Chú giải Tin Mừng CN XXIII TN B (Mc 7,31-37)

0
656

SỨ GIẢ KHÔNG BIÊN GIỚI

Chú giải của linh mục Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 7,31-37)

Hy Lạp Việt
31 Καὶ πάλιν ἐξελθὼν ἐκ τῶν ὁρίων Τύρου ἦλθεν διὰ Σιδῶνος εἰς τὴν θάλασσαν τῆς Γαλιλαίας ἀνὰ μέσον τῶν ὁρίων Δεκαπόλεως.

32Καὶ φέρουσιν αὐτῷ κωφὸν καὶ μογιλάλον καὶ παρακαλοῦσιν αὐτὸν ἵνα ἐπιθῇ αὐτῷ τὴν χεῖρα.

33καὶ ἀπολαβόμενος αὐτὸν ἀπὸ τοῦ ὄχλου κατ᾽ ἰδίαν ἔβαλεν τοὺς δακτύλους αὐτοῦ εἰς τὰ ὦτα αὐτοῦ καὶ πτύσας ἥψατο τῆς γλώσσης αὐτοῦ,

34καὶ ἀναβλέψας εἰς τὸν οὐρανὸν ἐστέναξεν καὶ λέγει αὐτῷ· εφφαθα, ὅ ἐστιν διανοίχθητι.

35 καὶ [εὐθέως] ἠνοίγησαν αὐτοῦ αἱ ἀκοαί, καὶ ἐλύθη ὁ δεσμὸς τῆς γλώσσης αὐτοῦ καὶ ἐλάλει ὀρθῶς.

36καὶ διεστείλατο αὐτοῖς ἵνα μηδενὶ λέγωσιν· ὅσον δὲ αὐτοῖς διεστέλλετο, αὐτοὶ μᾶλλον περισσότερον ἐκήρυσσον.

37καὶ ὑπερπερισσῶς ἐξεπλήσσοντο λέγοντες· καλῶς πάντα πεποίηκεν, καὶ τοὺς κωφοὺς ποιεῖ ἀκούειν καὶ [τοὺς] ἀλάλους λαλεῖν. (Mk. 7:31-37 BGT)

31 Rồi sau khi Người lại đi khỏi ranh giới vùng Tu-ros, Người lại đi xuyên qua vùng Xi-don vào vùng biển Ga-li-lai-a vào giữa ranh giới của vùng De-ca-po-lis.

32 và người ta mang đến cho Người một người điếc và ngọng và nài xin Người để Người có thể đặt tay trên anh.

33 và sau khi đưa riêng anh ta ra khỏi đám đông, Người đặt các ngón tay vào những cái tai của anh ta và sau khi nhổ nước miếng, Người chạm vào lưỡi anh ta

34 và sau khi nhìn lên trời, Người rên lên một tiếng và nói: Ép-pha-ta, nghĩa là “anh hãy được mở ra”

35 và ngay lập tức những cái tai của anh mở ra và xiềng xích của lưỡi anh ta được tháo cởi và anh ta cứ nói chuẩn.

36 và Người nghiêm cấm họ để họ không thể nói với một ai nhưng Người càng cấm thì họ càng rao giảng nhiều hơn.

37 và người ta cực kỳ ngạc nhiên, nói rằng: “Người đã làm tất cả mọi sự tốt lành. Người thậm chí làm cho người điếc nghe được và người câm nói được”

Bối cảnh bản văn:

Đoạn Tin Mừng Mc 7,31-37 nằm trong loạt những hoạt động của Đức Giê-su ngoài vùng Ga-li-lê. Nó tiếp nối ngay sau trình thuật về phép lạ chữa lành con gái một người đàn bà gốc Phê-ni-xi, xứ Xy-ri-a (7,24-30). Mc 7,31-37 cũng là một phép lạ dành cho một người ngoại trên vùng De-ca-po-lis. Bé gái con người phụ nữ Phê-ni-xi bị quỷ ám (7,25), bệnh nhân trong câu chuyện này là một người vừa điếc vừa ngọng (7,32). Cả hai bệnh nhân trong hai câu chuyện đều có người cầu xin cho họ. Bà mẹ cầu xin tha thiết cho con gái (7,25-26) trong khi đó người ta mang người điếc và ngọng đến và xin Đức Giê-su đặt tay. Chữa bệnh bằng hình thức đặt tay là một thói quen của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô (5,23; 6,5; 7,23; 8,23; 8,28; 10,13). Sau này, các môn đệ của Người cũng được ban cho khả năng này (16,16). Cùng với câu chuyện chữa lành con gái người phụ nữ Phê-ni-xi, câu chuyện này là bằng chứng cho thấy Đức Giê-su không xem người ngoại là ô uế, không thể tiếp xúc như những người Do Thái từng nghĩ. Trong trình thuật tranh luận về sự ô uế đích thực Đức Giê-su đã cho thấy rằng “thanh sạch” hay ô uế hệ tại ở lòng người, chứ không phải những thứ bên ngoài (Mc 7,1-23). Người đã thực hành điều này khi lần lượt đi qua nhiều vùng dân ngoại và cứu chữa ít nhất hai bệnh nhân ngoại giáo mà không sợ bị ô uế. Người có quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1; Mc 1,27; 3,11; 5,8).

Cấu trúc

Ngoài phần bối cảnh, bản văn có thể được chia làm 3 cặp thành phần song song với nhau. Phần (A) Hành động của nhóm “người ta” // (A’) Phản ứng của họ sau khi thấy phép lạ (loan báo dù bị cấm); Phần (B) Những hành động của Đức Giê-su // (B) Những hiệu quả tỏ tường của những hành động ấy; (C) Mệnh lệnh “Ép-pha-ta” (hãy mở ra) // (C’) Mệnh lệnh “giữ im lặng”.

Bối Cảnh: Nơi chốn (Tu-ros, Xi-don, Ga-li-lai-a, Deca-polis (7,31)

(A) Hành động của người ta: Mang bệnh nhân điếc và ngọng đến, xin Người đặt tay (7,32)

(B) Hành động của Đức Giê-su: Dẫn riêng ra – đặt ngón tay vào tai – chạm vào lưỡi (7,33)

(C) Lệnh mở ra: Ép-pha-ta (7,34)

(B’) Hiệu quả những hành động Đức Giê-su: Nghe được và nói chuẩn (7,35)

(C’) Lệnh im lặng (7,36a)

(A’) Phản ứng của người ta: Loan báo (7,36b) và cực kỳ ngạc nhiên (7,37)

 

Một số điểm chú giải

  1. Các địa danh: Tu-ros, Xi-don, Deca-polis. Những vùng đất người thuật chuyện kể ở đây đều là vùng đất của người ngoại giáo. Ông muốn cho độc giả thấy rằng Đức Giê-su đang gieo bước hành trình về phía dân ngoại, sau cuộc đụng độ liên quan đến thanh sạch và ô uế với nhóm những Pha-ri-sêu và kinh sư, những nhà chuyên môn và giáo quyền Do Thái từ Giê-ru-sa-lem.

Tu-ros và Xi-don là hai thành phố cổ của vùng Phô-nê-xia, dọc theo biển Địa Trung Hải. Hiện nay hai thành phố này thuộc nước hiện đại Lê-ban-non. Tu-ros được biết đến từ thời Cựu Ước như là một thành phố rất kiên cố (Gs 19,29; 2 Sm 24,7). Vua Khi-ram của thành Tu-ros là bạn thân của vua Đa-vít (1 V 5,15). Chính vua này đã cung cấp gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đẽo đá, và họ đã xây nhà cho vua Đa-vít (2 Sm 5,11; 1 Sbn 14,1; 22,4). Ông cũng cung cấp gỗ bá hương cho vua Sa-lô-mon để xây đền thờ Đức Chúa (1 V 9,11). Những người Tu-ros và Xi-don cũng giúp Ét-ra xây lại đền thờ (gọi là đền thờ thứ hai) (Er 3,7). Hoàng hậu Dê-de-bel, hiền thê của vua A-khát là người Xi-don (1 V 16,31). Xi-don được biết đến như là thành trì mà con cái Ít-ra-el không thể chinh phục trong cuộc chiến dành Đất Hứa (Tl 1,31). Có một thời dân Ít-ra-el chạy theo các thần của Xi-don (Tl 10,6-16; 1 V 11). Có rất nhiều lời ngôn sứ chống lại thành Tu-ros và Xi-don (Is 23; Gr 25; 27; 47; Ed 26 – 28; Ge 3; Am 1,9-10; Dcr 9,1-4). Na-bu-co-do-no-xo bao vây thành Tu-ros năm 585-572 CE. Alexander Đại Đế chinh phục Tu-ros năm 322 CE (và Xi-don năm 333) và phá hủy thành phố hoàn toàn. Sau này cả hai thành phố trở thành những tỉnh giàu có của đế quốc Rô-ma. Tác giả Tân Ước nhiều lần đề cập đến hai thành phố này. Dân cư của những thành phố này đã đến và nghe Đức Giê-su giảng (Mc 3,7-8; Lc 10,13). Vùng Tu-ros và Xi-don là nơi Đức Giê-su trừ quỷ cho con gái một phụ nữ người Ca-na-an (Mt 15:21-28; Mc 7,28-30). Đức Giê-su đề cập đến Tu-ros và Xi-don như hai thành được xét xử khoan hồng hơn hai thành của người Do Thái (Co-ra-zin và Bết-sai-da) (Lc 10,13-14; Mt 11,20-24), vì dân cư hai thành này đã không hoán cải khi nghe Đức Giê-su rao giảng.

Deca-polis (αἱ δέκα πόλεις: Mười thành phố)[1] ở phía Đông của sông Giordan và phía Đông Nam hồ Ga-li-lai-a. Đây là vùng dân cư của người Hy-lạp (Vương quốc Seleucid: 312-63 CE). Khi Rô-ma chinh phục Sy-ri-a năm 63 CE, họ gọi 10 thành này cũng như vùng được nối kết với nó là vùng “Decapolis”. Cũng giống như dân Tu-ros và Xi-don, dân miền Deca-polis cũng đến với Đức Giê-su để nghe Người giảng (Mt 4,24-25). Đức Giê-ru trừ đạo binh quỷ và cho chúng nhập vào đàn heo ở Ghê-ra-sa (một thành vùng Deca-polis) (Mc 5,9-20), kết quả là danh Người được rao giảng khắp vùng Thập Tỉnh. Người tiếp tục chữa một người vừa điếc vừa ngọng cũng ở vùng này (7,31-37), là câu chuyện chúng ta đang tìm hiểu. Sau phép lại này, dân chúng cũng kinh ngạc và rao giảng về Người.

Sự diễn tả cách ngắn gọn về những vùng Đức Giê-su băng qua (Tu-ros – Xi-don – Biển Ga-li-lai-a – Deca-polis. Tuy nhiên, trên thực tế đó là một vùng địa lý rất rộng lớn, từ bờ biển Địa Trung Hải (Tu-ros và Xi-don), Đức Giê-su băng qua Ga-li-lai-a, hoặc băng qua sông Gio-đan để đi vào ranh giới vùng Thập Tỉnh. Đó là hành trình dài từ Nam đến Bắc (Tu-ros – Xi-don), rồi từ Tây Bắc xuống Đông Nam (Biển Địa Trung Hải – Biển Ga-li-lai-a). Tác giả nói như thế, có thể để dẫn từ phép lạ trừ quỷ ở vùng Phê-ni-xi, bờ biển Địa Trung Hải qua phép lạ chữa bệnh ở vùng Thập Tỉnh, nhưng cũng để nhấn mạnh đến địa hình rộng lớn từ Đông Tây Nam Bắc tất cả các vùng dân ngoại Đức Giê-su đã đi qua.

  1. Người ta mang đến … nài xin (παρακαλοῦσιν): Một động từ ngôi thứ ba số nhiều được dùng để diễn tả hành động của một nhóm người hỗ trợ bệnh nhân. Đây là cách diễn tả thường thấy trong các phép lạ của Mác-cô: “Vào lúc hoàng hôn, người ta mang đến cho Người tất cả những người bệnh và bị quỷ ám” (1,32); “Người ta mang đến cho Người một người khiếm thị và xin Người chạm vào anh” (8,22). Bằng cách này, Mác-cô đưa những chứng nhân của dấu lạ vào câu chuyện. Họ là nhóm người vô danh, nhưng là những nhân vật nổi bật của câu chuyện như sẽ thấy sau. Đặc tính tích cực của những người này là niềm tin và niềm hy vọng mà họ có trước lúc phép lạ xảy ra và những đặc tính tốt này sẽ được củng cố sau phép lạ này. Sau khi mang bệnh nhân đến, họ nài xin Đức Giê-su để Người có thể đặt tay trên anh. Hành động nài xin vừa cho thấy lòng nhiệt thành bác ái đối với bệnh nhân, vừa cho thấy niềm hy vọng họ đặt vào Đức Giê-su. Cả hai động từ “mang đến” và “nài xin” đều dùng ở thì hiện tại để diễn tả một hành động trong quá khứ. Thì hiện tại này trong văn phạm Hy Lạp thường được gọi là “hiện tại mang tính lịch sử”. Nó thường dùng để làm cho hành động trở nên sống động, sinh động như là độc giả đang ở trong câu chuyện đang được kể vậy.[2] Yêu cầu chữa lành là một phần của cấu trúc trình thuật phép lạ, và động từ parakaleo (nài xin) được sử dụng tương tự trong 1,40; 5,23; 8,22.[3]
  1. Điếc và ngọng: Câm và điếc dường như là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội Do Thái thời Đức Giê-su. Bệnh câm thường được gắn liền với tình trạng bị quỷ ám (người câm bị quỷ ám: Mt 9,32; cháu bị quỷ câm ám: Mc 9,17; người bị quỷ ám vừa mù vừa câm: Mt 12,22). Sau khi Đức Giê-s trừ quỷ rồi thì người câm nói được (Mt 9,33; Lc 11,14). Đức Giê-su có lần gọi “thần ô uế” là “thần câm và điếc”: “Thần câm và điếc kia, Ta truyền cho ngươi, hãy ra khỏi anh ta và không bao giờ nhập vào nữa” (Mc 9,25). Sứ mạng trừ quỷ là sứ mạng chính yếu của Đức Giê-su. Trong câu chuyện này không nhắc gì đến quỷ và trừ quỷ. Có thể đây là một căn bệnh liên quan đến quỷ câm điếc. Bệnh điếc gợi nhớ những niềm hy vọng của những người lưu đày trở về trong sách ngôn sứ I-sai-ah: “Mắt của người mù sẽ được mở ra, và tai của người điếc sẽ hết điếc” (Is 35,5-6).[4] Làm cho người điếc nghe được là một trong những sứ vụ của Đấng Mê-si-ah như đã được nhắc lại trong Tin Mừng: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong được sạch, người điếc nghe được, người chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5; Lc 7,22). Không phải tình cờ mà người điếc là một người ngoại, bởi vì dân ngoại thường được liên kết với “sự điếc” trong nhiều đoạn văn của các sách ngôn sứ trong Cựu Ước (Is 42,17-19; 43,8-9; Mc 7,16) vì họ bị cho là không nhạy cảm với Lời Chúa.[5]
  1. Đặt tay (ἐπιθῇ αὐτῷ τὴν χεῖρα) … Đặt những ngón tay vào đôi tai: Đặt tay chữa lành là một trong những cách chữa bệnh của Đức Giê-su đã được dân chúng biết đến. Người thủ lãnh hội đường tin rằng Đức Giê-su có thể đặt tay và chữa lành con gái của ông (Mc 5,23; Mt 9,18); Người đặt tay trên một vài bệnh nhân ở làng quê Na-gia-rét và chữa lành họ (Mc 6,5); Người đặt tay trên anh mù và chữa lành mắt anh (Mc 8,23-25). Các môn đệ sau này cũng có khả năng đặt tay chữa bệnh như Đức Giê-su (Mc 10,16). Đức Giê-su đã đặt tay vào tai của bệnh nhân chứ không phải đặt tay trên anh như suy nghĩ của nhóm người này. Môn đệ Kha-na-ni-a ở Đa-mát đã đặt tay trên Phao-lô (lúc ấy đang bị mù) và Phao-lô thấy cái gì bong ra khỏi mắt ông và ông lại nhìn thấy được (Cv 9,12.17-18). Thánh Phao-lô cũng đã đặt tay và chữa lành bệnh kiết lị cho thân sinh của ông Púp-li-ô ở đảo Man-ta (Cv 28,8). Chữa bệnh bằng hành động chạm vào bệnh nhân cũng là cách thức phổ biến trong Tin Mừng Mác-cô (1,31.41; 5,23.41; 8,22; 9,27).
  1. Mang một mình anh khỏi đám đông: Mác-cô diễn tả hành động này rất chi li, đôi khi có vẻ trùng lặp với một động từ apolambano (mang ra một bên), trạng ngữ kat’ idian (cách riêng tư), ngữ giới từ “khỏi đám đông”. Trạng ngữ kat’ idian thường được dùng để diễn tả sự tách riêng với các môn đệ: “Người không bao giờ giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn, nhưng khi thầy trò ở riêng với nhau, thì Người giải thích hết” (4,34); “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (6,31-32); (Cf. 9,2.28; 13,3). Trong toàn bộ Tin Mừng Mác-cô, có hai lần Đức Giê-su dẫn bệnh nhân riêng ra một nơi để chữa bệnh. Ngoài câu chuyện này, trong câu chuyện chữa lành người mù Bết-sai-đa (Mc 8,23-26), Người cũng “dẫn anh ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và chữa lành. Hành động này có thể là một bằng chứng cho thuyết gọi là là “Bí Mật Mê-si-ah” trong Tin Mừng Mác-cô.[6]
  1. Nhổ nước miếng… chạm vào lưỡi: Trong thế giới của Hy-Rô hay Do Thái, nước miếng của con người được xem là có chức năng chữa lành.[7] Dùng nước miếng để chữa bệnh là một thực hành không phải là một hình thức xa lạ trong vùng Địa Trung Hải ngày xưa, như chúng ta thường cảm thấy ngày nay. Trong thực tế, có rất nhiều trình thuật ngoài Thánh Kinh liên quan đến việc dùng nước bọt để chữa lành, đặc biệt đối với tật khiếm thị. Câu chuyện nổi tiếng được Tacitus kể (Histories 4,81), về cách mà một người ở Alexandria được cứu chữa bằng nước bọt của hoang đế Vespasian.[8] Đức Giê-su nhổ nước miếng ở đâu và làm gì với nước miếng? Có thể có 3 cách giải thích: (i) Người nhổ nước bọt trên mặt đất như là một dấu hiệu coi khinh đối với quỷ gây đau khổ cho bệnh nhân; (ii) Người nhổ nước bọt trên những ngón tay, rồi dùng những ngón tay chạm vào lưỡi bệnh nhân; (iii) Người nhổ nước bọt trên miệng của bệnh nhân. Cách giải thích thứ hai có vẻ hợp lý nhất, vì những ngón tay của Người được đề cập sau đó.[9] Tuy vậy, cách hiểu thứ ba cũng có khả năng. Trong phép lạ chữa lành anh mù ở Bết-sai-đa, Đức Giê-su nhổ nước miếng vào mắt của người mù (Mc 8,23). Khi chữa cho người mù từ thuở mới sinh trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su lại nhổ nước miếng trên đất và trộn với đất làm thành bùn rồi bôi lên mắt người mù (Ga 9,6). Đức Giê-su đang ở trong vùng dân ngoại, cho nên cách chữa bệnh của Người cũng có vẻ bộc lộ niềm tin nhân gian, xen lẫn với năng lực thần linh của Người.
  1. Nhìn lên trời: Ngữ động từ “nhìn lên trời” được Mác-cô sử dụng hai lần. Lần thứ nhất: trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, trước khi bẻ bánh Đức Giê-su cũng ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng (Mc 6,41; Cf. Mt 14,19; Lc 9,16). Sự “ngước mắt lên trời” nhấn mạnh chiều kích thần linh trong quyền năng làm phép lạ của Đức Giê-su.[10] Dấu hiệu này cũng có thể diễn tả lời kêu cầu lên Thiên Chúa của Đức Giê-su, nhằm tìm thấy sự trợ giúp trong việc cứu chữa.[11] Trong bối cảnh này, Đức Giê-su nhìn lên trời rồi “rên lên một tiếng”. Tiếng rên này có thể là một biểu lộ cảm xúc thương xót đối với bệnh nhân, nhưng cũng có thể biểu hiện của sự tập trung sức mạnh tinh thần trước khi làm điều quan trọng.[12] 
  1. Ép-pha-tha (εφφαθα): Là chuyển tự của một động từ tiếng Aram. Mác-cô có lẽ viết cho ki-tô hữu gốc dân ngoại, không nói tiếng Aram nên ông phải giải nghĩa ngay sau đó (có nghĩa là hãy được mở ra). Có rất nhiều lần Mác-cô ghi lại câu nói tiếng Aram, hoặc của người thuật chuyện, của Đức Giê-su kèm theo lời giải nghĩa. Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan được Đức Giê-su gọi là “Bo-an-ne-ges” (nghĩa là những đứa con của thần sấm) (3,17); Đức Giê-su gọi bé gái: “Talitha koum” (nghĩa là này bé gái, Ta bảo con, hãy trỗi dậy) (5,41); “Kor-ban” (nghĩa là tặng phẩm) (7,11); “Ép-pha-tha” (nghĩa là hãy được mở ra) (7,34); “Áb-ba” (nghĩa là Cha ơi) (14,36); “Gol-go-tha” (nghĩa là nơi của cái sọ) (15,22); “Eloi eloi lema xabakhthani” (nghĩa là “Lạy Chúa của con, lạy Chúa của con sao Ngài bỏ rơi con” (15,34). Theo Mác-cô dường như Đức Giê-su thường dùng tiếng Aram trong những câu nói khá quan trọng như vừa liệt kê trên. Ép-pha-tha là mệnh lệnh quyết định để phép lạ được hoàn tất cách tốt đẹp. Đây là lời có uy quyền vì sau lời này phép lạ liền xảy ra.
  1. Xiềng xích của lưỡi anh ta được tháo cởi: Ứng với căn bệnh của anh này là “ngọng” (khó nói), Đức Giê-su có giải pháp cởi trói cho lưỡi của anh. Tính từ “μογιλάλος” cũng có nghĩa là “lưỡi bị trói lại”. Chính vì thế, sau khi Đức Giê-su nói “Ép-pha-tha”, người thuật chuyện nói rằng xiềng xích, hay cái mà trói buộc lưỡi của anh “được tháo cởi ra”. Trong Tin Mừng Mác-cô, đây có lẽ là thuật ngữ có tính trừ quỷ nhất, sách phép thuật Hy Lạp chứng nhận các phép thuật cho việc trói lưỡi của một kẻ thù và như thế làm cho anh ta bị câm. Một thuật ngữ dường như giống hệt, có tính trừ tà được dùng trong Lc 13,16, trong đó người đàn bà bị còng lưng cũng bị Satan trói buộc 18 năm dài.[13] Với ngôn ngữ như thế, phải chăng Mác-cô cũng ngụ ý bệnh ngọng của người này liên quan đến quỷ như là quỷ câm (Mc 9,17.25). Sau khi lưỡi được “cởi trói” thì người này “nói luyên thuyên một cách chuẩn xác” (7,35). Động từ “nói” được chia ở thì vị hoàn, một loại thì diễn tả hành động kéo dài liên tục, đi kèm với một trạng từ chính xác (ὀρθῶς). Tình trạng của bệnh nhân đã được thay đổi một cách hoàn toàn. Anh đã hoàn toàn khỏi bệnh và có thể hòa nhập cộng đồng qua việc giao tiếp bình thường.
  1. “Người nghiêm cấm không được nói”[14]: Cách thức Đức Giê-su cấm tiết lộ thông tin về phép lạ này được gọi theo từ chuyên môn là “bí mật Mê-si-ah”, được học giả William Wrede đề xuất trong tác phẩm Das Messiasgeheimnis in den Evangelien năm 1901. Ví dụ điển hình và rõ ràng nhất về bí mật này là ở Mc 8,31. Sau khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đức Giê-su liền “cấm ngặt họ không được nói cho bất kỳ ai về Người”.[15] Ngoài ra, còn nhiều bản văn khác Đức Giê-su ra lệnh “giữ im lặng” cho “thần ô uế” (1,25.33) lý do mà Mác-cô đưa ra là “vì chúng đã biết Người” (1,34). Khi thần ô uế kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa, Người lại cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai” (Mc 3,11-12). Thêm vào đó, nhiều lần Đức Giê-su ra lệnh cho những người được chữa lành không được tiết lộ phép lạ: Người phong cùi (Mc 1,44), những chứng nhân trong câu chuyện chữa con gái ông Giai-i-ro (5,43), những chứng nhân của phép lạ chữa lành người vừa điếc vừa ngọng (7,31-36). Trong trình thuật về biến hình, Đức Giê-su cũng cấm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan kể lại những gì họ thấy trên núi. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thời hạn là “cho đến khi Con Người đã sống lại từ cõi chết” (9,9). Một cách giải thích truyền thống là sở dĩ Đức Giê-su không muốn tiết lộ thân phận Mê-si-ah vì sợ rằng nhiều thành phần dân chúng sẽ dùng nó như là dịp để nổi dậy về quân sự. Tác giả Wrede thì cho rằng Mác-cô cố gắng giải thích niềm tin của Giáo hội vào Đức Giê-su như Đấng Mê-si-ah và thực tế lịch sử cho thấy rằng trong suốt hành trình sứ vụ công khai, Đức Giê-su không tự giới thiệu mình như là Đấng Mê-si-ah. Cách giải thích tốt hơn và được chấp nhận rộng rãi hơn là Mác-cô tìm cách định nghĩa lại thuật ngữ Mê-si-ah và những danh hiệu ki-tô học khác dưới ánh sáng của cái chết và phục sinh của Đức Giê-su nên ông để việc bộc lộ căn tính thực của Đức Giê-su cho đến cái chết của Người (15,39) và sự phục sinh của Người (9,9).[16] Dầu vậy, lạ lùng thay, Đức Giê-su nói với người đàn ông bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (một tỉnh trong miền Thập Tỉnh) là hãy về nhà và kể cho bạn bè “bao nhiêu chuyện Chúa đã làm cho anh” (5,19). Rồi, anh ta ra đi và rao truyền trong miền Thập Tỉnh (Deca-polis) tất cả những gì mà Đức Giê-su đã làm cho anh (Mc 5,20). Cũng có thể nhờ vào lời rao giảng của anh, mà khi Đức Giê-su trở lại miền Thập Tỉnh lần này, người ta đã biết và mang người điếc và ngọng đến để xin Người đặt tay chữa lành. 
  1. Cứ rao giảng hoài”: Đức Giê-su đã nghiêm cấm để họ không nói cho ai nghe về phép lạ này. Tuy nhiên, lạ lùng thay, Người càng cấm thì họ càng rao giảng thì họ càng rao giảng cho nhiều người hơn. Giống như là quy luật bình thường trong xã hội xưa nay. Cái gì càng cấm thì càng trở nên hấp dẫn và người ta lại muốn làm cho được. Ông bà nguyên tổ bị cấm ăn trái cây giữa vườn Eden thì họ lại muốn ăn cho được (St 2,17). Cả hai động từ “ra lệnh, cấm” (của Đức Giê-su) và “rao giảng” (của người ta) đều được chia ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một hành động đang tiếp diễn: Đức Giê-su cứ ra lệnh cấm, thì họ cứ rao giảng. Cấm không cho ai biết nhưng cuối cùng rồi ai cũng biết hết. Nghịch lý này trong Tin Mừng Mác-cô được các nhà chuyên môn gọi là “Bí Mật – Công Khai”. Đây là kiểu hành văn tương phản giữa “giữ kín” và “lan truyền”. Trong bối cảnh này, có thể là Mác-cô muốn làm nổi bật sự bùng nổ của niềm vui được chữa lành, niềm vui của Tin Mừng mà Đức Giê-su mang đến quá lớn, đến nỗi cả bệnh nhân và những người chứng kiến không thể giữ im lặng được.[17] Họ phải nói những điều mắt thấy tai nghe cho thỏa mãn sự sung sướng của họ và bày tỏ niềm vui mà Chúa đã ban cho họ, dù họ là dân ngoại.

 Bình luận tổng quát

Sau tranh luận với những người đứng đầu Do Thái, những kinh sư và những người Pha-ri-sêu, về đề tài liên quan đến thanh sạch và ô uế, Đức Giê-su đã đi về vùng dân ngoại, những người bị xem là ô uế theo quan điểm của người Do Thái cho đến thời của Đức Giê-su. Dĩ nhiên, Đức Giê-su đến thành Tu-ros, một thành phố dọc biển Địa Trung Hải, không phải để nghỉ mát tắm biển. Người đến đó vì nơi ấy có những người đau khổ cần đến sự an ủi và trợ giúp của Người. Người phụ nữ Phê-ni-xi gốc Xy-ri là một trong số những người bất hạnh ở đó. Bà đã đến để xin Đức Giê-su trừ quỷ cho con gái của bà. Mặc cho Đức Giê-su nói với bà câu tục ngữ: “Hãy để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh con cái mà ném cho chó con” (7,27), bà vẫn kiên trì, khiêm tốn đáp lại: “Nhưng con chó dưới gầm bàn cũng được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con” (7,28). Đức Giê-su đã chịu thua sự kiên trì và khiêm nhường của một người phụ nữ gốc dân ngoại. Đức Giê-su đã trừ quỷ cho con gái của bà mà không cần phải đến nhà của bà. Họ quả thật không phải là những người ô uế như người ta thường nghĩ. Đức Giê-su đã phá tan tư tưởng ấy. Người cho người ta thấy rằng không hề có loại người ô uế và loại người thanh sạch; không có loại người cấp cao và loại người cấp thấp. Tất cả đều là con người, hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa. Sau đó Người tiếp tục quay trở lại miền Deca-polis. Trước đây, Người đã trừ một đạo binh quỷ ở tỉnh Ghê-ra-sa (một tỉnh trong miền Thập Tỉnh) và danh tiếng của Người đã được rao truyền khắp cả vùng. Chính vì thế, lần này Người đến hẳn là một niềm vui và hy vọng rất lớn đối với họ. Họ lập tức mang đến cho Người một người vừa điếc lại vừa ngọng. Đây là một người tượng trưng cho sự hạn chế về cả sự lắng nghe và sự giao tiếp bằng ngôn ngữ. Có thể, anh ta cũng ở dưới sự khống chế của quỷ câm, vì lưỡi anh ta bị buộc lại. Khác với con gái người phụ nữ Phê-ni-xi, bệnh nhân này được Đức Giê-su tiếp xúc một cách trực tiếp với những tác động cụ thể trên anh. Người đặt những ngón tay vào đôi tai của anh và nhổ nước miếng rồi chạm vào lưỡi anh. Đây là những cái chạm đầy tình người, cùng một cái nhìn lên trời trong bầu khí cầu nguyện, nối kết với Chúa Cha. Cuối cùng một lời nói có uy quyền đã mở tai bệnh nhân và cởi trói cho lưỡi anh. Những hành động của Đức Giê-su (chạm vào tai, nhổ nước bọt, chạm vào lưỡi) phù hợp với thế giới dân ngoại, nơi mà Người tương tự như những người chữa bệnh dân ngoại và vượt xa họ về hiệu quả (nhất là bằng hiệu lệnh của Người).[18] Từ khoảnh khắc đó, anh đã được phục hồi thân phận làm người một cách trọn vẹn, nghe được Tin Mừng và nói được Tin Mừng. Tin Mừng Đức Giê-su mang đến là một Tin Vui có tính bùng nổ, không thể dấu kín được. Mặc cho người cấm đoán hoài thì họ cứ loan báo hoài Tin Mừng được chữa lành, tin vui được gặp Chúa. Phép lạ dành cho người câm và ngọng không còn là niềm vui và ân sủng dành cho riêng anh, nhưng là niềm hạnh phúc cho toàn thế giới dân ngoại. Đấng Mê-si-ah đã không ngần ngại bước qua vùng dân ngoại và ban niềm vui cho họ. Phép lại này được khởi sự bằng sáng kiến bắt nguồn từ niềm hy vọng của nhóm người hỗ trợ cho bệnh nhân này. Nhân vật được chữa lành dường như thụ động. Cuối trình thuật cũng chính nhóm người này rao giảng về phép lạ và họ kinh ngạc nói rằng: “Tất cả mọi điều Người làm điều tốt lành, Người làm cho người câm nói được, cho người mù được thấy”. Câu tóm tắt này như một sự hoàn tất của lời ngôn sứ I-sai-ah được đặt trên môi miệng của dân ngoại: “Rồi mắt người mù sẽ được mở ra, và tai của người điếc thôi điếc; rồi người què sẽ nhảy nhót như nai và lưỡi của người câm ca hát vui mừng” (Is 35,5-6). Hơn nữa, động từ làm được dùng hai lần (làm mọi sự; làm cho người điếc nghe, người câm nói) cùng với trạng từ “tốt đẹp” (kalos) gợi nhớ đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa trong (St 1,1 – 2,4a), trong đó mệnh đề “Thiên Chúa làm…” và “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.[19] Cách nói này của dân ngoại gián tiếp mạc khải Đức Giê-su chính là Thiên Chúa, bởi chỉ có Thiên Chúa mới làm mọi sự cách hoàn hảo. Đức Giê-su đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới nơi vùng dân ngoại. Người mở tai để họ có thể nghe lời Chúa, Tin Mừng của Đấng Mê-si-ah. Người mở miệng của họ để họ có thể rao giảng Tin Mừng, niềm vui vỡ òa mà họ đã đón nhận cảm nhận. Đức Giê-su đã cho thấy rằng người ngoại không phải là người ô uế. Họ cũng như bao nhiêu người khác. Họ có khả năng nhạy cảm với tiếng Chúa, với Tin Mừng còn hơn những người Do Thái.

Hành động, tầm nhìn của Đức Giê-su hơn 2000 năm trước vẫn cho thấy một giá trị nhân văn cao quý cho người đương thời. Trong thời đại toàn cầu sự, sự nối kết địa lý trở nên dễ dàng. Việc di chuyển từ vùng này qua vùng khác Đông Tây Nam Bắc của quả địa cầu không còn mấy khó khăn nữa. Tuy nhiên, sự cởi mở đón nhận người khác, đi đến với người khác một cách vô vị lợi vẫn là điều hiếm thấy. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô với thông điệp “Fratelli tutti” (Tất cả là anh chị em) ban hành vào 03/10/2020 đã khơi dậy nơi tất cả các tín hữu cũng như cư dân trên toàn thế giới một tình huynh đệ đại đồng. Người nhắc nhở tất cả mọi người trên thế giới này đều là anh chị em và mời gọi các quốc gia có thể mở rộng biên giới địa lý và con tim để đón nhận những anh chị em khốn khổ di cư, rời bỏ quê hương vì cơm áo hay vì lý do chiến tranh. Ngài kêu gọi chung tay loại bỏ con virus “chủ nghĩa cá nhân cực đoan” (n.105), để ra khỏi chính mình nhằm có thể thấy nơi tha nhân sự tăng trường của hiện hữu (n.88). Ngài quan niệm rằng lợi ích không có ranh giới, không ai có thể bị loại trừ, bất kể người đó là ai và được sinh ra ở đâu (n.121). Mỗi người ki-tô hữu được mời gọi mở rộng biên giới của con tim mình để loại bỏ virus ít kỷ cả nhân mà vươn mình đến với người khác gia đình khác, quốc gia khác, chứ không chỉ là những người thân bạn hữu của mình. Biên giới của Đấng Mê-si-ah là không biên giới. Người đi mọi nơi, gặp gỡ và đem yêu thương mọi người.

Joseph Phạm Duy Thạch SVD

Chú thích:

[1] Scythopolis, Hippos (It-ra-el ngày nay), Gadara, Pella, Raphana, Gerasa, Dion, Canatha (Gior-đan ngày nay), Damascus và Philadelphia (Xy-ri-a ngày nay) [xem. The Decapolis | Land of the Bible (land-of-the-bible.com); Decapolis Definition and Meaning – Bible Dictionary (biblestudytools.com)] (truy cập 31/08/2021).

[2] D.B. Wallace, Greek Grammar beyond the Baiscs (Grand Rapids 1996) 562.

[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 240.

[4] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 239.

[5] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 472.

[6] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 240.

[7] Ibid.

[8] R.T. France, The Gospel Of Mark. A Commentary on The Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 303.

[9] J. Marcus, Mark 1–8, 473.

[10] R.T. France, The Gospel Of Mark, 303.

[11] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 371; Nhìn lên trời thường là dấu hiệu của sự cầu nguyện [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 240].

[12] Ibid.

[13] J. Marcus, Mark 1–8, 473.

[14] X. J.P.D. Thạch, “Talithakum: Này Bé,Hãy Trỗi Dậy. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII TNB” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): “TALITHA KUM: NÀY BÉ, HÃY TRỖI DẬY”. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII TN B (Mc 5,21-43) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 02/09/2021).

[15] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 27.

[16] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 28.

[17] X. J.L.M. Thông, “‘Bí Mật Công Khai’. Cấm Không Được Nói Mà Ai Cũng Biết!” [Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: “Bí mật công khai”. Cấm không được nói mà ai cũng biết! (TM Mác-cô) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)] (truy cập 02/09/2021).

[18] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 242.

[19] J. Marcus, Mark 1–8, 480; W. Barclay, The Gospel of Mark (DSB; Philadelphia 2000, c1975) 182.

Bài trướcArnoldus Nota Tháng 9/2021: Thánh Thể và sự biến đổi của chúng ta
Bài tiếp theoMỞ TAI, MỞ MIỆNG VÀ MỞ LÒNG (5/9, Chúa Nhật XXIII TN-B)