Mùa Chay – Tuần II – Năm C

0
329

Chúa Nhật – Ngày 17 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc 1 : St 15,5-12.17-18

Bài đọc 2 : Pl 3, 17 – 4, 1

Tin Mừng : Lc 9,28b-36

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” […].

CHẤP NHẬN THẬP GIÁ

Thói thường, ai cũng muốn được sung sướng, hạnh phúc, công danh sự nghiệp rỡ ràng, được mọi người yêu quí và coi trọng. Mong ước đó không phải là điều xấu. Thế nhưng, cái cách để đạt được điều đó là điều mà mọi người cần phải học, bởi nhiều khi con người tìm đủ mọi cách, thậm chí bất chấp thủ đoạn, hầu đạt được điều mình mong muốn.

Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang cho ba môn đệ thân tín. Khi chứng kiến dung mạo Chúa Giêsu biến đổi đầy uy nghi, sáng láng, lại có thêm sự xuất hiện của hai nhân vật vĩ đại là Môsê và Êlia (x. Lc 9,29-30), ông Phêrô không khỏi choáng ngợp trước sự uy quyền của Thầy mình. Thế rồi, để níu giữ lại giây phút vinh quang này, ông đã xin dựng ba cái lều cho Thầy, Môsê và Êlia (x. Lc 9,33). Ước muốn lưu giữ lại khoảnh khắc linh thánh này là một cảm giác có thể hiểu được của ông Phêrô. Song, ông quên rằng thập giá đang chờ Đức Giêsu, thập giá mà chính ông đã can ngăn Thầy vác lấy (x. Mc 10,37); và thập giá mà chính ông cũng phải kinh qua như Thầy mình tiên báo.

Đối với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lúc này chỉ có vinh quang mà thôi chứ những điều Đức Giêsu loan báo về đau khổ và cái chết có lẽ các ông chưa, và thậm chí không muốn nghĩ tới. Các ông quên rằng, để có được vinh quang, điều mà các ông đang chứng kiến, cần phải trải qua đau thương. Bài học đó chỉ sau ngày Chúa Phục Sinh các môn đệ mới nhận ra. Đó cũng là bài học cho những ai đang bước theo Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để đón nhận thập giá cuộc đời, vì đó là cách mà Ngài đã vượt qua và chiến thắng sự chết.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Hai – Ngày 18 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Thánh Cyrillô Giêrusalem, tiến sĩ Hội Thánh.

Bài đọc : Đn 9,4b-10

Tin Mừng : Lc 6,36-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

BAO DUNG

Người Việt thường nói với nhau “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Triết lý này dường như ăn sâu trong nhận thức của nhiều người; nó góp phần cảnh tỉnh để người ta ý thức hơn về mọi hành vi của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không dùng luật nhân – quả để hù dọa, nhưng Ngài mời gọi đối xử tốt với nhau bằng lòng bao dung của Thiên Chúa.

Đức Giêsu mời gọi ta hãy dùng lòng bao dung và tình thương xót mà đối xử với tha nhân: không xét đoán, không lên án, hãy tha thứ, hãy cho đi. Ngài bảo đảm với ta rằng những gì ta ký gửi nơi tha nhân thì không hao hụt, mà ta sẽ nhận được nhiều hơn. Ta đong cho tha nhân đấu nào thì sẽ được Thiên Chúa đong lại cho ta bằng đấu ấy, nhưng Ngài còn dằn và lắc để làm sao cái đấu ấy có thể đựng được tối đa cho ta.

Xem ra trao ban tình thương cho người khác chẳng những ta không mất mát gì mà nó còn là một dạng đầu tư mang lại hiệu quả chắc chắn, thu được cả vốn lẫn lời. Thiên Chúa công minh và nhân hậu nên không để ta chịu thiệt bao giờ: việc xấu chỉ phạt tương xứng, việc tốt được đền đáp nhiều hơn. Nếu ta lên án hoặc xét đoán người khác thì sẽ bị Ngài lên án và xét đoán lại, nhưng nếu ta dùng tình thương mà đối đãi với tha nhân thì Ngài còn thể hiện tình thương ấy gấp bội cho ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra dung mạo của Chúa nơi những người chúng con gặp gỡ, để chúng con không lên án hay loại trừ, nhưng biết đón nhận họ bằng tất cả tình thương. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở nên bao dung và quảng đại trao ban.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Ba – Ngày 19 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

THÁNH GIUSE,

BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA.

Lễ Trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Tr).

Bài đọc 1 : 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16

Bài đọc 2 : Rm 4,13.16-18.22

Tin Mừng : Lc 2,41-51a

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.  Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrsalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

TÌM THẤY CHÚA

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hành hương của Thánh Gia lên Giêrusalem. Sau khi mừng lễ, hai ông bà trở về mà không biết rằng trẻ Giêsu đang ở lại Đền Thờ Giêrusalem.

Các Kitô hữu vẫn thường nhìn thánh Giuse là một con người sống âm thầm, khiêm tốn. Điều này không sai, tuy nhiên, thánh nhân còn là người cha, người chồng rất can đảm và mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ của người luôn biết lắng nghe tiếng nói của Thần Khí. Ơn trợ lực của Thần Khí giúp cho thánh Giuse can đảm đưa Mẹ Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập; nuôi dưỡng, bảo vệ và luôn đồng hành với con trẻ Giêsu. Khi con trẻ lưu lại Giêrusalem, thánh Giuse đã cùng Mẹ Maria trở lại tìm con.

Hành trình tìm Chúa luôn đòi hỏi sự kiên trì, điềm đạm lắng nghe. Hành trình này cũng đòi hỏi tôi phải đón nhận những thử thách, mất mát, những điều trái ý riêng của mình. Tìm gặp được Chúa là kết quả của ân sủng cùng với một sự cộng tác với lòng khát khao và kiên tâm bền chí.

Lạy thánh Giuse, xin ngài chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng con biết lắng nghe và đón nhận thánh ý Chúa trong những thăng trầm của cuộc hành trình tìm ơn cứu độ.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Tư – Ngày 20 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 18,18-20

Tin Mừng : Mt 20,17-28

[…] Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

PHỤC VỤ

Bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai người con đến gặp Đức Giêsu để xin cho “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Sự việc này đã gây ra một sự chia rẽ giữa các môn đệ. Nhân sự việc ấy, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ và cũng dạy cho mỗi người chúng ta là những người môn đệ của Chúa về sự phục vụ.

Đọc và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được rằng thang giá trị mà Đức Giêsu đưa ra thật khác lạ so với những giá trị của xã hội thời Đức Giêsu cũng như thời chúng ta ngày hôm nay. Bởi theo lẽ thường người ta muốn làm to, làm lớn để được ăn trên ngồi trước, để được kẻ hầu người hạ, để được phục vụ. Nhưng đối với Đức Giêsu, đối với con cái của Nước Trời thì hoàn toàn ngược lại. Người làm lớn là người tôi tớ, là người phục vụ anh em. Đức Giêsu đã phân tích cho ta rõ hơn về ý nghĩa của hai từ phục vụ này. Phục vụ là dám hy sinh từ bỏ chính mình cho người mình phục vụ, đó là trở nên đầy tớ, là phục vụ mà không tính toán, phục vụ không đòi đến đáp, phục vụ không mong chờ được phục vụ lại, và phục vụ không chờ đợi người khác ghi ơn. Quả vậy đó là một bài học cho những người đang muốn bước theo chân Đức Giêsu trên con đường phục vụ. Để rồi dám chấp nhận phục vụ bất cứ ai, phục vụ vì Chúa và vì tha nhân chứ không vì bản thân mình.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương của sự phục vụ, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa để sẵn sàng bước đi theo con đường phục vụ mà Chúa đã sống và đã dạy chúng con. 

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Năm – Ngày 21 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 17,5-10

Tin Mừng : Lc 16,19-31

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ Ông Ápraham  đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ […]

GIÀU CÓ PHẢI LÀ TỘI?

Có lẽ nhiều người, khi nghe Tin Mừng hôm nay, sẽ đặt câu hỏi: Giàu có phải là tội không? Dường như giàu có trở thành nguyên nhân chính để người đàn ông giàu có phải chịu cực hình sau khi chết! Nếu giàu có là nguyên nhân chính đưa tới cực hình sau khi chết thì chẳng lẽ chúng ta cứ phải “sống khổ” ở trần gian này? Hay thiên đàng chỉ toàn những người nghèo? Chắc hẳn Đức Giêsu không có ý như thế.

Tin Mừng cho thấy: ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình. Những điều này rất bình thường, chẳng sai phạm gì về luân lý. Mặc gấm vóc, yến tiệc linh đình chắc cũng chẳng có gì quá đáng khi ông hưởng một chút những thành quả do công khó nhọc của mình làm ra. Vậy tại sao ông vẫn phải xuống âm phủ sau khi chết để chịu cực hình?

Việc ông phải chịu cực hình sau khi chết không phải vì giàu có nhưng vì ông chọn cách làm giàu. Vì lẽ sống của người giàu thì không bận tâm tới người khác. Điển hình là ông chẳng biết gì đến Ladarô đáng thương đang nằm trước cửa với mụn nhọt đầy mình. Vì lẽ sống của người giàu là tiền của nên anh bỏ Chúa qua một bên. Anh coi tiền bạc như là mục đích tối thượng của mình. Do đó, việc anh phải xuống âm phủ sau khi chết vì anh chọn tiền bạc hơn Chúa mà tiền bạc thì không có chỗ trong lòng tổ phụ Ápraham.

Lạy Chúa, giàu có không đương nhiên là mối họa. Giàu có chỉ là mối họa khi chúng con không biết mở lòng ra với tha nhân. Xin cho chúng con luôn ý thức điều đó để  chúng con biết cho đi.

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Sáu – Ngày 22 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : St 37,3-4.12-13a.17b-28

Tin Mừng : Mt 21,33-43.45-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây: […] Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Đức Giêsu bảo họ: “Kinh Thánh có câu: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao? Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. […]

ĐÁ TẢNG

Khi nhìn những người thợ xây dựng các công trình, ta thấy họ phải bắt đầu từ phần móng. Công trình càng lớn thì phần móng càng phải được xây kiên cố và làm hết sức cẩn thận. Hơn thế nữa, chính những góc tường là những chỗ cần phải được quan tâm và làm cách thận trọng nhất.

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách Sáng Thế kể về việc các anh của ông Giuse, con của tổ phụ Giacóp, tìm cách giết em mình. Họ nảy sinh ý định như vậy do lòng ghen tức bởi Giuse được cha thương mến hơn họ. Thật trớ trêu thay, sau này, trong những ngày khốn quẫn, chính ông Giuse, người mà họ đã tìm cách giết, và bán trước đây với giá hai mươi đồng bạc lại là người đã cứu giúp gia tộc của mình khỏi nạn đói kinh hoàng kéo dài bảy năm trong vùng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại câu nói trong sách Thánh Vịnh và sách ngôn sứ Isaia: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118,22-23; Is 28,16). Tảng đá mà Chúa Giêsu nói tới đó chính là bản thân Ngài. Tảng đá ấy đã bị người ta loại bỏ ra ngoài. Người ta đã giết chết Ngài cho dù trước đó họ xét thấy Ngài chẳng có gì đáng chết. Thế nhưng, Thiên Chúa Cha đã dùng chính “Tảng Đá” bị người ta loại bỏ ấy để đặt làm viên đá tảng góc tường cho toàn bộ công trình của Người. Từ “Tảng Đá” ấy Giáo Hội được xây nên và phản ảnh Vương Quốc của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nhiều khi con đã không nhận ra được quyền năng của Chúa trên những gì xem ra là “tầm thường” bởi lòng ghen ghét đố kỵ che mắt con. Xin Chúa giúp con gỡ bỏ đi những gì làm cho con không nhận ra Chúa nơi anh chị em con.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 23 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Mk 7,14-15.18-20

Tin Mừng : Lc 15,1-3.11-32

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: […] Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng […]

PHƯỜNG TỘI LỖI

Tin Mừng nhiều lần nói đến việc các kinh sư và người Pharisêu chỉ trích Chúa Giêsu giao du với những người thu thuế và phường tội lỗi. Đối với họ, ăn uống với phường thu thuế và quân tội lỗi là một việc không thể nào chấp nhận được. Đứng trước những lời xầm xì chỉ trích như thế, Chúa Giêsu luôn phản ứng cách mạnh mẽ, Ngài nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình để minh chứng về phản ứng của Chúa Giêsu về điều đó. Trước những lời xầm xì của các kinh sư và người Pharisêu, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Người cha nhân hậu” nhằm biện hộ cho những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái thời bấy giờ, bị coi là sống vô đạo, vô luân.

Hình ảnh người con thứ trong dụ ngôn đại diện cho những người được xem là phường tội lỗi. Anh ta đã khước từ người cha, khước từ cuộc sống hiện tại để cao chạy xa bay, hầu tìm sự tự do để thỏa mãn cho việc ăn chơi phóng đãng của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà người cha hết thương anh, khước từ anh. Ngược lại, ông đã đau buồn, từng ngày mong ngóng anh trở về. Hình ảnh người cha ấy cũng chính là Thiên Chúa; Ngài vẫn ngày ngày chờ đợi những người tội lỗi ăn năn trở về để giao hòa với Chúa.

Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa, vì những thú vui trần thế, đã bao lần chúng con khước từ Chúa để đi tìm những lạc thú của cuộc đời. Đã bao lần chúng con cảm thấy luật Chúa là gánh nặng, làm chúng con mất tự do, vì thế chúng con đã sa ngã, đã phạm tội và sống trong tình trạng bất an. Xin cho chúng con biết trở về với Chúa là tình yêu. 

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Chay – Năm C
Bài tiếp theoCuộc Sống được dâng hiến cho Sứ Vụ thì Cao Quý

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.