Thường Niên – Tuần XIX – Năm C

0
456

Chúa Nhật – Ngày 11 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Bài đọc 1 : Kn 18,6-9

Bài đọc 2 : Hr 11,1-2.8-19

Tin Mừng : Lc 12,32-48

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”. Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. […]

XÂY DỰNG KHO TÀNG

Phần Thiên Chúa, Người đã vui lòng ban Nước của Người cho những kẻ bé mọn. Vậy phần chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì để đón nhận kho tàng không thể hư hoại trên trời?

Với người Kitô hữu, Chúa Giêsu yêu cầu mỗi người đừng gắn bó với của cải đời này vì chúng sẽ bị hư nát. Với Hội Thánh, Người cũng yêu cầu như vậy. Người còn nhấn mạnh rằng: thật tốt lành khi chúng ta toàn tâm toàn ý xây dựng cho mình một kho tàng ở trên trời vì “kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”.

Thiên Chúa cũng đòi hỏi mỗi người Kitô hữu thực thi đức công bằng và sự thanh bần trong đời sống bằng việc đón nhận giáo huấn của Tin Mừng, làm chứng nhân giữa đời để vinh danh Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta hãy tỉnh thức trước những cạm bẫy của thế gian: tỉnh thức để nhận ra Chúa luôn đến và ở cùng; tỉnh thức để nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người đói khổ, cần sự giúp đỡ; tỉnh thức để được sống trong ân sủng của Thiên Chúa (x. Lc 12,38).

Quả thật, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta cũng không thể biết được Người sẽ dành cho mình một ngày mai như thế nào. Do vậy, mỗi người tín hữu cần xét lại chính mình và sống trong tâm tình phục vụ Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận những sai lỗi của mình để hoán cải, biết sẵn sàng lên đường khi được Chúa sai đi, và biết thực thi ý Chúa muốn để xây dựng kho tàng mai sau trên Nước Trời.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Hai – Ngày 12 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Thánh Joanna Phanxica Chantal, nữ tu.

Bài đọc : Đnl 10,12-22

Tin Mừng : Mt 17,22-27

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ tụ họp ở miền Galilê, Người nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giêsu hỏi đón ông: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

THẤT VỌNG

Tin Mừng thuật lại, khi nghe Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người, các môn đệ buồn ghê ghớm. Các ngài không buồn sao được vì họ vẫn chưa hiểu được điều Thầy mình nói. Họ chỉ có thể mường tượng đến một kết cục bi thảm nào đó liên quan đến cái chết đang chờ chực Thầy phía trước. Và biết đâu họ cũng buồn cho chính mình vì rốt cuộc họ không biết đâu là vị trí của mình trong tấn bi kịch của Thầy: Mình có bị liên lụy không? có giúp được gì cho Thầy không? Tương lai sẽ về đâu khi mất Thầy?

Có một điều rất hệ trọng mà các ông đã bỏ qua chỉ vì nỗi buồn phiền che lối, đó là lời tiên báo phục sinh ngay sau cái chết của Thầy. Khi để cho bao nỗi sợ hãi, buồn phiền giăng kín con tim, các ông không còn nhìn thấy ánh sáng nơi cuối con đường mang tên Giêsu.

Nỗi buồn phiền mang tên thất vọng của các môn đệ xưa không phải là không có âm hưởng trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Lắm khi chúng ta lâm vào sự bế tắc thật sự với vô vàn vấn đề và để cho nỗi thất vọng “xây tường đắp lũy” trong lòng ta. Chúng ta sớm quên mất rằng Thiên Chúa gần lắm với chúng ta khi chúng ta đau khổ, vì chính Đức Kitô đã từng mang vào mình mọi nỗi thống khổ. Người rất hiểu những khổ đau của ta. Chúng ta cũng chẳng nhớ rằng Đức Kitô phục sinh mở ra kho tàng của mọi niềm vui và bình an, và Người hằng khát mong cho niềm vui và bình an của Người tuôn chảy và triển nở trong đời sống chúng ta. Khi chúng ta để cho Giêsu chiếm chỗ và lấp đầy lòng mình, mọi nỗi buồn đau sẽ tan biến.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để con nuôi nấng thất vọng nhưng là mở lòng ra cho hy vọng, vì chính Chúa đã chết và sống lại cho con.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Ba – Ngày 13 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Thánh Pontianô, giáo hoàng, và thánh Hippôlytô, linh mục, tử đạo (Đ).

Bài đọc 1 : Đnl 31,1-8

Tin Mừng : Mt 18,1-5.10.12-14

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng thế, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

HÃY TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, chắc chắn ai cũng muốn được làm lớn, bởi vì khi làm lớn mới có tiếng nói và có địa vị trong xã hội. Thế nhưng, trong đoạn Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta đi ngược những điều đó: “Hãy nên như trẻ nhỏ.”

Thoạt đầu nghe qua, lời của Đức Giêsu

thật là vô lý. Tuy nhiên, khi suy gẫm, tôi nhận thức hơn về lời mời gọi đó; nó như một lời cảnh tỉnh cho tôi vì trẻ nhỏ có sự hồn nhiên trong trắng, sự chân thành và tâm tình phó thác mọi sự cho cha mẹ của mình. Nhìn lại cuộc đời của mình, nhiều lúc tôi cứ tưởng mình đã trưởng thành, đã lớn nên chẳng cần nghe ai chỉ bảo, chẳng cần ai nâng đỡ, chở che… Thế rồi, tôi tự làm khó mình trong mọi công việc và cũng quên mất sự hiện diện và sự đồng hành của Chúa trong mọi việc tôi làm, trong mọi lời tôi nói. Vì thế, tôi cần phải có tinh thần “trở nên như trẻ nhỏ”, biết sống đơn sơ trong tâm hồn, khiêm nhường với mọi người và phó thác trọn cuộc đời của mình cho Chúa dẫn dắt. Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh tôi, giúp tôi sống tốt hơn mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết phó thác mọi sự trong tay Chúa, xin Ngài hướng dẫn và đồng hành cùng con mỗi ngày trong cuộc sống.

Antôn A Bảo

Thứ Tư – Ngày 14 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Đnl 34,1-12

Tin Mừng : Mt 18,15-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” […]

SỬA LỖI TRONG YÊU THƯƠNG

 Con người vốn yếu đuối và bất toàn như người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Đã hẳn sinh ra trong cõi đời này ai mà chẳng một lần lầm lỗi, có chăng sự khác biệt chính là khả năng nhìn nhận lỗi lầm và quyết tâm sửa lỗi nơi mỗi người.

Giữa một xã hội mà con người đang đề cao và thậm chí là tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân” thì việc thừa nhận và sửa lỗi thật là một điều khó khăn. Bởi khi chấp nhận mình sai cũng là lúc người ta hạ mình xuống, gạt cái tôi cá nhân sang một bên. Thiết nghĩ, điều đó thật không đơn giản như chúng ta tưởng!

Lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay như là một lời mời gọi tôi sẵn lòng giúp người anh em nhìn nhận lỗi lầm và chấp nhận sửa đổi để có thể đổi mới đời sống, giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Sửa lỗi cho người anh em chính là bước đến bên người anh em với tất cả sự chân thành để lắng nghe, chia sẻ, và khuyên răn nhằm sinh ích cho người anh em chứ không phải để “lên lớp” hay “ném đá” người anh em.

Thế nhưng nhìn lại đời sống của tôi, đã chẳng ít lần tôi đi ngược lại với lời dạy của Đức Giêsu khi tôi thờ ơ, lặng thinh hay thậm tệ hơn là “đưa cái tôi lên ngôi bằng việc dẫm đạp lên sai lầm của anh em”. Chính những lúc đó tôi cần phải tự vấn lại thái độ của chính mình. Khi đặt mình trong thinh lặng, trước mặt Chúa, tôi cảm nghiệm được lời Chúa, hơn bao giờ hết, đang vang vọng trong tôi: “Nếu người anh em của anh phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”.

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm và sẵn sàng đến bên người anh em để giúp họ đứng lên sau những sai lầm và sửa đổi chính mình để được trở về với Chúa là hạnh phúc và là đích điểm của cuộc đời.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Thứ Năm – Ngày 15 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI. Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Kh 11,19a.12,1-6a.10ab

Bài đọc 2 : 1 Cr 15,20-27

Tin Mừng : Lc 1,39-56

[…] Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Apraham và cho con cháu đến muôn đời.” Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

LÊN TRỜI CÙNG MẸ

Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một trong bốn đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, và cũng là một trong bốn tín điều mà Giáo Hội tuyên tín về Đức Maria.

Đức Maria là người nữ được Chúa chọn giữa muôn nghìn người nữ. Vì thế, Thiên Chúa đã gìn giữ, bao bọc ngay từ lúc Mẹ được tạo thành. Linh hồn và thể xác Mẹ luôn thanh sạch, không chút tì ố, không nhiễm tội nguyên tổ. Vì thế, Mẹ được chọn làm Mẹ Đức Giêsu Kitô, Mẹ Thiên Chúa. Con người của Mẹ hoàn toàn thuộc về Chúa.

Bài Magnificat trong Tin Mừng hôm nay là lời cảm tạ tri ân mà Đức Maria dâng lên Thiên Chúa vì muôn hồng ân Ngài đã ban cho Mẹ. Chính niềm tin tuyệt đối của Mẹ vào những gì Thiên Chúa nói đã giúp Mẹ trở nên vững mạnh và đáng được muôn người chúc tụng mãi về sau. Nhờ noi theo lòng tin tuyệt đối ấy của Mẹ, chúng ta cũng được hưởng nhờ đặc ân cứu độ.

Hình ảnh Mẹ lên trời là hình ảnh Giáo Hội khải hoàn và là vinh quang của Đức Kitô, con của Mẹ, trên thập giá. Sau cùng, việc Đức Maria hồn xác lên trời cho chúng ta biết phẩm giá cao quý của thân xác con người, bởi hồn và xác đều được Thiên Chúa dựng nên để hưởng sự sống đời đời.

Lạy Chúa, trong ngày lễ Đức Maria hồn xác lên trời hôm nay, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân mà Ngài đã ban cho chúng con cách nhưng không. Xin Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng con, giúp chúng con biết quý trọng và gìn giữ thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần, để mai sau chúng con cũng được lên trời vinh hiển cùng Mẹ.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Sáu – Ngày 16 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Thánh Stêphanô Hungari (Tr).

Bài đọc : Gs 24,1-13

Tin Mừng : Mt 19,3-12

Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”  […]

LY DỊ

Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về việc ly dị, để rồi cuối cùng Chúa kết luận rằng không được phép ly dị dù với bất cứ lý do gì.

Luật Môsê cho phép ly dị (x. Đnl 24,1-4), nhưng không xác định lý do ly dị. Theo phái phóng khoáng thì chỉ cần một lý do đơn giản như người vợ nấu cơm không ngon thì cũng đủ lý do để người chồng viết đơn ly dị. Theo nhóm nghiêm khắc thì khi người vợ ngoại tình, người chồng mới được phép ly dị. Vì sự bất đồng này nên những người Pharisêu đã chất vấn Chúa Giêsu và được Chúa trả lời rằng: dựa vào sách Sáng Thế (St 1,27-2,24) thì “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.”

Ðức Giêsu khẳng định luật nguyên thủy của hôn nhân là một vợ một chồng và không được phép ly dị. Thế nhưng con người ngày nay đang đi ngược với luật Chúa. Luật pháp các quốc gia cho phép ly dị, các gia đình Công Giáo đang đứng trước những nguy cơ ly dị. Biết bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly, con cái phân tán đang diễn ra hàng ngày. Ðiều đó cho thấy đời sống đạo và đặc biệt dây hôn phối đã bị lạm dụng bằng nhiều hình thức trong môi trường tục hóa của thế giới hiện đại này. Con người đang đánh mất dần ân sủng và hiệu quả của bí tích Hôn Phối.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình đặc biệt là các gia đình Công Giáo biết tôn trong luật Chúa và luật hôn nhân, sống tinh thần yêu thương, biết hòa giải để giữ đời sống hôn nhân gia đình trong hạnh phúc và bình an. Xin Chúa chúc phúc cho chúng con, dù sống bậc hôn nhân, hay tu trì tận hiến luôn ý thức rằng: yêu thương là con đường của Chúa.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Thứ Bảy – Ngày 17 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIX

Bài đọc : Gs 24,14-29

Tin Mừng : Mt 19,13-15

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

HÃY NÊN NHƯ TRẺ THƠ

Trong xã hội nước Do Thái thời Chúa Giêsu, phụ nữ và trẻ em không được coi trọng. Họ không được tham gia vào các hoạt động của xã hội. Chính các môn đệ cũng ngăn cản và la rầy khi thấy trẻ em đến với Đức Giêsu. Và Ngài đã khai sáng cho các ông hiểu rằng “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”

Thật vậy, trẻ em lớn lên nhờ tình thương của gia đình. Nơi tâm hồn của trẻ em luôn toát lên sự ngây thơ, trong trắng mà người lớn không có được. Bởi vì chúng cảm nhận được sự yếu đuối nên chúng đặt lòng tin trọn vẹn vào tình thương của bố mẹ. Tâm hồn trẻ em không chứa đựng sự hận thù, phân biệt, dối gian và sẵn sàng đón nhận người khác.

Chúng ta vẫn luôn mong ước được trở về với tuổi thơ, vì nơi ấy không có chỗ cho lo lắng, bộn bề; nơi ấy luôn tràn ngập niềm vui. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một con đường để vào Nước Thiên Chúa: con đường của lối sống hiền lành, khiêm tốn, đón nhận người khác và quan trọng nhất là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa; đó là con đường của những ai có tâm hồn như trẻ thơ, vì “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”;

Sự khiêm nhường và tin cậy của trẻ thơ là khuôn mẫu cho con đường nên thánh. Trở nên như trẻ nhỏ là để cho Chúa thanh luyện và hướng dẫn đời ta theo đường lối của Ngài. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã lựa chọn con đường này làm khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời của mình: làm những việc đơn sơ bé nhỏ với sự khiêm hạ, tình yêu lớn lao và hoàn toàn để Chúa làm chủ cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn như trẻ thơ để chúng con luôn sống khiêm nhu, đón nhận sự khác biệt như một ân huệ Chúa ban cho và hoàn toàn tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoPhủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong tiến trình cải tổ Giáo triều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.