Tin mừng: Lc 7, 11-17
11 Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Naim, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”
14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.
Suy niệm
HÀNH ĐỘNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT (Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD)
Khi diễn tả về lòng thương xót của Thiên Chúa, Vịnh gia viết: “Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý” (Tv 72,14). Lòng thương xót ấy khởi đi từ tình yêu vô điều kiện mà Ngài dành cho con người. Hơn nữa, lòng thương xót ấy đã được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm cho người con trai bà góa thành Nain sống lại. Một câu chuyện trình bày về hành động của lòng thương xót. Xuất phát từ “chạnh lòng thương”, Đức Giêsu “trông thấy”, Người “an ủi”, rồi Người “lại gần” và Người “chữa lành”. Đức Giêsu đã động lòng trước cảnh tượng mẹ góa mất con, cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Những hành động liên tiếp của Đức Giêsu cho thấy sự cảm thấu tuyệt vời của Người dành cho bà goá thành Nain. Người đi sâu vào cuộc đời của bà. Trước hết, Người cảm nhận được nỗi đau cùng tận của bà. Người thấu hiểu rằng bà đang ở trong một tình cảnh vô cùng xót xa. Rồi Người đi một bước xa hơn: hành động. Người tiến lại gần, sờ vào quan tài và truyền cho người thanh niên trỗi dậy. Sau cùng, Người trao anh cho bà. Những hành động ấy diễn tả một tình yêu thấu cảm mà Đức Giêsu dành cho bà góa thành Nain và cho mỗi người chúng ta. Người cũng đi sâu vào cuộc đời của chúng ta. Người cũng cảm nếm những vị đắng cay của cuộc đời chúng ta. Người đến và luôn ở với chúng ta để dìu dắt chúng ta vượt qua muôn ngàn hiểm nguy gian khó. Tình yêu của Người bao trùm tất cả và ôm trọn lấy cuộc đời mỗi chúng ta. Qua bài Tin Mừng, chúng ta được mời gọi nhận ra hành động của lòng thương xót được thể hiện nơi Đức Giêsu. Để khi cảm nhận được tình yêu ấy, chúng ta cũng biết hành động hướng tới tha nhân trong sự thấu cảm hoàn cảnh của họ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã luôn ở kề bên chúng con trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa nâng đỡ và chở che để chúng con vượt qua những thử thách hàng ngày mà sống trung tín với Chúa và làm chứng nhân cho Chúa nữa. Amen.
THẤU CẢM (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)
Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. “Thấu cảm” là gì mà lại hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và nó xảy ra như thế nào? Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá bản chất và giá trị của sự thấu cảm trong cuộc sống, qua việc Đức Giêsu cho con trai bà góa thành Nain sống lại.
Bà goá thành Nain xuất hiện trong khung cảnh “ kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Bà chỉ có đứa con trai duy nhất là niềm hy vọng, lẽ sống và tương lai. Thế mà, bà phải chứng kiến cảnh người con của mình được “người ta khiêng đi chôn” (x. Lc 7,12). Giữa lúc tột đỉnh của sự tuyệt vọng, người góa phụ như “chết lặng”, chẳng nói nên lời. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca đã không đề cập đến lòng tin của bà cũng không thấy nói về việc bà đã từng đi theo hay đã biết về Đức Giêsu. Bà cũng chưa thốt nên lời cầu xin. Thế nhưng, chính Đức Giêsu đã đi bước trước. Ngài đã thấu cảm được nỗi tuyệt vọng của bà, đã ra tay uy quyền và cho con bà sống lại. Ngài đã thắp lại niềm hy vọng cho cuộc sống của bà.
Quả vậy, từ cổ chí kim, những đau buồn, khó khăn,… vẫn luôn bủa vây con người. Lắm khi, chúng ta cảm thấy mất hết tất cả: bị phản bội trong tình yêu, thất bại trong công việc, người thân yêu ly biệt, bệnh tật triền miên,… Dường như, một tương lai không còn niềm hy vọng đang đón đợi. Chúng ta có thể sẽ rơi vào cảnh tuyệt vọng như bà goá trong Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, mỗi người hãy nhớ rằng, trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành. Ngài dõi bước, quan phòng và thấu cảm từng nỗi đau của ta. Nhờ đó, chúng ta nhận được nguồn ủi an và sức mạnh để can đảm lướt thắng những đau khổ trong kiếp nhân sinh.
Lạy Chúa, lắm lúc chúng con cảm thấy chẳng còn gì để hy vọng. Xin Chúa đến và phục hồi tâm hồn chúng con, ban lại cho chúng con niềm vui và hy vọng. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết thấu cảm trước những hoàn cảnh bi đát của tha nhân. Amen.
HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
MỘT THIÊN CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)
Trong bài thơ “Chữ Nhàn”, nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã viết: “Thoắt sinh ra thì đà khóc choé, trần có vui sao chẳng cười khì”? Hai câu thơ này cho chúng ta thấy cuộc đời con người phải đối diện với biết bao đau khổ và không ai tránh được.
Bà góa thành Nain trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Bà phải đối diện với nỗi đau mất mát người thân, là người con trai duy nhất của bà. Hơn thế, bà phải đối diện với tình trạng khó khăn là không còn chồng, con để bảo vệ bà trước pháp luật trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Đau khổ chồng chất đau khổ!
Trong hoàn cảnh cùng cực của cuộc sống ấy, bà góa thành Nain đã không ngừng khóc, khóc thương cho đứa con xấu số của mình, khóc thương cho hoàn cảnh bi đát của chính bản thân. Đứng trước hoàn cảnh này, Chúa Giêsu đã không khỏi cảm xúc và thổn thức. Ngài đã động lòng trắc ẩn và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,13). Sau đó, Ngài đã làm phép lạ cho con bà được hồi sinh (x. Lc 7,14).
Chúa không chỉ đau lòng và thổn thức trước hoàn cảnh của bà góa thành Nain mà thôi. Ngài còn chạnh lòng thương cho số phận phải chết của con người chúng ta. Ngài muốn mọi người sống lại, sống cuộc sống vĩnh cửu. Ngài muốn lau sạch mọi giọt lệ (Kh 21,4). Chính vì thế, dẫu sợ đến nỗi đổ mồ hôi máu, nhưng Chúa Giêsu vẫn quyết thi hành thánh ý Chúa Cha là bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết cách nhục nhã trên thập giá để mang lại ơn cứu độ, mang lại sự sống phục sinh cho những ai đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết rằng, trong thân phận con người, khổ đau là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nguyện xin Chúa chạnh lòng thương mà ban thêm cho chúng con muôn ơn lành cần thiết để chúng con can đảm đối diện với những khó khăn, thử thách và đau khổ trong niềm tin tưởng và hy vọng rằng: Nếu chúng con cùng chết với Chúa, chúng con sẽ cùng sống lại với Ngài. Amen.
XÓT THƯƠNG VÀ HÀNH ĐỘNG (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD)
Tin Mừng hôm nay tường thuật câu chuyện cảm động về việc Chúa Giêsu cho con trai duy nhất của bà goá sống lại. Những chi tiết trong bài Tin Mừng cho thấy tình thương luôn đi bước trước của Chúa Giêsu: Người “trông thấy”, “chạnh lòng thương” và “hành động”.
Trước hết, giữa đám đông đang đưa một người chết đi chôn, Chúa Giêsu “trông thấy” hoàn cảnh của bà goá. Chúa thấy nỗi đau to lớn của bà khi mất đi đứa con trai độc nhất, vì anh là chỗ dựa duy nhất còn lại của bà. Chúa hiểu rằng bà goá không chỉ đau nỗi đau mất con, mà còn đau hơn khi phải sống cô đơn, lạc lõng, thua thiệt và không chỗ nương tựa.
Hơn nữa, khi “trông thấy” hoàn cảnh của bà goá, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương”. Chúa thương và xót xa cho cảnh đời cay nghiệt của bà. Chúa đau với nỗi đau cùng cực của bà; Chúa cảm thông sâu xa với nỗi mất mát to lớn của bà. Lòng Chúa xót thương cho cảnh chia lìa đớn đau của mẹ khi mất đứa con duy nhất.
Sau cùng, Chúa ra tay “hành động”: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Khi cho người thanh niên sống lại, Chúa biến lòng thương cảm thành hành động cụ thể và thiết thực. Hành động của Chúa xoa dịu nỗi đau mất mát và mang lại niềm vui đoàn tụ cho hai mẹ con bà goá.
Biết bao lần ta đã “nhìn” mà như “không thấy” cảnh khốn cùng của biết bao người trong xã hội hôm nay. Biết bao lần ta đã tỏ ra thương cảm suông với nỗi đau của khác mà không đưa tay ra với họ. Có lắm lúc ta nói lời thật hay mà chỉ toàn là lý thuyết suông.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy nỗi thống khổ của bao người, biết chạnh lòng thương và đưa tay giúp đỡ.