LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 7 Phục Sinh)

0
747

Tin Mừng: Ga 21,15-19

15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?”

Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”

19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”


 

Suy niệm

YÊU MẾN (Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD)

Tình yêu vốn là bản năng rất tự nhiên của con người. Sau  khi  Đức  Giêsu sống lại, Người tỏ mình ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêria, và Người đã hỏi ông Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông liền trả lời:“Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Ông Phêrô đã mang trong trái tim một “chữ tình” với Đức Giêsu. Ông đã mến Thầy Giêsu từ lâu, nhưng nay, nhờ câu hỏi “con có yêu mến Thầy không?”, ông lập tức bày tỏ lòng yêu mến Thầy mình cách mạnh mẽ: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Khi diễn tả về tình yêu, người ta thường nói “yêu thì khổ”, dù được cảnh báo yêu thì khổ như một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng ông Phêrô dám chấp nhận khổ để được yêu Chúa. Tình yêu mà ông Phêrô dành cho Đức Giêsu không chỉ trong giới hạn của con người Đức Giêsu mà còn trải rộng đến sứ vụ của Ngài. Ta có thể thấy hình ảnh ông Phêrô yêu mến Chúa bằng cách ông đã can đảm bước “theo Thầy” mình, nghĩa là theo con đường Chúa đã đi, là thập giá và sự hy sinh hiến mạng sống mình vì sứ vụ Tin Mừng. Nhờ đó, ông Phêrô đã được hưởng hạnh phúc Nước Trời, là giá trị lớn lao nhất của đời sống con người.

Mỗi Kitô hữu theo Chúa Giêsu đều được mời gọi bước vào cuộc sống tình yêu như ông Phêrô, ta đều có chung một câu hỏi của Đức Giêsu “con có yêu mến Thầy không?”, nhưng để trả lời cho câu hỏi ấy lại tuỳ thuộc vào sự tự do chọn lựa bởi lý trí và ý chí của mỗi người.

Lạy Chúa, tình yêu vốn là bản năng rất tự nhiên của con người do Chúa thương ban. Nhờ tình yêu tự nhiên ấy, chúng con được Chúa muốn mời gọi tiến sâu hơn đến một tình yêu siêu nhiên là chính Chúa hay Nước Trời. Xin cho chúng con ý thức rằng, mình là con cái Chúa để biết sống xứng đáng với tình yêu mà Chúa mời gọi. Amen.


 

LÒNG MẾN TRÊN HẾT (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TIẾNG GỌI TÌNH YÊU (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)

Từ cổ chí kim, tình yêu là chủ đề làm hao mòn biết bao giấy mực cho nhân loại. Yêu và được yêu vẫn là những mối bận tâm không của riêng ai. Có nhà văn đã từng viết: “Tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng một người nói yêu một người”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hỏi thánh Phêrô tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Một câu hỏi như để xác tín lại mối liên kết giữa con người Phêrô này với chính Đức Giêsu. Sau những lần vấp ngã trên chặng đường đi theo Chúa, thánh Phêrô đã dần cảm nghiệm được con người yếu đuối của mình. Để từ đó, thánh Phêrô cũng đáp lại rằng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Dẫu biết, con người mình yêu đuối, dễ sa ngã nhưng thánh Phêrô vẫn can đảm xác tín vào tình yêu với Đức Giêsu.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang đặt câu hỏi cho chính mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?” Con có yêu mến thầy hơn những điều khác không? Một câu hỏi tưởng chừng như dễ dàng để trả lời nhưng lại có sức nặng thật ghê gớm. Yêu đâu chỉ là yêu nơi đầu môi chót lưỡi nhưng là dám sống và dám chết cho tình yêu đó. Trong một xã hội phức tạp như hôm nay, chúng ta phải đối diện với vô vàn những sức hút đầy mãnh liệt của thế gian: danh vọng, địa vị, tiền bạc,… Với những mãnh lực như thế, chúng ta thật không dễ dàng gì để đáp lại câu hỏi của Chúa. Tuy nhiên, giống như thánh Phêrô, chúng ta hãy khiêm nhường và can đảm để thân thưa với Chúa rằng: “Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ phận người yếu đuối của chúng con. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con can đảm đáp lại tiếng gọi tình yêu của Chúa, lạy Chúa chúng con yêu mến Chúa. Amen.


 

LÒNG MẾN VỊ MỤC TỬ (Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD)

Trước khi Ngài trao một nhiệm vụ cao cả chăn dắt đoàn chiên của Chúa, Chúa Giêsu đã hỏi ông Phêrô đến ba lần “Anh có yêu mến Thầy không?” Một câu hỏi nhằm thẩm định lại lòng yêu mến và sự trung thành của ông Phêrô đối với Thiên Chúa. Phải chăng lòng yêu mến và sự trung thành là hai điều tiên quyết cần phải có khi làm thủ lãnh của Giáo Hội?

Kinh Thánh khẳng định rằng, giới răn trọng nhất là yêu thương: “yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình” (x. Mt 22, 37-39). Chỉ tình yêu mới phản ánh lên tước vị người làm đầu trong Giáo Hội. Hơn thế nữa, Giáo Hội được thiết lập bởi Đức Giêsu Kitô, Ngài chính là tình yêu. Cho nên, người làm đầu phải có lòng yêu mến và sự trung thành, ng- hĩa là mọi tư tưởng, lời nói, hành động và tâm tưởng vị ấy đều diễn tả lòng mến yêu dành trọn vẹn cho Chúa và cho đoàn chiên của Ngài. Quả vậy, chỉ khi những người làm đầu trong Giáo Hội chịu để cho Chúa tác động, uốn nắn và hướng dẫn thì họ mới có đủ sự khôn ngoan, dư đầy năng lượng, đủ sự quảng đại, giàu lòng mến, đức tin, và trở nên mạnh mẽ hơn trong mọi lời giáo huấn cũng như những quyết định của mình. Cách khác, nhờ luôn gắn kết với Chúa trong tình yêu và lòng trung thành, người làm đầu sẽ nhiệt tâm, can đảm, hy sinh tất cả, trao ban tất cả cho đoàn chiên vì công nghiệp cứu độ của Thiên Chúa.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng đang hỏi đích danh từng người Kitô hữu trong chúng ta rằng: bạn có yêu mến thầy không và bạn tỏ hiện lòng mến như thế nào?

Lạy Chúa, xin ban đức tin và lòng mến trên các vị đứng đầu trong Giáo Hội để các ngài có đủ lòng trung thành với Chúa và yêu mến đoàn chiên trong sự hy sinh như Chúa đã làm khi còn ở với các môn đệ. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 7 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 7 Phục Sinh)