Thường Niên – Tuần XXIII – Năm A

0
360

Chúa Nhật – Ngày 10 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc 1 : Ed 33,7-9

Bài đọc 2 : Rm 13,8-10

Tin Mừng :  Mt 18,15-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

THA THỨ CHO NHAU

Tục ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người không ai là hoàn hảo, không ai là không có lỗi lầm. Một điều cần thiết là con người cần biết sửa sai và hướng đến sự hoàn hảo.

Chính Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng khuyên các môn đệ hãy sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi chính là tìm cách giúp người anh em của mình bỏ đường tội lỗi mà trở về với sự thiện, hướng tới điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sửa lỗi cũng là tạo điều kiện để nâng đỡ và khích lệ nhau hướng tới cuộc sống hiệp thông cộng đoàn.

Nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta thấy có mấy ai còn thiện chí để giúp nhau đứng lên sau những lỗi lầm. Ngược lại, người ta dễ dàng chỉ trích và phê phán cay nghiệt khiến người mắc lỗi phải chịu khổ đau và mặc cảm. Có những người muốn sửa chữa để quay về với cuộc sống mới nhưng xã hội đã ruồng bỏ và bóp chết thiện chí của họ. Cần lắm những tấm lòng rộng lượng và thứ tha để giúp nhau vượt qua những vấp ngã.

Ai trong chúng ta lại không có lỗi lầm, vậy nên hãy biết thông cảm và tha thứ cho nhau, giúp nhau vượt qua những lần vấp ngã. Chúng ta hãy tha thứ và chấp nhận nhau như chính Chúa đã tha thứ và chấp nhận những yếu đuối bất toàn của chúng ta.

Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con biết đồng cảm và tha thứ cho nhau, giúp nhau mỗi ngày một hoàn thiện hơn để biết yêu thương nhiều hơn.

Giuse Lê Văn Tuấn

Thứ Hai – Ngày 11 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : Cl 1,24-2,3

Tin Mừng : Lc 6,6-11

Một ngày sabát, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.

LUẬT: RÀO CẢN HAY TỰ DO

Những chi tiết của luật ngày sabát, hay lề luật trong Kinh Thánh mà những người Pharisêu đề cập đến, tất cả đều hướng đến việc giúp con người hoàn thiện. Luật là kim chỉ nam để giúp con người đi đúng đường về mục đích nào đó. Nhờ tuân theo luật, người ta sẽ ở trong thái độ sẵn sàng thực hiện đức ái đối với tha nhân. Nhờ luật, con người được tự do, thăng tiến hơn trong đời sống.

Tuy nhiên, một số đông vẫn thích dùng và áp đặt luật trên kẻ khác để chứng tỏ mình là người liêm chính, ngay thẳng, nhưng thiếu mất yếu tố căn bản đó là tình yêu. Bởi vậy, thay vì đưa con người đến sự tự do, đưa đến sự sống, thì lại làm cho những người thấp cổ bé miệng như đeo thêm một cái ách nặng nề hơn nữa. Một lần nữa Đức Giêsu muốn đặt lại mục đích căn bản của luật: Tôi xin hỏi các ông, ngày sabát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt (Lc 6,9).

Đức Giêsu không hề muốn hủy bỏ di sản cổ xưa của lề luật và của các ngôn sứ, đã được thành hình dần dần qua lịch sử và kinh nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước, nhưng Ngài đến để kiện toàn di sản ấy. Có lần Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn (Mt 5,17).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống đúng luật trong tinh thần yêu thương, biết hướng đến đỉnh cao của luật là vì con người.

Phêrô Nguyễn Quốc Hưng

Thứ Ba – Ngày 12 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : Cl 2,6-15

Tin Mừng : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

CẦU NGUYỆN

Từ điển Kinh Thánh nói rằng: cầu nguyện là hành động mà qua đó ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người thành một. Hành động đó đã được thánh Luca khắc họa một cách đậm nét trong bài Tin Mừng hôm nay. Vậy hành động đó là hành động gì?

Đó là hành động đi ra núi cầu nguyện. Theo quan niệm của người Do Thái, núi là nơi con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngài cũng muốn chọn một nơi để Ngài có thể gặp gỡ, thưa chuyện với Cha trước một quyết định lớn lao cho sứ vụ.

Tuy nhiên, hành động của Ngài không chỉ đơn thuần là lên núi để cầu nguyện mà hành động của Ngài còn được đẩy lên một cấp độ cao hơn: Ngài thức suốt đêm cầu nguyện. Việc thức suốt đêm cho thấy tính chất công việc rất quan trọng, đồng thời cũng nói lên được mối tương quan thân mật giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Hơn nữa, trong đêm tối thanh vắng, Đức Giêsu muốn dành một khoảng không gian cô tịch thực sự để Ngài có thể kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha.

Lạy Chúa, xin dạy dỗ, ban ơn để chúng con luôn biết theo gương của Ngài. Xin cho chúng con biết chạy đến với Ngài trong mọi quyết định như xưa Ngài đã từng chạy đến với Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết cách tạo ra bầu khí cầu nguyện để mỗi khi chúng con cầu nguyện chúng con có thể kết hợp trọn vẹn với Ngài.

Giuse Nguyễn Xuân Long

Thứ Tư – Ngày 13 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. (Tr)

Bài đọc : Cl 3,1-11

Tin Mừng : Lc 6,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

SỐNG NGHÈO

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định những người nghèo là những người có phúc (x. Lc 6,20). Liệu chăng cứ nghèo là hạnh phúc?

Tôi nghĩ rằng không phải cứ người nghèo thì được phúc. Có không ít những người nghèo tỏ ra ganh tị, tự ti trước người giàu và than thân trách phận, đổ thừa cho số phận, kiếp nghèo.

Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây là phúc cho những người chọn kiếp nghèo, chọn lựa lối sống thiêng liêng vì Nước Trời. Vì rằng những người chọn lối sống này thường tỏ ra cao thượng, rộng lượng, dễ thương, dễ mến. Với nghĩa này, những người giàu cũng có thể đạt được sự chúc phúc với lối sống nghèo vì Nước Trời. Ngược lại, nếu người giàu mà sống ích kỷ, keo kiệt, thờ ơ với những người nghèo thì ơn cứu độ sẽ tuột mất khỏi tầm tay họ. Chính vì vậy, những người được sinh ra với cuộc đời nghèo khó hay giàu có không xác định được ai là người được vào Nước Trời hay không. Tóm lại, dù là người nghèo hay người giàu đều có cơ hội ngang nhau để đạt được Nước Trời dựa trên sự lựa chọn của mình, lựa chọn sống theo gương Đức Giêsu, sống rộng lượng cho đi chứ không ích kỷ chỉ cho riêng mình.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chấp nhận cuộc sống hiện tại và luôn ưu tiên chọn lối sống nghèo vì Nước Trời, sống yêu thương, rộng lượng với mọi người để làm vinh danh Chúa.

 Gioan Trần Nam Phong

Thứ Năm – Ngày 14 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính. (Đ)

Bài đọc : Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11

Tin Mừng : Ga 3,13-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI BAN CON MỘT

Tình Yêu Thiên Chúa Cha không phải là một tình cảm suông, song thực tế kiến hiệu, diễn bày cụ thể trong việc thí ban Con Một. Và lý do khiến tình yêu ấy hy sinh chính Con Mình, đó là không muốn một người nào ở ngoài vòng cứu độ (x. 1Tm 2,10). Trước Tình yêu sâu thẳm ấy, chúng ta chỉ biết khấu đầu cảm tạ, vô vàn biết ơn Cha.

Chúng ta thấy đàng sau mầu nhiệm “được giương cao” của Con Người, thấp thoáng bóng dáng Chúa Cha bày tỏ tình thương cứu độ với cả nhân loại. Có thể nói đây là một trong những cao điểm của Tin Mừng thứ tư. Tác giả mời ta lên ngọn nguồn của kế hoạch cứu độ vừa được bật mí: Đó là Tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu phổ quát, không còn chỉ dành cho dân riêng Người mà cho hết thảy mọi người thế gian, không phân biệt ai.

Lịch sử dân Israel trong Cựu Ước nói lên tình thương của Giavê sâu thẳm đến chừng nào. Song điều nhấn mạnh là tình thương ấy chỉ dành riêng cho dân Người. Nhưng chỉ đến Tân Ước và đoạn Tin Mừng hôm nay mới khẳng định nổi bật về tình thương ấy như là một tình thương không còn hạn chế vào dân riêng Israel, song phổ quát, đại đồng; một tình thương diễn ra cụ thể, có bằng chứng chứ không phải tình thương suông, mơ hồ; một tình thương biểu lộ tới mức tột đỉnh: Thiên Chúa ban Con Một chịu chết cho nhân loại được cứu sống.

Tình Yêu Thiên Chúa như một dòng sông chảy xuống: từ Cha đến Con, từ Con đến thế gian, đến mỗi chúng ta. Dòng sông ấy không được ngừng lại nơi ta – ta không phải là đích cùng của Tình Yêu Thiên Chúa; nó phải biến ta thành nguồn suối tưới mát cho những người xung quanh ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết trao ban tình yêu mà con đã nhận được từ Chúa cách nhưng không.

Antôn P. Nguyễn Tất Bính

Thứ Sáu – Ngày 15 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Đức Mẹ Sầu Bi. Lễ nhớ. (Tr)

Bài đọc : Dt 5,7-9

Tin Mừng : Ga 19,25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

PHÓ THÁC

Một hình ảnh rất quen thuộc mỗi khi chúng ta nhìn vào các ảnh tượng Mẹ

Maria, đó là nét vui tươi. Với ngày lễ hôm nay, Giáo Hội lại muốn cho con cái mình chiêm ngắm và suy niệm về một khuôn mặt khác nơi Đức Mẹ: Đức Mẹ Sầu Bi.

Chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Sầu Bi, nhắc cho chúng ta biết rằng cuộc đời xin vâng của Mẹ cũng chất chứa bao nỗi sầu thương. Hơn ai hết, Mẹ biết rõ điều đó, nhưng Mẹ luôn thi hành thánh ý Chúa, khi Mẹ lặng nhìn Con Mẹ hấp hối trên thập giá.

Chỉ khi chúng ta yêu mến Mẹ, gần gũi Mẹ, chúng ta mới cảm được nỗi lòng của Mẹ. Chỉ khi chiêm ngắm Mẹ Sầu Bi, chúng ta mới tìm thấy được niềm an ủi cho những đau thương mất mát trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra được Mẹ luôn gần bên an ủi, đỡ nâng, và làm gương cho chúng ta.

Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết một điều nữa là khi Chúa phó thác môn đệ Gioan cho Mẹ, và gửi gắm Mẹ cho thánh Gioan, chính là lúc chúng ta được nhận Mẹ làm Mẹ chúng ta. Điều này cho chúng ta biết Mẹ luôn yêu thương, chăm sóc và bảo vệ chúng ta, và ta luôn phải yêu mến và noi gương Mẹ.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chạy đến với Mẹ mỗi ngày, để được Mẹ yêu thương chở che, để được Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Cách riêng, mỗi khi gặp gian nan, thử thách, đau khổ trong cuộc sống, xin cho mỗi người chúng ta biết nhìn ngắm hình ảnh Mẹ Sầu Bi để chúng ta học hỏi nơi Mẹ: không thất vọng nhưng một niềm phó thác trong tay Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn lên hình ảnh Mẹ Sầu Bi để thâm tín rằng ngay cả trong những giờ phút cô đơn, đau khổ, phiền muộn nhất, Chúa vẫn ở bên chúng con.

 Phêrô Hán Duy Hạp

Thứ Bảy – Ngày 16 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Thánh Cornêliô, giáo hoàng, tử đạo, và thánh Cyprianô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ. (Đ)

Bài đọc : 1 Tm 1,15-17

Tin Mừng : Lc 6,43-49

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy? “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

SỐNG KẾT HIỆP VỚI CHÚA

Khi dạy giáo lý dự tòng, tôi thường lấy luận chứng nhân quả của thánh Tôma Aquinô để giải thích công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Bất cứ cái gì cũng do một ai đó tạo nên chứ không tự nhiên mà có. Khi ngắm xem trời đất và muôn loài tốt đẹp như thế ta phải xác tín rằng: chắc hẳn phải do một Đấng Tốt Lành dựng nên, đó Chính là Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy mọi hành vi của con người đều xuất phát từ trong tâm. Người xấu thì không thể có hành vi tốt được và ngược lại, người tốt thì có những hành vi tốt. Mà mọi sự tốt đẹp đều xuất phát từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23). Trái lại, những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa,… (Gl 5,20-21).

Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta phải biết kết hợp với Ngài, là cây nho thật. Như cành nho phải sống nhờ vào cây nho thế nào thì chúng ta cũng phải kết hợp với Chúa thì mới có sự sống. Ngoài ra, chúng ta cũng phải biết lắng nghe và tuân giữ những điều Ngài dạy. Như vậy là chúng ta đã đặt được nền móng vững chắc nơi Đấng Tốt Lành, từ đó chúng ta mới có thể sinh được hoa quả tốt.

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con biết nương tựa nơi Chúa, là Đấng Tốt Lành, để cuộc đời chúng con có thể sinh những hoa trái tốt lành cho mình và cho người khác.

Gioan B. Trần Vui

Bài trướcGx Phước Đồng – Làm phép Khánh thành Nhà Giáo Lý & chào đón cha phó xứ
Bài tiếp theoMừng Lễ Sinh Nhật Đức Maria, Sinh nhật Dòng Ngôi Lời và Khai Giảng Năm Học Mới 2017 – 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.