Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a
“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5
“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
CHỈ LÀM ĐIỀU TỐT (Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD)
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7,37)
Trong những năm vừa qua, cộng đồng mạng xã hội đã bùng nổ việc chỉ trích, chửi bới những thầy lang băm chữa bách bệnh, trong đó có những căn bệnh như bại liệt, câm điếc… dù trước đó những thầy lang này được lăng xê cao ngất. Rồi khi mọi sự được đưa ra ánh sáng thì tiền mất, tật mang. Vì mong muốn được lành bệnh nên người ta sẵn sàng khấn vái bốn phương tứ phía và sẵn sàng chi tiêu tất cả những gì mình có nhưng đổi lại là họ bị mất hết niềm tin.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Máccô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành một người vừa bị điếc vừa bị ngọng. Tác giả ghi lại đầy đủ chi tiết: Chúa thực hiện phép lạ này tại miền Thập Tỉnh, nơi cư dân hầu hết là dân ngoại. Người đặt ngón tay vào tai anh ta, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên lên một tiếng và nói “Épphatha!” -“Hãy mở ra!” Lập tức bệnh nhân được chữa lành: tai anh ta đã mở ra để nghe được và lưỡi anh ta đã được tháo cởi sợi dây ràng buộc để nói được rõ ràng (x. Mc 7,32).
Người đời thường nói: ‘Điếc hay ngóng, ngọng hay nói’. Người điếc là người mất khả năng nghe và ngọng là khả năng nói bị hạn chế hay nói không rõ ràng nhưng lại thích nói. Anh không nghe nên anh không hiểu được mọi người nói gì. Anh ngọng nên khả năng diễn tả của anh không rõ ràng. Đức Giêsu đã chữa lành anh ta qua lời nói: “Épphatha!” – “Hãy mở ra!” Và cử chỉ bôi nước miếng vào lưỡi anh của Chúa như muốn đưa anh từ một tình trạng tội lỗi đến một sự thánh thiện.
Sứ vụ của Chúa khi đến trần gian là loan báo và chữa lành. Chính Chúa cũng muốn khi được chữa lành, chúng ta phải là những người nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa cho người khác. Chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm được điều đó hay chưa khi chúng ta được Chúa chữa lành qua việc được tha thứ tội lỗi, hay chúng ta vẫn còn chìm đắm trong vũng lầy tội lỗi không muốn được Người chữa lành! Người Do Thái cùng thời với Đức Giêsu thường quan niệm rằng bệnh tật là biểu hiện của tội lỗi. Người càng bệnh nặng thì tội lỗi càng nhiều. Với anh thanh niên vừa bị điếc vừa bị ngọng kia, do anh phạm tội nên bị phạt không thể giao tiếp với ai; các mối tương quan với xã hội và với con người bị cắt đứt và khép kín lại. Chính vì thành kiến cố hữu này đã làm cho nhiều người bị mặc cảm vì họ bị người đời xa lánh và xem thường.
Thiên Chúa chỉ làm điều tốt đẹp và Người không ngừng thi hành điều đó. Sau khi hoàn tất mỗi công trình sáng tạo, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm đều tốt đẹp” (St 1, 31). Tội lỗi đã khiến cho con người sợ hãi và đi vào cõi chết. Đức Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ – đã đến và thực hiện việc rao giảng và chữa lành, đồng thời khôi phục lại phẩm giá con người đã đánh mất vì phạm tội. Chính Chúa Đức Giêsu đến thế gian để yêu thương và cứu độ. Ngài đã làm cho bộ mặt thế giới, vốn được chính Thiên Chúa tạo dựng nhưng bị biến dạng do sự dữ hoành hành, trở nên tốt đẹp hơn vì chính Ngài là sự tốt lành và thiện hảo.
Ngày nay, nhiều người theo Chúa, hàng ngày tham dự Thánh Lễ, kinh nguyện đều đặn và mặc dù thân xác họ lành lặn, bình thường nhưng họ “có hai tai, mà chẳng thể nghe chi” (Tv 135,17). “Họ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4, 4). Họ chỉ để tâm đến những lời bất chính, lắng tai nghe những chuyện hại người. Họ sống khép kín với những người thân chung quanh, dửng dưng với những con người nghèo hèn bên lề xã hội, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Có lẽ tội dửng dưng là căn bệnh trầm kha của xã hội mà chúng ta đang sống vì chủ nghĩa cá nhân lên ngôi đang là một trào lưu rất mạnh.
Chúng ta hãy nhìn lại mình xem chúng ta có giống những người câm điếc không, khi chúng ta chỉ quan tâm đến mình, còn chuyện người khác thì ‘mackeno’ (mặc kệ nó). Nếu vậy thì chính chúng ta tự tách biệt và xa lìa người khác. Chúng ta bị câm điếc khi để mất khả năng lắng nghe người khác. Vì thế, chúng ta trở thành người không hiểu biết, không cảm thông với người khác và không biết chia sẻ những gì mình có cho người khác. Chúng ta cố tình câm điếc khi người khác nói, cố tình không hiểu, hoặc hiểu sai, hay hiểu theo ý mình, bóp méo sự thật, làm sai lạc chân lý. Chúng ta cố tình câm điếc khi chúng ta không dám mạnh dạn sống đức tin, e ngại tôn trọng sự công bình, chính trực, thiếu nghị lực thực hiện đức bác ái, yêu thương, không biết thương cảm, giúp đỡ những người bất hạnh và khổ đau. Tự tách biệt với người khác cũng là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang xa lánh Thiên Chúa như thánh Gioan đề cập trong thư của ngài: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20). Bởi vì, khi chúng ta sống và cư xử với mọi người xung quanh mình thế nào, chính là chúng ta đang sống với Thiên Chúa vô hình như vậy.
Bởi đó, chúng ta cầu xin Chúa mở tai và miệng lưỡi chúng ta để chúng ta được chữa lành căn bệnh câm điếc của mình khi biết lắng nghe tiếng kêu cứu của đồng loại và sẵn sàng lên tiếng đáp trả. Nhiều gia đình ngày nay đang phải đối mặt với những thách đố của tiền tài, vật chất, việc kinh doanh, danh vọng, hưởng thụ khiến họ không còn muốn lắng nghe tiếng Chúa mà chỉ muốn bịt tai làm theo những điều mình muốn. Nếu cứ tiếp tục như thế thì dần dà lương tâm họ sẽ bị sơ cứng, họ sẽ không nghe được những nhức nhối, khao khát, ưu tư hay sự chuyển biến của gia đình và xã hội.
Ở đâu có sự hiện diện của Chúa là ở đó có niềm vui vì Chúa là Đấng Tốt Lành và chỉ làm điều tốt. Niềm vui không chỉ được Chúa chữa lành bệnh tật mà niềm vui đó còn đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Chúa chỉ làm điều tốt lành và mong muốn chúng ta hãy biết noi gương Ngài. Do đó, mỗi ngày sống chúng ta hãy đến với Chúa với tâm tình là một người con thảo để dâng lên Chúa những tâm tình như người con đối với cha mẹ của mình. Để từ đó, chúng ta mới có một kinh nghiệm sống là sống cho Chúa như lời thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa” (Rm 14,7). Lạy Chúa, xin mở miệng con để con rao truyền Lời Chúa. Xin Ngài mở tai con để con lắng nghe tiếng kêu than của đồng loại. Amen
MỞ TAI, MỞ MIỆNG VÀ MỞ LÒNG (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)
Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại những hoạt động của Đức Giêsu trên vùng đất của dân ngoại. Hành trình rao giảng đưa Đức Giêsu ra khỏi miền Galilê để đi về phía dân ngoại.
Sau khi trừ quỷ cho con gái của một người phụ nữ Hy Lạp tại vùng Tia (Mc 7,24-30). Hôm nay, nơi miền Thập Tỉnh, Đức Giêsu lại gặp gỡ một bệnh nhân khác. Câu giới thiệu về địa lý của đoạn Tin Mừng này rất ngắn gọn nhưng nó diễn tả cả một vùng địa lý rộng lớn trên đất Palestin: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (Mc 7,31). Từ phía Tây của Palestin, dọc bờ biển Địa Trung Hải (Tia và Siđôn, Liban), băng qua miền đất liền Galilê, rồi qua Hồ Galilê, rồi đến Miền Thập Tỉnh ở phía Đông của Palestin. Nghĩa là, Chúa Giêsu phải đi từ Tây sang Đông và băng qua biển hồ Galilê.
Nhân vật được chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay không thể tự mình trình bày với Đức Giêsu về nhu cầu thiết yếu của mình. Anh ta cũng không thể nghe biết về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu, bởi vì anh ta vừa điếc lại vừa ngọng. Có những người tốt đã thắp sáng niềm hy vọng cho anh. Họ chắc chắn nghe biết về Chúa Giêsu và tin vào những dấu lạ Người đã làm. Họ thương anh, quan tâm đến anh nên họ nghĩ đến chuyện phải đưa anh đến với Chúa Giêsu, rồi họ năn nỉ Ngài đặt tay trên anh. Đó phải là một hành trình đẹp của tình người, tình nhân loại. Mối quan tâm đến những người cùng khổ được thể hiện bằng hành động là đem anh đến với Chúa để cầu thay nguyện giúp cho người anh em của mình. Đức Giêsu chắc chắn nhìn thấy thiện chí và tình thương của những người đồng hương với anh. Người đã đón nhận anh từ đám đông, ân cần chăm sóc anh. Người chạm vào tai anh. Người dùng nước miếng chạm vào lưỡi anh. Đó là những cái chạm thân tình nhất mà chỉ những người yêu nhau mới làm được. Người ngước mắt lên trời cầu nguyện cho anh, Người ra lệnh cho anh: “Éphatha, hãy mở ra”! (Épphatha là mệnh lệnh cách trong tiếng Aramaic dịch ra tiếng Hy Lạp là đianoitheti: nghĩa là hãy mở ra). Đây là lần duy nhất và với người duy nhất Đức Giêsu dùng mệnh lệnh này trong toàn bộ cách sách Tin Mừng. Trước khi dùng mệnh lệnh này Đức Giêsu cũng làm một hành động khác, cũng là một lần duy nhất trong toàn bộ các sách Tin Mừng. Đó là, Người “rên lên một tiếng” (bản dịch của nhóm CGKPV). Động từ “stenagiồ” trong tiếng Hy Lạp, còn có nghĩa là thở dài, phàn nàn, và gầm rú. Không rõ chính xác là Chúa Giêsu đã làm gì, có thể là rên, có thể là thở dài hoặc là la to lên. Có thể đó là lối diễn tả sự để tâm mang tính cảm xúc sâu sắc của Chúa Giêsu, theo như cách hiểu của R. France.[1] Sự duy nhất của động từ này, cũng như mệnh lệnh Épphatha trong tiếng Aramaic, làm cho trình thuật chữa lành này trở nên hết sức đặc biệt. Chưa hết, một loạt 7 động từ được dùng trong tiến trình chữa lành này: Đức Giêsu kéo anh ra xa, tra ngón tay vào lỗ tai, nhổ nước miếng,[2] chạm vào lưỡi, nhìn lên trời, rên lên, và nói. Và mệnh lệnh Đức Giêsu nói là dành cho người bệnh chứ không phải cho tai và lưỡi anh. “Anh hãy được mở ra!” Đối tượng là cả con người bệnh nhân chứ không phải chỉ tai và lưỡi. Câm điếc là bệnh tật về thể lý. Đức Giêsu có thể chữa bệnh thể lý nhưng đối với Người, quan trọng nhất là con tim phải được mở ra. Phía sau phép lạ chữa lành về thể lý luôn luôn là một hiệu quả chữa lành về đức tin, một lòng tin vào Thiên Chúa, dẫn đến sự biến đổi về nội tâm và đời sống cho chính bệnh nhân và những người cùng đi với anh. Nên nhớ rằng dân ngoại thường được các ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Is 42,17-19; 43,8–9; Mc 7,16) nối kết với sự điếc vì họ không để tâm đến Lời Chúa.[3]
Phép lạ mở tai và mở miệng cho người vừa điếc vừa ngọng được kết thúc bằng sự kinh ngạc cực kỳ của dân chúng. Trạng từ được dùng diễn tả mức độ kinh ngạc của dân chúng cũng là một trạng từ hết sức đặc biệt (hyperperissos: vượt qua sự đo lường, cực kỳ). Nó cũng được dùng một lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Lời cảm thán của dân chúng, “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:[4] ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”, là một cảm nghiệm từ một dấu lạ Đức Giêsu đã làm cho người ngọng điếc. Đó cũng là tin vui mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ ngàn xưa về thời Đấng Mêsia: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được; kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6).
Đó là một niềm vui khôn tả, vui đến nỗi không thể che dấu được. Vì thế, dẫu rằng Đức Giêsu đã ra lệnh cho họ không được nói với ai, nhưng Người càng ra lệnh thì họ càng rao giảng không ngừng.
Phép lạ chữa lành người ngọng điếc không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân người ngọng điếc. Hơn thế nữa, anh chính là biểu tượng cho một vùng dân ngoại bẩm sinh mất đi khả năng nghe tiếng Chúa và nói về Chúa. Không nghe tiếng Chúa thì hẳn những điều họ nói về Chúa, về những điều Chúa muốn họ nói trở nên ngọng ngịu, khó thành câu. Đức Giêsu đã đến, và mọi thứ đã thay đổi, đôi tai họ đã được mở ra và miệng lưỡi họ loan báo kinh khủng, đến nỗi Người không thể bịt lại được nữa.
Cám ơn Chúa, vì Chúa đã đến với chúng ta. Người đã mở tai và mở lưỡi cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Tuy nhiên, nhiều lúc không khéo giữ gìn, bệnh cũ ngọng điếc của chúng ta lại tái phát. Để rồi, có những đôi tai không còn nghe tiếng Chúa nữa; có những đôi tai chỉ thích nghe những điều xấu xa; có những đôi tai thích thú với những lời nói xu nịnh, vuốt ve; có những đôi tai chỉ thích lắng nghe những điều xầm xì, bàn tán về người khác; có những đôi tai không đón nhận sự thật mất lòng; có những đôi tai làm ngơ trước lời kêu gào của người khốn khổ chung quanh mình; có những đôi tai dửng dưng trước Lời Chúa.
Không nghe tiếng Chúa, thì làm sao bắt chước tiếng Chúa được. Thế nên mới có những chiếc lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, có những chiếc lưỡi khoe khoang, khoác lác, có những chiếc lưỡi xu nịnh vuốt ve, có những chiếc lưỡi lảng tránh sự thật, hoặc tệ hơn nữa là bẻ cong sự thật.
Có những chiếc lưỡi “hễ ngồi lê là bới xấu anh em và bêu diếu cả người ruột thịt” (Tv 50,20). “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ (Tv 5,10). Và rốt cuộc: “Tấc lưỡi mình hại mình là thế! Thiên hạ xem, ai cũng lắc đầu (Tv 64,9).
Trong tông thư gửi những anh chị em sống đời thánh hiến, Đức Phanxicô đã khuyên rằng: “tôi không ngừng lặp đi lặp lại rằng: những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em”.
Trong một bài giảng lễ ngày 2/9/2013, tại nhà nguyện Santa Mata, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói rằng: “Những ai trong một cộng đoàn hay nói xấu về người anh chị em mình, tức các thành viên khác của cộng đoàn, là muốn giết chết họ … Chúng ta thường nói xấu, buôn chuyện. Nhưng biết bao lần cộng đoàn chúng ta, ngay cả gia đình chúng ta, đã trở thành địa ngục khi chúng ta ác độc giết người anh em mình bằng lời nói!”
Mệnh lệnh Éphphatha (anh hãy được mở ra) của Chúa Giêsu, và những cái chạm vào đôi tai, vào lưỡi dành cho người ngọng điếc vẫn là những điều hết sức cần thiết cho mỗi người chúng ta. Xin Chúa Chúa mở tai, và thánh hóa môi miệng chúng ta để chúng ta biết nghe Lời Chúa dạy, tránh nghe những xầm xì, bàn tán, buôn chuyện, và chỉ nói những điều cần thiết mang lại lợi ích cho anh chị em mình mà thôi. Amen.
Chú thích:
[1] R.T. France, The Gospel of Mark: a commentary on the Greek text (New International Greek Testament Commentary; Grand Rapids 2002) 303-304.
[2] Nước bọt chính là phương thuốc dân gian rất phổ biến trong thời cổ đại, thậm chí còn được đánh giả cao bởi các thầy thuốc chuyên nghiệp (J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AncB; New Haven – London 2008) XXVII, 472.
[4] Cụm từ này âm vang Tin Mừng của buổi sáng thế (St 1,31), nơi đó Đức Chúa cũng thấy rằng tất cả những công trình Ngài đã sáng tạo, là rất tốt đẹp. Điều này hàm ý rằng Chúa Giê-su đang thực hiện một cuộc sáng tạo mới ngay trên vùng đất dân ngoại (x. J. Marcus, Mark 1–8, 478).
HÃY MỞ RA (Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)
Hiểu biết Lời Chúa và bối cảnh Tin Mừng
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã được Thiên Chúa sai đi khuyên dạy và loan báo cho dân chúng về thời báo phúc sắp tới. Khi thời đó đến, mắt người mù sẽ mở ra, người điếc được nghe, người câm nói được, người què sẽ nhảy nhót như nai. Quả thật, thời đó đã hiện thực khi Chúa Giêsu đem thời báo phúc đến và thực hiện những gì ngôn sứ Isaia đã tiên báo.
Câm điếc thể xác là một đau đớn khốn khổ cho con người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Máccô kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Chúa đã nhìn thấy cảnh khốn cùng của người câm và điếc; họ được sinh ra như bao con người khác nhưng họ không được may mắn như những người khác. Trong văn hóa Do Thái, những người bệnh được xem như là người bị chúc dữ, là kẻ tội lỗi. Vì thế, họ bị mọi người đối xử tệ bạc, xua trừ và đẩy ra bên lề xã hội. Họ là hiện thân của những người nghèo.
Nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của con người. Ai nghe không được hoặc nghe không rõ thì hiểu không đúng ý người khác và có thể dẫn đến hiểu lầm và làm sai, dẫn tới sự mặc cảm và lùi vào sự cô lập và cô đơn. Bên cạnh đó, nói là khả năng giúp con người giao tiếp; người ngọng cũng làm cho người khác không hiểu mình, hoặc mình diễn tả nhưng người khác không hiểu thì cảm thấy đau khổ. Vì thế, Chúa luôn chạnh lòng thương và luôn mở lòng ra đối với những con ngưới bất hạnh có hoàn cảnh tương tự. Chúa đến để giải thoát họ khỏi những trói buộc của bệnh tật, trói buộc của xã hội, trói buộc của luật lệ giáo điều khắt khe, trói buộc của thế lực sự dữ và trói buộc của tội lỗi.
Bối cảnh trong Tin Mừng hôm nay diễn ra giữa miền Thập Tỉnh, nghĩa là giữa miền đất của dân ngoại, có dân Do Thái và dân ngoại lẫn lộn. Bệnh nhân là một người dân ngoại vừa câm vừa ngọng. Theo y học thì điếc và ngọng thường đi đôi với nhau vì cơ quan thính giác và thanh quản có liên hệ với nhau. Điếc và ngọng tức là mất khả năng giao tiếp với người khác. Người khác nói thì họ không nghe, họ nói thì người ta không hiểu.
Phương pháp mà Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh chàng vừa điếc vừa ngọng này cũng khá lạ thường và hiếm gặp trong Tin Mừng: Đức Giêsu đã đặt ngón tay vào tai anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh rồi ngước mắt lên trời mà nói Éphatha, hãy mở ra (Mc 7,34). Hành động đặt ngón tay vào tai, vì anh ta không thể nghe được nên Chúa phải dùng cử chỉ và hành động thay vì lời nói. Cũng vậy, cử chỉ bôi nước miếng vào lưỡi là một hành động chữa bệnh của một vị lương y, đụng chạm trực tiếp đến bệnh nhân và chữa theo phương pháp của thầy thuốc. Tuy nhiên, người bệnh nhân khỏi bệnh lại do sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu kéo riêng người bệnh ra một chỗ và sau khi chữa lành anh thì cấm những người chứng kiến loan tin về việc này. Vì Chúa Giêsu đang ở trong vùng dân ngoại, Ngài chưa muốn thể hiện công việc của Ngài là một Đấng Thiên Sai, có nghĩa là chưa dám hoạt động công khai, mà chỉ muốn thể hiện việc chữa lành của Ngài như một thầy thuốc, thầy lang, đế tránh sự hiếu kỳ của dân chúng.
Hướng mục vụ và áp dụng cuộc sống
Việc Chúa Giêsu chữa cho một người điếc và ngọng trong Tin Mừng hôm nay không chỉ cho người đó mà còn cho cả mỗi người chúng ta hôm nay. Nhiều khi chúng ta có đôi tai thính mà không biết lắng nghe, có miệng lưỡi ăn nói lưu loát nhưng không biết nói những điều tốt đẹp và những điều đáng nói. Cho nên chúng ta cũng cần Chúa chữa trị.
Chúa Giêsu ngước mắt lên trời thở ra và nói Éphatha, hãy mở ra. Chúa Giêsu còn tiếp tục thở ra, than phiền, động lòng và thương cảm nếu chúng ta không biết mở ra chính mình, mở tai để nghe người khác, mở lòng để đón nhận anh chị em, mở đôi tay để chia sẻ với người nghèo, mở đôi chân để đi đến với những người thất vọng trong cuộc sống.
Trong nhà thờ, người Kitô hữu phải biết mở tai, mở lòng để lắng nghe Lời Chúa, để hiểu ý Chúa muốn nói với chúng ta. Ngoài xã hội, trong gia đình, trong công sở và trong trường học chúng ta cũng phải tập nói và lắng nghe nhau trong cuộc sống. Hãy tập lắng nghe tiếng nói của những tâm hồn cô đơn, người phiền muộn, kẻ âu lo, người nghèo đói. Hơn nữa, nghe và nói là hai phương tiện truyền thông đi đôi với nhau. Con người trong xã hội phải biết giao tiếp tốt qua việc nghe và nói, trao đổi và đối thoại. Câm điếc là thái độ của người khép kín trong chính mình, tự cô lập không chịu mở ra với người khác, không chịu trao đổi và đối thoại nên thường cố chấp, bảo thủ và chủ quan. Về mặt thiêng liêng, nhiều khi chúng ta cũng điếc và ngọng, vì tai tâm hồn chúng ta chưa hiểu biết và lắng nghe Lời Chúa cũng như chưa lắng nghe nhau. Và miệng lưỡi chúng ta cũng chưa ca tụng Chúa cho xứng. Xin Chúa mở tai và miệng tâm hồn chúng ta.
Việc lắng nghe và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta nhớ lại nghi thức Thanh Tẩy khi vị linh mục hoặc phó tế sờ vào tai và miệng của người được rửa tội và nói: “Chúa Giêsu đã làm cho người điếc nghe được, người câm nói được. Xin Người cũng sờ vào tai con để con đón nhận Lời Người và sờ vào miệng con để con tuyên xưng đức tin vào Người, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta”. Hơn nữa, qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần mở tai để lắng nghe tiếng Chúa và nghe tiếng anh chị em, tiếng lương tâm và tiếng lòng; được mở lưỡi để ca tụng Chúa, để nói lời tốt đẹp yêu thương với anh chị em đồng loại; được mở mắt đức tin để hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, nhìn thấy ơn Chúa và nhìn thấy anh chị em. Từ đó chúng ta sẽ yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em hơn.
Qua phép lạ mở tai, mở miệng cho người điếc và ngọng này, Chúa Giêsu đã phục hồi thể lý và mang lại niềm hy vọng sức khỏe cho anh ta. Ngoài ra, Ngài còn tỏ cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trên bệnh tật và sự dữ; Ngài đến để giải thóat cho con người khỏi đau khổ của bệnh tật thể lý và tâm hồn. Ngài thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta một bài học là hãy để ơn Chúa và Thánh Thần tháo mở tâm hồn chúng ta để chúng ta được giải thoát khỏi những bệnh tật của thân xác và tinh thần, để chúng ta được tự do mở lòng ra đối với anh chị em bất hạnh bên cạnh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Và chắc chắn chúng ta mở lòng ra với tất cả mọi người không thiên tư, thiên vị trong tình thương và phục vụ. Như Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai đã khuyên dạy chúng ta: “Đã tin vào Đức Giêsu thì đừng đối xử thiên tư. Vì Chúa đã yêu thích và chọn những con người nghèo khó và bé nhỏ để họ trở nên giàu đức tin mà thừa hưởng Vương Quốc” (Gc 2,5).
Khi sờ vào tai và miệng của người bệnh, Chúa Giêsu cũng sờ vào chính tâm hồn anh ta, và anh ta được mở lòng ra để đón nhận Ngài và hòa nhập với cộng đồng. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin và khi miệng lưỡi chúng ta đụng chạm tới Mình Máu Thánh Chúa là Chúa đã đụng chạm tới tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta mở lòng ra với mọi người. Xin cho trái tim chúng ta luôn luôn mở rộng để hòa vào nhịp đập yêu thương của Chúa và của anh chị em đồng loại, nhất là những con người bất hạnh, bệnh tật thể lý và tinh thần xung quanh chúng ta. Éphatha hãy mở ra!