Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm C

0
297

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

“Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: 1) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa. – Ðáp.

2) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. – Ðáp.

3) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

KHIÊM NHƯỜNG

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Khổng Tử từng nói, “Khiêm nhường là nền tảng vững chắc cho mọi nhân đức.” Nói chung ai cũng dễ có thiện cảm và trân quý những người có đức tính khiêm nhường. Vì khi gặp gỡ hay tiếp xúc với những người khiêm nhường, người ta cảm nhận có một sự bình an và niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn họ lan tỏa cho mọi người. Cũng vì sự cao quý của đức tính này mà Kinh Thánh cũng đã không ngớt lời khen ngợi từ Cựu Ước qua Tân Ước.

Sách Huấn Ca khẳng định người khiêm nhường thì được mến yêu hơn người hào phóng (Hc 3,17). Có lẽ sự hào phóng trong một mức độ nào đó thường là một đức tính trời ban; trong khi sự khiêm nhường lại là một nhân đức mà có thể một phần nhỏ do được phú bẩm, còn phần lớn do trải qua cả một hành trình tập luyện kỷ luật bản thân. Chiến đấu với cái tôi của mình để sống mầu nhiệm tự hạ mình như Đức Giêsu. Vì vậy, sách Huấn ca nhấn mạnh đến người khiêm nhường thì đẹp lòng Thiên Chúa; dù có gặp gian nan thử thách thì cũng được Thiên Chúa đoái đến. Khiêm nhường làm cho Thiên Chúa được tôn vinh.

Khoảng ba năm rao giảng, Đức Giêsu nhiều lần đề cao sự khiêm nhường. Trong Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu nhìn thấy khách dự tiệc ai cũng chọn chỗ nhất để ngồi, Người nói:  “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Để nhấn mạnh thêm về giáo huấn quan trọng này thánh Luca đã lặp lại một lần nữa khi Đức Giêsu lên án người Pharisiêu đạo đức giả, chú trọng hình thức; và Chúa Giêsu đề cao người thu thuế đã khiêm tốn cúi đầu nhận tội trước tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 18,14).

Như vậy, Đức Giêsu không đánh giá cao những ai có thái độ tự kiêu tự mãn, những ai chỉ mong muốn người khác kính trọng mình, và thích được chào hỏi nơi công cộng. Nhưng Người đề cao sự khiêm nhường nơi những con người bé nhỏ. Họ biết khiêm nhường nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và xin ơn tha thứ như người thu thuế biết đấm ngực ăn năn.  Trong xã giao hàng ngày, người khiêm nhường không coi mình là trung tâm để được người khác chào hỏi; họ luôn chọn cho mình chỗ cuối, chỗ sau hết và nhường điều tốt đẹp cho người khác; họ không tự cao tự mãn vào bản thân.

Chính Đức Giêsu là một mẫu gương cho sự khiêm nhường. Người không nhận mình là trung tâm để người khác ca tụng. Mỗi khi làm dấu lạ, hay chữa các bệnh tật cho dân chúng, Người cầu nguyện cùng Chúa Cha như là nguồn sức mạnh của Người (x. Mc 9,29). Nhiều lần dân chúng thấy việc Người làm, họ muốn tôn Người lên làm vua (x. Ga 6,15) nhưng người lánh đi nơi khác để tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng cho khắp nơi (x. Lc 4,42-43). Trong bữa tiệc ly Người đã rửa chân cho các môn đệ như là dấu chỉ của một người khiêm nhường, tự hạ mình xuống đến nỗi Phêrô phải lên tiếng không đời nào ông chịu vì Đức Giêsu là Thầy mà sao lại rửa chân cho các ông (x. Ga 13,3-17). Hơn nữa, Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Quả thật, khi tiếp xúc với một người khiêm tự hạ như thế, các môn đệ và dân chúng đều nhận thấy nơi Người có một sức mạnh, một sự bình an và niềm vui hoan lạc. Những người theo bước chân của Đức Giêsu là các tông đồ cũng học được sự khiêm nhường này, và họ cũng cảm nhận được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện cách triệt để sự khiêm nhường với cương vị là tông đồ trưởng và là thủ lãnh Giáo Hội. Trái với nghi thức tráng lệ và trọng thể dành cho Giáo Hoàng, ngài đã đi xe buýt cùng với các hồng y; thay vì dùng xe sang trọng, ngài đã tự sắp xếp hành lý và trả tiền trọ khách sạn. Ngài cũng đứng bên ngoài cửa một nhà thờ giáo xứ tại Vatican trong ngày Chúa Nhật đầu tiên để chào hỏi mọi người sau Thánh Lễ giống như một cha xứ vậy. Đây có thể chỉ là những nét nhỏ bé, nhưng lại có sức thuyết phục hơn toàn thể những thông điệp giáo hoàng về một Giáo Hội đơn sơ, khiêm nhường, để nối kết được với những người bình dân. Đức Phanxicô cũng là mẫu gương phản chiếu sự khiêm hạ nơi Đức Giêsu; ngài đã dùng vai trò của mình để biểu lộ nét khiêm nhường của người mục tử, mà ai khi gặp hoặc tiếp xúc cũng đều cảm nhận được niềm vui và sự bình an. Đây là mẫu gương đáng để cho ta suy gẫm, học đòi và bắt chước trong cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cho ta hiểu thế nào là người khiêm nhường, và cách thức thực hành sự khiêm nhường theo Tin Mừng. Xin Chúa cho chúng ta biết sống khiêm nhường thật sự để trở nên giống Chúa Giêsu hơn và có thể đem bình an và niềm vui đến cho người khác.

Bài trướcVatican và Việt Nam thoả thuận lập văn phòng đại diện tông toà thường trú tại Việt Nam
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.