Tin Mừng: Ga 17,20-26
20Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.
26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Suy niệm
ƠN HIỆP NHẤT (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD)
Hiệp nhất thì hoàn toàn khác biệt với sự đồng bộ. Đồng bộ là ai cũng giống ai; suy nghĩ, hành động của tôi phải là của người khác, chứ anh chị không được phép nghĩ khác, nói khác và hành động khác với tôi. Một thứ đồng bộ như thế chỉ đưa đến sự độc tài, mà sự độc tài thì đưa đến hận thù, đố kỵ, đau khổ, và chết chóc.
Chúa Giêsu không xin cho các môn đệ được nên đồng bộ với nhau, nhưng Ngài xin cho họ được hiệp nhất với nhau. Nghĩa là các môn đệ dù mỗi người mỗi tính mỗi nết, mỗi người mỗi hiểu biết và hành động khác nhau, nhưng họ vẫn có thể đón nhận nhau trong tình yêu và sự hiến mình. Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho các môn đệ được ơn hiệp nhất trong đa dạng, chứ không xin cho họ được hiệp nhất trong sự đồng bộ.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để tình yêu hiệp nhất giữa các môn đệ với nhau, giữa các môn đệ với Chúa Giêsu như tình yêu hiệp nhất nên một giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi tự hỏi, chúng ta đã lấy tình yêu làm căn cốt để đưa ra những ý kiến, nhận định của mình hay chưa? Và khi đưa ra ý kiến, nhận định, chúng ta đã thực sự tôn trọng những ý kiến hay phán quyết của người khác chưa, hay chúng ta đang phán xét theo cảm tính, thiên kiến, lập trường riêng của mình và bắt người khác cũng phải có cùng lập trường với mình? Ơn hiệp nhất là khi chúng ta biết từ bỏ cái riêng, định kiến riêng để sống và vì người khác.
Lạy Chúa, ơn hiệp nhất như Chúa mời gọi không dễ dàng nếu chúng con luôn để cho cái tôi của mình làm chủ, mà không để Chúa đồng hành và hướng dẫn chúng con trong từng giây phút của ngày sống. Xin cho chúng con biết xây dựng ơn hiệp nhất. Xin hãy đổi mới con bằng sức mạnh của Thần Khí để con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất. Amen.
HIỆP NHẤT NÊN MỘT (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Thuyên, SVD)
Mẹ Giáo Hội vẫn hằng kêu gọi con cái mình “Hiệp nhất nên một” trong tình yêu của Thiên Chúa. Lời kêu gọi ấy không chỉ nhắm đến những người đã tin, mà còn dành cho hết những ai chưa tin. Để nhờ tin mà họ được nên một và hưởng nguồn ân sủng từ tình yêu của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay được thánh Gioan thuật lại những lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu thân thưa với Thiên Chúa Cha. “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” (Ga 17, 20-21). Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho những người Ngài quen biết đang đi theo Ngài, hay chỉ giành cho dân riêng được chọn, nhưng còn giành cho tất cả những ai, nhờ lòng tin và lòng khao khát mà được trở nên một trong tình yêu. Như thế, sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người chính là nối lại mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và con người mà xưa kia tổ tông đã đánh mất vì tội. Ngang qua Chúa Giêsu, hết thảy mọi người liên kết với nhau trong sự hiệp nhất nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngày nay, Kitô hữu được mời gọi tiếp nối sứ mạng rao giảng Lời Chúa, làm chứng nhân sự hiệp nhất cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những hiềm khích, bất hòa chia rẽ và trên hết là cái tôi cá nhân là những rào cản cho việc hiệp nhất gặp không ít khó khăn. Để rồi, chúng ta ý thức cần thay đổi những điều chưa tốt từ trong tư tưởng cũng như việc làm, để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện ngang qua đời sống của chúng ta trong tinh thần hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Chúa, tình yêu thương là chất keo gắn kết mọi người “Nên Một”. Xin ban Thần Khí giúp chúng con luôn biết can đảm gạt bỏ những hiểu lầm, đố kị, ghen ghét để sống và loan truyền tình yêu của Chúa, nhờ đó chúng con nối kết mọi người “Nên Một” trong tình yêu của Người. Amen
GIẤC MƠ HIỆP NHẤT (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
THUỘC VỀ (Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD)
Là con người ai cũng muốn mình thuộc về một gia đình, cộng đoàn hay một tôn giáo. Bởi sự thuộc về sẽ nói lên giá trị và nhân vị của con người, đồng thời giúp con người biết mình là ai và thuộc về đâu. Trong đời sống đức tin cũng vậy, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: mình thuộc về Thiên Chúa, hay thuộc về thế gian, thuộc về ai khác?
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện không chỉ cho các môn đệ nhưng Người còn cầu nguyện cho tất cả những người tin vào Người, những người thuộc về gia đình đức tin. Với lời thân thưa với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con” (Ga 17, 20). Người còn tiếp: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta là một” và “để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (x. Ga 17).
Như thế, nhờ tin vào Đức Giêsu, con người được trở nên con cái của Thiên Chúa, được hợp nhất trong tình yêu của Người, được hưởng vinh quang của Người và thuộc về Người. Còn những người không thuộc về gia đình Thiên Chúa đó là những người đã được nghe rao giảng mà không tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian. Họ là những người khước từ tình yêu của Thiên Chúa và vinh quang của Người, để chọn thế gian và để thuộc về thế gian, mà “thế gian đã không nhận biết Người”.
Lạy Chúa Giêsu! chúng con cảm ơn Chúa vì đã cho chúng con nhận biết Chúa, nhờ đó chúng con thuộc về gia đình của Chúa. Xin Chúa cũng thương ban cho những người chưa có niềm tin cũng sớm nhận biết Chúa qua sự rao giảng và làm chứng của chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
CẦU NGUYỆN (♦ Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD)
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong buổi tiếp kiến chung với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tại thánh đường Phaolô VI đã nói: “Lời cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng cũng còn là ốc đảo của hòa bình, nơi chúng ta có thể kín múc nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta”.
Thật vậy, với người Kitô hữu, nếu thiếu đi đời sống cầu nguyện là đang tự tách mình ra khỏi mối tương quan với Thiên Chúa, tách mình ra khỏi nguồn sức mạnh thiêng liêng nuôi sống linh hồn, tự cô lập mình. Thiếu đời sống cầu nguyện là thiếu đi đôi chân để tiếp tục bước đi trên con đường thiêng liêng; là thiếu đi đôi cánh để bay về quê hương đích thực… Như vậy, cầu nguyện với người Kitô hữu rất quan trọng và cần thiết.
Đức Giêsu là một mẫu gương cầu nguyện không ngừng: khi bắt đầu đi rao giảng, khi chữa bệnh, khi trừ quỷ, khi làm phép lạ… Ngài đã không bỏ lỡ giây phút nào để cầu nguyện với Chúa Cha. Thế mà, ngày hôm nay, người ta có thể dùng hàng giờ để xem một bộ phim, chơi game, lướt web, café tán gẫu… nhưng lại so đo, keo kẹt khi chỉ dành cho Chúa một vài phút để thưa chuyện, để cầu nguyện hay ngồi thinh lặng với Ngài. Nguyên nhân do đâu? Do con người chưa ý thức được sức mạnh, lợi ích của việc cầu nguyện hay vì những thứ bên ngoài quá hấp dẫn lôi kéo con người dần xa Chúa?
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức được cầu nguyện chính là hơi thở, là cuộc sống của chính mỗi người chúng con, để nhờ đó chúng con biết tận dụng mọi giây phút hằng ngày dù là làm việc, học tập hay làm bất cứ điều gì, chúng con vẫn luôn kết hiệp với Chúa. Amen.