Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm C

0
431

Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9

“Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1 và 12. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. – Ðáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Ðáp.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-19

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 32-48

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

“Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Lm. Anphongsô Đinh Công Sáng, SVD

Tin Mừng Luca hôm nay thuật lại bối cảnh Chúa Giêsu và các môn đệ đang “Xuất Hành” lên Giêrusalem để hoàn thành công trình cứu độ Chúa Cha đã trao phó. Chúa Giêsu nhận thấy cần chuẩn bị tâm lý cho các môn đệ trước tình huống xảy đến sau khi Ngài phục sinh. Sau khi chịu khổ nạn và phục sinh, Đức Giêsu không còn hiện diện với họ, nhưng họ phải sẵn sàng chờ đợi trong tỉnh thức và trung thành trong đức tin.

Để hiểu lời Chúa sâu sắc hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những hình ảnh mà Chúa Giêsu dùng để nói với các môn đệ ngày xưa cũng như nói với chúng ta hôm nay.

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, cầm đèn cho sẵn” (Lc 12,35). Hình ảnh này nhắc ta nhớ lại biến cố xuất hành của dân Do Thái ngày xưa khi họ chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua. Trong sách Xuất Hành có viết: “Phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy…” (Xh 12, 11). Ăn lễ vượt qua trong tinh thần sẵn sàng chờ đợi Chúa đến giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Cuộc lữ hành đức tin của chúng ta hôm nay cũng tương tự như thế; mỗi người hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta chờ Chúa đến không phải trong cảnh u buồn, tối tăm, lầm lạc mà trong ánh sáng, vui mừng và hy vọng; hãy “cầm đèn cho sẵn”.

Trong thực tế, ban đêm không có đèn chiếu sáng, người ta dễ bị vấp ngã vì không thấy đường. Kẻ trộm khi thấy chủ nhà chong đèn chắc cũng không dám lẻn vào cắt khóa trộm đồ.

Trong đời sống tâm linh cũng vậy, ngọn đèn đức tin, đức cậy và đức mến được đốt lên trong lòng mỗi người tín hữu thì ắt hẳn kẻ trộm là ma quỷ khó có thể khoét vách tâm hồn để lấy đi sự sống, chân lý và sự thật của người ấy. Chúng ta không bao giờ được lơ là một giây phút nào mà luôn phải đề phòng liên lỉ vì “canh hai hoặc canh ba ông chủ về…” Người Do Thái chia một đêm thành bốn canh. Như vậy, người đầy tớ phải chờ gần như suốt đêm; bất cứ ngày nào, giờ nào cũng phải sẵn sàng. Đúng như lời thánh Phêrô khuyên dạy chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).

Mỗi người Kitô hữu là một khuôn mặt Đức Kitô giữa trần gian, mà khuôn mặt của Thầy Chí Thánh Giêsu luôn bị đe dọa từng giây từng phút. Vì thế, tỉnh thức và cầu nguyện luôn để không bao giờ làm hoen ố hay mờ nhạt hình ảnh Đức Kitô trong cuộc sống thường ngày.

Chuyện xưa kể rằng, thời Tam Quốc có ba nước Ngô-Ngụy-Thục tranh hùng. Nước Thục có vị quân sư đại tài tên là Gia Cát Lượng, hiệu là Khổng Minh. Ông này sau khi bình định nước Thục đã cho một toán quân ngay đêm canh giữ cửa ải Âm Bình; đây là cửa ải hiểm trở người ngựa không qua được. Có người cho rằng việc làm của Khổng Minh là tốn công vô ích. Sau khi ông qua đời, người nước Thục không canh giữ cửa ải này nữa. Biết được sơ hở đó, quân Ngụy đã lẻn vào lấy nước Thục dễ dàng.

Trong đời sống tâm linh cũng vậy, một phút lơ là mất cảnh giác, không sẵn sàng chính là lúc dễ bị sa ngã vong thân. Vì thế người Kitô hữu hãy sẵn sàng tỉnh thức như thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an” (Ep 6,13-15).

Tỉnh thức sẵn sàng không chỉ là đề phòng sự tấn công từ bên ngoài mà còn là biết lắng nghe tiếng gọi từ nội tâm. Thánh Augustinô, trong cuốn Tự Thuật, kể lại sự kiện ngài đang đi dạo trong vườn bỗng nghe có tiếng nói: “Hãy cầm lấy mà đọc”. Ngài nhìn xung quanh thì trên bàn đá gần đó có cuốn Thánh Kinh; ngài mở ra và gặp đoạn thư thánh Phaolô viết: “Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu anh em sống theo thần khí, anh em sẽ diệt trừ được con người ích kỷ của anh em và sẽ được sống” (Rm 8,13). Tỉnh thức là để sẵn sàng nghe được tiếng Chúa gọi thầm kín trong cuộc đời.

Tỉnh thức sẵn sàng là lúc con người nhận ra chân lý nào đó trong cuộc sống. Nếu như tỉnh thức mà chưa sẵn sàng thì cũng không lắng nghe được tiếng Thiên Chúa gọi mình. Cậu bé Samuen đã thức tỉnh nhưng chưa sẵn sàng thì Thiên Chúa chưa mặc khải cho tới lúc cậu trả lời: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,9).

Người Kitô hữu phải luôn sẵn sàng để hành động theo ý Chúa như gương thánh Giuse ban đêm đang ngủ nghe được tiếng Chúa lập tức trỗi dậy và hành động: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14).

Người Kitô hữu có một thái độ sống tỉnh thức và sẵn sàng là người sống ung dung tự tại, lắng đọng tâm tư để nghe được nhịp thở của tự nhiên, cảm nhận được tình yêu đất trời hòa quyện vào nhau. Thi sĩ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ,” có viết:

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo.

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem trời giải nghĩa yêu.”

Nếu không phải là tâm hồn của một người Kitô hữu thì ông khó cảm nhận được mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm sáng tạo. Trong đời sống đức tin, nhiều lúc chúng ta cũng cần có một tâm hồn thanh tịnh, để có thể nhận ra tiếng Chúa đang thầm nói với mình, tiếng thầm thì của tình yêu. Đó cũng là lối sống tỉnh thức.

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay không chỉ là dạy các môn đệ ngày xưa mà còn là tiếng chuông cảnh báo cho người Kitô hữu nói riêng và nhân loại nói chung. Ngày nay, người ta rất tỉnh và sẵn sàng đối phó với nền kinh tế thị trường; người ta nhạy bén với giá cả của vàng và đô la, song thử hỏi, có mấy ai nhạy bén với đời sống tâm linh như: cầu nguyện, chiêm niệm, lãnh nhận các Bí Tích…? Có mấy ai nhạy bén với chân giá trị làm người như: công bằng, bác ái, bao dung, tha thứ, từ tâm, nhân hậu, hiền hòa…? Những chân giá trị đó người tín hữu phải thắp sáng luôn để “chờ đợi ngày Chủ về gõ cửa thì mở ngay.”

Xin cho chúng ta biết sẵn sàng và trung thành chờ đợi Chúa đến trong vinh quang để bước vào dự tiệc cưới Con Chiên. Xin cho cuộc sống chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng như lời nguyện cầu trong giờ Kinh Tối: “Lạy Chúa lúc chúng con còn thức, xin Ngài cứu vớt cho; Khi chúng con đã ngủ, xin Chúa cũng giữ gìn; Để cùng thức tỉnh với Đức Kitô, và nghỉ ngơi an bình.”

 

Bài trướcNHỮNG NGÀY HÈ 2019 – Gx. Sơn Long, Gp. Ban Mê Thuột
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XIX – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.