Tin Mừng: Lc 9,1-6
Khi ấy, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
—– o0o —–
Suy niệm
ĐƯỢC SAI ĐI (Tu sĩ Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)
Phân đoạn Lời Chúa hôm nay nằm trong bối cảnh Đức Giêsu qui tụ Nhóm Mười Hai và sai đi. Sai đi có nghĩa là trao cho một sứ mạng để thi hành. Sứ mạng mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ ở đây là rao giảng Nước Thiên Chúa.
Được sai đi rao giảng về Nước Thiên Chúa là một sứ mạng cao cả. Do đó, người được sai đi cần mặc lấy tinh thần sống mà Đức Giêsu mời gọi. Tinh thần của người được sai đi, trước hết vẫn là lời đáp trả mau mắn và dứt khoát trước lời mời gọi của Thầy Giêsu. Hình ảnh Chúa Giêsu mời gọi bốn môn đệ đầu tiên trên bờ hồ Galilêa “các anh hãy theo tôi” là một bằng chứng sống động nhất. Được Đức Giêsu mời gọi, ngay lập tức các môn đệ dứt bước ra đi, không do dự, không tính toán, sẵn sàng bỏ lại tất cả và bước đi theo Người. Thứ đến, người được sai đi cần có đời sống siêu thoát và sẵn sàng buông bỏ tất cả để nhẹ nhàng, thanh thoát bước theo Người. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến những cái “đừng” của người được sai đi: “đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3). Những cái đừng mà Chúa Giêsu mời gọi buông bỏ lại là những nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Tại sao Đức Giêsu lại mời gọi như vậy?
Bởi, cánh đồng truyền giáo thì bao la và sứ mạng rao giảng Tin Mừng thì khẩn thiết, người môn đệ được sai đi không thể toàn tâm, toàn ý để chu toàn sứ mạng nếu lòng vẫn còn dính bén với của cải, vật chất? Nếu người được sai đi không có tinh thần thanh thoát, làm sao có thể bôn ba rày đây mai đó với sứ mạng rao giảng Tin Mừng như Thầy Giêsu? Điều Ngài cần nơi người môn đệ là sống tín thác hoàn toàn vào Chúa vì “không có Thầy, chúng con không thể làm gì được”.
Lạy Chúa, chúng con là những môn đệ được Chúa mời gọi và sai đi, xin giúp chúng con biết sống tinh thần buông bỏ để có được một đời sống thanh thoát, nhẹ nhàng và giản đơn khi thi hành sứ mạng rao giảng Nước Chúa. Amen.
SAI ĐI (Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD)
Sai đi” là một mệnh lệnh và cũng là một sứ vụ. Trong trình thuật Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu qui tụ Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông quyền năng và truyền khiến “các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (x. Lc 9,2). Do đó, ai muốn trở thành môn đệ của Chúa thì luôn phải sẵn sàng và can đảm để được “sai đi”.
Qua Lời Chúa hôm nay, với lời truyền khiến “sai đi” của Thầy Giêsu, các môn đệ đã có đủ “danh chính ngôn thuận” để làm chứng cho Chúa Giêsu ở giữa thế gian. Các ông ra đi, với hành trang tối giản nhất: không tiền, không gậy, không bao bị lương thực và chỉ mang một áo mà thôi. Với hành trang đơn sơ đó, các ông có thể thanh thoát, ung dung và chú tâm cách trọn vẹn cho việc rao giảng về Chúa và các công việc mục vụ nhằm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đó là phương thế thi hành sứ vụ được “sai đi” cách đơn giản, nghèo khó và thanh thoát nhưng đầy tín thác. Họ không cậy dựa vào những hoạt động nổi nang đình đám, vào sức mạnh của đồng tiền, vào uy lực của quyền bính, vào uy thế của khoa học,… Do vậy, các ngài ra đi với lòng can đảm mãnh liệt và một lòng phó thác trọn vẹn không chút hoài nghi vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Từ đó, các ông có đủ tự tin và nhiệt huyết để tìm kiếm con đường tối ưu nhất, ngõ hầu mở cửa tâm hồn cho người ta đón nhận Tin Mừng. Nhờ đó, Tin Mừng có thể được loan báo khắp mọi miền, làng mạc và nhiều người sẽ được cứu độ.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta có thể ý thức được lời mời gọi “sai đi” của Thầy Giêsu dành cho bản thân. Qua đó, mỗi người có đủ tin tưởng và can đảm làm chứng về Tin Mừng, đồng thời quảng đại phục vụ tha nhân giữa thế gian, tuỳ theo khả năng của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được lời truyền khiến “sai đi” của Chúa ngõ hầu chúng con có thể xác tín, phó thác và nhiệt huyết ra đi rao giảng Lời Chúa giữa thế gian cách tốt lành nhất. Amen.
CHỮA LÀNH… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
CHỨNG NHÂN TIN MỪNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)
Cha Thánh Arnold Janssen – Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời đã nói rằng: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.” Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã sai mười hai Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang sai mỗi người chúng ta hãy ra đi rao giảng Tin Mừng. Mặc dù, chúng ta không đi rao giảng giống như các Tông Đồ nhưng chúng ta cũng được mời gọi rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta biết rằng, chỉ riêng tại đất nước chúng ta, tỷ lệ người Công Giáo chỉ chiếm gần 7% trên tổng số dân. Trong số 100 người mà chúng ta gặp gỡ, giao tiếp, làm việc chỉ có 7 người Công giáo mà thôi. Quả là một con số khá khiêm tốn và ít ỏi. Vì thế, sứ mạng rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ thật cần thiết và cấp bách biết bao cho mỗi người chúng ta.
Thời đại hôm nay, rất ít ai phải đổ máu tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng như các bậc tiền nhân ngày xưa nhưng không phải vì thế mà chúng ta không tiếp nối sứ vụ của các Tông Đồ. Chính trong môi trường sống của chúng ta như: trường học, công ty, xí nghiệp, lối xóm, khu phố… Đó cũng là môi trường tốt để ta có thể loan báo Tin Mừng. Chúa đang mời gọi tất cả chúng ta hãy xem những môi trường này là những cánh đồng truyền giáo. Chúng ta hãy ra đi đến với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng với một con tim chân thành, một tấm lòng mở rộng bao dung, một tình yêu không vụ lợi. Để từ những hành động yêu thương đó, họ nhận thấy được hình ảnh của Chúa Giêsu qua chính con người và cách sống của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, hiện nay có rất nhiều người chưa nhận biết Chúa, xin Chúa ban thêm niềm tin, sức mạnh, lửa mến cho chúng con, để từ đó, chúng con dám thưa lên rằng: “Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).