LỜI SỐNG (Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm C)

0
248

Tin mừng:  Lc 3, 15-16. 21-22

15 Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”,

16 Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”.

21 Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

—– o0o —–

SUY NIỆM

KHIÊM HẠ (Tu sĩ Phêrô Phùng Mai Duẩn, SVD)

Bí tích Rửa Tội là cánh cửa để cho một con người trở thành Kitô hữu. Khi bước qua cánh cửa đó, chúng ta được xóa bỏ tội nguyên tổ cũng như các tội riêng đã phạm để khoác lên mình chiếc áo trắng tinh tuyền của Đức Kitô. Qua Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mời gọi mỗi người sống khiêm hạ, nhìn nhận mình là tội nhân để chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trình thuật Tin Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay biểu lộ cho chúng ta hai mẫu gương của sự khiêm hạ: Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Một người là vị ngôn sứ vĩ đại được Thiên Chúa gửi đến và một người là Đấng Cứu Thế đến xóa bỏ tội trần gian. Một người là phàm nhân cao trọng nhất (x. Lc 7,28) và một người là Con yêu dấu của Thiên Chúa (x. Lc 3,22). Thế mà, vị ngôn sứ vĩ đại và là phàm nhân cao trọng nhất đó chỉ dám nhìn nhận mình là “kẻ dọn đường” và không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa (x. Lc 3,16); còn Đấng Cứu Thế và là Con yêu dấu của Chúa Cha lại đến như một phàm nhân để chịu phép rửa. Bởi đó, chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội phải biết noi theo hai gương mẫu tuyệt vời này mà sống một cuộc đời khiêm hạ. Thế nhưng, với một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, con người dường như đánh mất cảm thức sống khiêm hạ. Quả thực, những phát minh vĩ đại đã giúp nền văn minh nhân loại phát triển từng ngày. Nhưng đó lại là nguyên nhân làm mờ đi đôi mắt đức tin của nhân loại. Con người với sự tự cao, tự đại của mình không còn nhận ra sự giúp sức và ân sủng của Thiên Chúa trao ban trên cuộc đời mình. Để rồi, con người đang dần bài trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Bởi thế, sống khiêm hạ là tư trang cần có đối với mỗi Kitô hữu chúng ta giữa một thế giới đầy dẫy sự cao ngạo và vô ơn.

Lạy Chúa, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng con được làm con cái Chúa. Xin cho chúng con không vì thế mà sống một cuộc đời kiêu ngạo, nhưng là biết sống khiêm hạ theo mẫu gương của Chúa Kitô. Amen.


 

TRỜI MỞ RA… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LỜI CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU (Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Lời chứng là một điều quan trọng và cần thiết để giúp cho người nghe thấu tỏ và tin theo. Bởi thế, người càng có uy

tín và có tầm ảnh hưởng lớn thì lời chứng của họ càng trở nên cần thiết và có giá trị đối với người nghe. Phân đoạn Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về hai lời chứng: lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả và lời chứng của Chúa Cha về Đức Giêsu.

Khung cảnh của trình thuật Tin Mừng cho các độc giả và những người nghe thấy rằng dân chúng đang sống trong tâm trạng khát khao, mong mỏi và chờ đợi Đấng Mêsia và họ cứ ngỡ ông Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêsia đã đến (x. Lc 3,15). Thấu hiểu được tâm tưởng của dân chúng, ông Gioan đã mạnh dạn gióng lên lời chứng của mình nhằm xua tan sự nhầm lẫn của họ, đồng thời làm chứng cho Đức Giêsu: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Gioan đã vượt thắng cơn cám dỗ nổi danh và tầm ảnh hưởng của bản thân để khiêm nhường quên mình làm chứng cho Đức Giêsu. Và đó là lời chứng thật. Lời chứng ấy càng được xác thực và mạnh thế hơn khi vọng lên từ trời cao lời chứng của Chúa Cha trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22b). Đây là lời chứng rõ ràng và mạnh mẽ nhất từ Chúa Cha dành cho Đức Giêsu, Con của Người.

Mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi để trở nên lời chứng cho Chúa Giêsu giữa lòng nhân thế. Muốn làm chứng cho Ngài, chúng ta phải xác tín Ngài là ai và Ngài đến từ đâu, đồng thời cũng phải mặc lấy tâm tình khiêm hạ, quên mình như ông Gioan Tẩy Giả là mình phải nhỏ lại để cho Đấng phải đến được lớn lên.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, con người và đời sống của chúng con là lời chứng sống động nhất để minh chứng về tình yêu và sự hiện diện của Chúa cho người khác. Amen.

Bài trướcTINH THẦN SỨ VỤ CỦA THÁNH GIUSE FREINADEMETZ
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 1 TN)