Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm C (Lc 12, 32-48)

0
464

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 12, 32-48)

Hy Lạp Việt
32 Μὴ φοβοῦ, τὸ μικρὸν ποίμνιον, ὅτι εὐδόκησεν ὁ πατὴρ ὑμῶν δοῦναι ὑμῖν τὴν βασιλείαν.

33 Πωλήσατε τὰ ὑπάρχοντα ὑμῶν καὶ δότε ἐλεημοσύνην· ποιήσατε ἑαυτοῖς βαλλάντια μὴ παλαιούμενα, θησαυρὸν ἀνέκλειπτον ἐν τοῖς οὐρανοῖς, ὅπου κλέπτης οὐκ ἐγγίζει οὐδὲ σὴς διαφθείρει·

34 ὅπου γάρ ἐστιν ὁ θησαυρὸς ὑμῶν, ἐκεῖ καὶ ἡ καρδία ὑμῶν ἔσται.

35  Ἔστωσαν ὑμῶν αἱ ὀσφύες περιεζωσμέναι καὶ οἱ λύχνοι καιόμενοι·

36 καὶ ὑμεῖς ὅμοιοι ἀνθρώποις προσδεχομένοις τὸν κύριον ἑαυτῶν πότε ἀναλύσῃ ἐκ τῶν γάμων, ἵνα ἐλθόντος καὶ κρούσαντος εὐθέως ἀνοίξωσιν αὐτῷ.

37 μακάριοι οἱ δοῦλοι ἐκεῖνοι, οὓς ἐλθὼν ὁ κύριος εὑρήσει γρηγοροῦντας· ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι περιζώσεται καὶ ἀνακλινεῖ αὐτοὺς καὶ παρελθὼν διακονήσει αὐτοῖς.

38 κἂν ἐν τῇ δευτέρᾳ κἂν ἐν τῇ τρίτῃ φυλακῇ ἔλθῃ καὶ εὕρῃ οὕτως, μακάριοί εἰσιν ἐκεῖνοι.

39  τοῦτο δὲ γινώσκετε ὅτι εἰ ᾔδει ὁ οἰκοδεσπότης ποίᾳ ὥρᾳ ὁ κλέπτης ἔρχεται, οὐκ ἂν ἀφῆκεν διορυχθῆναι τὸν οἶκον αὐτοῦ.

40  καὶ ὑμεῖς γίνεσθε ἕτοιμοι, ὅτι ᾗ ὥρᾳ οὐ δοκεῖτε ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἔρχεται.

41  Εἶπεν δὲ ὁ Πέτρος· κύριε, πρὸς ἡμᾶς τὴν παραβολὴν ταύτην λέγεις ἢ καὶ πρὸς πάντας;

42  καὶ εἶπεν ὁ κύριος· τίς ἄρα ἐστὶν ὁ πιστὸς οἰκονόμος ὁ φρόνιμος, ὃν καταστήσει ὁ κύριος ἐπὶ τῆς θεραπείας αὐτοῦ τοῦ διδόναι ἐν καιρῷ [τὸ] σιτομέτριον;

43  μακάριος ὁ δοῦλος ἐκεῖνος, ὃν ἐλθὼν ὁ κύριος αὐτοῦ εὑρήσει ποιοῦντα οὕτως.

44 ἀληθῶς λέγω ὑμῖν ὅτι ἐπὶ πᾶσιν τοῖς ὑπάρχουσιν αὐτοῦ καταστήσει αὐτόν.

45 ἐὰν δὲ εἴπῃ ὁ δοῦλος ἐκεῖνος ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτοῦ· χρονίζει ὁ κύριός μου ἔρχεσθαι, καὶ ἄρξηται τύπτειν τοὺς παῖδας καὶ τὰς παιδίσκας, ἐσθίειν τε καὶ πίνειν καὶ μεθύσκεσθαι,

46 ἥξει ὁ κύριος τοῦ δούλου ἐκείνου ἐν ἡμέρᾳ ᾗ οὐ προσδοκᾷ καὶ ἐν ὥρᾳ ᾗ οὐ γινώσκει, καὶ διχοτομήσει αὐτὸν καὶ τὸ μέρος αὐτοῦ μετὰ τῶν ἀπίστων θήσει.

47 Ἐκεῖνος δὲ ὁ δοῦλος ὁ γνοὺς τὸ θέλημα τοῦ κυρίου αὐτοῦ καὶ μὴ ἑτοιμάσας ἢ ποιήσας πρὸς τὸ θέλημα αὐτοῦ δαρήσεται πολλάς·

48 ὁ δὲ μὴ γνούς, ποιήσας δὲ ἄξια πληγῶν δαρήσεται ὀλίγας. παντὶ δὲ ᾧ ἐδόθη πολύ, πολὺ ζητηθήσεται παρ᾽ αὐτοῦ, καὶ ᾧ παρέθεντο πολύ, περισσότερον αἰτήσουσιν αὐτόν. (Lk. 12:32-48 BGT)

32 Đừng sợ, hỡi đàn chiên bé nhỏ của Thầy, vì Cha đã vui lòng tặng Vương Quốc cho các con.

33 Hãy bán tải sản của các con mà phân phát từ thiện. Hãy làm cho chính các con những túi tiền không cũ rách, một kho tàng không bao giờ cạn kiệt trên trời, nơi mà kẻ trộm không đến gần, và không có bất cứ con sâu mọt nào có thể tàn phá.

34 vì kho tàng của các con ở đâu thì lòng của các con sẽ ở đó.

35 Hãy buộc những dây thắt lưng và thắp sáng những cây đèn.

36 Các con giống như những người đang chờ ông chủ của mình trở về từ đám cưới để khi ông ta đến và gõ cửa thì mở cho ông ngay lập tức.

37 phúc cho những đầy tớ ấy, khi ông chủ của họ đến mà còn thấy họ còn thức. Amen, thầy bảo các con, sau khi đã thắt lưng, ông sẽ đặt họ vào bàn, rồi đến gần bên mà phục vụ họ.

38 Nếu vào khoảng canh hai và canh ba ông ta đến mà thấy họ như vậy thì phúc cho những người đó.

39 Các con hãy biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào tên trộm đến, ông ta hẳn đã không để cho nhà mình bị xâm nhập.

40 Các con hãy sẵn sàng vì vào giờ các con không ngờ thì Con Người sẽ đến.

41 Ông Phêrô liền nói: “Thưa Thầy, Thầy nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”

42 Chúa nói rằng: “Vậy, ai là người quản gia trung tín khôn ngoan, người mà ông chủ sẽ đặt lên trên những tôi tớ của ông để phân phát thức ăn đúng giờ?

43 phúc cho người đầy tớ đó, người mà khi ông chủ của anh đến thấy anh ta đang làm như thế.

44 Thầy bảo thật các con, ông sẽ đặt anh ta lên trên tất cả tài sản của ông.

45 Nếu người đầy tớ ấy nói trong lòng rằng ông chủ của mình trì hoãn đến và anh ta bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái trong nhà, rồi ăn, uống và say sưa.

46 Ông chủ của người đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày anh ta không mong đợi và vào giờ anh ta không biết, ông sẽ trừng phạt anh ta nặng nề [phân mảnh] và sẽ đặt anh ta vào chung với những người bất tín.

47 Đầy tớ nào biết ý của ông chủ nhưng không chuẩn bị sẵn sàng hay làm chống lại ý ông, sẽ bị đánh đòn nhiều,

48 còn người không biết, mà làm điều đáng bị đòn, thì bị đánh ít hơn. Ai đã được cho nhiều, thì bị đòi hỏi nhiều, và ai đã được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

 

Bối cảnh

 Lc 12, 32-48 được sắp xếp trong loạt những trình thuật về hành trình trên đường lên Giêrusalem (Lc 9,51 – 19, 28) của Đức Giêsu. Chủ đề về Nước Thiên Chúa vẫn là chủ đề quan trọng mà Đức Giêsu đang cố gắng truyền đạt cho các môn đệ. Người sai các môn đệ (nhóm Bảy Mươi Hai) đi rao giảng thông điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9.11). Các môn đệ được mời gọi mừng vui vì tên của họ được ghi trên trời hơn là thành tích trừ quỷ (Lc 10,20). Họ được dạy là phải cầu nguyện cho “danh Cha được thánh hiến” và “Nước Cha đến” (11,2). Một trong những dấu hiệu rõ nét cho thấy Nước của Cha đến, Triều đại Thiên Chúa hiển trị là việc Đức Giêsu dùng “ngón tay Thiên Chúa” mà trục xuất quỷ (Lc 11,20; Cf. Lc 17,21). Đoạn văn này khởi đầu bằng lời hứa của Đức Giêsu rằng “Cha của các con đã vui lòng ban Vương Quốc của Người cho các con” (Lc 12,32). Câu này nối kết cách chặt chẽ với lời mời gọi mấu chốt ngay trước đó: “Hãy lo tìm kiếm Nước của Người còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12,31). Ngoài chủ đề chính yếu là “Nước Thiên Chúa”, những chủ đề liên quan đến điều kiện để vào “Nước Thiên Chúa” cũng nối kết cách chặt chẽ đoạn văn này với những đoạn văn khác trong bối cảnh trực tiếp, cũng như bối cảnh Tin Mừng thứ ba, và toàn bộ Tin Mừng. Có thể kể đến một vài chủ đề như: Sự tỉnh thức, canh thức đợi chờ (Lc 12,35-40; bán tài sản và bố thí (Lc 12,16-21; 12,33; Cf. 14,33), kho tàng trên trời (Lc 12,13-14; 12,33-34.44), Con Người đến bất ngờ, và thưởng, phạt trong thời cánh chung (12,42-48; 12,58-59; 13,5.9.27-29).

 

Cấu trúc

Quà tặng Vương Quốc (32)

Kho tàng Vương Quốc (33-34)

Chuẩn bị sẵn sàng vì sự trở lại bất ngờ của ông chủ (35-40)

Buộc dây thắt lưng và thắp đèn (35)

Tỉnh thức chờ đợi ông chủ (36)

Mối phúc cho người tỉnh thức chờ đợi (37-38)

Cảnh giác của chủ nhà (39)

Con Người sẽ đến bất ngờ (40)

Dụ ngôn dành cho ai? (41-42)

Người quản gia trung tín và mối phúc (43-44)

Người quản gia bất tín và hình phạt (45-46)

Mức độ trừng phạt và trách nhiệm khác nhau (47-48)

 

Một số điểm chú giải

  1. “Vui lòng tặng Vương Quốc”: Trước đó Đức Giêsu kết thúc một bài giảng về sự lo lắng cho cái ăn, cái mặc bằng một mệnh lệnh: “Hãy tìm kiếm Vương Quốc của Người [τὴν βασιλείαν αὐτοῦ], còn các thứ kia Người sẽ thêm cho” (Lc 12,31). Tiếp theo ngay sau mệnh lệnh này, Người lai nói: “Người Cha đã sẵn lòng ban Vương Quốc này cho các con” (12,31).[1] Như vậy, nếu như Vương Quốc được Người Cha ban một cách vui lòng rồi thì tại sao những người con vẫn phải tìm kiếm? Phải chăng sự tìm kiếm giả định rằng Vương Quốc chưa được ban? Theo như cách nói của Đức Giêsu, cả hai thái cực đều tồn tại. Một mặt, Người Cha luôn sẵn lòng trao tặng Vương Quốc cho những người con; mặt khác những người con vẫn phải tìm kiếm nó. Vương Quốc thì luôn mở rộng cho tất cả mọi người; nhưng không phải tất cả mọi người đều muốn vào và đủ điều kiện để vào. Dụ ngôn “khách mời xin kiếu” (Lc 14,15-24) là một ví dụ rõ nét về sự chối từ tiệc cưới Nước Trời của nhiều người. Dụ ngôn “mười cô trinh nữ” (Mt 25, 1-13) minh họa cho sự bất xứng, thiếu sẵn sàng, của nhiều người, cho món quà Vương Quốc. Trong bối cảnh này, cách thức tìm kiếm được chỉ dẫn rõ nét trong cả đoạn văn trước và sau lời mời gọi này. Trong đoạn trước, hoạt động tìm kiếm bao gồm việc “thôi thu tích của cải cho mình” mà “phải làm giàu vì Chúa” (Lc 12,21); phó thác, tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa gánh nặng mưu sinh (Lc 12,22-30), để dành trọng thời gian theo đuổi những giá trị Tin Mừng. Trong đoạn sau đó, người tìm kiếm Vương Quốc được mời gọi bán tài sản của mình mà chia sẻ từ thiện (12,33); và phải luôn tỉnh thức, sẵn sàng, chờ đợi “ông chủ” trở về (12,35-46). Sự trao tặng vương quốc âm vang lời hứa trao ban vương quốc cho ai như “Con Người” trong sách Đn 7,13-14. Trong bối cảnh này vương quốc trở thành của thừa kế dành cho các môn đệ của Đức Giêsu. Đức Giêsu hứa với các môn đệ sẽ trao Vương Quốc cho họ, như Chúa Cha đã trao cho Người để họ cũng được đồng bàn ăn uống với Người trong Vương Quốc (Lc 22,29-30).[2]
  2. “một túi tiền … một kho tàng”: Sau khi khuyên các môn đệ “bán tài sản mà chia sẻ từ thiện”, Đức Giêsu ra lệnh cho họ làm cho mình “những túi tiền” (βαλλάντια) và một kho tàng (θησαυρὸν). Danh từ “những túi tiền” được bổ nghĩa bằng mệnh đề “không cũ rách”; còn danh từ “kho tàng” thì được diễn giải với nhiều đặc tính: “Không bao giờ cạn kiệt”, “ở trên trời”, “nơi kẻ trộm không bén mảng tới và không con sâu mọt nào có thể phá hủy”. Con sâu mọt xuất hiện ở đây vì chúng có thể làm hại những quần áo sang trọng của người giàu thời ấy, hay túi đựng tiền bạc. Những cách diễn tả này cho thấy sự chắc chắn, bền vững, dài lâu của những túi tiền và kho tàng. Dĩ nhiên, “những túi tiền, và “kho tàng” ở đây không phải là những giá trị vật chất. Đó là những hoa trái tốt lành mà người ta mua được từ những giá trị vật chất.[3] Chúng được làm bằng cách bán hết những giá trị vật chất mà chia sẻ cho người nghèo, hoặc đóng góp vào công ích. Mệnh lệnh “làm những túi tiền” và “tạo nên một kho tàng” phải đi đôi với lòng quảng đại “bán của cải mà làm từ thiện”. Nghịch lý là khi càng làm vơi đi tiền bạc và kho tàng dưới đất, thì túi tiền và kho tàng trên trời của người môn đệ càng đầy dư và càng bền vững.
  3. “Kho tàng của các con ở đâu thì lòng các con sẽ ở đó”: Nếu kho tàng của các môn đệ ở dưới đất, thì cả cuộc đời họ sẽ lo tích trữ của cải vật chất cho riêng mình, rồi nghỉ ngơi, ăn, uống, và hưởng thụ như ông nhà giàu trúng mùa “ngốc nghếch” trong dụ ngôn mà Đức Giêsu kể trước đó (Lc 12,16-21). Còn nếu kho tàng của họ ở trên trời, nơi Chúa, thì họ sẵn sàng dùng cả thời gian cả cuộc đời mình, cùng với tài năng, sức khỏe Chúa ban để làm theo thánh ý Người.[4] Giả như họ có của cải, vật chất, họ sẵn sàng bán hết để phân phát cho người nghèo và công ích.[5] Kho tàng ở trên trời được tạo nên bằng tình yêu và lòng thành tín thì vững bền, còn mãi, còn kho tàng dưới đất được tạo nên bằng cách tích trữ những của cải vật chất thì có thời hạn, mong manh, dễ tan biến.
  4. “Buộc những dây thắt lưng[6] … thắp sáng những ngọn đèn” … “hãy sẵn sàng”: Đây là những ngôn từ nói về chủ đề cánh chung. Chủ đề tìm kiếm “Nước Thiên Chúa”, được chuyển qua một hướng khác: Sự đến của ông chủ của Nước Trời. Nói đến “Nước Thiên Chúa” là nói về lãnh thổ, hay không gian, còn nói đến “ông chủ” là nói về người lãnh đạo Vương Quốc. Thiên Chúa chính là ông chủ, là quốc vương trong Nước Thiên Chúa. Những ngôn từ như: “Buộc dây thắt lưng”, “thắp sáng ngọn đèn”, “tỉnh thức”, “sẵn sàng” là những ngôn từ diễn tả tư thế sẵn sàng luôn luôn. Đức Giêsu mở đầu bài bằng hai mệnh lệnh “Hãy buộc những dây thắt lưng” – “Hãy thắp sáng những ngọn đèn” (12,35) và đóng lại bằng mệnh lệnh “hãy sẵn sàng” (12,40). Những câu ở giữa là một ví dụ minh họa thế nào là “sẵn sàng”. Nó tương tự như là một người đầy tờ chờ đợi chủ đi ăn tiệc cưới về. Sự sẵn sàng của người đầy tớ được thể hiện ở chỗ khi ông chủ về và gõ cửa là anh ta mở cửa ngay. Sự sẵn sàng còn được minh họa bằng hình ảnh người chủ nhà một khi biết trước giờ kẻ trộm đến thì ông ta canh giữ kỹ càng không để nó xâm nhập nhà mình. Hình ảnh “thắt lưng” gợi nhớ đến lời căn dặn của Chúa trong đêm Vượt Qua: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12,11). Tất cả để diễn tả sự sẵn sàng.[7] Hình ảnh “thắp sáng những cái đèn”, cùng với những hình ảnh như “tiệc cưới/ các tôi tớ/ chờ đợi/ ban đêm”, gợi nhớ đến dụ ngôn “mười trinh nữ” trong Mt 25,1-13. Những ngọn đèn là rất cần thiết trong bối cảnh ban đêm. Nó soi sáng cho ngôi nhà lúc ông chủ đi về. Tác giả Luca ghi lại hai lần Đức Giêsu nói về vị trí của cây đèn trong nhà. Khi được thắp lên, nó phải được đặt trên đế, để ai đi vào cũng có thể thấy ánh sáng (Lc 8,16; 11,33). Đó là cái đèn mà người đầy tớ phải luôn thắp sáng để đón ông chủ về.
  5. “Ông chủ … đầy tớ … quản gia … tôi trai tớ gái… … Con Người”: Các nhân vật này cho thấy một tương quan chủ và tớ trong xã hội cổ xưa. Từ “đầy tớ” trong tiếng Hy Lạp là cùng một từ với “người nô lệ”, hay dịch nghĩa nhẹ hơn là “người phục vụ”. Trong những ví dụ được Đức Giêsu đưa ra, vai trò, trách nhiệm của “người đầy tớ” được nhấn mạnh. Trách nhiệm cụ thể trong bối cảnh này là sự chờ đợi người chủ của mình trở về lúc đêm khuya. Người đầy tớ không có quyền ngủ trước khi người chủ trở về và trước khi ông đi ngủ. Trong phần trả lời cho câu hỏi của ông Phêrô, Đức Giêsu nhắc đến chức vị “người quản gia”. Có hai loại quản gia được Đức Giêsu đề cập. “Quản gia trung tín khôn ngoan” (ὁ πιστὸς οἰκονόμος ὁ φρόνιμος) và “quản gia bất tín” (τῶν ἀπίστων) (ngụ ý là không khôn ngoan). Loại quản gia thứ nhất luôn thể hiện trách nhiệm trong việc phân phát thức ăn đúng thời cho những tôi tớ trong nhà; Loại quản gia thứ hai được mô tả cách chi tiết hơn: “Vì nghĩ là ông chủ trì hoãn đến, nên người quản gia này lạm quyền, đánh đập tôi trai, tớ gai, và ăn, uống, say sưa. Thật ra, người quản gia, đối với ông chủ, thì vẫn là một người đầy tớ (12,43.45.47). Ông ta được đặt một phần trách nhiệm trông coi các gia nhân trong nhà và có thể quản lý một phần tài sản nào đó. Tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành, mọi lúc mọi nơi, là hai đặc tính tối cần thiết mà một người quản gia phải có. Dựa vào trách nhiệm và lòng trung thành mà người quản gia có thể được giao phó thêm quyền hành hoặc là bị trừng phạt, và đuổi đi.

Từ mối tương quan cố hữu chủtớ thường ngày trong xã hội Do Thái cổ xưa Đức Giêsu nối kết với tương quan giữa Đức Giêsu và các tín hữu, đặc biệt là các môn đệ, trong thời cánh chung: “Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không mong đợi thì Con Người lại đến”. Đức Giêsu thường dùng danh xưng “Con Người” (ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου: Con trai của loài người) cùng với động từ “đến” để nói về thời cánh chung, ngày Người trở lại trong vinh quang: “Trong số những người có mặt ở đây, có những người sẽ không phải nếm trải sự chết trước khi thấy Con Người đến trong Vương Quốc của Người” (Mt 16,28); “Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây (Mc 13,26; 14,62; Lc 21,27); “Con Người đã đến gần” (Mt 24,33; Mc 13,29); “Ngày đến của Con Người” (Mt 24,39; 25,31).

  1. “Phúc thay”: Tính từ “phúc thay” (μακάριος) được sử dụng ba lần trong hai ví dụ minh họa của Đức Giêsu. Nó được dùng hai lần để diễn tả mối phúc cho người đầy tớ trong câu chuyện thứ nhất. Đó là người đầy tớ chờ đợi ông chủ của mình đi ăn tiệc cưới về, và mở cửa cho ông. Cái phúc của người đầy tớ này là, được chủ thắt lưng, dẫn vào bàn ăn và phục vụ anh ta. Mối phúc này được kẹp giữa hai chữ phúc để làm thành một cấu trục inclusio chặt chẽ:
phúc cho những đầy tớ ấy,

khi ông chủ của họ đến mà còn thấy họ còn thức.

Amen, thầy bảo các con, sau khi đã thắt lưng,

ông sẽ đặt họ vào bàn, rồi đến gần bên mà phục vụ họ.

phúc cho những người đó, nếu … ông ta đến mà thấy họ như vậy

Cái phúc của người đầy tớ tốt đến mức lạ thường, khi người chủ lại trở thành một người phục vụ cho anh. Tuy nhiên, nếu liên hệ đến hình ảnh Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,1-11), hay giáo huấn “người đứng đầu phải trở nên người cuối cùng và là người phục vụ kẻ khác” (Mc 9,35), thì độc giả sẽ không lạ gì với tâm thế phục vụ của một ông chủ. Chính Đức Giêsu thừa nhận Người ở giữa các môn đệ như một người phục vụ: “Giữa người ngồi ăn với một người phục vụ ai là người lớn hơn? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Mức độ phục vụ cao nhất là Đức Giêsu hiến dâng mạng sống của mình cho muôn người: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ mà hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28; Mc 10,45). Phần thưởng dành cho những người môn đệ trung tín là được hưởng ơn cứu độ và chia sẻ hạnh phúc, vinh quang với Đức Giêsu trong Nước Trời.

Chữ phúc thứ ba dành cho người quản gia trung tín khôn ngoan trong câu chuyện thứ hai: “Khi người chủ trở về mà thấy đầy tở ấy đang làm như vậy thì thật là phúc cho anh ta” (12,43). “Làm như vậy” nghĩa là phân phát thức ăn đúng giờ cho những tôi tớ khác trong nhà. Điều này chứng tỏ người quản gia này vừa trung thành với ông chủ vừa yêu thương chăm sóc những người đầy tớ khác.[8] Cái phúc của anh là được đặt lên trông coi tất cả tài sản của ông thay vì chỉ làm nhiệm vụ trông coi gia nhân và phân phát lương thực.[9] Phần phúc này gợi nhớ đến lời hứa của Đức Giêsu dành cho các môn đệ: “Trong thế giới mới, khi Con Người ngồi trên ngai vinh quang, anh em, những người đã theo Thầy, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngai tòa, xét xử mười hai chi tộc Ítrael” (Mt 19,28). Dĩ nhiên, phần phúc của những người môn đệ trung tín không chỉ là vinh dự được xét xử, cho bằng được sống trong tình yêu thương đậm sâu với Chúa và mọi người.

  1. “Trừng phạt nặng nề … bỏ vào chung với những người bất tín”: Đối lại với cái phúc của người quản gia trung tín khôn ngoan là sự trừng phạt dành cho người quản gia bất tín, ăn chơi sa đọa và hành hạ những đầy tớ của ông chủ. Hình phạt dành cho loại đầy tớ này rất nặng: “Ông sẽ trừng phạt anh ta nặng nề [phân mảnh] và sẽ đặt anh ta vào chung nơi chốn với những người bất tín” (12,46). Động từ “διχοτομέω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chặt ra thành từng mảnh”.[10] Nói theo ngôn ngữ Tiếng Việt: “Ông sẽ chặt anh ta ra thành từng khúc”. Đó là một cái chết không thể đau đớn hơn. Người môn đệ bất tín chắc chắn cũng sẽ lãnh nhận một hình phạt tương tự như thế.
  2. “Canh hai … canh ba … ngày không mong đợi …giờ không biết… giờ các con không ngờ”: Đây là những cách nói cụ thể diễn tả sự đến bất ngờ của “ông chủ” trần thế, nhất là sự quang lâm của “Con Người”. Tính cách bất ngờ là yếu tố được nhắc đến thường xuyên trong những trình thuật nói về ngày cánh chung. Chính Đức Giêsu đã nói rõ rằng: “Về ngày hay giờ đó, thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay Người Con cũng không, chỉ có Người Cha biết mà thôi” (Mc 13,32; Mt 24,36). Sự bất ngờ của ngày cánh chung không phải để tạo nên sự kịch tính vì đây vốn không phải là vở kịch hay câu chuyện tiểu thuyết. Sự bất ngờ để con người phải sẵn sàng luôn luôn thay vì toan tính vào một thời điểm cụ thể mà mình đã biết trước.[11] Cái mà con người có thể biết trước là ai cũng phải chết, còn giờ nào thì họ cũng không thể biết được, trừ khi họ muốn tự tử. Giá trị của sự sẵn sàng nằm ở chỗ người ta biết chọn Chúa, và luôn sống trung thành với chọn lựa của mình trong từng phút giây của đời mình. Mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian “vào ngày” (không mong đợi) gợi nhớ đến “ngày của Chúa”, ngày cánh chung, được nói đến trong sách ngôn sứ Giôen (Ge 4,14).[12]
  3. “Biết ý chủ … không chuẩn bị sẵn bằng, chống lại ý chủ … bị đòn nhiều … không biết … làm điều đáng phạt … bi đòn ít”: Trong những lời nói này Đức Giêsu chú ý đến người đầy tớ không làm điều mà giả định anh ta phải làm, và vì vậy chính anh ta phải chịu trách nhiệm cho sự trừng phạt của ông chủ.[13] Theo đó, dù phạm cùng một lỗi lầm nhưng người đầy tớ được giả định là biết ý của ông chủ mà không thi hành, thì sẽ bị trách phạt nhiều hơn, còn người đầy tớ không biết ý ông chủ mà làm điều trái ý ông thì sẽ bị trách phạt nhẹ hơn. Cách nói “biết ý chủ” đặt trách nhiệm trên những người môn đệ, vì họ là những người bé nhỏ được Chúa Cha mặc khải thánh ý Người, như Đức Giêsu đã nói đến trong Lc 10, 21: “Lạy Cha, là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé nhỏ”. Trong thế giới của Tin Mừng thứ ba, trách nhiệm “biết ý ông chủ” còn được đặt trên kinh sư (11,45-52), rồi các tư tế và kỳ mục trong dân (20,9-19) và trong Sách Công Vụ, trên cách lãnh đạo Giáo Hội sơ khai (Cv 10,28).[14] Động từ “δέρω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là “lột da”, và có nghĩa biểu tượng trong Tân Ước là “đánh đòn”. Có lẽ, tác giả muốn diễn tả một sự trừng phạt nặng nề, đánh đòn đến mức lột da. Hành động “đánh đập” (tôi trai, tớ gái) của người quản gia bất tín được diễn tả bằng động từ khác: “τύπτω” (đánh đập, gây thương tích). Hình ảnh người đầy tớ biết ý ông chủ mà không sẵn sàng, hoặc không làm theo ý ông chủ trong bối cảnh trực tiếp có thể là người quản gia bất tín trong câu chuyện trên. Hình ảnh của “người đầy tớ tồi tệ” trong dụ ngôn “những nén bạc” (Lc 19,12-27; Mt 25,14-30) cũng là một ví dụ sống động cho loại đầy tớ biết ý chủ mà không thi hành: “Hỡi người đầy tớ tồi tệ, … anh biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo, thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy tôi mới rút ra cả vốn lẫn lời chứ” (Lc 19,22-23).
  4. “Được cho nhiều … bị đòi hỏi nhiều… được giao phó nhiều … bị đòi hỏi nhiều hơn”: Song song với mức độ chịu trách nhiệm (hình phạt) của người biết ý ông chủ và người không biết ý của ông là mức độ đòi hỏi dành cho những người được “cho nhiều” và “được giao phó nhiều”. trong khi “người được cho nhiều” bị đòi hỏi một sự đáp trả phát xuất từ lòng biết ơn, và sự trân trọng, thì “người được giao phó” đòi hỏi một tính thần trách nhiệm phải đáp lại sự tín thác của ông chủ. Đức Giêsu dùng hai mệnh đề có cấu trúc gần như giống nhau nhưng từ vựng thì khác nhau khá nhiều, để diễn tả mức độ trách nhiệm tăng dần đối với những gì mà người đầy tớ đã được lãnh nhận. Trong mệnh đề thứ nhất, động từ “cho, tặng” đi với động từ “muốn, ao ước, tìm kiếm” cùng với tính từ “nhiều”: “Người được trao tặng nhiều, được kỳ vọng nhiều”. Trong mệnh đề thứ hai, động từ “trao phó, tín thác” đi với tính từ “nhiều”, kết hợp với động từ “yêu cầu, đòi hỏi” đi với tính từ so sánh hơn, “nhiều hơn, dồi dào hơn”: “Người được tín thác nhiều thì được đòi hỏi nhiều hơn”. Cách nói của Đức Giêsu ở đây có thể được soi sáng phần nào khi đối chiếu với dụ ngôn “những nén bạc” (Mt 25,14-30; Lc 19,12-27), trong đó những người được ông chủ giao cho năm nén đã làm lợi được năm nén khác và người được giao phó hai nén cũng làm sinh lợi được hai nén khác. Rõ ràng, với số vốn khác nhau, hai người đầy tớ có thể sinh lời theo hai mức độ khác nhau và cả hai đều làm cho ông chủ hài lòng.

Bình luận tổng quát

“Hãy sẵn sàng vì vào giờ các con không ngờ thì Con Người sẽ đến” là lời căn dặn mấu chốt trong đoạn Tin Mừng Lc 12,32-48. Thái độ sẵn sàng được mô tả giống như thái độ của người đầy tớ chờ người chủ đi ăn cưới về. Anh ta luôn phải thắt lưng, và thắp sáng đèn trong nhà, rồi tỉnh thức đợi chờ, để khi người chủ trở về, gõ cửa, thì anh lập tức mở cửa ngay. Những hành động thể hiện sự sẵn sàng, cũng được ví như người quản gia trung tín, khôn ngoan, luôn trung thành với phận vụ chăm sóc, phân phát thức ăn cho những tôi tớ trong nhà, khi ông chủ đi vắng. Phần thưởng dành cho người đầy tớ luôn tỉnh thức chờ cửa là được ông chủ đặt vào bàn ăn và được ông phục vụ ăn uống. Phần thưởng dành cho người quản trung tín khôn ngoan là được ông chủ giao nhiều trách nhiệm và quyền hạn hơn, được đặt lên trên tất cả tài sản trong nhà. Hình phạt dành cho người quản gia không trung tín, luôn lạm quyền, đánh đập tôi trai tớ gái, và ăn uống say sưa là bị chặt thành từng khúc, bỏ vào chung phần với những người thất tín. Con Người sẽ đến và đến bất ngờ. Chính vì thế, người môn đệ, luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng, bằng lối sống trung tín với những quà tặng tốt lành mà họ đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Trong bối cảnh bản văn này, các môn đệ phải bán tất cả những gì mình có mà phân phát từ thiện. Đó là cách thức họ chuẩn bị cho mình những túi tiền hay kho tàng không bao giờ cạn kiệt và vĩnh cửu trên trời. Sự không bận tâm với của cải giúp họ tập trung hơn vào những giá trị Tin Mừng Chúa dạy. Sự thanh thoát với của cải, giúp các môn đệ sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có để nuôi dưỡng tình yêu với những anh chị em xung quanh mình. Phần thưởng lớn nhất và quý giá nhất mà các môn đệ hy vọng sẽ được đón nhận chính là Nước Trời, Vương Quốc mà Người Cha sẽ ban cho họ, nếu họ thật tâm tìm kiếm cả đời mình.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD.

Chú thích:

[1] “the saying was originally addressed to Jesus’ disciples to prepare them for the disquiet caused by his death and the ensuing scattering and persecution: the small persecuted flock will become the glorified community in the future kingdom. Luke has then universalised its significance”, I.H. Marshall, The Gospel of Luke. A Commentary on the Greek Text (NIGTC 1978) 531.

[2] J.A. Fitzmyer, S. J., The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 980.

[3] “Jewish writings indicate that almsgiving was a means of storing up a good deposit for the day of adversity (Tob. 4:7-11; Sir. 29:11f.)” (I.H. Marshall, The Gospel of Luke, 532).

[4] “The sense: If you put your treasure in heaven, then your heart will be set on heavenly things”, J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X-XXI. Introduction, Translation, and Notes (New Haven – London 2008) 983.

[5] “Those who have placed their trust in God and their hopes on his kingdom can be commanded to have a new attitude to such earthly possessions as they have” (I.H. Marshall, The Gospel of Luke, 531).

[6] “Garments were worn loosely around the waist without a belt in the house; to tie them up with a belt was a sign of readiness for departure on a journey or for activity and service” (I.H. Marshall, The Gospel of Luke, 535).

[7] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 203.

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 505.

[9] Vigilance in his charge over the slave staff is rewarded by even greater responsibility and, thus, standing in the community: he is made the agent of the master with respect to the disposition of his possessions, Ibid.

[10] “Cutting in two” is known as a severe punishment. Though in the present co-text its meaning is not likely to be taken in such a literal, physical way, this does not detract from its repulsiveness, Ibid.

[11] “the overall emphasis falls on the unpredictability and certainty of the return and, thus, on the importance of faithful behavior for the duration of one’s stewardship”, J.B. Green, The Gospel of Luke, 506.

[12] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X-XXI, 990.

[13]J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X-XXI, 992.

[14]J.B. Green, The Gospel of Luke, 507.

Bài trước“MỘT NGÀY LÀ HUYNH TRƯỞNG, CẢ ĐỜI LÀ HUYNH TRƯỞNG”
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 19 Thường Niên C)