Mùa Chay – Tuần I – Năm C

0
357

Chúa Nhật – Ngày 10 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc 1 : Đnl 26,4-10

Bài đọc 2 : Rm 10,8-13

Tin Mừng : Lc 4,1-13

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả và khi hết thời gian đó, Người thấy đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” […] Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Đi vào bài Tin Mừng, chúng ta bắt gặp mệnh đề chỉ thời gian “bốn mươi ngày” mà Đức Giêsu đã trải qua trong sa mạc. Người Hípri thường dùng con số “bốn mươi” để chỉ một thời gian tương đối dài. Dù chịu cám dỗ trong một thời gian tương đối dài nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng.

Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Ngài đầy Thánh Thần và được dẫn vào hoang địa. Đây là nơi khô cằn, nóng bức, tĩnh mịch. Chỉ có những người có đời sống ẩn tu mới tìm đến chốn này. Khởi đầu của công cuộc rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã vào hoang địa để ăn chay và cầu nguyện với Cha của Ngài. Chính nơi đây Ngài đã chịu quỷ dữ cám dỗ nhưng Ngài đã chiến thắng. Chiến thắng này là khởi đầu của các chiến thắng về sau của Ngài, đặc biệt nhất là chiến thắng trên thập tự giá.

Quỷ dữ rất xảo quyệt, nó biết rõ điểm yếu của con người là ở cái bụng, ham quyền lực, và thích phô trương. Khi bụng đói, điều cần nhất đối với con người là thoả mãn cơn đói, rồi mọi chuyện tính sau. Nhưng khi no bụng, con người lại quay sang tìm kiếm những thứ cao hơn đó như vật chất và quyền lực. Khi có được những thứ đó trong tay, thì lại muốn phô trương thanh thế. Đây là ba điểm huyệt mà người đời thường hay mắc phải. Chính vì thế ma quỷ đã nham hiểm tấn công Chúa Giêsu vào ba điểm huyệt này là thoả mãn xác thịt, đam mê quyền lực, vật chất và thói phô trương. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã dùng chính Kinh Thánh để đập tan âm mưu cám dỗ của ma quỷ.

Lạy Chúa, xin cho con ý thức mỗi giây phút trong đời con là chiến đấu và đặt hy vọng vào Chúa. Xin nâng đỡ con khi con phải đối đầu với những trở ngại, những chống đối và nhất là những cám dỗ của ma quỷ để con luôn thuộc trọn về Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Thứ Hai – Ngày 11 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Lv 19,1-2.11-18

Tin Mừng : Mt 25,31-46

[…] Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy […]

TIÊU CHUẨN PHÁN XÉT

Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay cho chúng ta cái nhìn tổng thể về ngày phán xét chung, khi “các dân thiên hạ sẽ được tập hợp lại trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”. Và tiêu chuẩn phán xét tùy theo cách người ta sống với nhau để được hưởng sự sống muôn đời hoặc phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp.

Quả vậy, cách chúng ta sống với tha nhân, cách riêng là những người “bé nhỏ nhất”, sẽ quyết định số phận cuộc đời của mỗi người chúng ta: Hoặc là được hưởng sự sống đời đời hoặc phải chịu cực hình muôn kiếp. Chúng ta là những Kitô hữu hàng ngày vẫn đọc kinh, cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ đầy đủ. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ trước mặt Thiên Chúa. Ngoài những việc làm đạo đức, chúng ta còn phải sống đạo giữa đời để chứng minh cho niềm tin của mình, vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúa Giêsu cũng đã sống như thế. Ngoài việc giữ luật và kinh nguyện, Ngài cũng luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật, những người có hoàn cảnh khó khăn về thể chất cũng như tinh thần. Trên tinh thần đó, Ngài cũng đòi buộc mỗi người chúng ta phải quan tâm đến những người nghèo khổ, đau yếu, bị hất hủi, loại trừ… vì họ là hiện thân của Thiên Chúa trên trần gian này.

Lạy Chúa, chúng con luôn là những con người ích kỷ, sợ thua thiệt mà không dám cho đi. Xin Chúa giúp chúng con biết cởi mở con tim để có thể đến với tha nhân, đến với những người bé mọn vì họ là hiện thân của Chúa giữa cuộc đời này. Và mỗi lần chúng con đưa tay ra với họ là chúng con đang được đụng chạm chính Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Ba – Ngày 12 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Is 55,10-11

Tin Mừng : Mt 6,7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

CÙNG LÀ CON CHA TRÊN TRỜI

Khi một số người gọi một ai đó là “cha”, điều đó vừa nói lên mối tương quan giữa những người đó với người kia, đồng thời cũng  nói lên mối tương quan giữa những người đó với nhau. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, chúng ta vừa xem Thiên Chúa là cha của mình, đồng thời nhận người khác là anh em của mình.

Đón nhận và xem người khác như anh em ở trong gia đình đức tin của Giáo hội là một điều không hề dễ dàng. Những khác biệt về cá tính, phong tục, tập quán … làm cho người ta khó chấp nhận được nhau. Đời sống cộng đoàn tu trì, dù cùng chung sống, chung lý tưởng, cùng thờ phượng một Cha trên trời, nhưng nhiều khi chúng ta lại không thể đón nhận được người anh em của mình. Khi sống như thế, chúng ta đang muốn tách đôi Thiên Chúa: Cha của tôi và Cha của anh, không còn là Cha của chúng ta nữa.

Cộng đoàn dân Chúa là tập hợp những kẻ được Chúa tuyển chọn. Họ đến từ khắp nơi với tất cả con người, phong tục, tập quán của họ. Chúng ta đón nhận họ không phải vì họ, nhưng là vì Thiên Chúa đã kêu gọi và cho họ trở nên con cái Người, cũng như Thiên Chúa đã kêu gọi và cho ta làm con cái Chúa. Thế nên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải biết đón nhận và yêu thương nhau khi chúng ta cùng là con cái của Chúa.

“Lạy Cha chúng con”- một lời tuyên xưng như để nhắc nhở chúng ta trong cách đối xử với anh em mình. Lời tuyên xưng đó giúp chúng ta ý thức rằng mọi người là anh em của ta. Từ đó giúp ta dễ yêu thương và đón nhận họ hơn. Khi đã là anh em, dù họ có sống ngỗ nghịch, bướng bỉnh, tệ đến mức nào đi nữa, chúng ta cũng không nỡ ruồng rẫy, loại bỏ, vì dù sao đó cũng là người anh em của mình.

Lạy Chúa, khi chúng con gọi Chúa là Cha, xin cho chúng con ý thức rằng những người đang sống chung quanh con đều là anh em của con, để nhờ đó con dễ dàng đón nhận và yêu thương họ nhiều hơn.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Tư – Ngày 13 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Kỷ niệm 6 năm Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng (2013).

Bài đọc : Gn 3,1-10

Tin Mừng : Lc 11,29-32

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

DẤU LẠ

Khoa học càng văn mình, cuộc sống con người có nhiều đổi thay. Khoa học càng phát triển, làm cho chúng ta lại càng tin nhận quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng vĩnh cửu, đó là người tin vào Đức Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết mọi dấu lạ trên trần gian này không nằm ngoài bàn tay của Thiên Chúa. Thế nhưng, người Pharisiêu không tin, lại luôn bắt bẻ và thử thách Ngài; họ còn đòi một dấu lạ từ trời.

Đức Giêsu nói với họ: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ.  Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào”. Chúa Giêsu biết rằng: dân chúng tụ họp bên Ngài không phải để tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa mà để thỏa mãn tính hiếu kỳ và mong xem thấy điều kỳ lạ nơi Ngài.

Chúa Giêsu đã từ chối không muốn làm dấu lạ  nào khác theo như dân chúng đòi hỏi. Ngài cho rằng: những người này có tâm địa xấu xa, gian manh, khi Ngài khẳng định: “Thế hệ này là: một thế hệ gian ác”.

Ngài muốn dân chúng phải hiểu được dấu lạ từ trời là cuộc đời cứu độ của Ngài. Điều này đã được minh chứng khi Ngài sẽ chỗi dậy từ cõi chết sau ba ngày chịu mai táng trong huyệt đá.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một đức tin sống động để trong mọi biến cố cuộc đời chúng con luôn nhận ra dấu chỉ của thời đại. Xin cho chúng con một tâm hồn khiêm tốn để có thể nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa qua các dấu lạ mỗi ngày. 

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Năm – Ngày 14 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Et 4,1.3-5.12-14

Tin Mừng : Mt 7,7-12

Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.”

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một hình đẹp về Thiên Chúa, Đấng luôn thấu hiểu và ban ân sủng cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng, tín thác tuyệt đối vào Ngài; Ngài ban ân phúc cho những ai ngày đêm biết bền tâm cầu nguyện liên lỉ.

Cứ sự thường, chúng ta hay xin Chúa ban ơn lành và chúc phúc cho những điều mà chúng ta đang mong muốn. Những điều ấy xem ra hợp với nhu cầu chính đáng của chúng ta nhưng nhiều khi lại chưa được Chúa nhậm lời. Lắm khi chúng ta thất vọng vì những điều ta xin không được Chúa đón nhận. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại dạy chúng ta hãy kiên trì với lời cầu nguyện, đừng sờn lòng nản chí, hay bỏ cuộc trong sự chán nản, thất vọng bởi vì: anh em hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Đó là lời Chúa hứa ban cho những ai biết kiên tâm, tin tưởng cầu nguyện và đặt trọn vẹn sự tín thác vào tình thương và quyền năng của Ngài.

 Phải chăng có những điều chúng ta xin không được như ý nguyện là vì chúng ta chưa đủ thành tâm? Dẫu vậy, Thiên Chúa hằng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn của lòng người. Có lẽ Ngài không ban cho chúng ta cái chúng ta cần, vì Ngài thấy có những ơn khác cần cho chúng ta hơn, hoặc Ngài muốn thử thách đức tin xem chúng ta có trung thành bền tâm cầu nguyện hay không. Chúng ta xin điều chúng ta cần nhưng Ngài lại ban cho chúng ta điều hợp với thánh ý của Ngài. Tin Mừng hôm nay là một nhắc nhở cho chúng ta hãy cầu nguyện bền tâm, liên lỉ và hoàn toàn tín thác tin tưởng vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa. Và lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa là lời cầu nguyện xin cho được vâng theo ý Ngài.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, chạy đến với Ngài trong mọi biến cố của cuộc đời chúng con. Và giúp chúng con biết vững tin vào ơn Chúa ban cho dù đó là những thành công hay thất bại trong cuộc sống.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Sáu – Ngày 15 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Ed 18,21-28

Tin Mừng : Mt 5,20-26

[…] “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

LÀM HÒA VỚI ANH EM

Bài Tin Mừng hôm này nằm trong loạt bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Trọng tâm của bài Tin Mừng là việc Đức Giêsu nhấn mạnh rằng giận ghét, mắng chửi anh em cũng là một tội đáng bị luận phạt.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã nhắc tới những tội mà có thể luật xưa không đề cập tới vì chúng được coi là những tội nhẹ nên không bị đưa ra tòa như: giận hờn anh em, mắng anh em là đồ ngốc, chửi anh em là quân phản đạo … Nhưng đối với Chúa Giêsu thì những tội này lại đáng bị đưa ra tòa, thậm chí bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Đây thật là một bản án nghiêm khắc cho những ai đã, đang hoặc sẽ phạm tội này. Thực tế chúng ta thường không nhận thấy mình cũng thường xuyên mắc những tội này. Chúng ta cho rằng giận hờn, mắng nhiếc anh em, bè bạn là chuyện bình thường. Cuộc sống sao toàn vẹn được. Sống thì phải tương quan, mà có tương quan ắt có xung đột, dẫn đến giận hờn, chửi mắng thôi. Chính từ lối suy nghĩ đó mà ta cứ vô tư giận hờn, vô tư nói xấu người khác. Và một thực tế cho thấy rằng, từ những “tội nhỏ nhặt”: giận hờn, nghĩ xấu, nói xấu người khác đã đưa nhiều người phạm những tội nghiêm trọng về sau.

Và để tránh rơi vào tình trạng lãnh nhận hậu quả từ tội giận hờn, mắng chửi người khác, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy đi bước trước trong việc làm hòa với anh em, bạn bè. Để có thể làm được điều mà “xưa nay ta coi là nhỏ nhặt” này, ta cần phải rất khiêm nhường, hạ mình xuống.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra rằng giận ghét người khác là tính xấu cần thanh luyện để loại bỏ. Và cách tốt nhất để loại bỏ là xin cho con luôn biết khiêm nhường hạ mình để làm hòa với anh em con.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến,SVD

Thứ Bảy – Ngày 16 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Đnl 26,16-19

Tin Mừng : Mt 5,43-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

YÊU THƯƠNG KHÔN GIỚI HẠN

Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi các môn đệ của Người “hãy yêu kẻ thù và hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Chúa Giêsu đưa ra ba lý do để mời gọi các môn đệ tha thứ cho kẻ thù. Thứ nhất, mọi người được sinh ra trên trần gian đều là con cái của Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người, dù tốt hay xấu, đều là anh em với nhau của cùng một Cha trên trời, Đấng đối xử công bằng với mọi người, vì Ngài “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Vì là con của cùng một Cha, nên phải yêu thương nhau.

Thứ hai, theo lẽ thường thì người ta yêu kẻ yêu thương mình theo nguyên tắc có qua có lại mới toại lòng nhau. Các môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi vượt lên trên lẽ thường tình đó bằng cách mở rộng vòng tay yêu thương đến những người khác, trong đó có những kẻ mình không ưa, không thích, không hợp, thậm chí là thù nghịch. Yêu người không yêu mình, mến người thù ghét mình, nhân ái với người hại mình, đó mới là con đường của người môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã trở nên gương sáng tuyệt vời khi tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24).

Thứ ba, người môn đệ Đức Giêsu được mời gọi vượt lên trên những tiêu chuẩn của con người mà vươn tới sự hoàn thiện theo tiêu chuẩn của “Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nên hoàn thiện như Cha trên trời, đó mới là đích điểm của cuộc đời môn đệ Đức Giêsu

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nên giống Chúa hơn, nhất là trong việc sống triệt để giới răn yêu thương để mỗi ngày nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Phó Tế Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay – Năm C
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Chay – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.