
Ngày Sabát, các môn đệ Chúa bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì, luật chỉ cấm cày cấy hay gặt hái, nhưng những người Biệt Phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày hưu lễ, vì thế họ đã thổi phồng và làm hệ trọng vấn đề. Cũng vậy trong cuộc sống, có nhiều sự việc xem ra bình thường, nhưng vì tính hay ghen tương, soi mói và nghi ngờ, chúng ta đã làm trầm trọng vấn đề, từ đó tạo ra xung đột và chia rẽ nhau trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội.
Chúng ta đến với Chúa bằng cả tấm lòng yêu mến và thái độ khiêm nhường để đón nhận và giữ luật Chúa trong bác ái. Hơn nữa, là người Kitô hữu, chúng ta phải giữ giới răn của Chúa và Giáo Hội. Tuy nhiên, giữ luật cũng phải sống tinh thần của luật, mà tinh thần của luật là lòng bác ái vì con người và vì Thiên Chúa. Chẳng hạn, tôi giữ luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật là vì tôi yêu mến Chúa, tôi thờ phượng Chúa. Tôi muốn làm việc bác ái để chia sẻ với mọi người, chứ không phải giữ luật ngày Chúa Nhật vì sợ phạm tội. Vì thế, chúng ta hướng tới việc sống ngày Chúa Nhật hay giữ luật Chúa một cách tích cực với Chúa và tha nhân, chứ không giữ giới răn một cách cứng nhắc và tiêu cực.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến với Chúa và tha nhân bằng cả tấm lòng yêu mến tích cực chứ không phải vì lề luật đòi buộc một cách khô cứng. Amen.
SỐNG LUẬT BẰNG TÌNH YÊU (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD)
Giữ luật ngày Sabát là điều rất quan trọng đối với người Do Thái. Nếu vi phạm luật này, họ có thể bị ném đá hoặc xử tử. Chính vì thế, họ sẵn sàng để đồng loại bị đói khát chứ không lỗi luật. Còn mỗi người chúng ta đang giữ luật Chúa, luật ngày của Chúa như thế nào?
Khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa ăn trong ngày Sabát, những người Pharisêu phàn nàn: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát?” Trước thái độ đó, Chúa Giêsu đã giải thích qua câu chuyện của Vua Đavít và nói: “Con Người làm chủ ngày Sabát.”
Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta phải có lòng nhân từ, yêu thương trong việc tuân giữ lề luật, chứ đừng viện tuân giữ luật cách cứng nhắc để rồi kết án người khác, như thế việc giữ luật chẳng còn giá trị gì nữa. Nếu việc giữ luật làm cho con người cảm thấy nặng nề, bế tắc, tình huynh đệ bị tổn hại thì lề luật đó khác nào cái ách đè lên đầu lên cổ người khác. Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn lề luật. Và luật Người kiện toàn đó chính là luật của tình yêu.
Chính khi ta sống “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Vì thế chúng ta đừng khép mình với tha nhân, nhưng sẵn sàng đưa tay giúp đỡ mọi người khi họ cần đến chúng ta. Chúng ta hãy yêu như Chúa yêu, tình yêu không phân biệt, không loại trừ một ai.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến với chúng con để dạy cho chúng con bài học yêu thương. Xin cho mỗi người chúng con học lấy bài học tình yêu của Chúa. Để mỗi ngày sống của chúng con không phải là tuân giữ luật Chúa cách miễn cưỡng hay khô khan, mà chúng con sống luật Chúa bằng tất cả lòng yêu mến của chúng con. Amen.