Cuộc Sống được dâng hiến cho Sứ Vụ thì Cao Quý

0
545

Adeline Ayivor, SSpS

(Bài viết được lấy trong tác phẩm “Precious is the Life Given for Mission”, tr. 18-22)

“Cuộc sống được hiến dâng cho sứ vụ thì cao quí” là chủ đề của Lễ Kỷ Niệm 100 Năm. Chủ đề này có ba từ khóa gây ấn tượng với tôi đó là: cao quí, sự sốngsứ vụ. Khi chúng ta diễn tả một vài cái gì đó cao quí, nghĩa là nó rất quan trọng và đáng yêu đối với chúng ta. Từ một lá thư của Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Truyền Giáo (SSpS), tôi đã tình cờ tìm thấy người ta trình bày về “sự cao quí là một từ diễn tả về nước.” Tôi hoàn toàn đồng ý về cách diễn tả này. Tôi thấy nó rất chính xác vì nước thì quí giá cho sự sống. Như chúng ta biết, nước trao bao sự sống. Chúng ta sẽ suy nghĩ về một vài công dụng của nước. Thử tưởng tượng rằng, điều gì sẽ xảy ra với cây cối trong suốt mùa khô. Các bạn hãy tìm một vài cây gần chết, những cây khô lá, và một số cây không còn lá nào. Nhưng không lâu sau khi mưa xuống, những lá xanh bắt đầu đâm chồi, những cây yếu phục hồi sức sống, các sinh vật trong rừng được no thỏa cơn khát, các máng nước được rửa sạch, và môi trường sống bắt đầu dịu dàng. Sự khan hiếm nước có thể dẫn đến đói kém hoặc ngay cả sự chết chóc. Đầy đủ nước thì mang lại những mùa vụ bội thu cho con người. Các bạn có thể suy nghĩ về tất cả các giá trị của nước. Có một số ngoại lệ đó là nước cũng có thể phá hủy. Tuy nhiên, nước thì trao ban sự sống.

Giống như từ diễn tả về nước, chúng ta là những nhà truyền giáo của Gia Đình Arnold thì cao quí. Và để luôn giữ được sự cao quí ở mọi nơi với mọi người là ơn gọi của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta được kêu gọi là để trao ban sự sống. Chúng ta có thể trao ban sự sống qua lời cầu nguyện và những công việc tốt lành như hai thánh Arnold Janssen và Joseph Freinademetz đã làm.

Chúng ta được chúc phúc giữa một chủng tộc được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân tộc thánh thiện và một đất nước cao cả. Tất cả chúng ta được ban tặng món quà sự sống, một sự sống cao quí, để chúng ta có thể chia sẻ trong sứ vụ cứu độ của Đức Kitô, Lời mặc lấy xác phàm.

Có rất nhiều người đang cần đến tình yêu, sự nâng đỡ và sự ủng hộ của chúng ta. Có hàng ngàn người đang đói và khát Lời Chúa. Thỉnh thoảng chúng ta có thể đến với những người ở những nơi bị bạo lực, bị lạm dụng nhân quyền, môi trường bị phá hủy, thảm họa và đau khổ triền miên.

Là những nhà truyền giáo của Gia Đình Arnold, chúng ta luôn luôn bị thách đố để khẳng định niềm hy vọng ở giữa những thực tại khó khăn này cũng như những vấn đề cụ thể trong đời sống cộng đoàn của chúng ta. Tất cả chúng ta đều giống nhau, nghĩa là chúng ta được mời gọi để phục vụ bất chấp những khó khăn và trở ngại.

Tuy nhiên, là những nhà truyền giáo, để giữ được sự cao quí và trao ban tất cả những gì tốt nhất, chúng ta cần đi theo bước chân của hai vị thánh của chúng ta là Arnold và Giuse Freinademetz. Hai ngài đã đi trước để chúng ta theo sau và nếu chúng ta đổi hướng, chúng ta sẽ gặp hiểm nguy. Bí quyết số một của các ngài là luôn luôn kết hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa qua lời kinh nguyện. Sự thân mật của các ngài với Thiên Chúa, vốn là nguồn mạch của tất cả sức mạnh và sự khôn ngoan, đã giúp các ngài giữ được sự cao quí trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc.

Tất cả các hoạt động truyền giáo của thánh Giuse Freinademetz, nhiệt huyết và sự sẵn sàng hy sinh cũng như quyết định của ngài để theo ơn gọi truyền giáo, được cắm rễ sâu trong và sinh hoa trái bởi sự kết hợp của ngài với Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện.

Từ những câu chuyện về cuộc đời của các ngài, chúng ta nhận ra rằng thánh Arnold và Giuse Freinademetz là những con người cầu nguyện; các ngài cầu nguyện không bao giờ mệt mỏi. Hai ngài dành hàng giờ để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng như tôn kính Chúa Thánh Thần. Thánh Arnold nói: “Qua sự ở lại trong Thánh Thần, những lời cầu nguyện của chúng ta đủ mạnh để chọc thủng các đám mây và các công việc trở nên thánh thiện.”

Tuy nhiên, chúng ta đang được khuyến khích cũng như bị thách đố để tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong những kinh nghiệm thường ngày của mình.

Đức Giám Mục Hemminghaus đã viết về thánh Giuse Freinademetz rằng: “Thánh nhân là một người đã cảm nghiệm rằng đối với ngài cầu nguyện là một việc làm vô cùng cần thiết, là niềm vui của ngài.” Đức Giám Mục Hemminghaus viết tiếp: “Vào ban đêm khi mọi người đã đi ngủ, thánh nhân vẫn tiếp tục cầu nguyện hàng giờ trước Bí Tích Thánh Thể và đọc sách thiêng liêng.”

Chúng ta hãy tự lượng giá chính mình. Chúng ta có 24 giờ mỗi ngày. Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho Chúa? Hầu như chúng ta tốn nhiều thời gian cho những thứ khác hơn là cho Chúa. Thỉnh thoảng chúng ta để cho công việc, học tập hoặc các hoạt động khác điều khiển mà quên mất Thiên Chúa là nguồn sức mạnh và nguồn cảm hứng. Chúng ta đang bị thách thức để cho lời cầu nguyện thấm vào trong tất cả các hoạt động và kinh nghiệm của mình hơn là chúng ta làm việc hoặc học tập. Chúng ta chỉ có thể tìm sự khuyến khích và sức mạnh, sự khôn ngoan và kiên nhẫn để đảm nhận trách nhiệm được trao phó cho chúng ta, nếu chúng ta ở lại trong sự kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Đức Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng Gioan rằng: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5). Vậy chúng ta sẽ đánh mất bản tính cao quí của mình nếu chúng ta không cầu nguyện. Chúng ta sẽ giống như muối đã mất vị mặn hay như cành bị cắt lìa khỏi thân cây. Có một câu nói quen thuộc, đó là chúng ta không thể cho người khác cái chúng ta không có; tuy nhiên, chúng ta hãy ở lại trong Đức Kitô như thế chúng ta mới có thể phản chiếu Đức Kitô cho mọi người.

Như Thánh Arnold và Giuse Freinademetz khác nhau về tính cách, các ngài có những kinh nghiệm truyền giáo khác nhau. Nhưng cả hai ngài cũng theo một con đường, đó là thánh ý của Thiên Chúa.

Thánh Arnold bị thuyết phục rằng thánh ý của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, nên ngài đã khuyên bảo các linh mục, sư huynh và nữ tu của mình hãy tìm thánh ý của Chúa trong các biến cố của cuộc đời. Ngài đã tin rằng Thiên Chúa không để bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta, ngoại trừ những mục đích của chính Ngài.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng ta đó là nhận ra Thiên Chúa qua những công việc trong cuộc sống. Đó là lý do Kinh Thánh nói và tôi hát: “Trong mọi sự hãy tạ ơn vì đó là thánh ý của Thiên Chúa…” Chúng ta đang được khuyến khích để đón nhận những khổ đau khi chúng đến. Thánh Arnold một lần nữa nói, “Những đau khổ mà Thiên Chúa gửi đến là hồng ân từ đó mọi ơn ích cao quí được sinh ra, những ơn ích này chuẩn bị cho chúng ta một niềm vui lớn hơn.” Ngài nói tiếp: “Thiên Chúa yêu mến những ai cảm tạ Ngài ngay cả trong đau khổ.” Thánh Arnold luôn luôn trở về với lời dạy căn bản của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Ngài đã bị thuyết phục rằng, cố gắng mặc lấy tâm tình của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta khám phá ra thánh ý của Thiên Chúa và vâng theo thánh ý Ngài.

Các bạn có thể hỏi: “Bằng cách nào chúng ta có thể mặc lấy tâm tình của Đức Kitô?” Câu trả lời chỉ có thể là bằng cách lắng nghe và suy niệm Lời Chúa thì chúng ta mới có thể biết được tâm tình của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh-Ngôi Lời.

Theo nữ tu Mary Catherine, Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm (SSpSAP), “Cha Thánh Arnold đã học hỏi Lời Chúa bằng một sự cố gắng để đào tạo tâm trí của mình theo tâm tình của Đức Kitô.” Đó là bước đầu tiên để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa. Ngài cũng sẵn sàng lắng nghe các lời khuyên bảo của rất nhiều Giám mục và người khác trong quyền bính. Trong một số trường hợp, ngài cũng tham khảo ý kiến của nhiều người để tránh sự bối rối.

Giống như Tổ Phụ Abraham, người đã trung thành tuân theo ý của Gia-vê bằng cách rời bỏ quê hương và lên đường đi đến một nơi mà ngài không hề biết gì (cf. St 12: 1-4), thánh Giuse Freinademetz cũng vâng theo thánh ý của Thiên Chúa mà rời bỏ quê hương mình, Tyrol, để đến một vùng đất mà ngài không biết gì đó là, Trung Quốc. Ở đó, càng ngày ngài càng trở thành một người Trung Quốc hơn là một người Tyrol. Trong bài giảng chia tay của ngài tại nhà thờ thánh Martinô, ngày 11 tháng 06 năm 1878, thánh Giuse Freinademetz nói, ngài đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thôi thúc mình bằng những lời, “từ bỏ quê hương của con và đi với Vị Mục Tử Nhân Lành, để tìm kiếm những con chiên lạc và giúp đỡ anh chị em nghèo khổ nơi miền đất xa xăm.” Thánh nhân đã nghe những lời này của Thiên Chúa và đã đáp lại bằng những lời của bài hát Galilee: “Từ sâu thẳm của cõi lòng, tôi cảm nghiệm được lời mời gọi của Thiên Chúa đối với tôi từ bên trong… Vậy tôi bỏ con thuyền của tôi lại phía sau, bỏ nó lại cho bờ biển thân quen…”

Mỗi chúng ta cũng được mời gọi rời bỏ quê hương, gia đình và bạn bè, những bờ biển quen thuộc và tiện nghi của mình để đến với những nơi và những con người không quen biết. Với sức mạnh của mình, chúng ta không thể sống sót. Ơn Chúa, qua lời cầu nguyện, sẽ tăng thêm sức mạnh cho chúng ta để kiên trì mỗi ngày như những tôi tớ tốt lành của Thiên Chúa.

Giống như Salômon, thánh Arnold và Giuse Freinademetz là những mẫu gương của sự khôn ngoan. Các ngài đã không tìm kiếm gì ngoài sự khôn ngoan của Thiên Chúa bằng cách chăm sóc con người. Hai thánh đã diễn tả tinh thần yêu thương bằng đời sống của mình. Đây là nhân đức thúc đẩy thánh Giuse Freinademetz nói rằng: “ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu.” Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta được mời gọi như một gia đình để khuyến khích nhau và cầu nguyện cho nhau. Đôi khi chúng ta cứ quan tâm đến người ngoài và quên lãng hoặc thờ ơ đối với những nhu cầu và sự quan tâm của chính anh chị em SSpS và SVDs. Thánh Giuse Freinademetz một lần nữa khuyên chúng ta như ngài đã nói với các cộng sự của ngài: “Chúng ta hãy yêu thương nhau với một tình yêu huynh đệ. Chúng ta hãy kiên nhẫn với nhau và truyền cảm hứng cho nhau.” Thánh Arnold cũng khuyến khích chúng ta rằng: “Mọi sự đều có thể nhờ sức mạnh ân sủng của Chúa Thánh Thần.”

Đức Kitô, cây nho đích thực, đã hứa làm tất cả mọi sự trở nên mới mẻ nhưng nó phải bắt đầu với chúng ta từ hôm nay, bởi vì Ngài là đường.

[Joint SVD-SSpS Family Feast, Ghana, January 16, 2009]

Lm. Antôn Nguyễn Huy Quyền, SVD

Phó ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcMùa Chay – Tuần II – Năm C
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha cảm ơn cha giảng phòng cho Giáo Triều Roma

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.