Thường Niên – Tuần II – Năm B

0
715

Chúa Nhật – Ngày 14 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc 1 : 1 Sm 3,3b-10.19

Bài đọc 2 : 1 Cr 6,13c-15a17-20

Tin Mừng : Ga 1,35-42

Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY

Lời giới thiệu đạt được hiệu quả khi người ta có thể tự mình kiểm chứng. Sau lời giới thiệu của ông Gioan, hai môn đệ của ông đã được Chúa Giêsu mời “hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu muốn mời gọi hai môn đệ của ông Gioan thực hiện một cuộc thực nghiệm bằng chính cảm nhận cá nhân của họ; cứ đến rồi sẽ biết.

Quả thực, sau khi được Đức Giêsu mời,

hai môn đệ đã đến xem và ở lại với Người. Đã đến, đã xem và cuối cùng quyết định ở lại. Còn gì chắc chắn hơn khi chính bản thân mình đã đến tận nơi, đã chứng kiến tận mắt chỗ Người ở, thấy được cách sống, cách cư xử của Người. Bằng tình thương, bằng sự ân cần, Chúa Giêsu đã đưa hai môn đệ của ông Gioan đi vào một mối tương quan thân tình và sâu đậm với Người. Để rồi, các ông có được niềm hạnh phúc ở lại với Người ngày hôm ấy và đi theo Người suốt cả cuộc đời, làm chứng cho Người bằng chính mạng sống của mình. Các môn đệ đã đến và đã cảm nghiệm được tình yêu, cảm nghiệm được sự sống và ánh sáng nơi Đấng Cứu Thế.

“Hãy đến mà xem”, lời mời gọi tha thiết thực của Chúa Giêsu đối với chúng ta. Đến mà xem, để  thấy, để tin, để quyết định, để học hỏi bắt chước, để sống thân tình, để trải nghiệm yêu thương. “Đời sống Kitô hữu có đặc tính chủ yếu là gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng hằng kêu gọi chúng ta bước theo Ngài” (Verbum Domini, số 72).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn nhận ra lời mời gọi trìu mến và tha thiết của Chúa, để đáp lại một cách mau mắn như hai môn đệ xưa ông Gioan xưa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD

Thứ Hai – Ngày 15 – Tháng 1

LỄ  THÁNH ARNOLD JANSSEN – Lễ Trọng (Tr)

Bài đọc :

Tin Mừng : Ga 1,1-5.9-14.16-18

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,  và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. […]Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. […] Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

GIỚI THIỆU NGÔI LỜI

Cha thánh Arnold Janssen là một linh mục trẻ người Đức. Ngài được Thánh Thần linh hứng, tác động và đã mời gọi một số người đương thời cộng tác thành lập Hội Dòng với tên gọi Dòng Ngôi Lời vào ngày 08 tháng 09 năm 1875. Từ đó đến nay, Dòng Ngôi Lời đã không ngừng phát triển dưới nhiều hình thức về số lượng, lẫn hoa trái thiêng liêng cho Giáo Hội trên toàn thế giới.

Hôm nay là ngày lễ mừng kính thánh Arnold Janssen, cũng là ngày tưởng nhớ ngày ngài về với Chúa, chúng ta không chỉ tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh một vị thánh truyền giáo mẫu mực, mà còn học nơi ngài mẫu gương sống đời thánh hiến: dám hy sinh tất cả vì Nước Trời, dám đương đầu với những khó khăn của thời cuộc và dám làm chứng tình yêu Chúa cho tất cả mọi người trên thế giới.

Có thể nói, ngài đã giới thiệu Ngôi Lời cho chúng ta qua nhiều hình ảnh đẹp nơi sứ vụ. Lời và ý tưởng của ngài như lời vàng ngọc đang âm vang trong sứ vụ rao giảng của chúng ta hôm nay. Sứ vụ rao giảng được thể hiện trên chính thông điệp mà thánh nhân để lại: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Mang Tin Mừng đến với mọi người là hành động yêu thương thiết thực và sâu sắc nhất.

Lạy Chúa, con người trên thế giới hôm nay không chỉ đói lương thực nuôi sống thân xác, nhưng còn đói Lời Chúa khi tâm hồn đang khao khát Chúa. Xin cho chúng con luôn biết đem lương thực trường tồn là Lời Chúa đến với họ và giới thiệu Ngôi Lời cho những ai tìm kiếm Người.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Ba – Ngày 16 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : 1 Sm 16, 1-13

Tin Mừng : Mc 2,23-28

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

SỐNG NGÀY SABÁT

Ngày Sabát được lập ra dành riêng cho con người để con người nghỉ ngơi và chúc tụng Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa mà Chúa Giêsu nhắm đến khi nói “ngày Sabát được lập ra cho con người”.

Đức Giêsu là chủ ngày Sabát, bởi vì Người là Thiên Chúa. Ngày Sabát vì vậy không phải là ngày duy chỉ tuân thủ một tá các luật lệ hoặc những gì liên quan đến các hoạt động của con người. Nhưng ngày Sabát thuộc về Thiên Chúa. Do đó, ngày này con người có bổn phận dành thời gian nghỉ ngơi để tôn thờ Thiên Chúa.

Những người Pharisêu đã áp đặt luật cách máy móc, đề cao cái thứ yếu trên cái quan trọng hơn. Đức Giêsu đã chỉ cho họ biết ngày Sabát trao ban sự sống và con người phải làm những gì ích lợi cho sự sống vào ngày Sabát. Như thế, ngày Sabát là để phục vụ cho tiến trình thành nhân của con người trong tương quan với Thiên Chúa, chứ không phải con người bị gò bó cho ngày Sabát.

Lạy Chúa, nhiều khi vì bận rộn với những lo lắng trần thế, không ít lần chúng con đã không coi trọng hoặc quên đi thời gian dành riêng cho Ngài và mưu ích cho anh em. Xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian để được nghỉ ngơi bên Chúa và hiện diện với anh em con.

Phó tế Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Tư – Ngày 17 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 Sm 17,32-33.37.40-51

Tin Mừng : Mc 3,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.

GIỮ LUẬT

Trong khung cảnh của bài Tin Mừng, chúng ta thấy được cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và những người biệt phái xoay quanh việc tuân giữ lề luật.

Việc tuân giữ lề luật của những người biệt phái, chính là việc giữ luật theo câu chữ. Ví dụ, trong ngày  Sabát người ta không cho phép làm việc, dù đó là việc cứu sống người ta đi nữa. Trong khi đó, lề luật là luật của sự sống, là Lời của Thiên Chúa trao ban cho dân được tuyển chọn. Do vậy, tinh thần cao nhất của việc giữ lề luật là mang lại sự sống cho con người. Chúa Giêsu đã phá vỡ thói quen giữ luật theo câu chữ của người Do Thái. Người đề cao tình bác ái, lòng thương xót qua hành động chữa lành cho người bại liệt trong ngày Sabát.

Qua việc chữa lành người bại tay, chúng ta nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu, là uy quyền thuộc về Thiên Chúa. Người đã đặt mình trên ngày Sabát. Người cũng không cần cầu nguyện nài xin Thiên Chúa Cha thực hiện phép lạ qua Người. Uy quyền đó được tỏ lộ cách tỏ tường hơn cả qua lòng thương xót và tình yêu thương Người dành cho những người nghèo hèn, khốn khổ.

Ngẫm nghĩ lại chính bản thân, chúng ta cũng thường dựa trên luật mà phán xét nhưng lại không suy xét tình cảnh của mỗi người, thiếu đi tình bác ái yêu thương. Vì lẽ đó, chúng ta đã đi ngược lại với điều răn trọng nhất mà Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nhận được tình bác ái của Chúa để chúng con biểu đạt tình bác ái cho mọi người.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Năm – Ngày 18 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : 1 Sm 18,6-9; 19,1-7

Tin Mừng : Mc 3,7-12

Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa !” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

ĐI THEO CHÚA

Đoạn Tin Mừng hôm nay thu hút tôi bởi cụm từ “đi theo Người”. Mỗi người sẽ có những lý do khác nhau trong việc quyết định theo hay không theo một lý tưởng nào đó. Với tôi theo Chúa là một ơn gọi đặc biệt.

Người Do Thái đương thời đi theo Chúa Giêsu với mong muốn được chữa lành bệnh tật và để chứng kiến những việc phi thường Người làm. Nhìn lại những ngày tháng trôi qua, tôi đã lãnh nhận biết bao ơn lành hồn xác từ Thiên Chúa. Thế mà đôi khi, tôi vẫn cứ mãi chạy theo những đam mê thế tục, quên đi những ngày tháng sống trong ân sủng. Con đường Chúa dành cho tôi thật đẹp và rộng rãi nhưng tại sao tôi cứ mãi lạc xa. Ơn gọi Chúa dành cho tôi không chỉ giúp tôi sống trong ân sủng, giúp tôi cải hoán tâm hồn mà còn biến tôi trở thành lợi khí trong tay Chúa.

Nhiều khi tôi chợt nghĩ, mục đích tôi theo Chúa là gì? Tôi trở thành lợi khí trong tay Chúa hay tôi lấy Chúa làm bình phong tiến thân cho những lợi ích thế tục? Dẫu biết rằng, theo Chúa là phải từ bỏ những đam mê, từ bỏ những thói hư tật xấu nhưng sao trong tôi vẫn đầy ắp những khát khao vật chất. Theo Chúa tôi đã được chữa lành, đã được biến đổi nhưng tôi cứ mãi vô ơn mà chạy theo những ham muốn cá nhân. Chúa luôn nhân từ và chờ đợi tôi từng giây phút. Ngài vẫn luôn đi trước và chậm bước đợi tôi theo sau. Ngài kiên nhẫn và vẫn mãi kiên nhẫn với tôi để tôi có cơ hội trở về, cơ hội bước theo chân Ngài trên con đường ơn gọi thánh hiến.

Lạy Chúa, xin hãy kiên nhẫn và chờ đợi con bằng tình thường và lòng nhân hậu. Xin hãy loại xa con những đam mê không phù hợp với bước đường ơn gọi mà Chúa đã dành cho con trong cuộc sống này. Xin Chúa hãy biến đổi và thánh hóa để con ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 19 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Fabianô, giáo hoàng tử đạo (Đ).

Thánh Sêbastianô, tử đạo (Đ).

Bài đọc : 1 Sm 24,3-21

Tin Mừng : Mc 3,13-19

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simôn là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi – rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người.

LÃNH NHẬN VÀ ĐƯỢC SAI ĐI

“Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” Không phải chúng ta chọn con đường theo Chúa nhưng chính Chúa mời gọi chúng ta theo cách của Người.

Đôi khi chúng ta hay lầm tưởng những thứ chúng ta có, những điều chúng ta chọn đều xuất phát từ khả năng của bản thân. Sự khôn ngoan của loài người so với Thiên Chúa chẳng khác nào một giọt nước so với cả đại dương. Vậy tại sao chúng ta lại tự phụ mà sống ngoài bàn tay quan phòng của Thiên Chúa? Các tông đồ xưa kia có mấy ai khôn ngoan và tài giỏi! Thế mà Thiên Chúa đã dùng các ngài để thay đổi cả thế giới, dùng các ngài để khuất phục mọi quyền lực thế gian. Bằng sự khiêm tốn và phó thác, mỗi người sẽ lãnh nhận được hồng ân của Thiên Chúa. Mọi toan tính và mọi việc chúng ta làm hãy cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa rồi Ngài sẽ chúc lành và dẫn dắt tới sự thành toàn theo ý định của Ngài.

Ơn gọi của mỗi người đều do Thiên Chúa ban, là một ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa chứ không phải sự đòi hỏi theo nhu cầu cá nhân. Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền ơn gọi với sứ mạng chính là ở lại với Đức Giêsu bằng đời sống cầu nguyện kết hiệp. Được Chúa kêu gọi thì phải đến ở với Ngài mới được Ngài sai đi. Khi chúng ta biết ở lại trong Tình Yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được Ngài hướng dẫn và ban sức mạnh để có thể ra đi làm chứng cho Ngài.

Lạy chúa, xin hãy giúp con nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của bản thân để con luôn biết cậy dựa vào ân sủng và tình yêu của Ngài. Xin cho con luôn kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện để con nhận ra ơn gọi và sứ mạng của con trong thế giới hôm nay.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 20 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : 2 Sm 1,1-4,11-12.19.23-27

Tin Mừng : Mc 3,20-21

Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

YÊU THƯƠNG LÀ TÂM ĐIỂM CỦA SỨ VỤ

“Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến với Người”. Đức Giêsu chính là một vị mục tử sống hết mình vì đoàn chiên. Người là tâm điểm quy tụ và hợp nhất của đoàn chiên.

Ngày nay, nhiều vị mục tử đang phải gồng gánh trong công tác mục vụ với bộn bề công việc. Thế nhưng có rất nhiều giáo dân vẫn né tránh và thiếu niềm tin vào vị mục tử của mình. Có rất nhiều lý do làm xa cách giữa giáo dân và vị mục tử. Thiết tưởng, khoảng cách đó có thể thu hẹp lại nếu người mục tử biết quan tâm và yêu thương những người mà Thiên Chúa trao phó cho mình nhiều hơn. Chúng ta hãy nhìn vào gương Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Trong cuộc đời sứ vụ của mình, Đức Giêsu luôn chuyên tâm đến việc rao giảng Tin Mừng, yêu thương và quan tâm đến từng người đặc biệt là những người ốm đau, nghèo khổ.

Còn những vị mục tử ngày nay thì sao? Việc chuyên tâm cho sứ vụ đã bị chi phối quá nhiều bởi các công việc quản trị. Dù làm việc rất nhiều, thậm chí là không có thời gian nghỉ ngơi, thế nhưng giữa vị mục tử và giáo dân vẫn có một hố sâu ngăn cách. Hình ảnh người mục tử đi thăm, cùng làm việc, cùng chia sẻ những khó khăn với giáo dân quả là rất hiếm gặp. Làm sao để có thể quy tụ, để trở thành tâm điểm của giáo dân nếu vị mục tử không yêu thương, quan tâm và lo lắng cho đoàn chiên hơn các công việc trần thế khác?

Lạy Chúa, xin cho các vị mục tử được thêm lòng nhiệt thành cho sứ vụ, nhất là thêm lòng yêu mến đoàn chiên Chúa đã trao phó. Xin cho các ngài luôn noi gương Đức Giêsu trong tình yêu dâng hiến để các ngài trở thành nơi quy tụ của đoàn chiên.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Bài trướcMừng Lễ Chúa Hiển Linh, Bổn Mạng Hiệp Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Miền Pleiku-Gialai, Gp. Kontum (7/1/2018)
Bài tiếp theoGiáo họ Vinh Hà Làm phép và Khánh thành Nhà Sinh Hoạt Giáo Lý

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.