Bài đọc 1: Cv 22,3-16 (hoặc Cv 9,1-22)
Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa, thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Đức Giêsu.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
3 Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, 5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.
6 “Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.
12 “Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy lại đi!’ Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
Đáp ca: Tv 116,1.2 (Đ. Mc 16,15)
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.
1Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.
2Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.
Tin mừng: Mc 16,15-18
15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.
16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.
17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.
18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Bài giảng / Chia sẻ
ƠN GỌI TÔNG ĐỒ
Tu sĩ G.B. Nguyễn Văn Tùng, SVD
Khi được hỏi về cơ duyên khiến ai đó làm công việc của mình, người ta thường trả lời cách nôm na rằng: “Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. Dường như, một dịp tình cờ hay một cuộc gặp gỡ vô ý nào đó khiến người ta trở thành mình của hiện tại với công việc đó. Người Kitô hữu thường không trả lời cách nôm na như vậy khi được hỏi về lý do trở thành Kitô hữu hay lý do trở thành một linh mục, tu sĩ. Chúng ta thường trả lời cách xác tín rằng tôi được Thiên Chúa kêu gọi. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ơn gọi của vị đại thánh của Giáo Hội, ơn gọi làm Tông Đồ của thánh Phaolô.
Các sách Tin Mừng tường thuật lại việc Đức Giêsu kêu gọi 12 người để làm Tông Đồ của Ngài. Trong đó, chúng ta không thấy bóng dáng của thánh Phaolô ở đâu cả. Mặc dù, thánh nhân không được Đức Giêsu kêu gọi trực tiếp mặt đối mặt như 12 vị kia nhưng ngài cũng được kêu gọi một cách đặc biệt để trở thành Tông Đồ loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân. Cuộc đời và ơn gọi của thánh nhân quả là một điều huyền nhiệm. Giáo Hội thường tôn kính thánh Phaolô như là vị Tông Đồ của dân ngoại. Ơn gọi làm tông đồ của ngài là một ơn gọi hết sức đặc biệt, một ơn gọi xoay chuyển một cuộc đời ngài và tương lai của Giáo Hội.
Kẻ bắt đạo thành người giảng đạo
Ít ai có thể ngờ rằng một Saolô nhiệt thành, người đã giữ áo dưới chân mình cho những người Do Thái trong vụ ném đá phó tế Stêphanô, người đã xung phong trong việc tìm và bắt các tín hữu cả nam lẫn nữ để đem về xử tội lại có một ngày nào đó thay đổi hoàn toàn để trở nên người Kitô hữu. Thậm chí, ông sẽ là một người loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Biến cố Đamát đã thay đổi tất cả. Sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật lại việc Saolô hăng hái dẫn người đến thành Đamát để bắt bớ, dẫn giải những người Kitô hữu về để xét xử. Đang lúc nhiệt huyết tràn trề thì ông đã ngã xuống bởi luồng sáng được chiếu ra từ thiên giới. Cũng từ đây, cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi, mọi thứ trật tự dường như được đảo chiều. Từ người đi bắt bớ, nay ông trở thành người bị bắt bớ. Từ một người đang sáng rõ, nay ông lại trở thành kẻ mù loà. Từ một người dẫn dắt những kẻ khác đi lùng bắt người ta thì nay ông lại cần phải được người ta dìu dắt dẫn lối từng bước đi. Từ một người hãnh diện nay không có gì để hãnh diện. Các chân giá trị với ông đã thay đổi hoàn toàn. Ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, tội lỗi và trong sạch, tất cả đã đảo chiều trong nhận thức của Saolô. Trước đây, con mắt ông sáng nhưng thực ra ông lại ở trong bóng tối. Nay con mắt ông tối nhưng ông lại được nhìn thấy ánh sáng đích thực, con mắt tâm hồn ông được mở ra để biết đâu mới là ánh sáng thật. Ánh sáng đó chính là Đức Kitô. Thiên Chúa có cách hoạt động riêng của Người. Không ai có thể nghĩ rằng, một người như ông có thể thay đổi và tin theo Đức Giêsu. Hoạ may, người ta chỉ mong rằng một ngày nào đó ông ngừng bắt đạo đã là may mắn lắm rồi. Thế nhưng, Thiên Chúa đã đi xa hơn thế. Người chọn lựa và biến đổi Saolô, biến ông từ một người nhiệt thành chống đạo thành một vị Tông Đồ vĩ đại trong việc rao giảng Tin Mừng đến cho muôn dân.
Biến cố Đamát đã giúp cho Saolô nhận ra chân lý và sự thật đích thực. Từ đây, ông trở thành một con người mới, Saolô nay đã trở thành Phaolô, vị Tông Đồ nhiệt thành, sẵn sàng chết cho đức Đức Giêsu. Nếu như xưa kia ông đã nhiệt thành bắt bớ các Kitô hữu bao nhiêu thì nay ông cũng nhiệt thành bảo vệ, loan báo Đức Giêsu đến cho mọi người bấy nhiêu. Cũng từ đây, với Phaolô Đức Kitô là tất cả lẽ sống, đến nỗi ông còn thốt lên rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?… Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). Kẻ bắt đạo nay trở thành người giảng đạo nhiệt thành, Phaolô đã trở nên một mẫu gương cho hết mọi người noi theo.
Ơn gọi Tông Đồ
Mừng lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, Hội Thánh cũng mong muốn nhắc nhở các con cái mình về ơn gọi của mình, ơn gọi làm tông đồ. Thông thường, người ta thường nghĩ rằng việc làm tông đồ thì chỉ dành cho các linh mục hay tu sĩ nam nữ. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ sai lầm. Bởi vì ơn gọi của mỗi người đều là ơn gọi làm tông đồ, là làm cho người ta biết và tin theo Chúa. Đó là nhiệm vụ chung của mỗi người Kitô hữu. Có thể, có người sẽ lập luận rằng tôi sống chưa tốt thì làm sao có thể làm tông đồ được, làm sao truyền giáo được. Nhìn vào gương thánh Phaolô, chúng ta hoàn toàn có thể có hy vọng rằng ai cũng có thể mang người khác đến với Chúa được, chỉ cần có khao khát và dấn thân thì sẽ làm được. Bởi vì Thiên Chúa có cách làm của Người, “Thiên Chúa có thể vẽ những đường thẳng bằng những nét cong”. Ngoài ra, mẫu gương của thánh Phaolô cũng giúp ta thêm lòng tin và hy vọng về tương lại tươi sáng của mình. Dù tội lỗi biết bao, nhưng Thiên Chúa luôn yêu mến và muốn cứu giúp con người khỏi chết. Con người dù tội lỗi biết bao nhưng vẫn luôn có thể trở lại. Vì “không có thánh nhân nào là không có quá khứ và không tội nhân nào là không có tương lai”.
Thánh Phaolô đã để lại một mẫu gương tuyệt vời về nhiệt tâm tông đồ cho mỗi người Kitô hữu noi theo. Ước mong rằng mỗi người chúng ta có thể học hỏi và noi gương bắt chước thánh nhân trở thành những chứng nhân, những tông đồ cho Chúa trong chính đời sống hằng ngày nơi gia đình, nơi công sở, nơi giáo xứ. Xin Thiên Chúa là Đấng kêu gọi chúng con ban cho cho chúng con luôn khao khát rao giảng Tin Mừng để chúng con luôn có thể thốt lên như thánh Phaolô rằng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con hồng ân đức tin, xin Chúa cũng giúp chúng con ý thức hơn về ơn gọi làm tông đồ của mình để chúng con cũng biết hết lòng để rao giảng và làm chứng cho Chúa ở mọi nơi và mọi thời. Amen.