Thường Niên – Tuần XXV – Năm B

0
370

Chúa Nhật – Ngày 23 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc 1 : Kn 2,12.17-20

Bài đọc 2 : Gc 3,16-4,3

Tin Mừng : Mc 9,30-37

Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

AI LÀ NGƯỜI LỚN HƠN?

Trong thời đại chúng ta, có lẽ ai cũng biết đến Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ không chỉ là một vị thánh lớn của Giáo Hội, mà còn là một vĩ nhân của nhân loại. Vậy điều gì đã làm cho Mẹ được trở nên nổi tiếng như vậy? Phải chăng Mẹ là một nhà khoa học lỗi lạc với những phát minh vĩ đại hay là một bậc thầy về văn chương, hội họa với những tác phẩm bất hủ?

Thưa không! Mẹ chỉ là một nữ tu bình thường như bao nữ tu khác, nhưng cuộc sống của Mẹ lại gắn với những con người nghèo khổ trong các khu ổ chuột. Mẹ không để lại những phát minh khoa học hay những tác phẩm văn chương vĩ đại. Công việc của Mẹ chỉ là âm thầm phục vụ những người nghèo khổ bị bỏ rơi. Nhưng Mẹ đã làm công việc tầm thường đó với tất cả sự phi thường của mình. Mẹ phục vụ họ với tất cả trái tim yêu thương của mình. Chính điều đó đã làm cho Mẹ trở nên vĩ đại, được mọi người biết đến, và đã trở thành một đại ân nhân của thế giới hôm nay.

“Ai muốn làm lớn, phải làm người phục vụ”. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Để được trở nên lớn trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải biết hy sinh phục vụ người khác. Chính khi chúng ta cúi mình xuống với những con người nghèo khổ, bần cùng, phục vụ họ với tất cả con tim của mình, thì lúc đó chúng ta đang được Thiên Chúa nâng lên, đang được trở nên vĩ đại trước mặt Thiên Chúa cũng như sẽ được thưởng công xứng đáng.

Lạy Chúa, lắm khi chúng con nghĩ theo thói đời rằng khi được làm lớn, là chúng con có quyền thống trị kẻ khác, bắt kẻ khác phải phục vụ mình. Nhưng lời Chúa hôm nay đã cho chúng con một lối nhìn hoàn toàn ngược lại: phải cúi mình phục vụ kẻ khác. Xin cho chúng con ý thức được điều này mà ra sức phục vụ anh em, để sau này cũng được Chúa kể là những người lớn trong Nước Chúa.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Hai – Ngày 24 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc : Cn 3,27-34 {hoặc 27-35}

Tin Mừng : Lc 8,16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

ĐÈN CHIẾU SOI

Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn dạy các tín hữu hãy có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác.

Chúa Giêsu đem ánh sáng Tin Mừng đến trần gian và cả cuộc đời của Ngài là ánh sáng cho con người. Và Ngài cũng mời gọi và trông chờ các Kitô hữu hãy sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực dấn thân. Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng. Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng, để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.

Với ước mong làm được điều gì đó cho những người dân quê, để giúp họ được khai sáng, chúng tôi đem ánh sáng văn hóa đến với họ với tất cả lòng nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ. Nhưng rồi chúng tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những giới hạn của mình. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật lớn lao cho họ nhưng đành bất lực khi đèn chúng tôi chưa đủ sáng để lan tỏa ánh sáng cho họ.

Chúng tôi chợt nhận ra rằng, để có thể trở nên ánh sáng cho người khác, chúng tôi cần ở gần, ở với để có thể hấp thụ đủ Ánh Sáng Giêsu và gìn giữ để ánh sáng đó chiếu tỏa nơi những lời mình nói, những công việc mình làm và cách mình sống. Chỉ khi Ánh Sáng Giêsu nơi chúng tôi đủ sáng, đủ nhân ái và yêu thương, rộng lượng và từ tâm, thì mới có sức lan tỏa đến những nơi tối tăm, lạnh lẽo và cô đơn.

Lạy Chúa, xin cho con biết rằng không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Cha, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con như kể một câu chuyện hay một bài hát cho lũ trẻ, hoặc những lúc lắng nghe và chia sẻ cùng thanh niên, hay đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Chúa cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Ba – Ngày 25 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc : Cn 21,1-6.10-13

Tin Mừng : Lc 8,19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC KITÔ?

Đọc thoáng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm giác như Đức Giêsu đã từ chối tương quan mẫu tử với Mẹ Maria. Vậy, phải chăng Chúa Giêsu coi thường tình mẫu tử mà thẳng thừng chối bỏ công lao của Mẹ Maria?

Theo lẽ thường, bất cứ bà mẹ nào cũng sẽ cảm thấy tổn thương khi người con ruột từ chối mình. Thế nhưng Mẹ Maria có vẻ vẫn bình thản khi nghe Đức Giêsu nói cách lạnh lùng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Phải chăng Mẹ đã quá quen thuộc với tình huống như thế này rồi? Như lần cha mẹ Chúa Giêsu tìm gặp lại Người sau nhiều ngày thất lạc, Chúa Giêsu cũng phản ứng cách lạnh lùng như thế. Phải chăng Chúa Giêsu bất hiếu? Chắc chắn là không! Một Đức Giêsu dạy người ta thảo kính cha mẹ (x. Mc 7,8-13) chắc sẽ chẳng bao giờ bất kính với Mẹ mình.

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu biết Mẹ Người là một con người thánh thiện, và luôn vâng phục ý định của Thiên Chúa. Mẹ hằng dõi theo Con qua các chặng đường đời. Chính vì thế, Mẹ hiểu Chúa Giêsu hơn ai hết. Vì thế, khi Chúa Giêsu

nói “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” là Chúa Giêsu đang tôn vinh Mẹ vì hơn ai hết Đức Maria là người luôn lắng nghe và sống lời Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn mở rộng Nước Trời, mở rộng gia đình thánh đến với nhưng ai biết “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Lạy Mẹ Maria là thân mẫu của Chúa Giêsu và cũng là mẹ chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho con được sự thánh thiện như Mẹ, cho con được xin vâng đón nhận Thánh ý Chúa dù có phải đánh đổi nhưng hy sinh khó nhọc để mỗi ngày con tiến bước gần hơn đến với gia đình của Đức Giêsu Kitô, của những người nghe và thực hành lời Chúa. Amen.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Tư – Ngày 26 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Cosma và thánh Đamianô, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Cn 30, 5-9

Tin Mừng : Lc 9,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

ĐƯỢC SAI ĐI

Lời Chúa hôm nay nằm trong bối cảnh khi Đức Giêsu quy tụ Nhóm Mười Hai và sai đi. Sai đi có nghĩa là trao cho một sứ mạng để thi hành. Sứ mạng mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ ở đây là rao giảng Nước Thiên Chúa. Được sai đi rao giảng về Nước Thiên Chúa là một sứ mạng cao cả. Do đó, người được sai đi cần mặc lấy tinh thần sống mà Đức Giêsu mời gọi.

Trước hết, tinh thần của người được sai đi vẫn là lời đáp trả mau mắn và dứt khoát trước lời mời gọi của Thầy Giêsu. Hình ảnh Chúa Giêsu mời gọi bốn môn đệ đầu tiên trên bờ biển Galilê “các anh hãy theo tôi” là một bằng chứng sống động nhất. Được Đức Giêsu mời gọi, ngay lập tức các môn đệ dứt bước ra đi, không do dự, không tính toán, sẵn sàng bỏ lại tất cả và bước đi theo Người. Thứ đến, người được sai đi cần có đời sống siêu thoát và sẵn sàng buông bỏ tất cả để nhẹ nhàng, thanh thoát bước theo Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh những cái “đừng” của người được sai đi: “đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3). Những cái “đừng” mà Chúa Giêsu mời gọi buông bỏ lại là những nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, cánh đồng truyền giáo bao la và sứ mạng rao giảng Nước Chúa thì cấp bách, người môn đệ được sai đi làm sao có thể toàn tâm, toàn ý để chu toàn sứ mạng được trao mà lòng vẫn còn dính bén với của cải vật

chất và mất nhiều thời gian tìm kiếm những thực tại trần thế? Nếu người được sai đi không có tinh thần thanh thoát, thì làm sao có thể rong ruổi trên mọi nẻo đường của sứ mạng loan báo Tin Mừng theo gương của Thầy Giêsu? Cuối cùng, người môn đệ được sai đi cần có tinh thần sống tín thác hoàn toàn vào Chúa vì “không có Thầy, chúng con không thể làm gì được” (x. Ga 15,5).

Lạy Chúa, chúng con là những môn đệ được Chúa mời gọi và sai đi, xin giúp chúng con biết sống tinh thần buông bỏ để có được một đời sống thanh thoát, nhẹ nhàng và giản đơn khi thi hành sứ mạng rao giảng Nước Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Năm – Ngày 27 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Gv 1,2-11

Tin Mừng : Lc 9,7-9

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.

TÒ MÒ

Ai cũng có niềm đam mê tìm hiểu, khám phá; còn thế giới lại có rất nhiều điều có thể khơi dậy tính tò mò nơi con người. Nhiều khi chúng ta luôn nói rằng chúng ta đã biết hết mọi sự về một vấn đề nào đó nhưng có thể chúng ta chẳng hiểu gì cả, bởi vì chúng ta chưa nhìn thấy được ý nghĩa trong đó.

Có nhiều người tò mò về Đức Giêsu bởi vì họ nghe biết nhiều điều kỳ lạ về Người. Họ muốn tìm gặp Đức Giêsu như là gặp một người nổi tiếng. Cũng có những người tò mò về Đức Giêsu theo kiểu họ muốn biết tường tận về Người, nhưng chỉ để thỏa lòng đam mê khám phá của bản thân.

Đối với những người Kitô hữu, chúng ta ham thích tìm hiểu, học hỏi về Thiên Chúa nhằm đào sâu đức tin cá nhân. Việc gia tăng kiến thức Thánh Kinh cũng giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu, giúp ta hiểu biết và yêu mến lời Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta tham dự các cử hành Phụng Vụ cách tích cực hơn, sống đời sống Kitô hữu cách tốt đẹp hơn, tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng cách nhiệt thành và hiệu quả hơn.

Vấn đề là tôi có tò mò về Thiên Chúa và những kỳ công mà Ngài vẫn đang tiếp tục thể hiện trong thế giới này, qua những người tôi gặp gỡ, hay qua những thành công hay thất bại nơi cuộc đời tôi? Chỉ khi tôi biết tò mò về Chúa, tôi mới dành thời gian nghĩ đến Ngài, dành công sức tìm hiểu về Ngài, và dành con tim để yêu mến Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tò mò về Ngài; tò mò không phải để thỏa lòng đam mê khám phá, hay để nghiên cứu nhưng là lời để sống. Xin cho chúng con biết tò mò về Chúa mỗi ngày để Chúa luôn mới trong tâm hồn con. Amen.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 28 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

Bài đọc : Gv 3,1-11

Tin Mừng : Lc 9,18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?

Trong cuộc sống thường ngày, khi vị tôn sư huấn luyện và dạy dỗ học trò, thì ai cũng muốn kiểm tra xem các học trò của mình đã tiếp thu được những gì. Hôm nay, sau một chặng đường lẽo đẽo theo Thầy trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng, các môn đệ của Chúa Giêsu đã được Ngài đưa ra một bài kiểm tra với hai câu hỏi: “dân chúng nói Thầy là ai?” và “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi đầu tiên thật không khó để trả lời, vì chỉ cần lập lại những nhận xét của những người xung quanh. Nhưng Chúa Giêsu không muốn ngừng lại ở đó. Ngài muốn biết các môn đệ nhìn nhận Ngài như thế nào: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi này không dễ trả lời. Bởi vì nó đòi hỏi chính người môn đệ đi vào trong tương quan nhận biết Chúa Giêsu. Việc trả lời cho câu hỏi này vô cùng quan trọng, vì nó định hướng cuộc sống của người môn đệ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Nhưng Đấng Kitô trong trí hiểu của thánh Phêrô cũng như của các môn đệ là một Đấng Kitô vinh thắng theo kiểu thế gian, không phải là một Đấng Kitô chịu khổ nạn, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, hầu hết các môn đệ đã bỏ trốn và thánh Phêrô đã chối Thầy.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy trên mọi chặng đường của cuộc sống. Mỗi người chúng ta có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm, bởi lẽ Chúa Giêsu là một mầu nhiệm không ngừng mở ra cho mỗi người. Việc trả lời cho câu hỏi này là điều quan trọng, vì nó định hướng đời sống chúng ta. Nếu người môn đệ coi Ngài là Thầy, thì người ấy sẽ luôn ngồi lắng nghe và để Thầy uốn nắn. Nếu người môn đệ coi Ngài như Bạn, thì người ấy sẽ dành giờ để tâm sự, sẻ chia. Nếu người môn đệ tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, thì người ấy sẽ cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ. Nếu người môn đệ gọi Ngài là Chúa, thì người ấy sẽ hiến trọn đời mình để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp chúng con tiến sâu vào trong tương quan mật thiết với Ngài để chúng con có thể trả lời câu hỏi “anh em bảo Thầy là ai?” trong mọi nẻo đường của cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Bảy – Ngày 29 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXV

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIEN, RAPHAEN. Lễ kính (Tr).

Bài đọc : Đn 7,9-10.13-14 ; Kh 12,7-12a

Tin Mừng : Ga 1,47-51

Khi ấy, Đức Giêsu thấy ông Nathanaen  tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

LÒNG DẠ KHÔNG CÓ GÌ GIAN DỐI

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khen ngợi Nathanaen là người “lòng dạ không có gì gian dối”. Chân thật, chân thành hay thật thà là phẩm chất cao quý, là thước đo giá trị nhân phẩm của mỗi người. Người sống chân thật thì không lừa dối bản thân mình và người khác. Họ có một vẻ thánh thiện, một nét từ tốn nhu mì nào đó từ bên trong toát ra.

Đôi lúc “thật thà thường thua thiệt”! Vậy tại sao tôi phải sống chân thật khi quanh tôi đầy dẫy những lừa lọc và bon chen? Tại vì lối sống chân thật tạo niềm tin cho người khác, là điểm tựa tinh thần cho những người xung quanh. Chắc hẳn, mỗi người chúng ta ai cũng muốn ở bên người có lòng đơn sơ chân thành. Bởi khi ở với họ, ta cảm thấy an toàn, bình tâm và nhẹ nhàng. Ta không sợ bị lừa hay bị bán đứng.

Phải làm gì để có tấm lòng đơn sơ chân thật? Tay chân ta sẽ không sạch sẽ nếu như ta không giữ nó khỏi đất cát, bụi bẩn. Hay khi bị bẩn, ta không tìm nước để rửa. Tấm lòng của ta cũng vậy. Ta phải giữ nó tránh xa cái ô uế tội lỗi. Thứ đến là luôn luôn trau dồi nó bằng các việc lành phúc đức, thực hành những công việc bác ái yêu thương giữa cộng đồng. Từ trong suy nghĩ, ra lời nói đến hành động phải được thể hiện bởi một phép tắc, quy chuẩn đạo đức. Có như vậy lòng dạ của ta mới chân thật, ngay thẳng, không có gì gian dối. Con người hiện đại ít quan tâm đến sự xói mòn của lương tâm. Họ đặc biệt thích hình ảnh đẹp, sự cuốn hút bên ngoài, thích được người khác quan tâm và yêu mến. Nhiều người tìm mọi cách để đạt nó, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt. Thật khó để có được một tâm hồn đơn sơ trong sáng như ông Nathanaen xưa, nhưng đó lại là tiêu chuẩn phấn đấu của người môn đệ Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tìm đến Chúa, biết bám víu lấy Chúa là Đấng Chân Thật để chúng con được hưởng vinh phúc cùng Ngài mai sau.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Bài trướcTôn kính cha mẹ: thừa nhận tầm quan trọng của các ngài
Bài tiếp theoĐức Giáo Hoàng cổ võ sự cộng tác giữa giáo sĩ và giáo dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.