Thường Niên – Tuần XXII – Năm C

0
1088

Chúa Nhật – Ngày 1 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc 1 : Hc 3,19-21.30-31

Bài đọc 2 :  Hr 12,18-19.22-24a

Tin Mừng : Lc 14,1.7-14

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” […]

BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dự tiệc. Ở đó, thay vì ăn uống, người ta lại tìm cách bắt bẻ và dò xét để lên án Người. Trớ trêu thay, qua hành động giành nhau chỗ nhất để ngồi trong bữa tiệc, Chúa lại thấy hết bản chất con người của họ: kiêu ngạo, tự phụ và khoe khoang. Vì thế, Chúa đã dạy cho nhóm Pharisêu một bài học đích đáng về sự khiêm nhường: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Bài học đó cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta trong thời đại hôm nay.

Là con người, ai cũng thích được thể hiện mình; ai cũng muốn được người khác biết đến, được người khác ghi nhớ. Người ta tìm mọi cách để đánh bóng tên tuổi, tìm mọi cách “sống ảo” để có được một vị trí nổi bật và qua đó khẳng định giá trị bản thân trong con mắt của người khác. Chính những tham vọng này đã che mờ mắt con người và làm cho họ trở nên kiêu căng, tự mãn và coi thường người khác. Vậy chúng ta có nên chạy theo lối sống “sáo rỗng” đó không hay cố gắng đề sống thật với những gì mình “có”, mình “là”? Người ta thường nói: “Đừng lo người khác không biết đến mình. Điều quan trọng là làm sao để mình có tài năng thực sự”. Vì vậy, hãy luôn là chính mình, hãy sống trong sự khiêm nhường để học hỏi, để lớn lên và biết cho đi. Như thế, mỗi người hãy luôn biết phản tỉnh, biết sửa đổi bản thân mỗi ngày để xứng đáng với nhân phẩm mà Thiên Chúa đã trao ban và cứu chuộc. Nhờ đó ý Chúa được thể hiện và Nước Chúa ngày một được lan rộng.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết sống khiêm nhường: trong lời nói cũng như trong hành động để chúng con cùng với tha nhân biết làm đẹp lòng Chúa và tôn vinh danh Ngài.

Tu sĩ Antôn P. Trần Khắc Phúc, SVD

Thứ Hai – Ngày 2 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Ngày Quốc Khánh – Cầu cho Tổ Quốc

Bài đọc : 1 Tx 4,13-18

Tin Mừng : Lc 4,16-30

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người mắc bệnh phong ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi.” […]

BỊ KHƯỚC TỪ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu gặp phải hoàn cảnh thật là trớ trêu. Cho dù tiếng tăm của Người có vang dội đến đâu đi chăng nữa thì khi trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì Ngài vẫn bị chối từ.

Tôi cũng đã có kinh nghiệm này, khi trở về quê hương của mình đặc biệt là trong gia đình. Ông bà nội của tôi theo Phật, thờ Phật. Mỗi dịp tết đến tôi lại được về quê hương, gặp ông bà nội của mình, tôi hay nói với ông bà về việc theo Đạo thế nhưng đều bị khước từ. Ông tôi nói: Ông bà ta xưa kia có thờ Chúa thờ đồ gì đâu, chỉ thờ ông bà tổ tiên mà vẫn cứ sống bình thường. Rồi con người có phải được tạo thành bởi Thiên Chúa như cháu nói đâu… Ông bà ta xưa kia thờ tổ tiên, nay ông cũng vậy, cháu sinh sau đẻ muộn, ông đây sống 86 tuổi rồi, kinh nghiệm, sự hiểu biết của ông hơn cháu rất nhiều chứ sao cháu lại cãi ông được. Qua những lời nói của ông, tôi cảm thấy mình khó có thể làm lay chuyển tư tưởng của ông được. Tôi xin phó thác điều đó cho Chúa và tin rằng Chúa sẽ có cách của Ngài. Thế nhưng với bổn phận là người tu sĩ, tôi vẫn cứ làm cho dù đầy những thách đố và khó khăn. Và tôi nghĩ rằng những ai theo Chúa Giêsu, làm môn đệ của Ngài cũng có chung số phận như Ngài, là sẽ bị khước từ ở nơi chính quê hương của mình. Thế nhưng, những ai theo Ngài cho đến cùng sẽ được hưởng vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa, tiếng nói ngôn sứ nơi quê hương của mình quả thật không dễ dàng, xin Chúa giúp chúng con bền tâm vững chí để thi hành cho dẫu nó là một sứ vụ đầy khó khăn và nhiều thách đố.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Thứ Ba – Ngày 3 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 Tx 5,1-6.9-11

Tin Mừng : Lc 4,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

UY QUYỀN CỦA CHÚA

Trong cuộc sống, ngoài tiền tài, danh vọng, con người còn luôn khao khát tìm kiếm cho mình một vị thế trong xã hội. Bởi lẽ, địa vị cho người ta cái uy trong lời nói, cái quyền trong việc làm.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại những hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền. Cái uy quyền của Chúa Giêsu không phải là một sự áp đặt, rập khuôn theo địa vị của thế gian mà là cái uy quyền trong lời nói đi theo với việc làm bằng chính đời sống của Ngài. Ngài không những uy quyền trong lời giảng dạy mà còn uy quyền trong hành động: Ngài trừ quỷ bằng chính Lời của Ngài. Ngài chỉ cần ra lệnh thì ngay lập tức, quỷ liền xuất khỏi và người đó liền được chữa lành. Cái quyền uy của Chúa mang lại sự giải thoát, sự tự do, mang lại sự yêu thương cho người khác.

Ngày nay người ta luôn phấn đấu để đạt được những chức vị cao nhất trong xã hội, đó cũng là một điều tốt. Tuy nhiên, mục đích mà họ muốn trong cái chức vị đó là gì mới quan trọng. Nếu chức vị là để phục vụ và mưu cầu lợi ích cho tha nhân thì đó là điều mà Chúa Giêsu mong muốn vì chính Người khi đến trần gian cũng là để “phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).  Lời Chúa hôm nay đánh thức tất cả mỗi người chúng ta: Trong địa vị của mình hãy noi gương Chúa Giêsu, hãy thể hiện cái quyền uy của mình bằng chính sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, bằng chính đời sống tốt lành của bản thân, nhằm phục vụ và mang lợi ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con chỉ là công cụ của Chúa. Xin hãy ban cho chúng con sự khiêm nhường của Chúa mà phục vụ tha nhân.

Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD

Thứ Tư – Ngày 4 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : Cl 1,1-8

Tin Mừng : Lc 4,38-44

Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô. Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

LOAN BÁO

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng rao giảng Tin Mừng và đã trao sứ mạng đó lại cho Giáo Hội. Sứ mạng ấy cũng đã trở thành bản chất của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo theo cách riêng của mình.

Rao giảng Tin Mừng không phải là một việc đơn giản. Có người đã ra đi thi hành sứ vụ nhưng đành quay gót trở về. Người khác đã chấp nhận hy sinh bản thân nhưng chưa sinh được hoa trái. Nhưng phải chăng chỉ có đi khắp tứ phương thiên hạ tôi mới loan báo được Tin Mừng? Truyền giáo không hẳn chỉ gói gọn trong việc đi khắp tứ phương mà chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Đôi khi chỉ cần một lời từ trái tim chạm đến trái tim là đủ thay đổi cuộc đời một con người. Vì thế, mỗi người sẽ có một con đường truyền giáo khác nhau.

Đối với tôi, sống và chu toàn trách nhiệm hiện tại cũng là một cách thức truyền giáo. Hoàn thành tốt công việc được giao với tất cả tinh thần yêu mến và hy sinh cũng là cách thế truyền giáo. Dù chỉ là những công việc thường nhật, mối tương quan anh em trong cộng đoàn hay việc học tập … nhưng nếu chu toàn cách tròn đầy thì tất cả đều có thể trở thành con đường loan báo Tin Mừng. Chỉ cần tôi ý thức và chú tâm hoàn thành vì danh Đức Kitô và vì tha nhân, đều là đường lối giới thiệu Chúa cách thiết thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con Thần Khí và sức sống của Chúa để con chiếu tỏa hương thơm của Ngài đến mọi nẻo đường con đi.

Tu sĩ Giuse M. Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Năm – Ngày 5 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu (Tr)

Bài đọc : Cl 1,9-14

Tin Mừng : Lc 5,1-11

[…] Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

THA THỨ VÀ CHỮA LÀNH

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự kinh ngạc của ông Simon Phêrô trước mẻ cá lạ lùng. Đồng thời, ông nhận thấy thân phận tội lỗi khi đứng trước Thầy Giêsu vĩ đại: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

Thật vậy, khi Đức Giêsu bảo ông chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá, ông cảm thấy chán nản và thất vọng vì suốt đêm ông đánh bắt mà chẳng được con nào. Nhưng khi vâng lời và chấp nhận lời mời gọi của Đức Giêsu, ông mới thấy được cuộc đời thay đổi. Chỉ khi biết đặt sự tin tưởng phó thác nơi Chúa, ông mới thấy Chúa thực hiện điều kỳ diệu nơi con người tội lỗi của ông. Ông nhận ra tình thương của Chúa Giêsu là Đấng thương xót, tha thứ và chữa lành.

Cuốn phim “Sức Chịu Lửa” năm 2008 của đạo diễn Alex Kendrick có nói đến một phương pháp đồng hành 40 ngày của một ông bố dành cho con trai là Cabel, người đang gặp rắc rối trong đời sống hôn nhân. Trọng tâm của phương pháp này vẫn là niềm tin vào Thiên Chúa; mọi hành động đều dựa trên niềm tin. Chỉ khi có một niềm xác tín mãnh liệt vào tình thương của Thiên Chúa thì Cabel mới có thể cảm nhận được tình yêu đích thực. Niềm xác tín có được khi nhận ra Thiên Chúa là ai để cần Người tha thứ và cần ơn cứu độ của Người.

Đời sống của chúng ta cũng cần được tha thứ và chữa lành: được Thiên Chúa tha thứ để giao hòa với Người và được Thiên Chúa chữa lành để sống trong tình yêu của Người. Chỉ khi được tha thứ và chữa lành, chúng ta mới biết sống bao dung, nhân ái với tha nhân.

Lạy Chúa, xin chữa lành con để con cảm nếm được tình thương tha thứ của Chúa và để con biết sống quảng đại và nhân ái với tha nhân.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 6 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : Cl 1,15-20

Tin Mừng : Lc 4,33-39

Khi ấy, các người Pharisêu và các kinh sư nói với Đức Giêsu rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”

Đức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói : ‘Rượu cũ ngon hơn’ .”

TINH THẦN MỚI

“Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” (Lc 5,37). Câu trả lời của Đức Giêsu với người Pharisêu và các kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay đã đánh động tôi.

Vì sự tự phụ, kiêu căng, các kinh sư và những người Pharisêu đã trách các môn đệ Chúa Giêsu tại sao không ăn chay. Họ nghĩ rằng chỉ cần cậy dựa vào khả năng và ý chí của mình trong việc tuân giữ lề luật thì sẽ được công chính. Vì thế, họ không nhận ra Nước Thiên Chúa đang ở giữa họ qua sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Với dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giêsu kêu mời tinh thần ăn chay mới là sám hối và tin vào lời Người. Nhờ đó, con người mới có thể đón nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Qua lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, tôi có cơ hội phản tỉnh lại bản thân. Trên hành trình mà tôi đang chọn, chắc chắn sự vui buồn luôn ẩn hiện vì đường đời không chỉ có màu hồng. Khi đối mặt với những thách đố, có lẽ do sự tự kiêu của bản thân mà tôi đâm ra thất vọng, chán nản và quên mất Chúa. Những lúc đó, trong tôi còn đâu hình ảnh vị Thầy Chí Thánh mà tôi đang khao khát nên một với Người trong đời sống thánh hiến. Vì thế, khi hồi tâm và đến với Người trong Bí Tích Thánh Thể, tôi nhận ra rằng Chúa vẫn luôn bên tôi, yêu tôi và nâng đỡ tôi. Tôi thấy một niềm vui mới đang chảy tràn trong tim khi tôi biết sống tinh thần mới và đó là nguồn lực để tôi vượt qua những khó khăn và thách đố.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra sự yếu đuối mỏng giòn của bản thân; xin ở với con mỗi ngày để cuộc đời con được đổi mới mỗi ngày.

Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 7 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : Cl 1,21-23

Tin Mừng : Lc 6,1-5

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?”

Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”

VỊ LUẬT, VỊ NHÂN

Giữ ngày Sabát không phải đơn thuần là giữ luật mà đúng hơn là tôn trọng ngày của Chúa để tôn thờ Ngài và duy trì đời sống mật thiết với Ngài. Nhìn rộng hơn với một lương tâm trưởng thành, “Con người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6, 5) là một đời sống đầy tự do để tình yêu thăng hoa trong hành động nhân ái.

Những người biệt phái vị luật: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabát?”; còn Chúa Giêsu vị nhân: “Con người làm chủ ngày Sabát.” Góc độ nào đúng hơn? Thực tế cho thấy, luật lệ chủ yếu đưa con người vào qui chế trật tự; tuy nhiên, xã hội càng phát triển phức tạp thì luật lại càng nhiều. Hậu quả kéo theo có thể đi ngược lại với tinh thần bác ái và đức công bằng. Đó là người ta dùng luật để bẫy nhau, để hại nhau, để thưa kiện cãi khống cãi gian nhằm “móc túi” người vô tội. Vị luật là hình thức đấu trí để canh me, gièm pha, chỉ trích, và kết án. Trái lại, vị nhân là ngôn ngữ nhân từ của trái tim để thương xót, cảm thông, tha thứ, và xây dựng. Do đó, Mahatma Gandhi nói: “Công lý mà tình yêu trao ban là sự dâng hiến, còn công lý mà luật đem lại là sự trừng phạt.”

Tình yêu và đức mến là luật của Thiên Chúa để giải thoát chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Thánh Giacôbê cũng nói, “Ai thương xót thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2,13). Như vậy, luật lệ thể hiện sự yếu kém của con người vì chính sự chai sạn của trái tim đã đẩy con người đến lạm dụng chế tài luật pháp.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của công bình và bác ái, xin cảm hóa trái tim của chúng con để tình yêu là văn minh và sự sống.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoThư chung của Hội nghị Mục vụ Di dân 2019 gửi anh chị em Công Giáo xa quê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.