Thường Niên – Tuần XXXI – Năm C

0
565

Chúa Nhật – Ngày 3 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc 1 : Kn 11,22-12,2

Bài đọc 2 : 2Tx 1,11-2,2

Tin Mừng : Lc 19,1-10

Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Có nhiều thứ như quyền lực, tiền của  có thể làm biến chất một con người. Tuy nhiên, có một sức mạnh khác có thể thay đổi con người, đó là sức mạnh của tình yêu.

Một tình yêu chân thật sẽ đi sâu vào tận cõi lòng và tạo sức mạnh biến đổi. Ông Dakêu chỉ ao ước được nhìn thấy Chúa. Và nếu điều ước đó được thực hiện, mà ông không nhận được sự tương tác nào từ Chúa thì hẳn là cuộc sống của ông cũng không có gì thay đổi đáng kể. Thế nhưng, Đức Giêsu đã “đánh” vào tâm hồn ông, đến nỗi có lẽ chính ông cũng không hiểu nổi tại sao ông lại có thể biến đổi một cách nhanh chóng và bất ngờ như vậy.

Ông Dakêu đã khao khát tìm gặp Chúa, và Chúa đã đáp lại lòng khao khát của ông mãnh liệt hơn điều ông mong muốn. Chúa đã đến và ở lại nhà ông. Quan trọng hơn nữa, Chúa đã biến đổi lòng ông hoàn toàn để ông sống một cuộc đời mới trong tương quan thân tình hơn với Chúa và với nhiều người khác.

Chúng ta hết thảy đều được Chúa yêu thương như ông Dakêu. Người vẫn luôn chờ để gặp gỡ và biến đổi những bất toàn của ta. Thế nhưng, ta đã có được lòng khao khát mãnh liệt như ông Dakêu? Ta có dám chịu xấu hổ trước người khác như ông Dakêu khi ông chấp nhận leo cây để thấy Chúa? Ta có dám từ bỏ của cải để đổi lấy ơn cứu độ?

Lạy Chúa, Chúa vẫn luôn yêu thương và kiên nhẫn đợi chờ con. Nhưng con thì cứ mải chạy theo những điều trái ý Chúa, để rồi con cứ sống mãi với cái xấu nơi mình. Xin hãy mở lòng con để con biết khao khát Chúa và luôn biết chú tâm tìm gặp Chúa trong suốt cuộc đời mình.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Hai – Ngày 4 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Thánh Carôlô Borrômêô, giám mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Rm 11,29-36

Tin Mừng : Lc 14,12-14

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

ĐỀN ƠN – ĐÁP LỄ

“Đền ơn – Đáp lễ” luôn là một trong những thói quen thường nhật trong cuộc sống của con người. Cho đi – biếu lại là điều cần thiết nếu muốn duy trì mối quan hệ dài lâu. Vì vậy mà người đời vẫn thường truyền tai nhau: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”; hay “Cục đất ném đi, cục chì ném lại”. Đó là chuẩn mực, quy tắc sống ở đời. Chúa Giêsu lại giới thiệu cho chúng ta một cách khác.

Thật vậy, Chúa không muốn chúng ta đền ơn đáp nghĩa theo kiểu “người đời” như thế, nhưng cần vượt ra khỏi quy tắc ấy của xã hội: hãy làm ơn cho những người không có khả năng đền đáp, là những người nghèo, người yếu thế, bệnh tật, sống bên lề xã hội…Chính Chúa đã sống và làm chứng cho tinh thần ấy bằng việc từ bỏ tất cả và làm tất cả chỉ vì tình yêu nhưng không đối với con người. Đó mới thực sự là đỉnh cao của bác ái, của sự cho đi mà không toan tính hay mong nhận lại.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có lẽ hơn một lần đã giúp đỡ người khác, đã từng đi làm từ thiện, đi phát quà miễn phí…Có bao giờ chúng ta ngồi lại trước Chúa và tự hỏi lương tâm xem “Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tôi đã và đang làm việc đó là vì ai? Vì Chúa, vì tha nhân hay vì chính tôi?” Thiết nghĩ, mỗi người sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình. Nếu vì Chúa, cứ mạnh dạn tiến bước, nhưng nếu vì chính mình hay vì một mục đích bất chính nào khác thì hãy sửa đổi để xứng đáng là con cái Chúa, là chứng nhân cho tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian và ban cho chúng con muôn hồng ân mà không mong đền đáp. Nay xin Chúa cũng dạy chúng con biết trao ban cho tha nhân cách nhưng không như Ngài.

Tu sĩ Antôn P. Trần Khắc Phúc, SVD

Thứ Ba – Ngày 5 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 12,5-16a

Tin Mừng : Lc 14,15-24

Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’ “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”

TƯƠNG LAI LÀ CỦA CHÚA

“Những vị khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi” (Lc 14, 24). Vì sao lại như vậy? Thưa vì những khách được mời đã xin kiếu để lo cho những dự định tương lai của riêng mình, dù tiệc đã được dọn sẵn sàng chờ đón họ. Hậu quả là họ đã không được dự tiệc của ông chủ nữa.

Những khách được mời dự tiệc đã chối từ hưởng niềm vui của giây phút hiện tại mà ông chủ dành cho họ, nhưng lại hướng về những kế hoạch theo toan tính của riêng mình về của cải, công việc, gia đình.

Qua bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắc nhớ chúng ta đừng quá bận tâm, lo lắng về tương lai. Dự liệu cho tương lai là cần thiết nhưng cấp thiết hơn lại chính là giây phút hiện tại. Không ai có được một tương lai tốt đẹp, tươi sáng mà ngay giây phút hiện tại lại sống lơ là, bất cần. Vì thế, ngay giờ phút này đây chúng ta phải biết lo lắng chú tâm để sống và xây dựng cuộc sống hiện tại của mình để làm cho cuộc sống ấy có ý nghĩa hơn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được rằng tương lai là của Chúa và giây phút hiện tại mới là điều cần thiết để chúng con sống và hành động. Xin giúp chúng con biết sống tròn đầy giây phút hiện tại, biết hưởng trọn niềm vui mà Chúa ban cho chúng con từng ngày.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

 Thứ Tư – Ngày 6 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 13,8-10

Tin Mừng : Lc 14, 25-33

Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

SỐNG TINH THẦN TỪ BỎ                               

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giê su đã nói: “Bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải của mình có thì không thể làm môn đệ ta”. Mới thoạt nghe, ai trong chúng ta cũng cảm thấy “sốc” vì lời mời gọi này của Đức Giêsu xem ra nghịch lý và khó có thể chấp nhận được theo quan niệm người đời. Tuy nhiên, nhờ ánh sáng đức tin soi chiếu, chúng ta có thể hiểu được lời mời gọi của Chúa thật chí lý biết chừng nào.

Trước hết, Ngài muốn nói đến việc lắng nghe lời Chúa và đáp trả bằng cách đặt ý Thiên Chúa lên trên hết. Biết bao người vì của cải vật chất mà bưng tai bịt mắt trước thánh ý của Chúa và để cho tiền bạc làm lu mờ tiếng nói của lương tri. Chỉ có Chúa mới biết điều gì là tốt đẹp nhất cho con người, nên vâng theo ý Chúa mới là sự chọn lựa khôn ngoan. Tất cả những gì khác, dù là của cải vật chất hay cả những mối thân tình máu mủ, cũng không bảo đảm cho con người hạnh phúc đích thật.

 Thứ hai, Đức Giêsu mời gọi những người muốn đi theo và làm môn đệ của Ngài cần thiết phải từ bỏ ngay cả những gì thiết thân với mình và thậm chí phải từ bỏ ngay chính bản thân mình nữa. Lối sống siêu thoát sẽ giúp cho người môn đệ không vướng bận vào bất cứ thụ tạo nào khác ngoài Thiên Chúa để tâm hồn được thanh thản mà thi hành công việc của Chúa cách tốt nhất.

 Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tinh thần từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn.

Lạy Chúa, xin giúp con sống tinh thần từ bỏ và trung tín theo Chúa đến cùng.

Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD

Thứ Năm – Ngày 7 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 14,7-12

Tin Mừng : Lc 15,1-10

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang,

để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. […]

LÒNG THƯƠNG XÓT

Việc người mục tử bỏ chín mươi chín con chiên lại ngoài đồng hoang để đi tìm một con chiên lạc là một quyết định kỳ lạ, khó hiểu. Có vẻ như đó là quyết định thiếu khôn ngoan, và không biết tính toán hơn thiệt, nhưng đó lại là hình ảnh mà Chúa Giêsu dùng để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Xét trên phương diện kinh tế, việc người mục tử bỏ chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang là một sự dại dột vì có thể mất thêm những con chiên trong đàn. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại dùng điều nghịch lý đó để làm sáng tỏ chân lý: Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thay vì loại trừ các tội nhân, Thiên Chúa yêu thương và tìm cách hoán cải họ. Sứ mạng của Con Thiên Chúa là từ bỏ vương vị, chấp nhận sống thân phận con người để tìm những kẻ sắp hư mất, những ai đang lạc đường để đưa về chính lộ, giúp họ đón nhận chân lý, đón nhận ơn làm con Chúa. “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng” (x. Is 42,3; Mt 12,20).

Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng đụng chạm đến tôi. Dù rằng bao lần tôi đã không chịu “trở về”, nhất định bám vào ngõ tối trần gian, những danh vọng, giả trá, những lợi lộc nhất thời nhưng Ngài vẫn thương tôi. Ngài vẫn ban cho tôi hết ơn này đến ơn khác, giúp tôi nhận ra giá trị của mình trong trái tim của Ngài, cho tôi biết rằng linh hồn tôi là vô giá trong mắt của Ngài. Tình thương của Ngài thôi thúc tôi sống tinh thần sám hối cách chân thành và biết thứ tha cách rộng lượng hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã cho con thấy tình thương và lòng tha thứ, xin cho con luôn ý thức và bắt chước Ngài trong việc quảng đại tha thứ cho những lầm lỗi của anh chị em con.

Tu sĩ Giuse M. Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Sáu – Ngày 8 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

Bài đọc : Rm 15,14-21

Tin Mừng : Lc 16,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’ “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’ “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

KHÔN KHÉO

Người quản gia trong bài Tin Mừng được khen là khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Nhưng dù anh có khéo léo đến đâu đi chăng nữa thì anh vẫn không thể được gọi là con cái của sự sáng, bởi vì sự khôn khéo ấy thuộc về thế gian.

Đức Giêsu qua dụ ngôn đã chỉ cho các môn đệ sự khôn khéo của con cái ánh sáng: “Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16,9); đó là sự khôn khéo của con cái ánh sáng. Thánh Luca cũng cho thấy một mẫu gương cụ thể trong việc dùng tiền bạc để mua lấy bạn hữu như trường hợp của ông Dakêu. Vì biết dùng của cải, trong đó có thể có những của cải bất chính, ông Dakêu và cả nhà ông được ơn cứu độ (Lc 19, 8-9).

Thật vậy, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban như khả năng, sức khoẻ, thời giờ, địa vị… để ta quản lý và nhờ quản lý tốt mà được Thiên Chúa khen thưởng. Điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ơn huệ Chúa ban để phụng thờ Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân. Sự khôn khéo của chúng ta sẽ chẳng lợi ích gì nếu nó không phải là sự khôn khéo của con cái ánh sáng.

Lạy Chúa, Chúa đã trao cho con tự do, trí khôn, sức khỏe, bình an … Xin cho con biết khôn khéo quản lý những ân huệ Chúa trao ban để sinh ích cho phần rỗi của con, của tha nhân và để tôn vinh Chúa.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 9 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXI

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính. (Tr).

Bài đọc : Ed 47,1-2.8-9.12 hoặc 1Cr 3,9c-11.16-17

Tin Mừng : Ga 2,13-22

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”…

ĐỀN THỜ CỦA CHÚA

Trong thế giới ngày nay người Kitô hữu đang đối diện với nạn tục hóa làm cho con người xa dần Thiên Chúa hay thậm chí muốn loại Ngài ra khỏi cuộc sống của mình. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cảnh báo con người rằng, hãy “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).

Thật vậy, khi vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu thấy nhiều người đang biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Ngài giận dữ đánh đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Qua hành động đó, Đức Giêsu không chỉ muốn trả lại sự thiêng liêng cho nhà Thiên Chúa mà còn muốn dân chúng biết cách thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, qua việc sống đức tin, đức cậy và lòng yêu mến Chúa.

Mỗi người Kitô hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi Thiên Chúa ngự. Nhưng đôi khi chúng ta bị tiền bạc, dục vọng và quyền lực che khuất ngôi đền thờ trong lòng mình, làm cho chúng ta xa dần Thiên Chúa, hay đẩy Ngài xuống hàng thứ yếu.

Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nhìn lại cách sống đạo của mình. Phải chăng tôi vẫn còn đam mê những thú vui trần thế, vẫn chạy theo lợi ích riêng của mình mà quên đi sự hiện diện của Chúa trong lòng mình? Tôi có dành cho Chúa một nơi thật riêng tư và sâu lắng trong lòng để Chúa đến gặp gỡ tôi?

Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng Chúa là cùng đích của đời con, để con có thể vượt qua những ước muốn trần tục, biết chọn Ngài trong mọi hành động của mình và sống cho xứng đáng là đền thờ của Ngài. 

Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 31 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoLinh mục, tu sĩ là người mang niềm vui đến mọi người – Gặp gỡ Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Đức Khanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.