LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 33 TN)

0
389

Tin mừng: Lc 20, 27-40

27 Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, 28 đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. 29 Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. 31 Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. 32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. 33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ ?”

34 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. 37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. 38 Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.

39 Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. 40 Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

—oOo—

Suy niệm:

QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC (Tu sĩ Phêrô Maria Trần Văn Diệm, SVD)

Sinh ra trên cõi trần, ai cũng có một quê hương để yêu, để gắn bó, và là nơi chốn để quay về. Với niềm tin Công Giáo, chúng ta cũng được mời gọi hướng về quê hương vĩnh cửu trên trời, nơi chúng ta sẽ trở về sau cuộc sống ngắn ngủi, tạm bợ ở trần gian. Thánh Augustinô đã không ngần ngại nói lên niềm xác tín của mình: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về cuộc sống mai sau. Cuộc sống đó không phải ở thế gian, không còn phụ thuộc vào vật chất, nhưng sống trong niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa hằng sống và con người là hoạ ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa. Trước sự chất vấn có tính gài bẫy của nhóm Xađốc, những người chủ trương không tin vào sự sống đời sau, nên Chúa Giêsu đã trả lời một cách rõ ràng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, còn những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20,34-35).

Người Kitô hữu luôn luôn xác tín: chết không phải là hết, nhưng là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại để ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, nơi đó con người không bao giờ phải chết nữa. Tin vào sự sống vĩnh cửu giúp con người biết đón nhận và vượt qua trước những thách đố và khổ đau trên cuộc đời này. Tất cả rồi sẽ qua, chỉ còn tình yêu, niềm vui, bình an trên quê trời tồn tại mãi. Vì thế, dù phải đối diện với biết bao lo toan, những mệt nhọc vất vả của kiếp nhân sinh, chúng ta vẫn vững vàng tiến bước và luôn hướng về cõi sống vĩnh hằng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tin rằng: chết không phải là hết, nhưng bước vào sự sống mới. Sự sống đó là hạnh phúc tuyệt đối, là nơi cư ngụ vĩnh viễn trên quê trời. Amen.


 

TÔI TIN SỰ SỐNG LẠI (Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Khi đọc Kinh Tin Kính, người Kitô hữu hằng tuyên tín rằng, “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Quả thật, tin vào sự sống lại và hưởng phúc đời đời là nền tảng đức tin của người Kitô hữu. Nhờ vào niềm tin đó, họ xác định được đâu là cùng đích của cuộc đời.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đề cập đến những lời chất vấn của nhóm Sađốc dành cho Chúa Giêsu về “sự sống lại của thân xác”. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, nhóm này chủ trương không tin có sự sống lại, cũng chẳng tin có cuộc sống đời sau. Đối với họ, chết là dấu chấm hết cho một cuộc đời. Dựa vào luật Do Thái, họ dựng nên một câu chuyện, nhằm chế giễu Chúa Giêsu: “có bảy anh em cùng lấy một người đàn bà. Sau cùng tất cả đều chết nhưng không để lại người con nào”. Vậy “khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai?”. Đứng trước câu hỏi mang tính gài bẫy, Chúa Giêsu vẫn cương quyết khẳng định: “Có sự sống lại”. Tuy nhiên, Người không giải thích rõ sự sống lại đó thế nào, mà chỉ nói “người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng… Họ giống như các thiên thần…”.

Thật vậy, sự sống lại của người Kitô hữu không phải là cuộc sống “dương sao âm vậy” như người Pharisêu vẫn tin. Chúa Giêsu mạc khải về những người được sống lại “họ giống như các thiên thần”. Nghĩa là, họ được thần thiêng hóa, trở thành loài bất tử, để phụng sự và hằng chầu trước nhan Thiên Chúa. Tin vào sự sống đời sau giúp con người ý thức hoàn thiện bản thân mỗi ngày theo Lời Chúa dạy, sống tốt đạo đẹp đời ngang qua đời sống công bình, bác ái và yêu thương.

Lạy Chúa, chúng con tin sự sống lại và có sự sống đời sau. Tuy nhiên, niềm tin ấy còn quá mong manh và yếu kém, khiến chúng con bị chao đảo, bị phong hóa bởi những đam mê trần tục. Xin Chúa củng cố đức tin để chúng con xác tín mạnh hơn vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau trong Nước Chúa. Amen.

 


 

MÓN QUÀ SỰ SỐNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


KẺ CHẾT SỐNG LẠI (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Tin Mừng hôm nay thuật lại một số người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu để hỏi về vấn đề “kẻ chết sống lại”. Nhóm Xađốc không tin có sự sống đời sau, vì Giáo lý trong Bộ Ngũ Thư của họ đã không nói về điều này, cho nên họ cho rằng đó là điều không tưởng.

Chúng ta có thể hiểu “kẻ chết sống lại” nghĩa là sau khi chết, thân xác và linh hồn chúng ta mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và thực sự viên mãn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không trân trọng cuộc sống hiện tại. Nhưng hoàn toàn ngược lại, vì chúng ta biết rằng sự sống, thân xác, và tất cả những gì chúng ta có được, nó đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng. Do đó, chúng ta phải biết trân trọng và bảo toàn nó.

Bài Tin Mừng hôm nay hướng chúng ta đến cuộc sống mai hậu bằng chính cuộc sống hiện tại của chúng ta. Nói cách khác, chính cung cách sống và cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống hiện tại và nhờ lòng thương xót của Chúa sẽ định đoạt số phận tương lai của chúng ta: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời.

Biết là vậy, thế nhưng, chúng ta đang sống trong một xã hội với biết bao là cám dỗ khiến chúng ta chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại mà quên đi cuộc sống mai hậu. Hiện nay, chủ nghĩa hưởng thụ dẫn dụ chúng ta sống tận hưởng những lạc thú bản năng; chủ nghĩa cá nhân ràng ép chúng ta sống chỉ cho mình và chỉ vì mình mà thôi; chủ nghĩa tự do lèo lái con người hãy sống và làm những gì mình muốn và thích; chủ nghĩa vô thần đầu độc con người không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Hệ quả của những chủ nghĩa này khiến con người trở nên sống ích kỷ, buông thả, dễ sa lầy tội lỗi và chối từ Thiên Chúa. Chính những hệ quả này ngăn cản, hủy hoại con đường dẫn đến hạnh phúc Nước Trời của chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban ơn và giúp sức cho chúng con để chúng con luôn biết dùng cuộc sống đời này để đạt được và mưu ích cho cuộc sống đời sau của chúng con. Amen.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (Tuần 34 Thường Niên – A)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, Năm A (Mt 25, 31-46)