LỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 23 TN-B)

0
40

Bài đọc 1: Is 35,4-7a; Bài đọc 2: Gc 2,1-5

Tin Mừng: Mc 7,31-37

Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi  qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


Suy niệm

CÂM ĐIẾC THIÊNG LIÊNG (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)

 

Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đó là quy luật tất yếu của phận người, nó  cho  thấy con người là hữu hạn và cuộc đời này không phải là vĩnh cửu. Ý nghĩa cuộc sống không đo bằng thời gian người ta sống được bao lâu, nhưng được thẩm định bởi cách mà người ta yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Hình ảnh người ta đưa một người câm điếc đến với Đức Giêsu, để xin Người đặt tay trên anh ta trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta thấy chính nhờ tình yêu thương, quan tâm và lòng tin của những người khác đã giúp cho người bệnh được an ủi và được chữa lành. Điều đó giúp chúng ta thấy rằng niềm tin vào Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc chỉ lo nghĩ cho ơn cứu độ riêng mình, nhưng lòng tin đó còn cần phải hướng tới việc giúp đỡ những người xung quanh để họ cũng được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính thánh Phaolô cũng đã khuyên: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1).

Nhìn vào cuộc sống, ta thấy bệnh câm điếc là một trong những căn bệnh mà làm cho người bệnh phải đau khổ nhiều vì họ không nghe được những lời tốt đẹp và cũng không thể nói được những lời yêu thương. Nhưng có một sự câm điệc đáng sợ hơn đó là “câm điếc” về thiêng liêng, người mắc bệnh này không nghe được tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của Chúa và không biết nói những lời yêu thương đối với nhau. Lối sống vô cảm là một trong những nguyên nhân làm cho con người bị “câm điếc” về thiêng liêng. Vô cảm làm cho con người không thể nghe được những khổ đau của tha nhân, không nghe được tiếng Chúa nói với họ qua những mảnh đời bất hạnh. Họ cũng không nói được những lời tha thứ, yêu thương đối với những người xung quanh, và không biết cất lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy biết quan tâm yêu thương, nâng đỡ nhau, không chỉ trong đời sống hằng ngày, nhưng còn trong đời sống đức tin. Amen.

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 23 TN)