Thường Niên – Tuần XI – Năm C

0
378

Chúa Nhật – Ngày 16 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Lễ Chúa Ba Ngôi. Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Cn 8, 22-31

Bài đọc 2 : Rm 5,1-5

Tin Mừng : Ga 16,12-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm căn bản và trọng tâm nhất của người Kitô hữu, nên mọi cử hành phụng vụ đều quy hướng về mầu nhiệm này như là tâm điểm phát sinh mọi điều thiện hảo do lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Với khả năng hiểu biết của mình, con người không thể thấu hiểu mầu nhiệm này nếu không được mặc khải. Chính vì thế, chúng ta luôn tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta qua trung gian là Chúa Giêsu, con của Ngài.

Thật vậy, Lời Chúa hôm nay khai mở cho chúng ta về mối tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Không có Đấng nào giữ riêng cho mình, nhưng tất cả đều được chia sẻ, hiệp thông, cho đi và đón nhận; tất cả được hợp nhất nên một. Chúa Thánh Thần không mang đến một mặc khải mới, nhưng chỉ giúp các môn đệ hiểu tất cả những gì Chúa Giêsu đã tỏ lộ; vậy nên “sự thật toàn vẹn” mà Thánh Thần có nhiệm vụ hướng dẫn các môn đệ, cũng luôn đồng nhất với những gì Chúa Giêsu đã loan báo. Bởi vì, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều phát xuất từ Chúa Cha và quy hướng về Chúa Cha.

Chúng ta thật hạnh phúc vì được dựng nên trong tình yêu và bằng tình yêu của Thiên Chúa, bởi Người là Tình Yêu. Tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa luôn theo ta suốt mọi ngày trong đời sống. Chúng ta không thể sống nếu không có ơn Thiên Chúa trợ giúp. Hết mọi ơn ta lãnh nhận đều đến từ tình yêu sống động của Người. Cảm nghiệm được tình yêu và sự hiệp thông của Ba Ngôi sẽ giúp cho đời sống của ta nên thống nhất, phong phú và tròn đầy.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Chúa. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn biết tín thác trọn vẹn vào Ngài.

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

Thứ Hai – Ngày 17 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 Cr 6,1-10

Tin Mừng : Mt 5,38-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”

CHỚ TRẢ THÙ

Trả thù được xem là một hình thức đòi lại công bằng cho bản thân khi bị người khác xúc phạm. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta phải vượt qua những điều này và lấy lòng bác ái mà cảm hóa kẻ thù của mình.

Bị người khác “vả” vào mặt là sỉ nhục danh dự, bị “lấy mất áo” là tước đoạt nhân phẩm, và bị dắt đi theo ý của người khác là xúc phạm đến địa vị. Đây là những sự xúc phạm lớn nhất đối với một người. Theo lẽ thường tình chúng ta sẽ đòi lại lẽ công bình bằng mọi cách, thậm chí là trả thù. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại dạy chúng ta hãy hoá giải sự sỉ nhục, xúc phạm bằng lòng bác ái.

Thật vậy, sự trả thù chỉ làm cho sự thù hận và chia rẽ giữa hai bên trở nên nghiêm trọng hơn, điều có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại khác mà thôi. Mặt khác nếu hai bên cứ trả đũa nhau như thế mãi, thế giới này sẽ trở thành một thế giới của thù hằn và chia rẽ. Và nếu chỉ có công bằng thì con người sẽ chỉ biết sống với nhau bằng luật lệ mà thôi. Không còn chiều kích bác ái và yêu thương, con người sẽ càng ngày càng vô cảm và tàn ác hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói rằng chúng ta làm thinh trước những bất công, nhưng phải dùng lòng bác ái mà cảm hóa. Khi hành động vì công bình dựa trên bác ái là chúng ta đang làm chứng cho Nước Chúa và góp phần cho Nước Chúa mau đến, nước của công lý, hoà bình và yêu thương.

Lạy Chúa, trong thế giới ngày nay và trong chính bản thân con có quá nhiều hận thù chia rẽ. Xin cho con luôn ý thức rằng con phải trở nên chứng nhân của công bình và bác ái trong thế giới này.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

Thứ Ba – Ngày 18 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 Cr 8,1-9

Tin Mừng : Mt 5,43-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

YÊU VÀ GHÉT

Phản ứng tự nhiên của con người là chỉ yêu người thân ruột thịt, thương người giúp đỡ mình và ghét những ai thù địch, làm hại mình. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng con tim để “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi”.

Theo đó, trong tương quan giữa người với người, bạo lực phải hoàn toàn bị loại trừ; thay vào đó là tình yêu tràn đầy hy sinh và lời cầu nguyện tha thiết để ước muốn những điều thiện hảo cho nhau. Theo Đức Giêsu, chính tình yêu vô vị lợi và không giới hạn mới là yếu tố làm cho con người nên hoàn thiện và nên giống Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Người ta không trở nên con cái Thiên Chúa nhờ công trạng riêng mình, nhưng nhờ được Thiên Chúa yêu thương. Chính Đức Giêsu

đã sống tinh thần yêu thương ấy. Trên thập giá, Ngài đã nêu gương cho chúng ta khi Ngài vẫn yêu thương kẻ ngược đãi mình và cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Lc 23,34)

Trong một xã hội mà người ta sẵn sàng làm hại nhau, trả thù nhau, đôi khi chỉ vì những lý do lãng xẹt, chúng ta có thể làm gì để những giá trị Tin Mừng yêu thương được lan toả? Ánh sáng của yêu thương, tha thứ, hoà giải trong chúng ta có đủ mạnh để đẩy lùi bóng tối của hận thù trong môi trường chúng ta đang sống? Yêu thương mà chúng ta dành cho nhau có đủ đầy để lan toả ra xung quanh?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống yêu thương để chúng con có thể đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, như lời cầu nguyện tha thiết của thánh Phanxicô Assisi.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Tư – Ngày 19 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Thánh Rômualđô, viện phụ (Tr)

Bài đọc : 2 Cr 9,6-11

Tin Mừng : Mt 6,1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh […]

CHỚ PHÔ TRƯƠNG

Trong sâu thẳm mỗi người đều muốn hơn người để khẳng định vị trí và cái tôi của mình, để người khác công nhận, nể phục và kính trọng mình. Ước muốn này không chỉ được thể hiện trong đời sống sinh hoạt vật chất hằng ngày mà còn trong đời sống thiêng liêng.

Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng thích được người khác khen ngợi, tán dương. Do đó, khi bố thí, cầu nguyện, hay ăn chay hãm mình, không ít người Do Thái đã làm một cách phô trương để cho người ta trông thấy và biết đến các việc tốt lành mà họ làm. Mục đích của họ là để được người khác khen ngợi và tán dương, chứ không phải vì yêu thương tha nhân hay vì lòng sám hối và yêu mến đối với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, những người như thế “đã được phần thưởng” chính là lời khen, lời ca tụng của những người ở đời này, nên không cần phần thưởng từ Thiên Chúa. Trái lại, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ làm các việc đạo đức một cách âm thầm. Khi làm như thế, thì mục đích không phải là lời khen thưởng, tán dương của người đời, mà là phần thưởng của Thiên Chúa.

Trong thực tế sống đạo ngày nay, không ít người cũng rơi vào căn bệnh phô trương như những người đạo đức giả kia. Lắm khi sự phô trương lại được che đậy thật khéo léo dưới những hình thức đạo đức, những lý do chính đáng. Tuy vậy, không gì có thể qua mắt được Thiên Chúa là Đấng “thấu suốt những gì kín đáo”, Đấng chỉ ân thưởng cho những tâm hồn đạo đức chân thành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con khỏi rơi vào thói sống đạo cách phô trương, nhưng xin cho chúng con luôn biết thể hiện lòng yêu mến Chúa và tha nhân cách âm thầm để được Chúa thưởng công.

Tu sĩ Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Năm – Ngày 20 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 Cr 11,1-11

Tin Mừng : Mt 6,7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

KINH LẠY CHA – HƠI THỞ CỦA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ. Đó cũng là lời kinh giúp chúng ta cách thân thưa với Chúa Cha. Vậy chúng ta đã cầu nguyện với Kinh Lạy Cha như thế nào?

Kinh Lạy Cha là lời kinh rất quan trọng và ý nghĩa đối với đời sống cầu nguyện của tôi. Ngày ngày tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ, trước các giờ kinh nguyện, trước các bữa ăn… nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà việc đọc kinh của tôi đã dần trở nên nhạt. Một trong những lý do ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của tôi đó chính là sự quá quen thuộc với lời Kinh này.

Kinh nghiệm đó cho tôi thấy việc đọc kinh cũng như cầu nguyện phải thật sự xuất phát từ bên trong tấm lòng. Chính trong sự ý thức, suy gẫm và tin tưởng trong khi cầu nguyện mà tôi được liên kết mật thiết với Chúa.

Kinh Lạy Cha trở thành hơi thở của đời sống cầu nguyện cho bản thân tôi khi tôi hiểu được rằng đó là lời kinh mà tôi thân thưa với Thiên Chúa là Cha, Đấng giàu lòng xót thương. Đồng thời, đó cũng là lời kinh mà tôi dành phần ưu tiên trước hết để tôn vinh Danh Thánh Chúa, để Nước Chúa được hiển trị và thánh ý của Ngài được thực thi. Sau khi tôn vinh Thiên Chúa, tôi mới thân thưa với Ngài về những nhu cầu của tôi, về vật chất, về ơn tha thứ, về chước cám dỗ và sự bảo vệ khỏi ác thần. Thật là một lời kinh hoàn hảo!

Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức đọc kinh Lạy Cha cách sốt sắng hơn. Xin Ngài cho con biết nhận ra tầm quan trọng của kinh Lạy Cha đối với đời sống cầu nguyện của con.

Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 21 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Thánh Luy Gônzaga, Tu sĩ. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 2 Cr 11,18.21b-30

Tin Mừng : Mt 6,19-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!”

ĐẠT TỚI THIÊN CHÚA

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ về thái độ phải có đối với của cải đời này. Đây quả thực là một lời nhắc nhở, một lời dạy bảo có giá trị cho chính các môn đệ và mọi người Kitô hữu.

Chúa Giêsu nêu lên hình ảnh kho tàng với hai thái cực: một bên là kho tàng dưới đất, bóng tối, còn một bên là kho tàng trên trời, ánh sáng. Kho tàng dưới đất là tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực…là những cái nay còn mai mất. Nếu tìm kiếm những thứ ấy và coi đó là kho tàng của mình, thì sẽ không đảm bảo cho được sự sống đời đời. Rồi Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất” (Mt 6,19).

Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết tích trữ kho tàng ở trên trời, nghĩa là phải biết sử dụng của cải trần gian làm sao để đạt tới Thiên Chúa là cứu cánh của đời mình. Đồng thời, Chúa mời gọi các môn đệ phải có tinh thần dứt bỏ, không tham lam của cải phù vân để lòng thanh thản mà lo đạt tới Thiên Chúa là kho tàng đích thực.

Cuộc sống bộn bề thường làm cho chúng ta chao đảo, nghiêng ngả và chạy theo địa vị, danh vọng hay tiền bạc để thoả mãn lòng tham của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta không biết rằng một khi chúng ta hướng về địa vị, danh vọng, của cải trần gian thì chúng ta dễ có nguy cơ đánh mất Thiên Chúa. Lạc mất Thiên Chúa, người ta đánh mất ánh sáng cho cuộc đời và sẽ chết trong bóng tối của thế gian này, “vì kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đó”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng quá quyến luyến và gắn bó với các thực tại trần gian nhưng biết tích trữ kho tàng trên trời, là nơi chúng con được sống vinh phúc với Chúa mà không một mối lợi địa vị, quyền lực, của cải trần gian nào có thể so sánh được.

Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Thứ Bảy – Ngày 22 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Thánh Paulinô, giám mục Nôla (Tr)

Bài đọc : 2Cr 12,1-10

Tin Mừng : Mt 6,24-34

[…] Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “… Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! […]

ĐỪNG LO LẮNG

Được sinh ra trên đời, ai cũng phải lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình và những người thân: “lấy gì mà ăn? Lấy gì mà mặc?” Sống đời dâng hiến, tôi cũng có rất nhiều điều phải lo. Tôi không chỉ lo cho bản thân về sức khỏe, học hành, ơn gọi hiện tại mà còn cho sứ vụ của Hội Dòng và của Giáo Hội trong tương lai. Nhưng, tôi phải lo thế nào cho đẹp ý Chúa? Tôi đang lo lắng hay đang lo liệu?

Tôi được biết, lo lắng là thái độ quá lo cho tương lai vì thiếu lòng tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Còn lo liệu là thái độ khôn ngoan, biết lo chu toàn các việc bổn phận hôm nay nhưng cũng biết chuẩn bị đối phó với các biến cố có thể xảy ra trong tương lai. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang mời gọi tôi: hãy sống tín thác, biết lo liệu chứ đừng lo lắng. Chúa đưa ra hai hình ảnh: chim trời và hoa huệ ngoài đồng là những thứ “chẳng đáng gì”, thế mà Ngài vẫn luôn chăm sóc, huống chi tôi là người con của Thiên Chúa, được tạo dựng giống hình ảnh Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng chính giá máu của Ngài.

Do đó, tôi cần đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, sống tín thác và cộng tác với Ngài trong ơn gọi. “Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”, lời này đặt nền tảng cho tôi trong việc chọn lựa. Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong tôi và công việc của tôi, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa, như thế, tôi mới sống đúng theo thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết tín thác trọn vẹn nơi Chúa và cộng tác với ân sủng mà Ngài ban cho, để con trở thành một khí cụ đắc lực trong tay Chúa.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Bài trướcTĩnh Tâm Năm 2019 Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam
Bài tiếp theoTHÁNH LỄ TUYÊN KHẤN TRỌN ĐỜI, Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam, năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.