Tin Mừng: Lc 18,35-43
35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”
42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
—oOo—
Suy niệm
MUỐN ĐƯỢC THẤY (Tu sĩ G. B. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)
Khi được hỏi về điều mong ước, những nhân vật trong các câu chuyện cổ thường xin cho được tiền bạc, của cải, quyền lực… Còn anh mù thành Giêrikhô trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ xin Chúa một điều là: xin nhìn thấy được.
Chẳng biết anh đã phải ở trong tình trạng mù lòa bao lâu, nhưng chắc chắn việc mù lòa đã hành hạ, gây biết bao khốn khổ cho anh. Mù, anh chẳng được thấy những ánh sáng kỳ diệu của vũ trụ phản chiếu lại trên đôi mắt. Mù, anh phải ngồi ăn xin bên vệ đường. Mù, anh phải chịu sự khinh miệt từ đồng loại. Họ xem anh là người tội lỗi, quát nạt anh hãy im lặng chấp nhận chứng mù lòa của mình. Trong đau khổ, anh vẫn luôn ấp ủ hy vọng và mong ước được thấy. Nhìn thấy được là một điều hết sức bình thường với đa số nhân loại, nhưng với anh mù, đó lại là một hồng ân. Khi gặp Đức Giêsu, anh đã can đảm xin được nhìn thấy chứ không phải là bất cứ điều lớn lao nào khác.
Thế giới ngày nay ngập tràn ánh sáng, thế nhưng nhân loại vẫn còn ở trong sự tăm tối của thiếu niềm tin và tình yêu thương. Nhìn thấy là một điều hết sức bình thường nên nhiều người không nhận ra được mình vẫn ở trong sự mù lòa của tội lỗi, của sự hưởng thụ của cải, quyền lực, danh vọng; của sự thiếu vắng đức tin. Vì vậy họ chẳng thèm muốn được thấy, chẳng muốn bước ra khỏi sự tối tăm của tội lỗi. Nhiều người đang muốn gạt ánh sáng của Thiên Chúa ra khỏi tầm mắt. Anh mù thành Giêrikhô mang đến một bài học về tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Nhờ tin, anh không cam chịu số phận mù lòa. Anh dám bước ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt. Nhờ tin, anh mù không những được chữa lành mà còn được thấy và đi theo ánh sáng vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, chúng con vẫn đang phải vật lộn với sự tối tăm của tội lỗi, xin cho chúng con nhờ lòng tin, luôn khao khát được thấy ánh sáng vĩnh cửu là chính Chúa đang dẫn lối cuộc đời chúng con. Amen.
“ĐIỂM MÙ” TRONG CUỘC ĐỜI (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)
Khiếm thị thể lý không ảnh hưởng đến thị giác của tâm hồn, là lời nhận định của thầy Tiago Varandas, một chủng sinh ở Bồ Đào Nha bị mắc chứng bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh. Nỗi đau là thế, nhưng thầy vẫn một lòng bám lấy Chúa. Nhờ đức tin với lời cầu nguyện chân thành, thầy Tiago đã “nghe được” và “thấy được” tiếng Chúa. Cũng vậy, anh mù trong bài Tin Mừng được chữa lành cho sáng mắt, sáng luôn cả cuộc đời, bởi anh biết nài xin và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa (x. Lc 18,35-43).
“Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Lc 18,38). Đây là lời van xin phát ra từ khát vọng được nhìn thấy của anh mù ở thành Giêrikhô. Bởi lẽ, mù thể lý là sự thiệt thòi rất lớn, như người ta thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đôi mắt được sánh như gia tài, giúp cho con người trở nên giàu có và thịnh vượng. Vì thế, mặc cho người ta quát nạt, ngăn cản, anh mù không nản lòng mà vẫn hăng hái tiến về phía trước. Việc lao về phía trước đối với một người bị khiếm khuyết như anh, đồng nghĩa với việc chấp nhận mạo hiểm nhưng lòng đầy phó thác. Thiết nghĩ, chính điều này đã chạm tới trái tim chạnh lòng thương của Đức Giêsu và khơi mở được dòng ân sủng của Người tuôn tràn đến anh.
Quả thật, với niềm tin đặt để nơi Chúa, ta hãy lấy cảnh đời anh mù mà soi vào đời mình, hẳn ta thấy có cái gì đó xót xa và tiếc nuối. Ơn lành Chúa ban thì nhiều, sự lành lặn về thể lý và có cảm thức đức tin, nhưng sao tâm trí cứ mù mờ, còn tâm hồn thì khô khốc, thờ ơ và lãnh đạm. Dẫu biết rằng cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa Giêsu của chúng ta nhiều hơn so với anh mù. Cho nên chúng ta cần nhận ra đâu là “điểm mù” trong cuộc đời, để không ngần ngại nài xin sự chữa lành đến từ tình yêu của lòng Chúa xót thương.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết kêu cầu với Danh Chúa, xin ban cho chúng con một đôi mắt đức tin rực sáng để nhận biết và một tâm hồn bén nhạy để yêu thương. Amen.
ĐỪNG NGĂN CẤM ANH TA! (Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (AG 2). Quả thật rao truyền và chia sẻ niềm vui Tin Mừng chính là sứ vụ trọng tâm của đời sống Kitô hữu chúng ta. Qua việc chữa lành người mù, Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta về sức mạnh của lòng tin, nhưng còn nhắc nhở chúng ta hãy trở nên người trung gian để mang mọi người đến với Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng thuật lại việc một người mù tại Giêricô không thể đến với Đức Giêsu vì bị ngăn cản bởi đám đông dân chúng. Đức Giêsu đã truyền cho mang anh ta đến với Người, nhờ đó anh ta được chữa lành. Ân sủng của Thiên Chúa luôn là ân ban nhưng không. Qua Thập giá, Đức Giêsu trở thành hy tế để mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Vì thế, muôn người đều được kêu gọi đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta đừng như đám đông dân chúng, đừng ngăn cản cơ hội tìm đến với Thiên Chúa của những ai khao khát kiếm tìm Người.
Qua lệnh truyền của Đức Giêsu, chúng ta nhớ đến sứ vụ tông đồ của mình là chứng nhân Tin Mừng, từ đây muôn dân nhận biết được tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội là cộng đoàn mà qua đời sống và hoạt động của mình, làm chứng cho Thiên Chúa. Qua việc đồng hành: vui mừng, hy vọng, ưu sầu và lo lắng của mọi người cũng là của môn đệ Đức Kitô (x. GS 1), hay bằng chính đời sống yêu thương, bác ái và phục vụ, chúng ta mang Đức Kitô đến với mọi người. Ngược lại, một đời sống phản chứng chính là việc cản ngăn mọi người biết đến và tin nhận Thiên Chúa.
Lạy Chúa, trên hành trình cuộc sống với những lo toan vất vả, xin luôn nhắc nhở chúng con về sứ vụ của mình, đó là mang niềm vui Tin Mừng của Ngài đến với muôn dân. Xin thêm sức mạnh, để qua chính đời sống của mình, chúng con có thể là chứng nhân của Ngài giữa thế giới hôm nay. Amen.
NHÌN THẤY (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện kết thúc có hậu khi người mù được nhìn thấy. Tuy vậy, chặng đường anh mù trải qua để được nhìn thấy cũng không thiếu những trắc trở, khó khăn.
Trước hết, anh mù ý thức sự mù loà là nỗi bất hạnh vì phải sống lệ thuộc vào sự bố thí của người qua đường. Anh khát khao cháy bỏng được sáng mắt. Dù không nhìn thấy mọi người qua lại, nhưng anh âm thầm ấp ủ một khát mong được gặp ông Giêsu, Đấng anh đặt trọn niềm hy vọng. Dù chưa được gặp, chưa được nghe Người, nhưng lòng anh đã hướng về Người từ lâu. Mắt anh mù nhưng lòng anh không mù; anh ý thức mình mù nên anh biết để lòng thức tỉnh, nghe ngóng và đợi chờ.
Sau nữa, dù chưa được gặp, anh mù vẫn thể hiện một lòng tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu. Anh không chịu bỏ cuộc khi bị người ta ngăn cản. Anh không khuất phục khi người ta gạt anh ra bên lề vì cho là anh không xứng đáng nhận được sự quan tâm và yêu thương của Chúa Giêsu. Lòng tin của anh đủ mạnh để sẵn sàng vất bỏ cả chiếc áo choàng thiết thân và quý giá nhất của mình (x. Mc 10,50) để mau chạy đến với Đấng là niềm hy vọng của anh. Đối với Chúa Giêsu, chính lòng tin đó là phương thuốc chữa lành sự mù loà của anh (x. Lc 18,42).
Nếu không khao khát gặp Chúa là ánh sáng chân lý thì có mắt cũng như đang mù. Nếu sáng mắt mà không có niềm hy vọng đặt nơi Chúa là Đấng vĩnh cửu thì khác gì đi trong bóng tối của sự mau qua, tạm bợ. Nếu không có niềm tin vào Đấng là ánh sáng, là tình yêu và lẽ sống, thì cuộc đời hẳn tối tăm dường nào! Sáng mắt hay mù loà nằm ở tâm hồn và sự chọn lựa trong từng phút giây cuộc sống.
Lạy Chúa, xin giúp con biết chọn Chúa và đặt trọn niềm tin yêu, hy vọng vào Chúa là ánh sáng của đời con. Amen.